TỤC "NUÔI" VÀ THỜ CHÓ ĐÁ

14 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 32682)



cho_da_1

 


Trong quan niệm của người Việt cổ thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở Việt Nam.



hoang_thach-content Tại đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Định Vĩ) – Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, chính giữa bệ thờ là tượng quan Hoàng cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, tay cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Nhưng có người cho rằng “ngài” đang ngửa cổ lên trời cười vì khuôn mặt rất tươi. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 16 chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất linh động. Theo ông Nguyễn Chí Cương, Trưởng Ban di tích xã Phương Đình, đền thờ được tôn tạo từ năm 2000. Trước đó, quan Hoàng được đặt sâu trong đất chỉ nhô nữa thân lên. Vị trí 16 con chó hiện nay đều đặt không đúng như trước. Quan Hoàng nhìn về phiá Tây Bắc, hướng núi Ba Vì. Theo ông Minh Nhương, Trưởng VHTT huyện Đan Phượng thì “ngài” nhìn về đền thờ hai Bà Trưng ở Hát Môn (nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Định Đình). Bệ thờ hiện nay được xây thành ngai đặt cao trên một gò đất bên cạnh chùa Phúc Khánh và đình làng. Trong đình làng, bên cạnh bài vị của Đức Linh Lang Đại Vương, Mãnh tướng Đại vương thì quan Hoàng Thạch có bài vị riêng là Hạ giới Đại Vương. Ngày nay, ngoài những ngày rằm và mùng một, dân trong làng thường đến đây hương khói xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau bị trắc trở, những người có tranh chấp, xung đột, những cặp vợ chồng có hiểu nhầm, va chạm cũng đến đây xin “ngài” soi xét, phù hộ. Sau khi khấn vái, người dân thường chém ngang cây chuối hoặc đập tan chồng bát mang theo với ý “thề độc”. Hàng năm, sau lễ Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng âm lịch) dân làng Địch Vĩ mang lễ vật lên đền Hát Môn để hội tế. Như vậy, quan Hoàng Thạch ở Địch Vĩ không chỉ được thờ tại đền riêng mà còn được thờ trong đình như một “Thành Hoàng Làng”, người đã có công khai làng, mở xóm.



Câu chuyện truyền thuyết về “ông Hoàng Thạch” ở làng Địch Vĩ được kể như sau:

Cách đây đã ngoài 400 năm có một gia đình có hai anh em ở Hát Môn . Người anh là một vị quan trong triều đình, ở nhà chỉ còn em trai với chị dâu.

Ngăn buồng của chị dâu và em trai là một vách đất thủng một lỗ to bằng nắm tay. Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu vì sợ chị ngoại tình.


Thế nhưng, vài tháng sau khi vị quan kia về thì thấy vợ mình có chửa, nghi em trai dan díu với chị dâu, trong lúc nóng giận, vị quan đã sai người giết chết em trai cho hả giận.


Người em sau khi chết oan, về báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và yêu cầu nhân dân dựng cho mình một bức tượng. Bức tượng ấy sau khi hoàn thành thì được thả xuôi theo dòng sông.


Bức tượng trôi đến địa phận xã Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, ngăn bởi con sông Hồng. Lúc bấy giờ, dân làng mới đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ hẳn là pho tượng quý, người dân Thọ Xuân cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng tượng về, nhưng không thể khiêng nổi. Bấy giờ, bốn người thôn Địch Thượng mới hò nhau ra khiêng thử, lạ thay, bức tượng bỗng nhẹ bẫng. Biết là tượng đã chọn làng mình, dân Địch Thượng mới mang tượng “chó đá” mà sau tôn làm Quan lớn Hoàng Thạch và thờ cúng cho đến nay.


Đôi mắt tượng được dựng hướng về Hát Môn cũng chính là hướng về quê hương cũng là vì lẽ đó. Tục thờ cúng Quan lớn Hoàng Thạch có từ ngày bấy cho đến nay đó cũng trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của làng”


Một câu chuyện cổ tích khác nói về chó đá:

"Ngày xưa, có người học trò vào nhà thầy giáo, khi qua cửa thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: "Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao?". Con chó đáp: "Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy". 

Người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác. Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: "Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông". Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi. Nhưng những ngày sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng. Người học trò hỏi: "Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?". Con chó đá nói: "Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa". Người học trò đem chuyện kể lại với cha, người cha lấy làm hối hận, rồi từ đó không những không lên mặt hống hách mà còn xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm. 

Khoa ấy, người học trò dù đã lọt qua mấy kỳ nhưng không đỗ thật. Tuy vậy, người học trò cũng không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi. Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: "Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ". Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao." 


Qua câu chuyện cổ tích này có thể nói, tục "nuôi" chó đá đã có từ rất lâu và sâu đậm trong văn hóa người Việt. Các bậc cao niên ở một số vùng quê Bắc Bộ khẳng định rằng tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức: Chôn chó đá trước cổng nhà như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc và đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, thờ phụng. Không chỉ ở các vùng nông thôn mà ở ngay Hà Nội, khoảng thời gian sau 1954, những người già còn kể rằng, ở mé nam ngã tư Trung Hiền có một con chó đá khá lớn, do đó mà có tên cửa ô Chó Đá. Nhưng bây giờ thì chó đá cũng không còn, mà cái tên cửa ô Chó Đá cũng chỉ còn trong ký ức của số ít người. 


Ở đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây) hiện vẫn còn một đôi chó đá với vai trò canh giữ. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Dư địa chí, khi chép về trấn Thanh Hóa có ghi rõ: "Cửa nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng". Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tây Hồ chí, khi chép về việc trồng muỗm ở đời Trần trên đê sông Hồng, đoạn ở kinh thành cũng đều có nói đến miếu Chó Thần. Còn việc dân chúng chôn chó đá trước nhà mình thì hiện vẫn còn rải rác ở một số nơi.



cho_da_2 
Tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục cũng cho biết rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất... Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này luôn luôn liên quan đến Thần Chó mà khi định đô ở Thăng Long, việc lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành là những giả thiết rất phù hợp với quy luật lịch sử, bối cảnh văn hóa nước ta. Bên cạnh huyền sử Lý Công Uẩn, chúng ta còn có lai lịch di tích đền Cẩu Nhi qua sách Tây Hồ chí. Sách này cho biết, miếu thờ thần Cẩu Nhi vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu. Nơi đây đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu. Như vậy, có thể nói, trong văn hóa người Việt, việc thờ chó đá là có thực, tuy có rất ít tài liệu ghi chép lại. 


Vua Lê Thánh Tông cũng từng làm 2 bài thơ vịnh chó đá như sau (Hồng Đức quốc âm thi tập, thế kỷ 16):

Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài
Cửa nghiêm chôm chổm một mình ngồi
Quản bao sương tuyết nào chi kể
Khéo nhử cao lương cũng chẳng nài
Mặc khách thị phi giương tráo mắt
Những lời trần tục gác ngoài tai
Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng
Bền vững ai lay cũng chẳng dời.


Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
Chào người quân tử chẳng phe đuôi
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.



Dường như lúc đầu, khoảng thế kỷ 15 hoặc sớm hơn nữa, người ta đặt chó đá để canh giữ chỗ thờ phụng vua.


Đời sau, nhiều làng bắt chước chôn chó đá để yểm trừ ma quỷ, bảo vệ dân làng. Ban đầu chôn ở cửa đình, cửa chùa, rồi dần dần chôn cả ở cổng làng, đường làng.


Linh mục Cadière (1918) cho biết :


Làng Nam Phổ Đông nằm trên đường từ Huế ra Thuận An có chôn 2 con chó đá. Một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phú Khê nằm gần đó. Con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma. (Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, Ecole française d’Extrême-Orient, 1992, tr.132, 133).


Dưới gốc đa già, bên cạnh con đường dẫn vào làng Hoàng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày nay) trước năm 1945, có chôn 4 con chó đá.


Tiếp theo làng quê, đến lượt các nhà giàu cũng chôn chó đá.


Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí. (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, nxb Đông Nam Á tái bản, 1985, tr.179).


Kho thóc của thành Quảng Trị có chiếc đòn hướng vào dinh quan án sát. Người ta cho đắp một con chó (thần cẩu) đặt trên mái dinh để ngăn chặn ảnh hưởng của chiếc đòn kia (L. Cadière, sđd).


Hàng quý tộc chôn chó đá để canh giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thuỷ chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi ma quỷ.


Nếu không tiện chôn hay đặt chó đá thì có thể gắn một tấm gương.


Tại Huế, gần bến Đông Ba có nhà bị đòn ngang của đền Quan Đế phía trước đâm thẳng vào. Chủ nhà cho gắn một tấm gương trên mái. Gương sẽ phản chiếu, đổi hướng đi của chiếc đòn ngang.


Bị một con đường phía trước hướng thẳng vào nhà người ta cũng cho đặt một tấm gương trên mái để tránh rủi ro. (L. Cadière, sđd).


Chùa Cầu ở Hội An là một di tích kiến trúc kiểu thượng gia - hạ kiều, cầu bên dưới - nhà bên trên. Kỳ lạ hơn nữa là có hai cặp tượng chó (Linh Cẩu) và khỉ (Thần Hầu) được thờ đăng đối hai bên đầu cầu. Có người cho rằng đó là cách ghi niên đại: khởi công vào năm Thân (con khỉ) và hoàn thành vào năm Tuất (con chó). Có người cho đó là những con vật mà người Nhật thờ tự trong nhiều công trình tín ngưỡng từ cổ xưa. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An có ghi lại cặp câu đối như sau (nguyên câu đối được đắp bằng sứ ở mặt phía Đông Chùa Cầu, hiện nay không còn nữa) :


Thiên cẩu song tinh an Cấn thổ
Tử vi lưỡng tướng định Khôn thân


Tạm dịch: Hai sao Thiên cẩu trấn an đất Cấn / Hai tướng Tử vi định giữ cung Khôn.


Trong Kinh dịch, đất Cấn chỉ hướng Đông Bắc, cung Khôn chỉ hướng Tây Nam. Theo người xưa thì cặp Linh Cẩu chính là hai vị thần Trời cử xuống để canh giữ sự bình yên cho đất này và cầu bắc qua lạch nước nối hai xã Minh Hương và Cẩm Phô theo hướng Đông Bắc- Tây Nam. Tượng làm bằng gỗ, nhưng tưởng như bằng đá bởi lớp sơn bên ngoài màu xám. Nhìn cặp Linh Cẩu (một đực, một cái) cao to bằng chó thật, chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như sắp nhổm lên, xông ra đương đầu với cái ác để bảo vệ sự an lành của nhân dân.


(Sưu tầm)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Mục Đồng