SỰ THƯỜNG HẰNG NỘI TẠI - ngữ lục của Tứ Tổ Đạo Tín

25 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 31764)



SỰ THƯỜNG HẰNG NỘI TẠI


Đạo Tín


(580-651)

 


dao_tin Đạo Tín là Thiền sư Trung Quốc, Tổ thứ tư của Thiền Tông. Dưới pháp môn của Sư, Thiền được chia thành hai nhánh, đó là nhánh Ngưu Đầu Thiền do Pháp Dung thành lập và nhánh thứ hai là Thiền tông do Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nối tiếp. Các sử gia sau này không xếp Ngưu Đầu thiền vào Thiền chính tông của Trung Quốc.


Sư đại ngộ sau khi tham vấn Tam tổ Tăng Xán. Gặp Tổ, Sư quỳ lạy cầu cứu: "Xin Hoà thượng chỉ dạy con pháp môn giải thoát." Tổ bảo: "Ai trói ngươi?" Sư đáp: "Chẳng thấy ai." Tổ bảo: "Sao ngươi lại tìm giải thoát?" Nghe câu này, Sư đạt yếu chỉ. Tổ khuyên Sư hướng dẫn môn đệ tham thiền theo kinh Nhập Lăng Già.


Học giả đến Sư rất đông. Từ đây Thiền tông bắt đầu tiến lên giai đoạn mới, tăng sĩ không còn nay đây mai đó khất thực mà tu học định cư tại các thiền viện. Ngoài ra, việc nghiên cứu học hỏi kinh sách không còn giữ giá trị tuyệt đối nữa mà thay vào đó là sự ứng dụng. Thực hành Phật pháp được coi trọng hơn hết và đó cũng là một trong những đặc điểm cơ bản đưa Thiền tông lên cao trong đời nhà Đường.


(Theo Wikipedia)

 



Ngữ lục của Tứ Tổ Đạo Tín:


 

Có một “tâm nhất quán và không lay chuyển” tức là biết dùng con mắt không lặng và thanh tịnh để giữ tâm tập trung vào một việc, đêm ngày không ngưng nghỉ, chuyên chú và bất động, trong sự nhiệt tình. Khi tâm sắp sửa phóng đi như con ngựa, phải kềm nó lại, như sợi dây cột chân một con chim để giữ cho nó không bay đi. Suốt ngày không ngừng tỉnh giác để dứt trừ mọi nhiễu loạn, như vậy tâm sẽ được an định. Kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm thu nhiếp là nơi chốn của giác ngộ”.

 

Đó là phương cách để thu nhiếp tâm.


 

Kinh Liên Hoa nói: “Từ vô thủy kiếp cho tới nay, qua sự dứt trừ hôn trầm và giữ cho tâm luôn thu nhiếp, dụng công tinh tấn, bạn có thể đạt đến nhiều mức độ của thiền”. Kinh Dịch nói: “Hãy xem tâm như chủ nhân của năm giác quan; giữ cho tâm an định một chỗ thì không có gì là không làm được.”


 

Những nguyên tắc chân chính của Đại Thừa:


 

“Có năm nguyên tắc chính được tóm tắt như sau:

 

  1. Biết được cái bản chất tinh yếu của tâm. Chân tính vốn là thanh tịnh. Tính ấy cũng đồng với tính Phật.
  2. Biết được cái dụng của tâm. Tâm dụng làm Pháp bảo luân chuyển, luôn luôn hoạt động nhưng vẫn thường yên tịnh. Những ảo vọng si mê cũng đều như thế.
  3. Tánh giác là hằng thường, không gián đoạn. Tâm giác luôn luôn hiện diện ở nơi ta. Thuyết pháp về tâm giác phải vô tướng (không thấy tướng ngã, tướng nhân).
  4. Luôn luôn quán chiếu thân là không lặng và yên tịnh, trong ngoài đều nhất như. Thân tự nó đã ở trong tâm điểm của một Thực Tại tối thượng, không hề có chướng ngại.
  5. Giữ tâm nhất quán không lay chuyển. Động và Tịnh đều hiện diện cùng một lúc. Được như thế, hành giả sẽ rõ ràng thấy tánh và nhập vào cửa Thiền không chậm trễ.

 


Những điều nói ở trên đều đặt nền tảng trên kinh sách và đúng với chánh pháp, không có gì là giả dối. Đây không phải là những điều huyễn hoặc mà là chân lý tối thượng.

 


Vượt khỏi hàng Thanh Văn thừa, hành giả lập tức tiến lên con đường Bồ tát Đạo. Những ai nghe được giáo pháp này cần phải tu tập ngay, không nghi ngờ. Như người tập bắn cung, khởi đầu người ấy bắn sai mục đích khá xa, nhưng rồi sẽ bắn được gần đúng mục tiêu, chỉ cách một chút xíu. Đầu tiên người ấy nhắm bắn vật gì lớn, rồi sau đó là vật nhỏ hơn, cho đến khi bắn chẻ được một sợi tóc, rồi chẻ sợi tóc thành 100 phần, sau đó chẻ được tới 1 phần trăm của sợi tóc.

 


Giai đoạn tiếp theo là mũi tên sau bắn trúng vào đuôi mũi tên trước đang lơ lửng trên không trung. Một dãy mũi tên bắn nối tiếp nhau không làm cho những mũi tên bắn trước bị rơi xuống đất. Hành giả tu tập đạo Phật cũng như vậy. Từng giây từng phút, hành giả đều an trú nơi tâm. Giữ cho sự tỉnh giác không đứt đoạn ngay trong những tư tưởng nối tiếp nhau; phải thực tập chánh niệm không ngưng nghỉ ngay trong giây phút hiện tại và ở đây.

 


Kinh Bát Nhã nói: “Dùng mũi tên trí tuệ để bắn trúng ba cửa của giải thoát và bằng những mũi tên nối tiếp nhau, không cho chúng bị rơi xuống đất”.

 


Cũng như người lấy đá cọ sát để có lửa, nếu nửa chừng đá chưa nóng đã cảm thấy mệt mỏi và ngưng lại, lửa sẽ không thể sinh ra được, dù người ấy muốn có lửa đến đâu.


Cũng như có một viên ngọc Như Ý gia bảo cho đạt được mọi điều ước muốn, nhưng đột nhiên viên ngọc gia bảo ấy lại bị mất đi. Lúc đó, viên ngọc gia bảo ấy không có một giây phút nào mà không được nghĩ tới.

 

Cũng ví như một mũi tên độc xuyên qua da thịt. Tuy càng mũi tên ấy bị rút ra rồi, nhưng đầu nhọn vẫn còn ở sâu trong da thịt, làm cho đau đớn dữ dội và triền miên - khiến tâm không có giây phút nào mà không nghĩ đến điều đó. Tu tập Thiền cũng phải như vậy.

 


daoxinGiáo pháp này rất sâu xa và quan trọng. Ta không truyền lại cho những kẻ không có căn cơ thích hợp. Chẳng phải là ta hẹp hòi gì mà không muốn truyền lại Pháp, nhưng chỉ sợ rằng những người ấy không có niềm tin, lại rơi vào sự lầm lẫn mà làm những hành động phỉ báng Pháp. Cần phải lựa lọc người để tránh những trường hợp nói pháp vội vàng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận!

 


Tuy biển Pháp là vô biên, nhưng sự tu tập trên thực tế chỉ gồm vào một chữ. Khi hiểu được ý rồi, ngôn từ không còn cần thiết, ngay cả một chữ cũng là vô dụng. Khi bạn đã đạt đến sự hiểu biết hoàn toàn như vậy, là có được tâm Phật.

 


Lúc mới bắt đầu tập ngồi thiền, hãy ở một nơi yên tịnh và trực tiếp quán chiếu đến thân và tâm. Hãy quán chiếu đến bốn yếu tố (tứ đại) và ngũ uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức), sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), và tam độc tham sân si, xem chúng là tốt hay xấu, là kẻ thù hay đồng minh, là phàm tục hay thánh thiện, và cứ như vậy mà xét tới từng cái một trong sự hiện hữu của mình. Bạn sẽ nhận ra rằng, từ bản lai chúng vốn là không, không khởi cũng không mất, bình đẳng và không đối đãi. Từ bản lai chúng vốn không hiện hữu, và nền tảng tột cùng là sự không lặng hoàn toàn. Từ bản lai, chúng vốn là thanh tịnh và tự do.

 


Hãy luôn tập quán chiếu như vậy, ngày cũng như đêm không ngưng nghỉ, trong mọi lúc đi đứng nằm ngồi. Rồi bạn sẽ thấy thân của bạn giống như bóng trăng phản chiếu trong đáy nước, như hình ảnh trong gương, như không khí trong ngày hè nóng nực, hay như tiếng vang từ thung lũng trống không. Nếu bạn nói những điều này có hiện hữu, khi bạn nhìn khắp nơi sẽ không tìm thấy chúng. Nếu bạn nói chúng không hiện hữu, bạn sẽ thấu hiểu được rằng chúng vẫn luôn ở trước mắt bạn. Pháp thân của vô số Phật cũng như thế. Điều đó có nghĩa rằng, bạn phải hiểu là từ vô lượng kiếp về trước, (pháp) thân của bạn chưa từng sinh ra, và từ vô lượng kiếp về sau, cũng sẽ không chết đi.

 


Nếu thường xuyên quán chiếu như vậy, bạn sẽ tỉnh ngộ mà sám hối tuỳ thuận theo thực tại, và mọi ác nghiệp tích lũy từ cả ngàn hay mười ngàn kiếp trước sẽ tự nhiên tiêu tan. Chỉ những người nào còn nghi ngờ, không thể phát khởi lòng tin mới không thể đạt được sự giác ngộ. Nếu tu tập với niềm tin khởi phát, không ai là không mở được cánh cửa vào thực tại vô sinh vô diệt của chân lý.

 


Lại nữa, khi tâm bị vướng mắc trong những hiện tượng khi ngồi thiền, một khi nhận ra rồi, hãy lập tức tập trung quán chiếu đến tận gốc rễ những hiện tượng này và thấy chúng không có nền tảng nào thực sự. Khi tâm vướng mắc vào một chỗ, tâm ấy không từ đâu đến trong mười phương thế giới này, và khi tâm luân chuyển đi, cũng không đi đến chỗ nào cả. Hãy thường xuyên theo dõi những vướng mắc trong các hiện tượng bên ngoài, quan sát mọi khái niệm, mọi tư tưởng sai lầm, những tạp niệm. Nếu tâm không khởi nhiễu loạn, tức là bạn đã điều ngự được những hoạt động phan duyên thô tháo này.

 


Khi bạn đã có một tâm yên tịnh và không còn phan duyên theo những hiện tượng bên ngoài, tâm bạn sẽ dần dần an định và từng bước một sẽ đoạn trừ được những đam mê đủ loại. Từ đó, bạn sẽ không còn tạo ra những ảo tưởng mới, và có thể coi như đã được tự do (giải thoát). Nếu có khi nào nhận thấy tâm mình đang bị ràng buộc trong những si mê, hay cảm thấy buồn phiền, chán nản, rơi vào tình trạng trì trệ u mê ám chướng, bạn phải lập tức thoát ra khỏi tình trạng đó và tự điều chỉnh lại. Mọi sự sẽ dần dần trở về với trật tự, tuy rất chậm chạp. Khi bạn đã làm được điều ấy, tâm sẽ tự nhiên trở nên an ổn và thanh tịnh, nhưng bạn phải luôn cảnh giác, giống như đang bảo vệ tính mạng của mình vậy! Đừng nên cẩu thả lơ đễnh. Hãy cố gắng tinh tấn lên! Cố gắng tinh tấn lên!

 


Khi bắt đầu thực tập tọa thiền quán tâm, hãy một mình đi đến một nơi riêng biệt ngồi thiền. Đầu tiên giữ cho thân được thẳng, ngồi cho đúng cách. Mặc quần áo rộng rãi, nới lỏng dây lưng. Hãy buông thả thân, cho tứ chi được thoải mái. Tự xoa bóp mình bẩy hay tám lần. Dùng hơi thở đẩy hết khí ra từ bụng. Qua những vận hành tự nhiên, bạn sẽ trở về với bản chất tự nhiên trong sáng, không dính nhiễm, yên lặng và thanh tịnh. Khi thân tâm hòa hợp nhất như, tinh thần sẽ yên ổn. Rồi trong sự âm thầm, kỳ bí, hơi thở bên trong (nguyên khí) của bạn sẽ trở nên trong sạch, mát mẻ. Rất từ từ, chậm rãi, tâm bạn được thu nhiếp và con đường tâm linh của bạn sẽ hiển lộ rõ ràng, sắc bén.

 


Trạng thái của tâm là tỉnh táo và thanh tịnh. Khi sự quán chiếu càng ngày càng thêm sáng suốt, trong ngoài đều không rỗng và thanh tịnh, tâm sẽ hiển lộ bản chất là sự không lặng hoàn toàn. Đó là sự thị hiện hoàn toàn của một tâm giác ngộ.

 


Tuy bản chất của tâm giác ngộ là không có tướng, nhưng luôn luôn có sự thường hằng nội tại. Năng lực tâm linh kỳ bí là vô tận và luôn luôn chiếu sáng. Đó gọi là Phật tính. Những người đã kiến tánh thấy Phật tính nơi mình sẽ ra khỏi dòng sinh tử, và được gọi là “siêu phàm nhập thánh”. Kinh Duy Ma Cật nói: “Đốn ngộ bản tâm của mình”. Hãy tin tưởng những lời nói ấy!

 


Nói chung, sự tu tập để buông bỏ những chấp trước vào bản ngã đầu tiên là phải an tâm và giữ cho tâm không lặng, để cho những hiện tượng trong tâm được yên và thanh tịnh. Khi những suy nghĩ đã lắng xuống, tâm sẽ yên tịnh, kỳ bí, trở nên vững chắc, không đi lạc hướng. Khi tâm đã yên và lắng đọng rồi, sẽ không còn những vướng mắc theo vọng cảnh. Bản tâm là bí ẩn, khuất lấp, nhưng hoàn toàn thanh tịnh, không rỗng, nên lúc nào cũng an bình, yên lặng. Khi không còn hơi thở trong cái chết của hiện kiếp này, bạn sẽ không còn tái sinh trở lại, mà thể nhập vào thực tại tối thượng hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng nếu tâm bạn mất tỉnh giác, sẽ không khỏi rơi vào luân hồi sinh tử. Phải dùng pháp để định tâm như vậy.

 


Đó là pháp để tu đạo. Nền tảng của pháp này là vô pháp. Pháp vốn là pháp không pháp. Pháp không pháp cũng là pháp. (Pháp bổn pháp vô pháp, Vô pháp pháp diệc pháp). Vì thế, pháp này không phải do tu mà thành được. Pháp không tu mới đúng là chân pháp, dựa trên căn bản lời kinh: “Vô thể, vô tác, vô nguyện, vô tướng mới đúng là giải thoát”.

 


Ngữ lục của Tứ Tổ Đạo Tín (580-651)


David Chappell (Early Ch’an in China and Tibet)


Ngọc Bảo trích dịch từ Daily Zen Journal

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc