BÀN VỀ NHÂN DUYÊN NHÂN QUẢ- Diệu Huyền

29 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 67725)


tranh_sen_0



BÀN VỀ NHÂN DUYÊN NHÂN QUẢ

 


Thanh và Tịnh là hai bạn đạo thân thiết, thường đàm đạo với nhau về Phật pháp dưới bóng cây tươi mát của một ngôi chùa. Hôm nay, trong mùa hè rực rỡ, hai người bạn ngồi ngắm hồ sen trong chùa đang có những đóa sen nở rộ tươi thắm, một phong cảnh hữu tình gợi lên những cảm xúc dễ chịu và thuần khiết. Nhìn những đóa sen, Thanh nói:


- Chị Tịnh à, có phải hoa sen cũng tượng trưng cho nhân quả không?


Tịnh đáp:


- Phải đó, bởi vì trong lòng những cánh hoa sen tươi đẹp đó đã có đài sen với những hột sen sẵn ở trong đó rồi. Các loài hoa khác khi tàn rồi mới bắt đầu ươm trái, còn hoa sen đã có trái ngay khi còn đang là nụ hoa, cho thấy nhân và quả là đồng thời với nhau, trong nhân đã có quả, và trong quả đã có nhân.


Thanh:


- Nói đến nhân quả thì em có thể hiểu được, vì những điều gì mình làm đều có hậu quả của nó, ai cũng biết. Trong ngạn ngữ Việt Nam mình cũng có câu: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” hay “Gieo gió gặt bão” đó... Nhưng em chưa rõ lắm về chữ “nhân duyên” hay dùng trong đạo Phật. Nhân duyên với nhân quả có khác nhau hay giống nhau không chị?


Tịnh:


- “Nhân duyên” với “nhân quả” khác nhau nhưng có liên hệ với nhau. Nhân quả là quy luật, là chân lý của vũ trụ. Hễ gieo nhân gì thì hái quả nấy. Trồng cam thì sẽ ra trái cam, trồng quít thì ra trái quít. Quy luật là nhất định, không thay đổi. Con người chúng ta sống trong nhân quả, làm việc gì cũng có những hậu quả tác động đến chính mình và những người chung quanh. Chúng ta đều biết những điều như: không học bài thì không thi đậu, không biết giữ sức khỏe thì sẽ sinh bệnh, biết siêng năng làm việc thì sẽ thành công trong sự nghiệp v.v…


 

Còn nhân duyên là một quá trình để đưa đến hay tạo thành một điều gì đó. Nhân duyên giúp tạo nên nhân quả. Nói ví dụ, một hột giống tức là “nhân” phải có “duyên” tức là đất nước gió lửa, mới trở thành một cái cây đơm hoa kết trái được, tức là “quả”. Vì vậy, “duyên” là yếu tố tác động giữa “nhân” và “quả”. Tiếng Anh gọi nhân quả là “cause and effect” còn nhân duyên là “cause and condition”. Cho nên, duyên cũng có một ý nghĩa là điều kiện, điều kiện xấu hay điều kiện tốt cũng được gọi là nghịch duyên hay thuận duyên. Tất cả mọi sự trên thế gian này đều do nhân duyên hợp thành. Kể cả những vật vô tri vô giác như cái bàn, cái ghế cũng là do nhân duyên từ người đốn cây lấy gỗ, rồi người thợ mộc dùng những dụng cụ cưa xẻ v.v.. mới làm ra được một sản phẩm cho chúng ta dùng. Nói về con người, chúng ta cũng do nhân duyên mà sinh ra, rồi trong cuộc đời biết bao nhiêu nhân duyên đưa đến khiến ta sống tại một nơi nào đó, kết giao với những người nào, làm những việc gì v.v…không có gì là tình cờ hay ngẫu nhiên cả.


Thanh:


- Em thấy ở ngoài đời người ta cũng dùng chữ duyên rất nhiều, như là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng” v.v.. tức là có duyên mới gặp được nhau, còn không có duyên thì dù có ở gần nhau cũng không đến với nhau được. Vậy rồi có những danh từ như là “duyên phận” hay “duyên số” v.v.. Vậy chúng ta phải giải thích chữ “duyên” ấy như thế nào? Có phải đó cũng là duyên trong đạo Phật không?


Tịnh:


- Chữ duyên ấy cũng là duyên của nhân duyên, nhưng chúng ta phải biết rằng Nhân mới là quan trọng nhất, không có nhân thì dù có duyên cũng không thành gì được. Nói ví dụ, một người muốn phát tâm học đạo sẽ tìm đến các đạo tràng hay chùa chiền, nghe giảng pháp, đọc kinh sách, từ đó họ sẽ có duyên gặp được các bậc tri thức chỉ dẫn cho họ tiến tu hơn. Còn người thích đi đánh bạc thì lai vãng mấy chỗ rượu chè cờ bạc, gặp gỡ những người không tốt, rồi từ đó gặp những duyên xấu khiến họ sa đọa đi. Bởi vậy duyên trong đời đều khởi đầu từ “nhân” là tâm của con người và từ nhân đó mà chiêu vào những duyên tốt hay duyên xấu.

 


Trong chữ Hán, chữ “duyên” được viết với bộ “mịch” có nghĩa là sợi dây, nên cũng có ý nghĩa như một sự nối kết, ràng buộc với nhau, như duyên phận hay duyên số. Sự ràng buộc của duyên ấy không phải là ngẫu nhiên, mà hàm chứa nhân quả hay “nghiệp” ở trong đó. Cái duyên đưa người ta đến với nhau có thể là do lòng ái dục, do ân oán nợ nần từ kiếp trước – bởi vậy, cũng có chữ “duyên nợ” để chỉ cho những ràng buộc vợ chồng. Cái duyên đưa đến một việc xẩy ra tự nó có thể là cái nhân, hay cái quả của một việc khác, nếu tìm hiểu thì thật bao la không thể nghĩ bàn được. Có cái nọ lại sinh ra cái kia, nên có câu nói “trùng trùng duyên khởi” là vậy. Nhưng cũng nên nhớ rằng nhân duyên hay nhân quả đều có quá trình “thành, trụ, hoại, không” như tất cả vạn pháp trên thế gian này. Duyên hợp rồi sẽ có lúc tan, quả tới lúc chín rồi thì cũng rơi rụng và tan rã thôi.


Thanh:


- Nếu theo như chị nói, duyên đến cũng là do “nhân” tức là tâm con người mà có, như vậy nếu mình rất muốn một điều gì đó thì có thể tự tạo duyên cho điều đó thành được không?


Tịnh:


- Chúng ta tuy ở trong nhân duyên, nhưng không phải là hoàn toàn thụ động, mà cũng có thể chủ động làm nên số phận của mình. Vì vậy, nếu thực sự muốn có được một điều gì, có thể nghĩ đến những phương cách nào đó để đạt được điều ấy, tuy nhiên tất cả đều ở trong vòng nhân quả, trước khi làm điều gì phải suy xét cho kỹ hậu quả rồi mới nên làm. Cũng phải biết rằng có những nhân duyên đến từ những kiếp xa xôi nào đó, có những nhân duyên ngay trong đời hiện tại, nên một điều gì dù muốn đến đâu cũng không thể cưỡng cầu được. Trong dân gian mình có những câu rất hay như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, hay “thất bại là mẹ thành công” – tuy nhiên, nhiều khi chưa chắc đạt được điều gì mình muốn đã là tốt, mà không đạt được đã là xấu. 


Thanh:


- Nhiều khi người ta hay cầu nguyện cho điều gì mình muốn được thành tựu, và cũng có khi đạt được điều đó, theo chị như vậy có hợp với nhân duyên hay nhân quả không?


Tịnh:


- Nói đến cầu nguyện cũng có nhiều điều phức tạp. Cầu nguyện trước hết có hiệu quả là đem lại sự an ổn cho tâm hồn, dù chỉ là cầu xin một điều gì đó. Nếu cầu nguyện cho người khác hay cho sự cải thiện của mình là gieo một nhân lành trong tâm, từ đó làm những việc lành, thì có thể đưa đến những trợ duyên tốt đẹp qua sự cảm ứng với lực thiêng liêng của chư Phật. Còn nếu cầu nguyện với tâm si mê vị kỷ, chỉ biết lợi cho mình thì không tạo nhân lành, khó mà có kết quả tốt đẹp được. Nhưng nếu sự cầu nguyện ấy khởi đầu từ tâm vị kỷ rồi dần dần phát triển thành thiện tâm và lòng vị tha thì sẽ có kết quả tốt lành. Tất cả đều không ngoài luật nhân quả. Cầu nguyện trong sự tin tưởng chân thành và mục đích hướng thượng sẽ có tác dụng chuyển hóa được thân tâm, giải trừ nghiệp chướng, và khai triển một năng lực giúp chúng ta có thể vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời.


Thanh:


- Thật là nhân quả với nhân duyên sao quá phức tạp, chị Tịnh nhỉ. Hiểu ý nghĩa không đã đủ khó rồi, còn phải làm sao ứng dụng để sống nữa chứ. Như vậy chúng ta cần phải biết về nhân duyên, nhân quả mà sống theo đó, lo làm lành lánh dữ để không tạo ra ác nghiệp cho mình, và nếu có gặp hoàn cảnh không thuận lợi thì cũng phải biết chấp nhận mà coi đó như là quả của những gì mình tạo ra trước đây, phải không chị.


Tịnh:


- Đúng vậy, biết sống tùy duyên là người biết đạo rồi đó. Trong “Nhập đạo Tứ Hành Quán”, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma có nói đến “Tuỳ duyên hành”, tức là biết sống tùy duyên, xem mọi sự may rủi đến với mình là do nhân duyên hợp thành thì sẽ không bị vướng mắc vào đó mà vui mừng hay đau khổ, sống an lạc tự tại trong mọi hoàn cảnh.

 

Còn có câu nói “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, vậy chúng ta cũng phải noi gương bồ tát mà cảnh giác với những gì mình làm, xem nó sẽ gây nên những hậu quả như thế nào rồi mới hành động, như vậy mới không chịu đau khổ về sau. Chúng ta phải ráng tự nhắc nhở như vậy nhé.


Thanh:


- Dạ, em biết rồi. Chị Tịnh ơi! Quả trong nhân hoa sen đẹp quá!

 

 

Diệu Huyền


Tháng 7, mùa hạ 2012 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật