TÂM VÔ CHƯỚNG NGẠI - Trạch Am

28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 31841)



TÂM VÔ CHƯỚNG NGẠI



takuan 


Takuan Soho (1573-1645)

Takuan Soho (Trạch Am) là một vị thiền sư nổi tiếng của dòng Lâm Tế Nhật Bản. Takuan (Trạch Am) là tên ngài tự đặt cho mình, có nghĩa là “củ cải muối”, món ăn khoái khẩu nhất của ngài. Ngài không chỉ là một người tu thiền, mà còn đem thiền vào trong thơ, họa, thư đạo, và trà đạo. Nhưng điều đặc biệt nhất, như trong bài trích dưới đây, ngài còn là bậc thầy của vị kiếm sĩ lừng danh nhất thời đó là Yagyu Munenori. Ở đây, Takuan giải thích cho vị kiếm sĩ về ý nghĩa của câu nói “tâm không dừng lại ở đâu (tâm vô trụ), đó gọi là trí bất động.”

 




Cái khổ của sự trụ lại trong vô minh


“Vô minh” có nghĩa là không có giác ngộ. Nói cách khác, là sự si mê. 


Chỗ trụ có nghĩa là chỗ tâm dừng lại ở đó.


Trong sự tu tập Phật pháp, chúng ta biết rằng có 52 tâm sở, tức 52 trạng thái của tâm, và khi tâm dừng lại ở một trạng thái nào đó thì gọi đó là trụ lại. Trụ có nghĩa là dừng lại, và dừng lại có nghĩa là tâm bị giữ lại trong một vấn đề nào đó có thể là rất nhỏ nhặt, không đáng để nghĩ tới.



Nếu nói về kiếm thuật, khi bạn mới để ý đến ngọn kiếm đang phóng tới tấn công bạn, nếu bạn nghĩ cách để gạt ngọn kiếm đó, thì tâm bạn sẽ dừng lại ngay nơi vị trí đó, khiến thế phản công của bạn bị sơ hở và sẽ bị đối thủ đâm ngay vào. Đó là ý nghĩa của sự dừng lại.


 Tuy bạn thấy mũi kiếm đang di chuyển đến tấn công mình, nhưng nếu tâm bạn không bị nó giữ lại ở đó mà cứ chuyển động theo nhịp của mũi kiếm; nếu bạn đừng nghĩ cách đánh lại địch thủ và không có một khởi niệm hay phán xét gì trong tâm; nếu trong giây phút thấy mũi kiếm đang chuyển động bạn không hề dừng tâm lại chút nào, và bạn tiến thẳng vào dằng lấy ngọn kiếm từ tay địch thủ, ngọn kiếm lẽ ra sẽ đâm vào bạn đó sẽ trở thành ngọn kiếm của bạn, sẽ là ngọn kiếm đâm vào địch thủ.



 Trong Thiền điều này gọi là “cướp lấy đao, và đâm ngược lại người đang định đâm mình”. Đao là một khí giới. Điều cốt yếu ở đây là ngọn kiếm bạn dằng lấy được từ địch thủ sẽ trở thành ngọn kiếm đâm lại hắn. Đó là điều mà trong kiếm thuật gọi là “Vô Kiếm”.



 Dù sự tấn công đến từ địch thủ hay từ chính bạn, dù là do người tấn công hay kiếm tấn công, nếu tâm bạn bị vướng mắc bởi thế đánh hay nhịp đánh, những cử động của bạn sẽ bị trở ngại, và như vậy, bạn sẽ bị kiếm đâm vào.


 Nếu bạn đặt mình ở trước đối thủ, tâm bạn sẽ hắn lấy mất. Bạn không được giam giữ tâm ở trong thân mình. Giam giữ tâm trong thân là điều chỉ được làm khi mới bắt đầu học tập. 


 Tâm ta có thể bị ngọn kiếm lấy mất đi. Nếu bạn đặt tâm mình vào trong nhịp của trận đấu, tâm bạn cũng có thể bị lấy đi. Nếu bạn đặt tâm mình vào mũi kiếm của mình, tâm bạn cũng bị mũi kiếm của bạn lấy mất đi. Tâm bạn dừng lại ở bất cứ chỗ nào, bạn sẽ trở thành một cái vỏ trống rỗng. Chắc bạn cũng nhớ lại những lúc như vậy. Điều này cũng có thể áp dụng trong Phật đạo.


 Trong đạo Phật, tâm dừng lại gọi là “si mê”. Vì thế mới gọi là “Cái khổ của sự trụ lại trong vô minh.”


 

 

Trí bất động của Chư Phật

 


Bất động có nghĩa là không lay động.


Trí tuệ có nghĩa là trí tuệ hiểu biết.


Tuy gọi là trí bất động, nhưng không có nghĩa đó là vô tình, vô cảm như gỗ đá. Nó vẫn chuyển động như tâm thường chuyển động, luân lưu đến phía trước hay phía sau, qua trái hay qua phải, đến mười phương tám hướng, và cái tâm không dừng lại ở đâu đó gọi là trí bất động.



fudo

 Bất Động Diệu Vương cầm một cây kiếm nơi tay phải và một sợi dây thừng nơi tay trái. Ngài nhe răng, trợn mắt giận dữ, lấy tấn đứng vững chắc, sẵn sàng đánh bại những ác ma đang quấy phá Pháp Phật, dù ở bất cứ nơi nào, chốn nào cũng vậy. Ngài được biểu hiện trong hình tướng của một vị hộ pháp, và là hiện thân của trí bất động. Đó là biểu tượng để hiển thị cho chúng sanh thấy.


Khi thấy tướng ngài, phàm phu cảm thấy sợ hãi và không dám có ý tưởng chống phá lại đạo Phật. Nhưng người sắp giác ngộ hiểu rằng đó chỉ là hình tượng biểu trưng cho trí bất động, và dẹp tan đi mọi mê lầm. Đối với người nào có thể biểu thị được trí bất động và khéo thực hành pháp này nơi tâm và thân như Bất Động Diệu Vương, họ sẽ không còn bị tà ma quấy phá. Đó là mục đích của biểu tượng Bất Động Diệu Vương.



Gọi Bất Động Diệu Vương có nghĩa là có một tâm bất động và một thân không lay chuyển. Không lay chuyển có nghĩa là không bị cản trở bởi bất cứ điều gì. 



Khi liếc nhìn một cái gì mà tâm không trụ lại thì gọi là bất động. Đó là bởi vì khi tâm trụ lại ở một chỗ nào đó, những phán xét sẽ nẩy sinh ra đầy ắp, và những khởi niệm dấy lên thật nhiều. Khi những khởi niệm này ngừng lại, tâm đang trụ lại một chỗ sẽ lưu chuyển đi, nhưng không có nghĩa là tâm bị lay động.



Nói ví dụ có mười người, mỗi người một cây kiếm, đều đang tiến tới chém bạn, nếu bạn đối phó lại mỗi cây kiếm mà không trụ tâm lại nơi bất cứ hành động nào, cứ tuần tự nhi tiến mà làm, bạn sẽ không thiếu sót bất cứ một hành động nào để đối lại với mười tay địch thủ.


Tuy tâm phản ứng mười lần để đối lại với mười người, nhưng nếu không trụ lại ở đâu cả, cứ phản ứng tuần tự từ trước tới sau, làm sao có hành động thiếu sót được?


Nhưng nếu tâm trụ lại trước một trong những địch thủ, có thể bạn chống lại được cây kiếm của hắn, nhưng sẽ không kịp có hành động đúng lúc khi nhát kiếm của người sau đâm tới.



Xem như Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm có đến ngàn tay trong một thân, nếu tâm ngài trụ lại ở một cái tay đang cầm bình bát, thì 999 cái tay kia sẽ thành vô dụng. Chính bởi vì tâm không trụ lại ở đâu cả mà tất cả mọi cánh tay mới được hữu dụng.



Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm vì mục đích gì mà có ngàn tay nơi thân? Đây là hình tượng để chỉ cho thấy nếu có trí tuệ bất động là buông xả, thì dù cho có đến ngàn tay trong một thân, tất cả mọi cánh tay vẫn đều hữu dụng như thường.



Khi nhìn vào một cái cây, nếu bạn chỉ nhìn vào một cái lá đỏ, bạn sẽ không thấy tất cả các lá khác trong cây. Nếu mắt không trụ lại trong một cánh lá nào, và bạn đối diện với cái cây với một tâm không rỗng, tất cả các lá đều được thấy trong mắt bạn, không có giới hạn. Nhưng nếu mắt bạn ngừng lại nơi một cái lá, tất cả các lá khác sẽ không còn được thấy nữa. 



Người hiểu được điều này sẽ không khác biệt với Quan Âm ngàn mắt ngàn tay.



Người bình thường tin tưởng rằng có ngàn mắt ngàn tay là một ân phước. Kẻ có trí tuệ nửa vời đặt câu hỏi làm sao một người lại có ngàn con mắt được, cho đó là sự dối trá, rồi nói những lời phỉ báng. Nhưng người có hiểu biết hơn sẽ có một niềm tin kính ngưỡng dựa trên nguyên tắc căn bản, không cần niềm tin chất phác của những người bình thường, cũng không phỉ báng pháp Phật, mà người ấy sẽ nhận biết rằng, chỉ với một biểu tượng này thôi, cũng đã là một biểu dương thù thắng của Pháp Phật.

 

 

Lưu Ly

 

(trích dịch từ Introduction to the Buddha & his teachings)


 

Vài lời mạn bàn:


Tâm vô chướng ngại là tâm tự tại tự do, không vướng mắc vào đâu cả. Ấy là tâm vô trụ - cũng là tâm bất động. Bất động không có nghĩa là không chuyển động gì cả, mà chính là tâm luân lưu từ sát na này qua sát na khác, từ niệm này sang niệm khác, không dừng lại ở đâu cả. Chính vì không dừng lại nên mới không bị giam hãm vào đâu, và mới có được sự thấy biết toàn thể đối với sự việc. 


Động mà không động, cũng như ở trong niệm mà Vô niệm, đều từ vô trụ mà ra - đó là tâm Không, nền tảng của Kiếm đạo, cũng là cốt tuỷ của Thiền.


Võ sĩ Đạo của Nhật Bản đặt nền tảng trên tâm vô trụ của tánh Không, nhờ thế mà giai cấp lãnh đạo của nước Nhật với thành phần nòng cốt là võ sĩ (samurai) được cái nhìn thức thời của trí tuệ vô ngã,  biết buông bỏ đúng lúc những lề lối tập tục cổ hủ lỗi thời của thời phong kiến, để đưa Nhật Bản lên hàng tiền đạo trong những nuớc hùng mạnh trên thế giới.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc