THEO MỆNH NƯỚC NỔI TRÔI - Thụy Lê

20 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 88074)


vo_thuong


THEO MỆNH NƯỚC NỔI TRÔI


Thụy Lê

 

 

 Lục là con trai độc nhất của bà chị thứ hai của tôi. Chị lập gia đình được mấy tháng thì chồng phải đi làm xa, chị không đi theo được, phải ở nhà với bố mẹ chồng trong khi đang mang thai cháu Lục. Nghe kể rằng chồng chị, anh C Soạn, làm thơ rất hay và là bạn thân của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tiếc rằng sau này chị không giữ được những kỷ niệm của anh.


 Anh Soạn bị đau nặng phải về nhà dưỡng bệnh, rồi mất ở Ninh Bình. Chị tôi mới ngoài hai mươi tuổi đã góa chồng. Lục sanh ra đời không được biết mặt cha. Chị tôi thấy ở nhà chồng không có tương lai, nên mang con về bên ngoại buôn bán với mẹ.


 Lúc đó bố tôi đã về hưu. Cháu Lục ra đời được cả nhà yêu quý, nhất là thuở nhỏ Lục rất kháu khỉnh, đôi mắt to sáng, khuôn mặt trái soan. Mấy chị gái tôi hồi đó chưa lấy chồng rất yêu Lục, nhất là chị Nhân (bà đốc Hán) rất mực chiều chuộng Lục. Nhà mới có một đứa cháu nhỏ nên thật vui.


 Mấy năm sau đến lượt tôi ra đời, là con gái thứ bẩy của gia đình họ Lê. Mẹ ruột tôi là thứ thất của bố tôi. Bố có ba vợ: Cụ Cả (chúng tôi gọi là mẹ) có hai con gái – bà Nghị Xương là con gái đầu lòng chỉ có một con gái là Ngô Kim Bông cùng tuổi với chị Thạch (bà đốc Trí); cụ Hai có ba con gái, một con trai. Cụ Hai mất sớm, nhà hiếm con trai nên mẹ ruột tôi được lấy về làm vợ thứ ba. Bà Ba rất trẻ, còn kém tuổi cả chị Soạn nữa. Đến lúc Lục đã thôi bú, bé Thụy mới ra đời. Bà Ba sinh con so, rất nhiều sữa. Lục rất thèm sữa, nên bà Ba nuôi cả hai đứa. Lục cũng rất khôn, biết là mình ăn gạ nên cứ lân la đến gần chỗ tôi nằm. Trẻ con mới đẻ cứ ngủ cả ngày. Lục đã biết nói, thường đến gần tôi nói rằng: “Con bé Thụy mở mắt ra!” Thấy tôi ngủ mới dám đến "bú tí". Có lẽ vì cùng chung một dòng sữa nên lúc lớn lên, chúng tôi rất thân thiết với nhau.



 Tôi thân với Lục vì chúng tôi cùng sống trong một gia đình. Các anh chị tôi đã lớn, năm tôi 4 tuổi, bà Ba mới sinh em trai tôi. Bố tôi đặt tên là Lê đình Tín, còn ở nhà cứ quen miệng gọi là chú Tám. Và hai năm sau mới có thêm một em gái nữa. Vì là con thứ chin, nên lúc chị Cả vào thăm bà Ba ở nhà thương, lúc cô đỡ hỏi đặt tên cháu là gì để làm khai sinh, chị vui miệng nói là Lê thị Chín. Chị có tính độc đoán, chẳng hỏi ý kiến gì của bố tôi và mẹ tôi nữa. Chính ra bố tôi đặt tên hai đứa con gái nhỏ là Thúy và Vân. Ninh Bình có núi Thúy và sông Vân nên ông cụ lấy tên sông núi mà đặt cho hai con. Sau này cụ ông sợ trùng tên với ông bạn nên tôi có thêm dấu nặng là Thụy. Mấy mái đầu xanh trong gian nhà cổ kính, nếp sống tuy thanh bạch nhưng đầm ấm, thuận hòa. Chúng tôi là con cháu nhà nho, quen thuộc toàn các quan lớn, nên theo nếp sống phong kiến. Mẹ già tôi và chị Cả buôn bán mới quen với những người bình dân.


 Năm Lục bắt đầu đi học, tôi vẫn còn ở nhà chưa đến tuổi vào trường. Lục có mấy người bạn thân hay rủ về nhà chơi. Mấy người đó là những người bạn trai đầu đời của tôi. Tôi hay theo Lục và cả bọn đi chơi, trèo núi, lang thang đi dạo, nhặt những hòn sỏi vụn, rồi đòi mọi người hái ổi, hái mơ, khế ngọt. Hai túi áo đầy nhóc những thứ lặt vặt. Tôi còn bé, nên được cả bọn chiều chuộng –muốn gì không được là tôi "khóc nhè" ngay. 



 ninh_binh Bố tôi thích đi thuyền thăm những nơi thắng cảnh như những thạch động. Thường thường Lục và tôi được đi theo, có khi cho cả mấy bạn Lục nữa. Tôi chơi với con trai từ thuở bé nên quen với những tính nghịch ngợm, sau này tôi chẳng sợ gì, coi con trai như ngang hàng, thản nhiên với những tình cảm họ dành cho tôi. Lục và tôi đều yêu thích thiên nhiên, trong tỉnh có nơi nào đẹp đẽ là có vết chân chúng tôi.


 Tôi lớn như thổi. Cả nhà gọi tôi là gà tồ, vì tôi hay cười nói bô bô, đi đứng mạnh dạn, quá nhanh nhẹn nên hay vấp ngã. Đi đôi guốc nào đàng trước cũng sứt mẻ và đứt quai. Mẹ tôi phải luôn luôn mua guốc mới cho tôi. Lục không được khỏe mạnh như tôi, hay ốm vặt, da xanh mét, cao nhưng gầy gò. Bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy là mình có óc lãnh tụ từ thuở nhỏ. Những chuyện nghịch ngợm, trêu ghẹo trẻ con, ranh mãnh, tinh ma chính là tôi bầy trò.


 Còn nhớ có một ao rau muống của nhà bên cạnh ngay sát sân sau nhà tôi , ốc nổi lềnh bềnh. Tôi rủ Lục, hai đứa lấy hai cái rổ con đi nhặt ốc. Thế nào tôi cúi xuống vớt ốc quá xa, ngã nhào xuống ao. Lục không thể nào cứu tôi được. May sao hôm đó có anh Nho về nhà nghỉ hè nên xuống ao vớt tôi lên, tắm rửa cho tôi, vì lúc đó maman (mẹ ruột tôi) đi chợ vắng. Từ đó chúng tôi không dám ra ao nghịch nữa.


 Tôi bắt đầu đi học, rồi đến em Tám. Chị Cả hay đau ốm, mẹ già tôi mê tín, cho là chị tôi có đồng, nên đi lễ hết nơi này đến nơi kia, thờ phụng những ông hoàng, bà chúa. Từ thuở nhỏ, Lục xung khắc với mẹ, thân mật với maman, Lục gọi là cô Ba và mấy dì Nhân, Sơn, Thạch. Chị Cả yêu quý con nhưng có vẻ nghiêm, giữa hai mẹ con không có bầy tỏ sự thương yêu trìu mến. Lục rất sợ bố tôi và cậu Nho. Hai người này rất thương yêu tôi và em Tám, và rất chiều chúng tôi. Chín còn nhỏ quá phải có người vú bế ẵm nên ít khi gần bố. Tôi không biết ăn thịt mỡ, nhớ lại bữa cơm nào có thịt kho tầu, anh Nho thường gắp cho tôi một nửa nạc, còn mỡ và da anh ăn. Mẹ già tôi mắng, bảo là chiều em quá nó hư.


 Nhưng tôi đâu có hư. Đến trường học, Lục, Thụy và Tám học rất chăm, rất giỏi, đứa nào cũng thông minh. Bọn học trò trai gái bảo rằng con cháu cụ Đốc có mả học giỏi. Tôi và em Tám khỏe mạnh, cái gì cũng ăn được, chỉ trừ thịt mỡ. Lục rất khảnh ăn và khó tính trong việc ăn uống. Ăn cá thì cậu ta sợ hóc, thích ăn trứng và ngay cả chả giò cũng không ăn nhân, chỉ ăn cái vỏ bánh tráng dòn ở ngoài – và thịt kho phải là thịt thăn, thật nạc, không có một tí gân mỡ nào.


 Tôi hay tổ chức những trò chơi. Gác nhà có ba phòng. Phòng trong trông ra núi Cánh Diều, có hiên rộng thật mát. Phòng này không có ai ở, nên y như là chỗ chứa đồ. Mỗi mùa trái cây như bưởi, cam Bố Hạ, Xã Đoài, những thứ để lâu được bỏ vào từng thùng chứa trong phòng này. Có nhiều thứ như thế - nhưng trẻ con bao giờ cũng thèm thuồng, cho dù nhà vẫn cho ăn trái cây đầy đủ. Tôi rủ Lục lấy mỗi đứa một con dao lên gác ăn vụng. Thỉnh thoảng lại bầy trò dạy học. Học trò khổ nhất vì bắt đọc bài không thuộc là phải quỳ. Cũng có lúc bầy trò phát phần thưởng, rủ cả Chín vào làm học trò tí hon. Thích nhất là ngày rằm tháng tám, nhà bầy cỗ cho trẻ con, có ông tiến sĩ bằng giấy, có đèn kéo quân, đèn lồng, bánh Trung thu, con giống… Bưởi, mía bầy như cây thép... Tối đến, mỗi đứa lấy một chiếc đèn, thắp nến đi trước cửa nhà.



 Chúng tôi lớn dần, hết những trò chơi con nít đến mê đọc truyện. Mấy bà chị có một tủ sách cho thuê. Lục và tôi xem bao nhiêu truyện kiếm hiệp lịch sử, phiêu lưu, truyện dịch tiếng Anh ra Pháp, Việt. Có cả cuốn Đông Chu Liệt Quốc, Lục thuộc như cháo chẩy. Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Quả dưa đỏ, Chinh Đông Chinh Tây, Tống Địch Thanh… trong óc Lục và tôi là cả một kho truyện. Nhất là về sau, khi đã có căn bản Pháp văn, chúng tôi đọc toàn truyện Pháp. Mê nhất là những truyện của Alexandre Dumas: Les trois mousquetaires, Vingt ans après… Anatole France, Alfred Musset, Lamartine, André Gide, André Maurois, Victor Hugo với cuốn Les Misérables… và nhiều tác giả cổ kim nữa.



 Niềm vui của tuổi thơ cũng theo biến cố của gia đình mà mất dần dần. Bố tôi chết, gia đình bắt đầu sa sút, rồi đến cái chết thê thảm của em Tám là những đám mây u ám che phủ gia đình tôi.


 Hai chị Sơn, Thạch lấy chồng trước chị Nhân. Anh Nho du học mấy năm ở Pháp đã về nước năm giỗ hết bố tôi. Vui chưa được bao lâu, em Tám bị nạn - cả nhà sầu khổ biết bao.


 Maman ốm ba tháng trời ròng rã. Rồi đến chị Cả, nhà cứ rối tung. Tôi chưa giúp được việc gì cho gia đình cả. Chị Cả giống mẹ già tôi, thích đồng bóng, mê tín dị đoan, hay đi xem bói toán, tướng số. Chị tin ông thầy bói nói rằng nhà chồng chị có một con dâu tên là Chín chết năm mười mấy tuổi, họp với tuổi Lục nên hay làm cho Lục ốm. Chị sợ quá, mới nói với cả nhà gọi tên Chín là Mười, giống như người Nam. Sau này nhiều người hỏi tôi sao Chín lại có hai tên Chín và Mười, tôi phải bịa chuyện là mẹ tôi có một người con nuôi lớn hơn Chín nên Chín tụt xuống thứ Mười.


 Cả tên tôi cũng ly kỳ nữa. Tên là Thuý thành Thụy, và sau này ông Vĩnh Thụy lên ngôi là vua Bảo Đại, bố tôi làm quan sợ phạm húy nên khai sanh lại cho tôi là Lê Hồng Nhung. Nhưng bạn học sau này gọi tôi là Nhung Lê vì ở lớp có hai cô Nhung. Cô kia họ Đinh nên gọi là Nhung Đinh.


 Lục xa gia đình đi học trường Thành Chung Nam Định. Những ngày lễ, nghỉ hè mới về nhà. Đến năm tôi phải ra Nam Định thi lấy bằng tiểu học. Ngày xưa tỉnh nhỏ ít học trò nên phải ra thành phố lớn thi. Lục rủ hai người bạn cùng đưa tôi đến trường thi. Tôi mới 13 tuổi, ngốc nghếch đâu có biết gì, nào ngờ hai anh chàng này lại để ý đến tôi – đó là những mối tình mơ mộng của tuổi học trò, ai ngờ lại dai dẳng đến bao nhiêu năm tháng sau này.


 Kỳ thi năm đó, tôi đậu. Maman cũng được chút an ủi sau khi đã mất một đứa con trai.



 Sinh hoạt trong nhà trở lại bình thường. Anh Nho về nhà chơi rủ tôi lên Hà Nội. Lúc đó anh đã có công việc đàng hoàng, có bồi bếp hầu hạ. Anh có một người bạn thân đậu kỹ sư hóa học. Hai ông ngày nào cũng đi chơi, ăn uống nên tôi đi cùng với hai người. Ngay cả lúc anh Nho đưa tôi đi may áo dài ông ta cũng đi theo ngắm nghía và phê bình nữa.


 Hai năm sau, ông ta gặp tôi lại trong một buổi chợ phiên ở Ninh Bình. Ông thấy tôi lớn hơn, xinh đẹp nên nói với anh Nho muốn chọn tôi làm vợ. Anh tôi không bằng lòng, bảo rằng tôi còn nhỏ quá, cả nhà chưa muốn cho lấy chồng. Ông này lại ốm yếu, quanh năm suốt tháng phải tẩm bổ, còn tôi đang trổ mã, mạnh khỏe… vả lại, ông đã 30 tuổi, còn tôi chỉ mới có 15. Tôi cũng chưa có ý niệm gì về hôn nhân nên rất thản nhiên, không mảy may rung động.


 Năm Lục 17 tuổi đậu bằng Trung học. Nhà thưởng cho một tuần đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) tắm biển. Tôi cũng được đi theo. Tôi mê biển cả từ ngày đó. Ngày ngày đi tắm biển, tối về ngồi ở hiên nhà trọ ngắm bóng trăng thanh, nghe sóng biển rì rào. Cạnh nhà có ông Duyệt kéo violon thật hay. Lục bắt đầu mê đàn từ ngày đó. Tôi thật có số đào hoa, đi đến đâu cũng được người ta chào đón. Trên bãi biển, tôi gặp hai anh có họ với bà Thuật, người cùng đi với chúng tôi. Một anh đã có vợ, còn một anh là sinh viên trường thuốc cứ bám riết lấy tôi. Chúng tôi đi đâu anh cũng theo sát nút. Lục bảo, anh chàng này mê cậu lắm đấy. Tôi mặc kệ, giả đò như không biết gì. Thật ra năm đó tôi còn quá thơ ngây.


 Hết hè, Lục lên Hà Nội học. Đầu tiên ở trọ nhà cụ Ký Lạc có cô Thịnh là bạn thân của chị Cả. Nơi đây gần hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Lục gặp lại anh Hựu, anh Chín là hai người bạn thuở nhỏ ở Ninh Bình. Anh Hựu kéo đàn violon rất hay, nên Lục mê thích học đàn. Tôi hiểu Lục là người rất đam mê, thích cái gì là phải làm cho bằng được. Vì mê chuyện học đàn nên mấy năm thi không đậu. Chị Cả sốt ruột quá. Nhân dịp anh Khải rủ chị đi thầu ở Hà Nội, chị góp nhặt tiền bạc trong nhà mang đi theo, thuê nhà ở phố Duvigneau gần nhà anh Quế. Anh Quế có mấy cô con gái xinh xắn, nhất là cô Tâm tóc dài buông xõa ngang vai, người mềm mại, thanh thoát, có vẻ ẻo lả mơ màng. Cô này có bệnh lao, hay sốt buổi chiều. Người con gái có bệnh lao lúc sốt lại thường rất đẹp, đôi mắt long lanh, hai má đỏ hồng. Cái hình bóng mơ màng đó làm cho Lục say mê. Mối tình câm nín đó chắc cô ta cũng không biết. Lục có tâm sự với tôi, nên tôi lấy mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư tặng Lục:


  Em chỉ là người em gái thôi

 Người em sầu mộng muôn đời…


 Yêu để mà yêu, không có một ý nghĩ nào xấu xa, hồn nhiên trong sạch và lãng mạn, y như chuyện trong tiểu thuyết. Cô này chết trong năm đi lánh nạn, Thế là chấm dứt một cuộc tình.

 


0o0o0o

 

 Thế rồi đệ nhị thế chiến, Lục về Ninh Bình lánh nạn. Lục rất thông minh, học rất giỏi, nhưng mấy năm say mê âm nhạc bỏ cả học hành, làm cho cả nhà thất vọng. Lúc đó, tôi đã thành một thiếu nữ khuê các, vui với tuổi trẻ của tôi, với bao nhiêu người chào đón chung quanh. Có những cuộc vui vì tôi mà người ta tổ chức, tôi biết như vậy. Có những người đến dạm hỏi đàng hoàng, cũng có biết bao sự bầy tỏ tình cảm lãng mạn, phất phơ. Có những bức thư tình thiết tha, đắm đuối, cũng có những anh chàng thật thà, ngốc nghếch, vớ va vớ vẩn… và cũng có vài người tôi có cảm tình đặc biệt. Tôi hay bàn luận với Lục và lấy lý trí ra để phân tích. Tôi dệt những mộng ước cao xa, đẹp đẽ xa tầm tay với. Chính tôi cũng tự biết là không có gì hoàn toàn, nhưng tôi vẫn chỉ thích những gì đẹp đẽ cao xa như mộng ảo. Đến bây giờ, tôi mới biết là con người tôi quá phức tạp, không đơn giản như các bạn, sẵn sàng kết hôn với người nào theo đuổi mà thấy chấp nhận được.


 Về Ninh Bình, Lục chỉ chúi mũi vào âm nhạc, suốt ngày kéo violon. Thuở đó, Nhật đảo chánh Pháp. Tình hình chính trị yên ổn được ít lâu, đến nạn máy bay Mỹ bỏ bom phá những cơ sở của Nhật. Ở tỉnh nhỏ đỡ hơn, nhưng sau cũng không yên, ngày ngày máy bay vù vù, luôn luôn có báo động. Cứ mỗi lần có còi báo động là mọi người phải chạy vào hầm trú ẩn. Lục rất nhát và sợ bom đạn. Nhiều lúc không kịp chạy, chúng tôi phải chui xuống gầm giường hay vào hầm cầu thang.


 Lục thường ra chơi ở balcon trông ra ba mặt phố. Bên tay phải nhà tôi có mấy nhà, ở đó có cô Miến, một thiếu nữ mới lớn, đôi tám xuân xanh, đẹp vẻ tây phương, nước da trắng hồng, tóc nâu, mắt nâu, người nhỏ nhắn xinh xinh. Lục chỉ đứng balcon ngắm say mê vẻ đẹp của cô ta. Cũng chỉ là một tình yêu phất phơ của tuổi trẻ, chưa có ý niệm gì về tương lai. Trong khi đó có một anh chàng lớn tuổi đứng đắn hơn, đã đến tuổi lấy vợ nên hai người thành hôn với nhau. Chỉ là một kỷ niệm mơ mộng của tuổi trẻ, không một lời hẹn ước, không mảy may sầu hận buồn thương.


 Tôi đã nghĩ đến chuyện buôn bán để kiếm tiền tiêu riêng. Tôi đan áo thật khéo, đầu tiên chỉ đan cho các cháu trong nhà. Tính tôi thích làm gì cũng phải đẹp đẽ, nên chịu khó tìm những cuốn sách đan thêu của Pháp, rồi theo đó mà làm. Nhà buôn bán tạp hóa, tôi lấy một cái tủ, mua một ít len sợi về đan thành những bộ quần áo trẻ con, người lớn. Bán chạy, tôi thuê thêm người làm. Nhờ đó tôi có một số vốn riêng, không phải nhờ đến gia đình nữa.


 Mấy năm tình hình chính trị không yên ổn, mấy gia đình anh chị tôi cho vợ con về lánh nạn ở Ninh Bình. Các cháu chỉ kém Chín có mấy tuổi nên chơi với nhau rất thân thiết. Tôi đã lớn nhưng vẫn tinh nghịch, hay trêu ghẹo trẻ con. Tôi hay chế Nhan làm Nhan bực mình, phát khóc lên mới thôi. Lục chỉ thân với mấy bạn ở đây, trong đó có Quang Tế là người gần với Lục nhất. Một dạo, Việt Minh đang tổ chức ngấm ngầm chờ thời cơ cướp chính quyền, Nhật bắt đầu tầm nã những tổ chức chính trị, hay bắt bớ tra hỏi những thanh niên. Lục rất nhát nên sợ quá, nói với bố mẹ tôi cho chúng tôi đi lánh nạn tại Áng Sơn, cách thành phố độ mươi cây số, ở nhà một người bạn buôn bán của chị Soạn nhận mẹ tôi là mẹ nuôi. Quang Tế cũng đi theo Lục, tôi và Chín.


 Mùa hè, ở vùng núi chỉ mát về sáng và chiều , còn buổi trưa quá nóng nực. Lục lại bắt đầu ham học, suốt ngày ở trong buồng luyện bài thi. Tôi và Chín đi lang thang nơi núi non, đồng ruộng, xem người ta bắt cua bắt ốc. Quang Tế có vẻ bí mật. Anh chàng này thích chính trị, ngả về Việt Minh, thỉnh thoảng đi đâu vài hôm về nhà lôi ra một số tài liệu dấu trong bí tất. Chín còn nhỏ, tôi thì thờ ơ với chính trị, còn Lục rất ghét. Lục thấy Việt Minh quá thiên về Cộng Sản, thấy ngay cái nguy cơ về chính trị sau này, nên không dính dáng, cũng không bàn cãi gì về chuyện quốc gia xã hội nữa. Dù ý kiến, quan niệm cuộc đời có khác nhau, chúng tôi vẫn là những người bạn thân – anh ta rất trung thành với chúng tôi.


 Đến năm 1945, nạn đói tung hoành, không có gì ăn, người chết như rạ. Ở tỉnh nhỏ chúng tôi các thanh niên tổ chức ban khất thực để quyên cơm gạo cứu đói. Tôi cũng tham gia vào cuộc lạc quyên này, bắt đầu giao thiệp với các thanh niên nam nữ cùng tỉnh. Việc làm của chúng tôi không có dính dáng gì đến chính trị, chỉ là cứu tế, xã hội mà thôi.


 Đệ nhị thế chiến chấm dứt, Việt Minh lợi dụng thời cơ nổi lên nắm chính quyền. Thanh niên nam nữ người đi theo Việt Minh, người thích Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hai đảng phái này tuy cùng một tinh thần quốc qua nhưng đường lối chính trị khác hẳn nhau, mỗi khi bàn luận về thời sự, đảng phái, Lục và tôi thường có những ý tưởng đối nghịch, thành ra cãi nhau chí chóe. Quang Tế thì khác hẳn, anh ta ngả hẳn về Việt Minh, không như tôi chỉ muốn ở ngoài cuộc, buôn bán an hưởng thái bình.


 Nhưng nào tôi có được yên thân. Việt Minh đã chiếm được hẳn miền Bắc và Trung, vua Bảo Đại phải thoái vị, miền Nam vẫn còn Pháp cai trị nhưng cũng rối ren. Tôi không tham dự các buổi họp kêu gọi đồng bào hưởng ứng chính quyền mới, nhưng rồi bị bắt buộc phải tham gia. Bọn thanh niên, thanh nữ nhất định cử tôi làm đại biểu, và bầu tôi làm trưởng ban phụ nữ. Lục nhất định đứng ngoài vòng kiềm tỏa, cũng may mắn là không bị bắt bớ giam cầm. Tôi làm việc gì cũng rất chu đáo, nhiệt thành, vả lại, lúc đó tinh thần yêu nước của thanh niên rất cao, chỉ biết đuổi Tây, chống Nhật, đòi tự do độc lập, không phải làm nô lệ cho nước nào cả. Tôi hăng hái làm công việc xã hội, cứu thương, cứu tế, tổ chức những buổi họp, làm chủ bút một tờ bích báo phụ nữ, tới mức tờ báo toàn tay tôi viết. Năm đó thật là vui.



 Thanh bình được ít lâu, chiến tranh lại bắt đầu. Pháp khôi phục lại , bắt đầu phá rối. Mấy thành phố Hải Phòng, Hà Nội dần dần bị Pháp chiếm đóng lại, gia đình mấy anh chị tôi phải về Ninh Bình. Tỉnh nhỏ vẫn còn yên tĩnh, chị Cả theo anh Khải đi thầu bị thất bại lại trở về nhà. Rồi đến lúc quân đội Pháp càng ngày càng mạnh, chính quyền Việt Minh ra lệnh phải bỏ cửa bỏ nhà, vườn không nhà trống, tìm về thôn quê hẻo lánh, chỗ nào hiểm trở quân địch khó đổ bộ. Lại thêm có lệnh phải phá nhà thành đống gạch vụn, nếu không chính phủ sẽ cho quân đội đến làm nổ tung, trong một thời hạn ngắn ngủi. Dân chúng sợ quá, nhà tôi cũng như mọi người phải thuê người phá nhà lấy, mang đồ đạc đi gởi các nơi. Lúc đó phải bỏ ra một món tiền khá lớn, và gia đình đi lánh nạn ở một nơi cách xa thành phố. Nhà tôi buôn bán nhiều thứ lặt vặt, thu dọn thật là khổ. Chị Soạn sau khi buôn bán thất bại với anh Khải, vốn liếng chẳng còn gì, chán nản lên chùa Mía ở với sư nữ Đàm Lan là bạn thân của chị. 


 

 Tình thế rối ren quá, gia đình tôi về làng Hệ tạm trú ở một nhà kha khá. Họ nhường cho chúng tôi ba gian nhà lớn, có bàn thờ tổ tiên, còn họ ở nhà ngang. Tất cả đã tạm yên, chỉ có tôi là mạnh dạn về thăm nhà cũ, lúc đó chưa phá hủy hoàn toàn. Nhà ngoài vẫn còn nguyên, nhưng tủ hàng chưa dọn xong. Lúc đó bom đạn nổ dữ quá, Lục nhát hơn tôi nên ôm đàn về Hệ lánh nạn chung với cả nhà. Tôi mạnh bạo một mình ở lại, ngày nào máy bay cũng bỏ bom rầm rầm, rất nguy hiểm. Các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định không còn xe lửa, xe hơi, phải di tản bằng thuyền. Tôi nhận định thời cơ, biết lúc này chắc chắn là hàng hóa khan hiếm, nếu giữ được sẽ có lời. Vì thế sáng sáng tôi ra bến sông Vân, thuyền bè các nơi qua lại tấp nập, nhưng thuyền chở hàng thường ghé bến bán hàng hóa mang đi cho đỡ nặng. Tôi có giữ một ít tiền, đầu tiên mua thử một ít hàng, buổi chiều bán cho những khách buôn từ Thanh Hóa đến tìm mua hàng. Lúc đó Thanh Hóa vẫn còn yên ổn, nhà cửa chưa bị phá. Chỉ một ít ngày, tôi đã kiếm được một số tiền khá lớn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy thật gan dạ và nguy hiểm quá, có thể chết vì bom đạn, hay bị trộm cướp nữa.


 Trong khoảng thời gian nhà cửa bị phá hủy, chị Cả, maman có về nhà thu dọn cùng với tôi, còn Lục, Chín và bà mẹ già ở làng Hệ an toàn hơn. Dạo đó, tôi gặp lại anh Chín, bạn thân của Lục và là người bạn trai thuở nhỏ của chúng tôi, nên anh rất thân mật và giúp đỡ chị Cả lúc chị mang các thứ lặt vặt về chùa Mía.


 Sau khi thu dọn xong, nhà cũ chỉ còn là đống gạch vụn, thành phố điêu tàn, đổ nát. Trông cảnh mà đau lòng, nát ruột. Maman và chị Cả khóc ròng, còn tôi nghĩ đến sự xây dựng sau này. Tôi còn hai bàn tay, còn có trí óc, lo chi đến ngày mai. Nhất là trong tay có một số tiền kha khá, có thể không làm gì cũng sống được đến mấy năm. Tính tôi vô tư, tuổi trẻ của tôi vui vẻ hồn nhiên, sẵn sàng đón nhận những sự thay đổi. Chị Cả lại về chùa Mía. Chị cũng chán với tình hình thế sự, Lục mải mê lo đàn chưa có công danh, rồi sự thất bại trong chuyến đi thầu với anh Khải, làm chị không còn thiết tha gì nữa. Maman thì nhát, nên tôi phải mang đôi vai bé nhỏ của mình mà gánh lấy trách nhiệm gia đình. Lúc này mới là lúc tôi trưởng thành rồi, không còn những mơ mộng hão huyền. Những gì tôi cho là đẹp đẽ ở trên đời , lúc đó chỉ là những ảo ảnh mà thôi. Tôi mê văn chương, thi phú, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật … tất cả phải gác vào một xó mà mạnh dạn nhìn vào thực tế. Dù Lục lớn hơn tôi, nhưng tôi có cảm giác là tôi già dặn hơn Lục nhiều.



 Tôi và Lục thường nói chuyện với nhau. Mái nhà thân yêu cổ kính đã tan nát rồi, những bức thư tình đã bị xé nát, để cho gió bay đi, tuổi thơ của chúng tôi cũng đã hết. Bây giờ chúng mình phải xây dựng lại cuộc đời. Tôi khuyên Lục trong khoảng thời gian này , nếu có cơ hội, tìm cách học hành mà tiến thân. Lục có theo trường Thuốc được vài năm, sau đổi theo ngành Luật.



 Vì tình thế các anh chị tôi chạy loạn mấy nơi gần Hà Nội, khi chiến cuộc lan rộng phải tìm đường về lánh nạn ở làng Hệ cùng với chúng tôi. Thời gian này là đại gia đình gần nhau nhất. Mỗi gia đình đều thuê nhà riêng, nhưng ngày nào cũng hội họp ở nhà tôi, vui lắm. Trẻ con người lớn đi chơi, đi chợ mua bán trái cây, thức ăn tươi tốt ngon lành. Anh Nho có mấy người bạn, ông Chương, ông Ấp tỵ nạn ở nhà tôi mấy tháng trời ròng rã. Anh Hán, anh Trí, anh Nho, chị Đạo hay đánh mạt chược. Mẹ tôi đã già rồi, chỉ thích đánh tổ tôm, nên thỉnh thoảng lại có một màn tổ tôm với mấy chị tôi và maman. Lục, Thụy và Chín đi chơi lang thang. Nơi này có núi ở ngay ven sông – mùa xuân có hoa đào nở, chỉ có mấy cây nhưng cũng làm cho cảnh thêm đẹp. Đồng chiêm đầu mùa hạ, khi gặt hái đã xong, nước ngập quanh các thửa ruộng chung quanh làng, nên đi chợ, đi đâu cũng phải dùng thuyền. Chợ phải họp trên mấy quả núi. Tôi bắt đầu học chèo thuyền. Chèo thạo lắm nhưng không biết chống vì tay tôi yếu, nên không dám chèo một mình. Lần đầu tiên trong đời ở nhà quê quá lâu, nhận xét thấy người nhà quê hủ lậu, tham lam, chỉ biết có xôi thịt. Thảo nào mà ngày xưa báo Phong Hóa, Ngày Nay hô hào cải cách xã hội, đặt tên mấy ông đầu xỏ là Lý Toét, Xã Xệ. Tôi thích sự ôn hòa, công bằng của xã hội hơn là sự đả phá tận gốc rễ của Việt Minh, đã cho một lũ ngu si dốt nát lên nắm chính quyền, chẳng hiểu biết gì dể cho họ giật dây. Lục rất ghét chính trị, anh chàng này chỉ thích nghệ thuật, âm nhạc mà thôi.



 Tình thế này rối ren, thế mà có hai anh chàng về bám riết lấy tôi. Họ không dám đến nhà nhưng nhờ những người bạn ở gần tôi nhắn nhủ hộ. Một anh là chỉ huy trưởng quân sự ba tỉnh miền Bắc, thân tín của tướng Văn Tiến Dũng, cộng sản hạng gộc, rất đẹp trai. Anh này thấy tôi thích đi học nên hứa với tôi là nếu kết hôn với anh ta, có cơ hội anh sẽ gởi tôi sang học bên Nga, hoặc Tiệp Khắc. Một anh mới đỗ kỹ sư Canh Nông, đi tỵ nạn cùng với bố mẹ. Anh là con trai độc nhất của một gia đình đông em gái. Lúc này là lúc tôi phải gánh vác gia đình, chẳng tha thiết gì đến những chuyện tình duyên, nên tôi gạt phắt. Theo ông Cộng Sản này sẽ phải lang thang với cơ sở của cụ Hồ, sống những ngày tháng gian khổ đấu tranh, đâu có thể giúp đỡ gia đình được. Sau này anh ta làm ông tướng, đến nay không biết còn sống hay đã chết. Còn anh kỹ sư trẻ tuổi kia có bao nhiêu trách nhiệm phải làm, nuôi bố mẹ già, một đàn em thơ dại. Tương lai của tôi gắn chặt với gia đình, tôi không thể ích kỷ mà nghĩ đến riêng mình được. Nhất là đối với mấy người này, tôi không cảm thấy có chút yêu thương gì. Tôi quá cứng rắn, những lời phỉnh phờ, tôi thường gạt bỏ ngoài tai.



 Ở Hệ một thời gian quá nhàn rỗi, tin tức mọi nơi đưa về, có nhiều người lục tục trở về Thành. Nghe nói ở Hà Nội, Hải Phòng, Pháp đã an dân, thiên hạ thăm thú đến Đồng Quan gần Hà Nội. Nơi này đông đúc dân các nơi đổ về buôn bán, thấy tình thế khá yên ổn, họ tìm mọi cách di chuyển để trở về. Có nhiều chỗ quân Pháp kiểm soát chặt chẽ, nhưng nhiều chuyến cũng đi được chót lọt.


 Thấy ở Phát Diệm vui, nơi đạo Thiên Chúa yên ổn, nếu Pháp có đổ bộ cũng đỡ nguy hiểm, hai gia đình chị Hán, chị Trí dọn về Phát Diệm một ít lâu nghe ngóng tin tức, tìm cách trở về Thành. Mẹ già tôi và Chín cũng đi theo, nhưng một vài tháng sau cũng quay trở lại Hệ. Ông Ấp về Thanh Hóa ở nhà vị hôn thê một ít lâu cũng trở lại nhà tôi, lúc đó có cả ông Chương và anh Nho. Nhân dịp có cô Cả Đại, bạn học cũ của mấy chị tôi, có một chiếc thuyền lớn, hay đi buôn bán ở chợ Đình, chợ Đại, biết nhiều chuyện những người về Thành, mọi người bàn nhau nhất quyết trở về Hà Nội. Chị Cả ở chùa Mía gần Hệ thỉnh thoảng có về thăm nhà, Lục cũng muốn đi nên hai mẹ don từ biệt nhau.



 Một buổi sáng mùa thu, mọi người sửa soạn hành trang lên đường. Anh Nho bảo tôi: “Anh xem em như thằng con trai – em là tiêu biểu cho dòng họ, em thay anh mà phụng dưỡng mẹ già, giữ lấy phong cách của gia đình mình ngày xưa.” Câu nói đó làm tôi cảm động vì từ trước đến sau, trong lúc hoạn nạn, gia đình tôi có gặp những nguy hiểm vì chiến tranh, nhưng không bao giờ bị thiếu thốn hay lầm than như nhiều gia đình những người quen khác.


 Buổi biệt ly sao mà buồn thế! Biết đến bao giờ mới gặp lại nhau? Nhất là còn lo sợ cho mọi người đi chuyến này không biết có bị bắn bỏ, gặp nguy hiểm gì không.


 May mắn thay, một tuần sau, thuyền cô Cả Đại trở về - cô nói lúc đến gần chợ Đình, bị súng liên thanh trên máy bay xả xuống dữ quá, nhưng mọi người được bình yên, thật là hú vía.



 Chúng tôi ở làng Hệ thật buồn bã. Mẹ tôi lúc đó đã già, maman cũng không được khỏe, lại hay lo lắng. Được gần một năm, anh Nho có nhờ một cô đi buôn ở chợ Đình về thăm chúng tôi, trong thơ có nói mọi người yên ổn ở Hà Nội, nếu nhà có tính chuyện đi thì bảo cho anh biết để liệu đường về Thành. Lục đã bắt đầu vừa đi học, vừa đi làm. Anh chàng mới bắt đầu tự lập. Tôi biết là Lục rất thông minh, nếu chịu khó là có thể thành công. Ngày trước có đại gia đình lo cho, còn mơ mộng, nay phải đương đầu với thực tế đã biểu hiện sự trưởng thành nhiều rồi.



 Quân Pháp bắt đầu đổ bộ các nơi. Ngay cả ở Hệ, chúng tôi cho là nơi hẻo lánh, họ cũng trở về quấy phá. Nguy hiểm quá, lúc họ đến làng trước đó độ mười cây số, mọi người hoảng sợ phải thuê thuyền đi lánh nạn ở Lang Ca, một nơi nước độc, hay bị sốt rét. Chỉ mang theo được một cái sách tay, tiền bạc và một ít quần áo. Mấy hôm sau, quân đội Pháp đi rồi chúng tôi mới trở về nhà. Nhà cửa tan hoang, mất mát nhiều thứ, cả mấy cây chuối trước cửa nhà cũng bị chặt đầu. Mấy cuốn nhật ký của tôi bị xé nát rời rạc từng mảnh. Thiệt hại khá nhiều, nên lại phải thu xếp đi lánh nạn nơi khác.


 Đến Phát Diệm, thu xếp nhà cửa yên ổn, thấy mọi người buôn bán tấp nập ở chợ, chúng tôi có thuê một cửa hàng ở ven sông. Tôi mang theo được một ít len sợi lúc buôn bán ở Ninh Bình, nên tôi và Chín đan được ít áo bán. Lèng xèng thế mà cũng đủ ăn. Thị tứ này người lánh nạn đông lắm, ai cũng mong có cơ hổi để trở lại Thành. Nơi này có nhiều thức ăn ngon, quà bánh có cả phở, bún chả Hà Nội, các thứ tôm cá, đồ biển tươi, trái cây các thứ. Các gia đình chạy loạn mang cả quần áo, chăn gối đi bán. Bọn nhà quê thấy những đồ thành thị thích thú lắm. Buồn cười nhất là có mấy anh nhà quê mua cả smoking mặc đi cầy! Còn chính dân Phát Diệm thì văn minh hơn. Nhiều sinh viên tỵ nạn có tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc kịch nghệ vui lắm. Chín cùng vài bạn vào học trường bà sơ. Phát Diệm còn có những cửa hàng bán vải vóc, vàng bạc, tạp hóa hầm bà làng. Các quán cà phê mọc lên nhan nhản. Những thanh niên thường la cà ở mấy quán này. Có một quán cà phê ở giữa hai cửa hàng, bên phải là cửa hàng của tôi, bên trái là cửa hàng của cô Quý, cô An. Cô An xinh lắm, da trắng như trứng gà bóc, vóc người nhỏ nhắn, có cái mũi rất thanh, hai con mắt nhỏ có vẻ mơ mộng, vì thế quán cà phê này rất đắt hàng.


 Tôi cũng có mấy anh theo đuổi. Một anh người Phát Diệm có cửa hàng lớn giầu có, và một sinh viên lánh nạn lém lỉnh, mang các thứ ra buôn bán ngoài chợ, có người chị đến làm quen với tôi. Anh ta có rủ tôi đi học Anh văn, nhưng tôi không đi. Bọn sinh viên trí thức Phát Diệm có tổ chức một buổi diễn kịch, có người nhà quen với tôi, nên rủ tôi cộng tác đóng một vai chính trong một vở kịch. Xưa nay tôi chưa từng đóng kịch bao giờ, và cũng chẳng biết nhẩy đầm, hát không có giọng. Tôi không muốn dính dáng gì với những hoạt động lúc này, mặc dù những tổ chức này hoàn toàn không có chính trị.



 Ở Phát Diệm yên lành chưa được một năm, Pháp đổ bộ chiếm đóng nơi này. Đất thánh địa, chẳng có quân đội gì chiến đấu, nên không có súng nổ, dân chúng hoang mang với sự thay đổi. May mắn là Pháp cho những người lánh nạn hồi cư bằng đường thủy về Hải Phòng, nhưng phải mua vé bằng tiền Đông Dương. Ở hậu phương tôi có nhiều tiền, nhưng toàn là tiền cụ Hồ, về Thành không thể tiêu được, phải mua vàng và đổi tiền bằng giá cắt cổ, thành ra vốn liếng còn chẳng là bao. Nhưng cũng yên lòng là mang được mẹ già, mẹ trẻ, hai chị em bình yên vô sự về xum họp với gia đình anh chị Trí, gặp được anh Nho, Lục. Chị Cả sau mới kiếm đường về được Hải Phòng. Maman, Chín và tôi, cả mẹ già nữa đều ở nhà anh chị Trí chừng một năm.


 Để kiếm sống, hai chị em chúng tôi đan áo, may áo khoác trẻ con bầy ở cửa hàng chị Trí ở đường Bonnal. Sau đó, chủ nhà trở về, nên anh chị tôi phải mua nhà dọn về đường Nam Sinh, sau mua được một nhà rộng rãi hơn ở đường Cát Dài. Chúng tôi chung với chị Trí, chị Đạo thuê một nửa cửa hàng ở phố Đông Kinh, nơi thị tứ buôn bán sầm uất, nên rất đắt hàng. Anh chị Hán làm việc ở Quảng Yên về thăm chúng tôi luôn. Còn anh chị Sính một thời gian sau mới về được Hải Phòng. Anh lại đi dạy học, các cháu cũng đã lớn, học hành giỏi giang, dần dần khôi phục lại và mua được hai căn nhà cho thuê. Mẹ tôi đã già lắm, hơn 80 tuổi, và rất là khó tính. Maman phải chiều chuộng cụ hết mình, lại phải lo chuyện ăn uống thuốc men, săn sóc bà cụ. Một ít lâu, chúng tôi thuê được nhà riêng, có mặt hàng buôn bán, trên lầu là anh chị Sính và gia đình ở, nên cũng vui.



 Nhân dịp chủ nhà ở phố Đông Kinh phá cửa hàng ra làm nhà mới, công ty tan và chúng tôi hoàn toàn tự lập tại cửa hàng mới. Phố này không được đông vui như nơi cũ, nhưng được gần ngay một rạp chiếu ciné, họ thấy quần áo nhà tôi bán rất đẹp, nên chúng tôi rất đông khách, làm không kịp bán, phải thuê mấy người thợ chỉ dẫn kiểu mẫu cho họ làm theo đúng ý mình. Tôi có nhiều sáng kiến rất hay, làm ra kiểu nọ kiểu kia, sau đó nhiều người bắt chước. Tôi lại thuê mấy cô thợ thêu, ăn ở tại nhà, làm cũng không kịp, bận tíu tít. Mẹ già tôi ở nhà với chúng tôi chừng một năm thì cụ mất. Mấy hôm khó nhọc quá, tôi ốm liệt giường, phải lên nhà anh Trí điều dưỡng. Bệnh sốt rét lúc tản cư nơi nước độc hành hạ, hôm đưa đám mẹ già tôi không đi được.


 Nhà bao nhiêu họ hàng khách khứa về đông đủ. Maman và Chín, chị Trí bận tíu tít. Anh Nho lấy vợ được hơn một năm, đổi vào Saigon, lúc bà cụ mất chị Nho có mang gần đến ngày sanh, không đi máy bay được, chỉ có anh Nho về thôi. Chị Cả dạo đó đang ở nhà cô Thiết nên có cả cô Thiết. Con cái về đưa đám đông đủ. Lục phải động viên, lúc đó đang học ở trường sĩ quan Thủ Đức.



 Trong lúc cửa hàng phát triển, tình hình lại thay đổi. Việt Minh thắng trận Điện Biên Phủ, Pháp đầu hàng, dân chúng Pháp phải về nước. Hiệp định Genève chia đôi chiến tuyến, từ sông Bến Hải một nửa về Việt Minh, cờ đỏ sao vàng bay phất phới, một nửa quốc gia theo chính phủ Ngô Đình Diệm có Mỹ ủng hộ. Dân chúng ai muốn theo chính phủ quốc gia di cư vào miền Nam. Chúng tôi lại phải dẹp cửa hàng, khăn gói gió đưa vào Saigon. Mới có mấy năm chiến tranh mà đời tôi đã có biết bao nhiêu thay đổi. Ngoài những chuyện tình duyên, đến cơ nghiệp hai lần bị phá hủy, lại phải làm lại từ đầu.


 

0o0o0o

 


 Chúng tôi đến Saigon một buổi sáng cuối mùa xuân. Lúc đó anh chị Trí đã ở Tourane (Đà Nẵng), anh chị Hán ở Huế, gia đình anh chị Sính cũng đã định cư ở Saigon, tạm mua một cái nhà ở ngõ Kim Chi. Các cháu đã bắt đầu đi học lại. Lục đã là trung úy nha Tư Pháp và ở An Đông. Chị Cả ở với gia đình cô Thiết. Chúng tôi phải ở tạm một thời gian ở nhà anh Nho. Lúc đó anh Nho đang làm giám đốc nha Công Vụ, oai lắm. Chị Nho mới có cháu Tuấn 2 tuổi và đang mang bầu cháu Khôi. Thời gian đó anh chị sung sướng lắm, ở villa, đi đâu có công xa tài xế lái. Tìm được một cửa hàng buôn bán nơi thị tứ thật là khó, vì tiền sang cửa hàng khá nặng.


 Rồi chúng tôi cũng đủ tiền để sang một cửa hàng ở Phú Nhuận, nơi đó đông đúc dân cư và buôn bán được. Lại trở về nghề cũ, làm quần áo trẻ em và phụ nữ. Tôi mở một lớp dạy may cắt, cốt để huấn luyện một ít học trò sau làm công cho mình. Ít lâu sau, mọi chuyện êm xuôi, cửa hàng lại bắt đầu đông khách. Anh chị Trí ở Tourane ít lâu, không thích nơi này nên xin đổi về Nhatrang. Nơi đây miền cát trắng, biển xanh rất đẹp và thơ mộng, trong mấy tháng nhàn rỗi trước khi mở cửa hàng, chị Cả, maman có về Nhatrang chơi một tháng. Có gặp lại ông bà Chương, bà có một cửa hàng buôn gạo ở Nhatrang.



 Cửa hàng mở ra chưa được một năm, Tết đến tính sổ đã thấy có lời khá. Tôi có số buôn bán, lúc nào cũng gặp may. Tết năm đó, Chín, tôi và anh chị Nho đến Nhatrang chơi và đi Đà Lạt. Tôi rất thích phong cảnh ở nơi này, thật là thơ mộng, mơ màng. Những biệt thự đầy hoa tươi và ánh sáng cạnh những đồi thông xanh ngắt. Những cô thiếu nữ má đỏ môi hồng, những nhánh phong lan, những ruộng dâu, ruộng rau tươi mát - chợ búa đầy hoa hồng, hoa lay ơn, gợi lên trong lòng du khách biết bao cảm tình.



 Lục đã đến tuổi lấy vợ, đã có bằng cấp cử nhân luật khoa, làm ở Nha Quân Pháp. Chị Thiết có một người bạn đồng nghiệp ngày xưa có mấy cô con gái xinh xắn, nên làm mối giới thiệu cho Lục một cô. Mới xem mắt một lần, Lục đã bằng lòng ngay. Tôi biết Lục thích những cô gái thân hình nhỏ nhắn, nét mặt thanh tú. Rồi bắt đầu một tình yêu chân thành, chính đáng để xây dựng một gia đình, không phải là mơ mộng hão huyền như trước nữa.


 Chị Cả hay đau yếu, tính nết nhiều lúc không được bình thường. Oanh về làm dâu, hiền lành, ngoan ngoãn, nên cả gia đình đều rất yêu quý. Tôi thường bảo Lục, cô ấy còn quá nhỏ, cậu nên chiều chuộng cô ấy. Sau này, Lục bảo với tôi: “Cậu xem, có ai chiều vợ bằng tôi không? Nhà mình chưa có ai mặc đầm, Oanh là người mặc đầm trước tiên. Nhà nào cũng chỉ có một người làm, mà nhà tôi 3, 4 đứa. ” Đó là vì sau này Lục lắm con. Lục có địa vị cao, nhưng rất thanh liêm, không bao giờ ăn hối lộ. Lương bổng công chức tuy là đại tá, phó giám đốc Nha Quân Pháp , nhưng cũng không bằng lợi tức của tôi buôn bán.


 

 Chín và tôi thích đọc sách, nhất là tiểu thuyết, thơ văn ngoại quốc. Dạo đó có Hội Việt Mỹ dạy tiếng Anh, nên chúng tôi theo học ở đó được ba năm, một tuần đi học 3 tiếng đồng hồ vào buổi tối. Chúng tôi có chút căn bản về Anh ngữ, viết văn phạm đúng nhưng không nói thạo vì nhút nhát, cứ sợ nói người ta cười.



 Sau đó, tôi ở nhà buôn bán, còn Chín đi làm ở sở Mỹ, lương bổng khá cao. Lục thường than: “Mình làm chức phận to, mà vẫn không bằng hai cô, một cô buôn bán, một cô làm cho Mỹ!” Từ nhỏ đến lớn, con người của Lục có tính chất nghệ sĩ, hay đam mê. Đến dạo mê thân hình mạnh khỏe, đẹp đẽ nên rảnh lúc nào là tập thể thao, vì thế từ một thanh niên mảnh khảnh đã trở thành một người đẹp đẽ, thân thể cân đối. Có một điều tôi thường chế Lục là không chịu lái xe hơi, và cũng không chịu tập lái xe nữa. Đi làm đã có công xa, về nhà đi đâu chơi có vợ lái. Maman chế Lục là Từ Hải ngồi cạnh nàng Kiều. Lục cũng biết vợ đảm đang. Oanh chịu khó đi học may, rồi mở cửa hàng ngay ở nhà. Nhà Lục ở Cư xá Chí Hòa, sửa chữa tân trang lại rất đẹp, phòng khách rộng rãi, mấy phòng ngủ, con cái kẻ hầu người hạ, hạnh phúc êm đềm. Sinh đến 5 con gái mới có một con trai. Thằng Quân giống Lục như đúc, lúc nhỏ cũng mảnh khảnh. Đã lâu tôi không gặp cháu, không biết bây giờ hình dáng ra sao. Mấy năm có cơ sở Mỹ ở Saigon, nhà cho thuê được rất đắt. Hai vợ chồng mua một miếng đất khá lớn ở đường Nguyễn văn Thành và xây được một cái villa khá rộng và đẹp đẽ. Lục khen vợ có tài trông nom việc làm nhà.



 Cuộc đời tưởng êm trôi, mấy gia đình cũng khá, các cháu đã trưởng thành, có bằng cấp cao. Nhà nào cũng có mấy cháu thành gia thất và có địa vị trong xã hội.


 Lục sau 25 năm quân ngũ đã về hưu, cũng không có gì phải lo lắng. Có hai nhà, một nhà để ở, một nhà cho thuê, vợ có cửa hàng buôn bán, tiền bạc gởi nhà băng được trả lời rất cao. Lục được hưởng nhàn, vui với âm nhạc. Lục bảo tôi: “Thằng Quân đến lúc đi học là tôi phải mua ngay cho nó một cây violon nhỏ, để tôi luyện cho nó học đàn, còn mấy đứa con gái phải học piano.”



 Đang lúc mọi người trong gia đình đang sống yên vui, tình hình chiến sự sôi động, Việt cộng quấy phá mọi nơi. Mặc dù có quân đội Mỹ hỗ trợ, quân đội quốc gia tuy khá hùng mạnh nhưng cũng không thắng được du kích chiến. Dân chúng Mỹ thấy cuộc chiến kéo dài dai dẳng, tốn người tốn của biết bao nhiêu mà chẳng có kết quả gì, nên bắt đầu phản đối chiến tranh. Quốc hội sau đành phải quyết định giảm tài trợ, nên tình thế càng ngày càng đi xuống. Miền Trung bị bỏ ngỏ, quân đội cộng sản kéo vào chiếm đóng, quân đội và dân chúng phải di tản về Saigon. Tình thế càng ngày càng nguy ngập, mọi người hốt hoảng tính đến chuyện di tản sang Mỹ.



 Lục là người lo lắng nhiều nhất vì Lục rất ghét và sợ cộng sản. Đã tính chuyện mua một chiếc tầu biển cho mấy gia đình, thuê người lái ra ngoài hải phận Việt Nam đến Hồng Kông nhưng không thành. Tiền bạc lúc đó gởi nhà băng bị chính phủ ra lệnh phong tỏa, không ai được lấy ra. Cả nhà tôi, ai cũng mất khá nhiều tiền, nhất là Lục có bao nhiêu tiền gởi nhà băng hết, không mua vàng bạc gì để phòng thân. 


 Chín làm việc cho cơ sở Mỹ, biết là có biến động lớn, quân đội quốc gia không thể cầm cự nổi, và biết chắc là Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam, nên tìm lối thoát thân. May mắn là trước khi mất nước, Chín đã mang được mẹ và chị đi an toàn.


 

 Từ giã Việt Nam, bỏ lại gia đình thân yêu, cửa hàng buôn bán, cơ nghiệp 20 năm xây dựng ở Saigon, chỉ còn lại trong tay mấy chiếc va li nhỏ và chút ít vàng bạch nữ trang đem theo. Tiền bạc gởi nhà băng mất hết, qua Mỹ phải xây dựng lại từ đầu.


 Bỏ lại cửa nhà trong lúc phố xá còn yên vui, người qua lại tấp nập, với biết bao nhiêu nỗi phập phồng lo sợ, tâm trạng rối bời. Lúc ra đi bằng taxi, qua cửa kính thấy Lục đang thất thểu đi ở ngõ Nguyễn Huỳnh Đức – lúc đó Lục tìm đến nhà chúng tôi nhưng đã muộn, chúng tôi đã đi trước 5 phút rồi. Ai ngờ hình ảnh đăm chiêu ngày hôm đó lại là hình ảnh cuối cùng của Lục trong cuộc đời tôi. Vĩnh biệt người cháu thân yêu, người bạn vô cùng thân thiết từ thuở thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, không bao giờ dấu diếm nhau một điều gì, ngay những chuyện thầm kín trong tâm tư nữa.



0o0o0o

 


 Giai đoạn cực khổ nhất trong cuộc đời của hai chị em tôi là lúc mang được mẹ già bỏ nước ra đi, những lúc ở trại tỵ nạn, nhân phẩm bị coi rẻ, thiếu thốn đủ mọi thứ. Nhất là những tin tức chính trị trong lúc Việt Nam bị cộng sản tiến chiếm, chính phủ quốc gia đầu hàng.


 Rồi đến những chuyện bắt bớ. Lục dại dột đi trình diện đầu tiên, ai ngờ bị bắt đi trại tù cải tạo ngay bao nhiêu năm. Mấy cháu Hùng, Tuấn, Tùng, Trung cũng bị bắt đi tù cải tạo. Gia đình tôi chịu biết bao nỗi xót xa đau khổ. Nhưng nào có yên, đến lúc đổi tiền, gia đình nào cũng bị phá sản, có dấu diếm được chút vàng bạc mới có thể sống qua ngày được. Thật rất nhiều cảnh thương tâm.


 May mắn là gia đình Dung đã sang ty nạn được ở Hongkong, sau này sang Pháp, chúng tôi mới có thể biết được tin tức bên nhà.



 Tôi rất phục chị Lục, vì tôi biết là trong nhà không dành dụm được mấy. Tiền nong ở nhà băng bị tịch thu, một mình nuôi mẹ già, đàn con dại chưa đứa nào trưởng thành, giúp đỡ được gì. Thời buổi gạo châu, củi quế mà lo lắng cho gia đình được ấm no là cả một chuyện rất khó. Lại còn tìm tòi chạy chọt hết chỗ này chỗ kia để lo cho chồng được thả. Sau này, vì hết hi vọng, đành phải tìm cách tiếp tế cho chồng. Lục bị giam hết trại nọ đến trại kia, đói khát, khổ sở nên mắc bệnh tim. Đến ngày phải tải ra Bắc ở nhà tù Hà Nội, vợ Lục cũng tìm cách ra thăm nuôi chồng, thật tội nghiệp quá.


 Lúc đó, anh chị Nho cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Mấy gia đình lo lót, tìm cách vượt biên, bị lừa mất bao nhiêu tiền. Gia đình Nhan phải đi đến mấy lần mới xum họp được với nhau. Chị Lục cũng chạy chọt lo được cho cháu Quân đi chót lọt, rồi sau cháu định cư ở Đức. Giai đoạn này tôi không được rõ.


 

 Rời bỏ quê hương, chúng tôi phải di chuyển mấy tháng hết trại nọ đến trại kia. Maman còn mạnh khỏe, chúng tôi cũng đỡ được một phần lo lắng. Ngày tháng dài lê thê, thật là nhàn rỗi. Tôi nói đùa đó là những ngày nghỉ hè dài nhất trong đời tôi. Bởi vì tôi là đứa ham hoạt động, từ thuở nhỏ cho đến bấy giờ, có lúc nào tôi nghỉ ngơi thật sự đâu. Ăn uống ngày 3 bữa xếp hàng lấy thức ăn, rảnh rỗi ra phòng thông tin xem tin tức, tối đến ra ngoài xem ciné. Công việc của Chín bị chấm dứt từ lúc ra đi. Chín lo lắng lắm, không biết sang Mỹ phải làm gì.


 Rồi đến ngày khăn gói ra đi, định cư ở Chicago, thành phố gió, có hội Do Thái bảo trợ, bạn bè có chị Nga là người đã ở đây trước mấy năm. Chúng tôi cũng ơn chị Nga là người đã chỉ dẫn về đời sống và công việc ở nơi này. Vì có biết một chút Anh văn, nên chúng tôi không xin welfare, mà hội giới thiệu cho làm việc ở một tiệm buôn lớn. Tôi làm việc ở đó suốt từ năm 1975 đến năm 1997 mới về hưu. Chín quen với những công việc bàn giấy nên có thay đổi việc làm, việc sau cùng được nhiều lương nhất cho đến ngày về hưu.



 Chuyện đau lòng nhất là từ ngày sang Mỹ, maman sức khỏe suy yếu dần dần. Một phần vì không quen đời sống mới ở đây, tiếng tăm không biết, suốt ngày chỉ trông ngóng con đi làm về. Việc đầu tiên của chúng tôi là mua cho maman một cái tivi, để cụ xem cho đỡ buồn. Nhưng hồi đó đâu có những phim bộ video như bây giờ, toàn tiếng Anh, nên bà cụ chán. Gần đến Christmas, bà cụ ốm nặng phải vào nhà thương. Ngờ đâu đó lại là ngày cụ không bao giờ trở lại nhà được nữa. Mùa đông năm ấy, mặc dù trời gió bão tuyết rơi, ngày nào chúng tôi đi làm về cũng vào nhà thương thăm mẹ. Một tuần lễ làm việc 5 ngày, nên chúng tôi thay phiên nhau ở trong nhà thương với cụ. Tuổi già sức yếu, trong mấy tháng trời ròng rã, các bộ phận trong người được thử hết , không thấy có gì trầm trọng, nhưng sức khỏe cụ càng ngày càng yếu dần, và đến tháng 5 năm 1976, cụ từ giã cõi đời.


 Kinh hoàng, lo sợ, Chín và tôi đã trải qua những ngày tháng đau đớn mất một người mẹ thân yêu. Tôi luôn luôn mang cái mặc cảm là con người nhiều tội lỗi. Bản tính mạnh dạn, vô tư, ngay thẳng như con trai, coi thường những cử chỉ yêu thương trìu mến. Tình cảm tôi dạt dào nhưng chỉ để ở trong lòng. Tôi đã làm trái ngược với thiên chức của một người đàn bà, những ước muốn của mẹ tôi mong tôi có một gia đình êm ấm, một đàn cháu nhỏ để cụ vui lúc tuổi già. Chín nhỏ hơn tôi nên mẹ tôi đặt hi vọng vào tôi nhiều hơn. Những người đến với tôi có ai tệ đâu, mà tại sao tôi không yêu thương họ được để nay sống một cuộc đời đơn độc. Ngày trước, mẹ tôi rất hãnh diện vì tôi có bao nhiêu người theo đuổi, nhưng tôi luôn luôn để sự nghiệp lên hàng đầu. Cơ nghiệp của tôi do tự tay tôi làm ra từ xưa đến nay, chưa từng nhờ vả ai đến một xu, mà còn giúp đỡ được một ít người nữa. Tôi là người có nhiều tự ái, sống độc lập, không hổ thẹn với lương tâm, với đạo làm người. Bố tôi chết lúc tôi còn nhỏ quá, không dạy bảo tôi một cái gì, mà tôi luôn luôn lấy đạo đức làm đầu, gìn giữ cho được gia phong.


 

 Về đời sống, công việc cũng làm nguôi dần nỗi đau thương. Số mạng gắn chặt hai chị em sống chung với nhau. Tin tức gia đình ở Việt Nam không có gì vui. Thình thoảng dành dụm được ít tiền gởi quà về nhà. Tôi xin được học bổng của sở làm được đi học. Đi làm part time và học part time. Lương bổng vì thế mà sút kém, nhưng cũng đủ sống. Tôi lại tìm được cái không khí của học đường ganh đua cùng với chúng bạn. Lớp đầu học ESL đủ mọi thành phần các nước, tôi chỉ cần ôn lại căn bản, chỉ 3 tháng sau họ cho ngay tôi vào năm đầu của đại học. Tôi học rất khá, luôn luôn được điểm rất cao. Về English tôi thuộc về hạng ưu, còn những lớp có toán, tôi cố theo nhưng thật khó vì tôi không có căn bản về toán.


 Mấy năm sau, tôi có bằng cấp của 2 năm đại học. Học càng ngày càng khó, tôi lại phải đi làm để kiếm sống, phải thức khuya lắm cũng không làm xong được bài, nên đành phải chào thua. Chicago là đất dữ, tôi lại không biết lái xe, đi học về khuya nguy hiểm lắm.



 Năm 1979, anh Nho mất. Trước đó ít ngày, tôi không nhớ rõ, hình như Lục đã được thả về, ốm yếu bệnh hoạn. Chị Cả sau khi Lục về được ít lâu đã qua đời. Lục đã báo hiếu được cho mẹ già. Công lao của chị Lục trong mấy năm vừa qua khiến Chín và tôi thật cảm kích.


 Anh chị Trí được chính thức sang Mỹ do Châu bảo trợ. Anh chị tôi trông già đi nhiều, ít lâu sau mới bình phục lại được. Hôm anh chị ra sân bay có Lục đi tiễn. Năm đó lại là năm Lục mất. Trời ơi! Người bạn thân thiết nhất từ thuở tôi còn thơ đến nay đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ chúng tôi còn gặp nhau được nữa, họa chăng là trong giấc mộng. Vợ Lục còn quá trẻ, một đàn con thơ dại, bao nhiêu trách nhiệm để cả lên đầu. Câu “Thời thế tạo anh hùng” cổ nhân nói thật là đúng. Trải qua bao nhiêu gian truân, Thúy Oanh vợ Lục lo lắng được cho con cái nên người, công ơn của người mẹ không phải là nhỏ.



 Đến lúc chúng tôi gặp lại Oanh và các con bên Mỹ, cùng nhau bùi ngùi nhớ đến hình ảnh người xưa, với bao nhiêu kỷ niệm của thời dĩ vãng. Riêng Oanh và các con có biết bao thương nhớ về một tiểu gia đình quây quần xum họp ở Saigon, bao nhiêu tang thương biến đổi, bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Oanh không thể quên Lục trong lúc đang còn xuân sắc, có thể lập lại cuộc đời. Vì tình yêu, vì các con, Thúy Oanh đã phải hi sinh nhiều lắm.


 Mấy chục năm sống trên đất Mỹ, nhận nơi này làm quê hương thứ hai, không trở lại được quê cũ, nhưng hương xưa còn đó, kỷ niệm không hề nhạt phai.

 


Chicago ngày 28 tháng 5- 2002


Thụy Lê


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc