BADDHA - Ngọc Bảo

23 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 88139)

 

baddha


Bhadda


(Tóc quăn)

 

 

Trong một tiền kiếp Bhadda đã sinh ra trong một dòng họ quý phái và tích lũy được nhiều công đức ; trong một kiếp khác cô là một vị công chúa mộ đạo tu tập chuyên cần, lập ra nhiều tịnh thất, và chưa bao giờ phạm giới trong nhiều ngàn năm.


Nhưng đó chỉ là những bước khởi đầu…



Trong kiếp này, Bhadda là một cô con gái được cha nhất mực nuông chiều. Cha cô là trưởng ngân khố của thành phố Rajagaha, một người giầu có sống trong một thế giới giầu sang uy quyền. Vương quốc Magadha sau khi thắng trận và chinh phục được các nước nhỏ chung quanh như Anga, Kasi, Kosala, cuối cùng là Vrjji, đã trở nên hùng mạnh, lên địa vị một nước lớn. Rajagaha là một trong những chiến lợi phẩm quý giá đạt được - một thành phố lớn với 200,000 dân, chung quanh có thành trì bao bọc kéo dài đến hàng bao nhiêu dặm.


Bhadda xinh đẹp, thông minh, nhưng chắc khó kiếm được một người chồng xứng ý, bởi vì tính khí cô thật cang cường và bất mãn triền miên. Lúc nào cô cũng tranh cãi – tranh cãi với đời, với mọi người, ngay cả với người cha yêu quý, và lạ thay, hình như điều đó lại càng làm cho ông thương và chiều cô hơn nữa. Ông chẳng biết tại sao Bhadda khó tính như vậy, nhưng trong thâm tâm ông cũng tự công nhận rằng chính những điều cô nói lại thường có lý. Cô có một trí thông minh tuyệt vời, một khả năng lý luận thật sắc bén.


Cũng như các anh chị em khác, Bhadda được một đám người hầu săn sóc cẩn thận. Mỗi ngày cô được họ tắm rửa, thay quần áo và đeo những đồ trang sức vào. Baddha ăn những bánh gạo, những đồ ngọt, các thức ăn quý như nem công chả phụng, đeo sau tai những đồ trang sức gắn lông công, và mái tóc dài đen mướt được vén lên, cột lại bằng những trâm lược trạm châu ngọc óng ánh. Cô bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ trong ngày học cắm hoa, thêu thùa, tập những thủ công nghệ khéo, và học thuộc lòng những chữ khó đọc. Nhịp điệu mỗi ngày đều đặn lướt qua sáng tối với những buổi cầu nguyện, cúng lễ các thần linh, vong linh, hay bố thí cho những người nghèo khó.


Cô đọc những bài hát tán thán đức Vệ Đà, có nghĩa là kiến thức, với nhạc cụ và những dụng cụ trợ giúp trí nhớ. Đó là cách học của con gái. Còn các anh em trai của cô được đọc những bài kinh Bà La Môn khó hơn, trong đó chỉ dẫn tỉ mỉ những thủ tục lễ nghi và giải thích nghĩa lý tiềm ẩn trong các bài hát. Cô biết họ được học khác hơn, bởi vì có lần đã lén rình thấy như vậy, và thường mơ ước được học những điều bí mật như họ.


Trong tâm tư, Baddha không có lúc nào được an ổn. Cô dậm chân bực tức khi các thầy dạy học đưa ra những câu trả lời vô nghĩa cho các câu hỏi cô đưa ra. Ở trong thế giới này nếu không có kiến thức thì sống làm gì? Cô tranh cãi và phân tích, cho đến khi lớp học chấm dứt trong sự mệt nhoài của các thầy dạy và làm cho cha mẹ cô cũng muốn khùng luôn.



Khi Bhadda lớn lên, cha cô bắt đầu tìm kiếm ý trung nhân cho cô, nhưng ông lặng lẽ loại dần họ đi, vì biết tính bất mãn của con gái mình sẽ làm cho người chồng mất tinh thần và gây phiền nhiễu cho nhà chồng. Đến tuổi 16, Bhadda được bảo vệ không cho tiếp xúc với những thanh niên ngoài gia tộc, và càng ngày cô càng rút sâu vào trong tâm hồn giông tố của mình, suốt ngày ngồi thẫn thờ im lặng bên cửa sổ.


Một hôm, đang đắm mình trong nỗi âu sầu ảm đạm không lý do, chợt cô nghe có tiếng trống vang lên trong đường phố, và thấy một đám lính đi ngang qua cửa sổ. Họ đang giải một phạm nhân đeo vòng hoa đỏ trên cổ đi ra “Mỏm đá Trộm Cướp”, nơi pháp trường để xử tử. Phạm nhân này tên là Satthuka, con trai của một vị đại thần trong triều đình. Vì thuộc giai cấp cao quý như vậy, nên hắn được miễn những hình phạt ghê gớm của những giai cấp thấp kém hơn, như là bị xiên thủng, nhận chìm cho chết, bị chém đầu, hay bị thiêu sống. Có lẽ hắn phạm một tội gì quan trọng lắm nên mới phải bị xử tử và không được hưởng những hình phạt nhẹ hơn cho giai cấp quý tộc, như là phải trả tiền phạt hay bị cạo đầu. Tuy nhiên, hắn cũng được gia giảm là cho chết mà không phải chịu những cực hình đau đớn, và có cơ hội được chấn chỉnh lại trong kiếp sau.


Bhadda nhìn vào phạm nhân, nhìn nét mặt điển trai đượm nét tinh ranh và đểu cáng, bỗng bị tiếng sét ái tình đánh thẳng vào tim. Cô gục xuống trên chiếc tràng kỷ êm ấm bằng lụa thêu, ái tình tràn ngập lòng, nằng nặc đòi cha như một đứa con gái nhõng nhẽo quen được cưng chiều vòi vĩnh:


“Cha ơi, con muốn lấy anh ta! Nếu không con sẽ chết mất, con chết mất thôi!”



Lòng ái dục của con người có những lúc thật ghê gớm, không gì có thể cứu vãn nổi, dù là một con người thánh thiện đã từng ở cõi trời nhiều kiếp trước đây chăng nữa.


Cha của Bhadda quá yêu con gái, đến mức không còn biết suy nghĩ thiệt hơn. Thật ra, chắc ông cũng không thể tin được rằng Satthuka sẽ là một người chồng tốt cho con gái mình, nhưng tình trạng lúc đó cũng tế nhị và khó xử đối với ông. Ông lý luận, và tự biện minh rằng, dù sao thì con gái cũng cần lấy chồng, và svayamvara - một thiếu nữ tự mình chọn chồng – không phải là điều hiếm có trong giai cấp cao quý. Cô vẫn có thể có được một lễ cưới theo nghi thức tôn giáo, và ông không cần phải lo hồi môn cho cô. Thế là cha Bhadda dại dột xiêu lòng. Với chức vụ trưởng ngân khố hiện có, ông có đủ quyền uy để can thiệp được dễ dàng và ngăn cản cuộc xử tử. Satthuka được tha bổng, và đám cưới của hắn và Bhadda được diễn ra ngay lập tức.



Sau những nghi lễ, cuối cùng khi chỉ còn lại hai người với nhau, Satthuka, lúc ấy vẫn chưa tin được vận may đến cho mình, nói với nàng Bhadda si tình rằng hắn phải đi làm một bổn phận tâm linh trước rồi mới bắt đầu bổn phận làm chồng được – đó là trước đây hắn đã nguyện với vị thổ thần ở mỏm đá rằng nếu hắn được sống sót thì sẽ ra đó cúng dường. Bhadda bèn sửa soạn lễ vật cúng dường, cùng đi với hắn ra tận chân mỏm đá, với một số người hầu cận theo tháp tùng.


Đến nơi rồi, Satthuka nài nỉ: “Để mấy người hầu ở dưới đi, em theo anh lên đó một mình được rồi.”


Tưởng đó là những lời mật ngọt tình yêu, Bhadda cảm động, đồng ý đi theo hắn lên tận đỉnh mỏm đá trên cao. Khi tới nơi, hắn quay lại nói với cô:


“Con bò ngớ ngẩn kia, đưa cho ta hết mấy đồ nữ trang của mi đi!”



Thật quả con người Sutthaka quá tham lam và ngu xuẩn, đến nỗi đã vứt bỏ cả một cuộc sống giầu sang trong tương lai để đổi lấy một ít nữ trang trong giây phút hiện tại. Ngay lúc đó, ngọn lửa ái tình trong Bhadda bỗng tắt rụi, ngọn lửa mong manh như tình yêu đến đi chớp nhoáng. Trong giây phút nguy hiểm này, cô chỉ còn trong tay một chút sáng suốt, với ý chí, và một trí óc siêu việt sẵn có.


Cô xin hắn: “Trước khi em chết, hãy cho em đến ôm anh một lần, được không?” Sutthaka nghe vậy, ngay lúc đó cũng cảm thấy thích thú trong lòng, bèn ưng thuận. Bhadda tiến đến, đưa đôi tay quấn đầy vòng vàng lên, và đẩy hắn rơi ngay xuống vực.


Trong khi Bhadda đứng sững nhìn vào vực sâu phía dưới, nơi Sutthaka đã ngã xuống, vị thổ thần ở mỏm đá hiện ra, ngỏ lời thán phục và khen ngợi trí khôn của cô.


“Đàn ông không phải là lúc nào cũng khôn hơn đàn bà,” vị thần mỉm cười nói. “Khi phụ nữ có đầu óc sáng suốt, họ cũng khôn lắm.” Nhưng lời nói của vị thổ thần không làm cho Bhadda vui, mà chỉ như cắt vào tim, vì đây không phải là sự khôn lanh mà cô muốn dùng đến bao giờ.



Nhân quả trùng trùng, mỗi giây phút qua là một nhân mới được tạo ra. Dù có giữ giới đến 20,000 năm, khi nghiệp tới cũng không thể ngăn được hành động tạo tác, hay cản được quả báo tới.


Một thời gian lâu, Bhadda ngồi lặng người, nghĩ đến những gì chờ đợi trước mắt trong cuộc đời. Cuối cùng, cô tự động cất bước ra đi – xa rời đám người hầu cận, xa rời gia đình, mái nhà thân yêu. Cô vừa đi, vừa nghĩ đến những vị tu sĩ khổ hạnh cô đã thấy trước đây trên đường phố trong những ngày lễ hội, trần trụi, bẩn thỉu, những câu chuyện kể lại về những người nam, người nữ đã bỏ cuộc sống thế gian và bổn phận để đi vào rừng sâu núi thẳm tu hành, không bao giờ trở lại. Họ được mọi người kính trọng và hơi có một chút sợ hãi; họ đã bước ra khỏi định mệnh của cuộc đời và từ đó, đã làm cho người ta cảm nhận được phần nào sự bất trắc của định mệnh trần gian. Baddha cảm thấy như mình đang bị cuốn hút vào một cơn sóng biến chuyển lớn, dường như đã diễn ra từ trước khi cô sinh ra, và không biết còn tiếp tục cho đến lúc nào nữa. Một đợt sóng vĩ đại tràn lên từ tận cùng thế giới cô đã từng biết trước đây, và dâng cao, cao mãi cho đến khi sắp sửa bùng vỡ. Cô tiếp tục đi mãi, cho đến khi gặp được một đám nữ tu đạo Jain. Cô tỏ ý muốn gia nhập với họ.


Họ hỏi: “Muốn tu tới mức nào? Khổ hạnh tới mức nào?”


Bhadda trả lời: “Tới mức cao nhất”.


Thế là họ lột hết quần áo và nữ trang của cô, rồi đưa cho một áo trắng dài để mặc. Khi cô chẳng còn gì, đi chân đất đứng trước mặt họ, họ dứt tóc cô ra khỏi đầu, từng sợi một cho tới tận rễ. 


Cô phải nỗ lực tu để không còn để ý đến một điều gì, không còn sở hữu, và không còn ước muốn gì cả - ngay cả đến cái chết. Cô không được có cảm giác vui sướng hay đau đớn, không hi vọng cũng không sợ hãi, cũng không được trốn tránh đương đầu với hiểm nguy hay tìm đến sự tiện nghi. Cô không được xâm hại bất cứ một chúng sanh nào đang sống. Những người nữ đồng tu với cô ai nấy đều khắc khổ, bẳn gắt – nhưng Bhadda không cần phải có bạn bên cạnh. Cô chỉ muốn có một lời giải thích thỏa đáng, nhưng không nhận được gì cả. Cô bắt đầu tranh luận với các bạn đồng tu đạo Jain, và luôn luôn thắng thế. Cô đặt câu hỏi, không ai biết được câu trả lời. Họ còn bảo cô không cần phải để ý đến câu trả lời.



Thế là Bhaddha bỏ đi, lang thang một mình khắp thế giới trong suốt 50 năm.


Cô đi chân trần, chỉ mặc một chiếc áo. Dần dần, tóc cô mọc lại, những sợi tóc quăn, nên được người đời gọi là Bhadda Kundalakesa – có nghĩa là Bhadda tóc quăn. Cô đi băng ngang nước Magadha, du hành về phía đông đến nước Anga gần biển, lên phía bắc đến Vrjji, rồi qua phía tây đến Kasi, đến thành phố thủ phủ Varanasi.


Vừa đi, cô vừa khất thực sống qua ngày, không để ý săn sóc gì đến thân thể; đối với cô thân thể chẳng có nghĩa lý gì cả. Tâm tư cô vẫn luôn luôn xáo động, cố tìm kiếm một điều gì đó đem lại sự an bình nghỉ ngơi. Mỗi khi đến một xóm làng mới, cô dựng một cành cây táo trên một mô đất cát gần ven biên của xóm làng đó. Trẻ con tò mò xúm lại xem – mấy đứa nhỏ ở trần, bẩn thỉu rách rưới, gò má nhô cao trên bộ mặt xương xẩu, đôi mắt đen sâu lõm. Cô bảo chúng đi loan truyền trong xóm rằng ai muốn đến tranh luận với cô thì hãy đến đạp lên cành cây. Mỗi nơi cô đều dừng lại một tuần để chờ người đến. Buổi tối, cô nằm ngủ dưới gốc cây hay trong một cái rãnh nào đó. Nếu không có ai đến, cô lại tiếp tục du hành đi nơi khác. Nhưng nếu có tranh luận, lần nào cô cũng đều thắng thế. Suốt trong những năm tháng trải dài, Bhadda đi tìm kiếm khắp mọi nơi, nhưng không gặp được điều gì làm cho cô có thể tâm phục. Trên thế giới này cô hoàn toàn cô đơn, không lúc nào có được sự bình yên trong tâm.

 


Khi Bhadda được 70 tuổi, bộ mặt nhăn nheo hằn những vết đất, thân hình gầy guộc trơ xương như cành cây khô, bà đến vườn Kỳ Viên gần Savatthi. Bà lại dựng cành cây táo lên, giải thích cho lũ trẻ nhem nhếch chung quanh về việc loan truyền tin muốn tìm người tranh luận. Sau đó, bà bỏ đi vào làng khất thực.


Lúc đó, Xá Lợi Phất, đại đệ tử trưởng lão của Đức Phật Thích Ca, đang đi tản bộ ở ven làng, bỗng thấy cành cây. Họ vừa mới an cư trong khu vườn mấy ngày, bây giờ đi ra ngoài đã thấy chuyện lạ. Khi nghe thằng bé mặt mũi lem luốc hăng hái kể lại về ý nghĩa của cành cây này, tôn giả bỗng thấy hứng thú, bèn bảo thằng bé:


“Đạp đổ cành cây ấy cho ta!”


Thằng nhỏ vui mừng đạp cành cây xuống, đang lúc cát đá văng ra tùm lum, Bhadda trở về.


Trong những ngày phiêu du Bhadda cũng đã có lần gặp gỡ một số đệ tử của Phật Thích Ca, vị hoàng tử nổi tiếng đã bỏ cung vàng điện ngọc để đi tu, nhưng lạ một điều là mấy người đó đều không muốn tranh cãi. Vì vậy, khi đứa trẻ nói với bà người hạ cành cây xuống là Xá Lợi Phất, người nổi tiếng biện tài, bà rất đỗi vui mừng.



Bhadda từ từ đi đến nơi các vị tăng đang tụ tập. Bà ngạc nhiên trước sự đông đảo của họ - cả trăm người nam nữ đang quay quần trên những thảm cỏ xanh dưới bóng cây xoài và cây cọ dừa. Họ ăn mặc giản dị, chân cũng đi đất như bà, đầu cạo trọc. Điều đập vào mắt bà là trông họ thật nhẹ nhàng yên ổn, dù đang ở trong một nhóm đông đảo như vậy.


Các vị tăng chăm chú theo dõi Bhadda đến gần Xá Lợi Phất dưới gốc cây, và khi họ đã ngồi xuống yên chỗ, đám đông bu quanh lại. Ngay lập tức Bhadda bắn ra những câu hỏi, thăm dò kiến thức của vị đại đệ tử danh tiếng. Bà hỏi ngài những điều trừu tượng như bản tánh của ngã, làm sao tiên đoán được tương lai, cách chuyển hóa cái ác, làm sao giao cảm được với những thần linh tiềm ẩn trong trời đất, và cái gì là sự thường hằng của Bhadda v.v..


Tôn giả trả lời từng câu một, với lý luận rành mạch của trí tuệ sáng suốt, trong sự điềm tĩnh, không phô trương. Ngài nhắc lại những câu truyện giản dị Đức Phật thường kể để làm rõ nghĩa , vẽ lên một bức tranh đời sống trong cái nhìn trung đạo, đón nhận sự tấn công mà không cần phản ứng đáp trả. Lần đầu tiên trong hơn 50 năm Bhadda không thể thắng thế. Bà không thấy có mục tiêu nào để đánh thắng được. Cuối cùng, bà bực bội nói:


“Thôi được rồi, bây giờ đến phiên ngài hỏi tôi xem nào?”


Xá Lợi Phất là một người đầy đủ trí tuệ, ngài thấy rõ Bhadda, một con người cô đơn khắc khoải, suốt đời đi tìm kiếm trong kiến thức một câu trả lời tối thượng mà kiến thức không thể đem đến được. Và bên trong con người khắc khoải ấy là một tâm trí sắc bén, một nỗi đam mê, một ý chí quyết liệt. 


“Cái gì là Nhất Như?” Xá Lợi Phất buông ra câu hỏi, đưa tay phác một nét bâng quơ.



Bhadda biết về Vệ Đà, về chân ngã tiểu ngã, về phạm thiên, linh hồn v..v… nhưng tất cả chỉ là những ý niệm trừu tượng và mơ hồ, bà không thể nói lên được gì. Cuối cùng bà chịu thua, không thể trả lời được.


Nhưng cùng lúc ấy, trong giây phút đầu óc trống rỗng, dứt bặt những suy tư lý luận, Bhadda bỗng chín tới như một trái táo chín ngọt ngào. Bao lâu nay, bà đã bỏ ra suốt một đời để tìm kiếm điều gì đây? Trong tất cả những năm tháng ấy, tất cả những điều bà thu thập được chỉ là những tên gọi. Hàng ngàn, hàng vạn ngôn từ, tên gọi, để tìm cách giải thích những điều bí ẩn trong đời sống. Nhưng ngôn từ hữu hạn không thể nào đem ra để định nghĩa hay đặt tên cho bản chất vô biên vô hạn của đời sống. Trước mặt Xá Lợi Phất, Bhadda quỳ gục xuống - lần đầu tiên trong đời, kể từ lúc nhỏ cho đến lúc già, bà đã biết quy phục.


“Con xin quy y theo Ngài – xin ngài thu nhận con vào tăng đoàn tu tập.”


Xá Lợi Phất trả lời:


“Không, đừng quy y theo ta, hãy quy y với Đức Thế Tôn. Tối nay, bà đến ngay tịnh xá xin yết kiến Ngài đi.”


Trong khi nghe Xá Lợi Phất nói, Bhadda đê đầu đảnh lễ sát đất. Tôn giả cũng cúi đầu xuống kề sát bên mái tóc quăn bạc mầu của bà. Cuộc tranh luận đã chấm dứt – chỉ còn lại tinh thần thân mật, không thua, không thắng.


 

Đợi đến tối, Bhadda mới đi đến tịnh xá. Bhaddha con người tranh luận hơn thua của ngày xưa đã chết, nhưng Bhadda mới vẫn chưa sinh ra. Trong sự bình thản lạ thường, bà chờ đợi sự xuất hiện của con người mới này. Nhìn xuống thân thể của mình, lần đầu tiên bà để ý thấy đôi bàn chân cáu bẩn, chiếc áo lấm lem nhầu nát, những móng tay dính đất đen đủi, và quyết định đi xuống sông tắm.


Đêm xuống trên vườn Kỳ Viên, những vị tăng bắt đầu vân tập chung quanh Đức Phật, nghe ngài nói Pháp. Đức Phật nói chuyện một cách tự nhiên, những tiếng nói đi sâu vào lòng người, như không có sự cách biệt giữa người nói và người nghe. Bhadda, lẩn khuất giữa những vị tăng, trong vô thức bỗng cảm thấy như đang bị cuốn hút đến ngài, giống như ngài đang có một cuộn dây cuốn tròn bà đến với ngài vậy. Và rồi bà đứng trước mặt ngài. Bốn mắt nhìn nhau – và Bhadda cảm thấy sự giao cảm với Đức Phật, như hai người bạn cũ gặp lại nhau vậy.


Đức Phật nói, rất nhẹ nhàng:


“Kiến thức học hỏi hàng ngàn hàng vạn quyển cũng không bằng chỉ một câu nói đem lại sự bình an.”


Ai biết ngọn gió nào làm nở bừng đóa hoa? Đóa hoa Bhadda này đã kết nụ từ khi cây chỉ mới gieo hạt giống, và sẽ còn tiếp tục nở hoa cho đến khi cây trở về với cát bụi. Nhưng trong giây phút ấy, cánh hoa cuối cùng đã mở ra với trời và đất, hoàn toàn mở rộng từ nụ cho đến hoa, trái, cây, hạt giống. Bhadda đã tỉnh giác, không có biên giới trong ngoài.


Đức Phật đưa tay ra nói:


“Bhadda, hãy đến đây!”

 


Trong tất cả những vị ni đã thọ giới, duy chỉ có Bhadda là được thọ giới từ chính tay Đức Phật. Bà được nổi tiếng mãi mãi về trí tuệ lanh lẹ và sắc sảo. Nhưng chúng ta đều biết cũng như bà, rằng bà còn có một thời gian dài trước mặt để cảm nghiệm những điều đã chứng ngộ. Bà rời khỏi vườn Kỳ Viên, và suốt cuộc đời về sau, trong một thời gian rất dài, đã đi lang thang bốn phương trời. Bà đi trong cuộc đời như đi dạo chơi, một bóng hình cô độc nhưng không bao giờ cô đơn, bởi vì đã hòa nhập làm một với vũ trụ. 

 


Ngọc Bảo


(trích Danh Ni Truyện)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc