BÀN VỀ ĐỨC CHUẨN ĐẾ BỒ TÁT - Diệu Huyền

09 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 45627)

 

 

chuan_de_1-content



ĐỐI THOẠI TRONG SÂN CHÙA:

 


Thanh và Tịnh là hai người bạn quen nhau trong một ngôi chùa. Thanh mới học Phật nên có nhiều thắc mắc, thường hay hỏi Tịnh là người đã có công phu tu tập lâu năm. Hôm nay, nhân ở chùa thiết lễ vía Đức Chuẩn Đề Bồ Tát ngày 16 tháng 3, Thanh hỏi Tịnh về Đức Chuẩn Đề Bồ Tát.



Thanh: Chị Tịnh ơi, sao em thấy trong đạo Phật có nhiều vị Phật và Bồ Tát quá. Không biết Đức Chuẩn Đề Bồ Tát là xuất xứ từ đâu và tượng trưng cho cái gì vậy chị?



Tịnh: Đức Chuẩn Đề Bồ Tát xuất xứ từ kinh Phật, như trong kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Ngài chính là Quan Thế Âm Bồ Tát nguyên thủy, có tên là Avalokitesvara, hay là Avalokita, và được thờ phụng kính ngưỡng ở Tây Tạng cũng như ở Ấn Độ và vùng Tây Á trước đây. Trong kinh nói ngài xuất ra từ một tia hào quang phóng từ con mắt phải của Đức Phật A Di Đà, trong tay ôm một cành hoa sen, và khi ngài vừa sinh đã thốt lên câu chân ngôn OM MANI PADME HUM. Nếu nói về huyền nghĩa, Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho lòng đại từ đại bi, và từ lòng từ bi rộng lớn vô biên ấy mà phát xuất một đại nguyện cứu khổ cho tất cả chúng sanh đang cầu sự giải thoát khỏi đau khổ, và Chuẩn Đề Bồ Tát, hay Quan Thế Âm Bồ Tát như chúng ta thường gọi, chính là hiện thân cho đại nguyện ấy.

 


Thanh: Nhưng Chuẩn Đề Bồ Tát có hình tượng khác với Quan Thế Âm Bồ Tát, vì sao như vậy?



Tịnh: Chuẩn Đề Bồ Tát là Quan Âm nguyên thủy từ Ấn Độ. Theo sự tích trong kinh Lăng Nghiêm, trong một pháp hội cho hàng trời người do Đức Phật chủ tọa, Bồ Tát Avalokita đã chứng nhận rằng ngài do Pháp Quán Âm dùng tánh nghe để quán các âm thanh nên đã được giác ngộ, và từ đó khởi lòng từ bi phát nguyện sẽ cảm ứng với tất cả những âm thanh đang cầu khẩn đến ngài trong biển khổ trầm luân.

Chuẩn Đề Bồ Tát thường được vẽ tạc trong một hình tượng có nhiều mắt, nhiều tay, và các tay của ngài đều bắt ấn, hoặc cầm pháp khí. Đó là vị Bồ Tát mang tướng nam, nhưng thật ra chúng ta không nên chấp vào tướng nam hay nữ. HÌnh tượng Phật và Bồ Tát do trí tưởng tượng của con người tạo ra chỉ là những biểu tượng, không phải là thật. Kinh Kim Cang nói: “Nếu lấy sắc cầu ta, Lấy âm thanh cầu ta, Kẻ ấy hành đạo tà, Không thấy được Như Lai.” Theo như trong kinh, Đức Chuẩn Đề Bồ Tát có năng lực hóa thân thành vô số tướng, trong đó ngài có đến 337 hóa thân khác nhau.


Khi Đạo Phật phổ biến ở Trung Hoa thì Quan Âm lại được biểu tượng trong một tướng nữ, có lẽ vì ngài tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng vô biên như tình thương của một người mẹ, nên Bồ Tát Quan Âm mang tướng nữ có vẻ gần gũi và thích hợp hơn.


 

Thanh: Nếu muốn cầu đến ngài thì có nghi thức gì không?



Tịnh: Vì ngài thường được thờ phụng theo Mật Tông, nên người ta dùng những nghi thức Mật Tông, nhưng phổ thông nhất là dùng Chú Chuẩn Đề, trong đó câu niệm chính là “Án Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha”. Người Tây Tạng thường tụng câu chú phổ thông nhất là "Om Mani Padme Hum".

 


Thanh: Khi tụng chú Đại Bi, chúng ta thường hay niệm Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, có phải là niệm đến Đức Chuẩn Đề Bồ Tát không vy chị?

 


Tịnh: Đúng vậy, trong kinh kể rằng, Avalokita, tức là Đức Chuẩn Đề Bồ Tát, hay chúng ta thường gọi là Quan Âm, trước sự hiện diện của những hàng trời người trong pháp hội, vì muốn làm cho chúng sanh đều được lợi ích an vui, đã phóng kim quang rực rỡ sáng chói át cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và với sự cho phép của Đức Thế Tôn, đã nói lời ngợi khen thần chú Đại Bi Đà La Ni có công hiệu diệt trừ vô số nghiệp ác, làm tiêu tan sợ hãi và đạt được những điều mong muốn. Ngài kể lại vô lượng ức kiếp về trước, đã được thọ trì thần chú này từ Đức Phật hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai (có nghĩa là tâm vô chướng ngại), nhờ đó đã chứng ngay từ sơ địa lên đệ bát địa Bồ Tát. Lúc bấy giờ ngài vui mừng phát nguyện rằng, “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho chúng sanh với thần chú này, xin cho con liền sinh ra ngàn tay ngàn mắt.” Lời nguyện đó lập tức được đáp ứng, ngài liền có ngàn tay ngàn mắt hiện đủ nơi thân.


Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni là một bài chú dài gồm tên của các vị Bồ Tát hợp lại, được đọc với phiên âm tiếng Phạn, và được coi như một bài thần chú có năng lực rất diệu kỳ. Rất nhiều người đã có kinh nghiệm về thần lực của bài chú Đại Bi Đà La Ni, như qua vô số câu chuyện đã được kể lại.


 

Thanh: Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni có công hiệu như thế nào vậy chị?


 

Tịnh: Khi Bồ Tát Chuẩn Đề đứng trước Đức Phật và pháp hội, ngài đã có lời thệ nguyện rằng:


“Bạch Đức Thế Tôn, nếu có chúng sinh nào trì tụng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni mà còn đọa vào ba đường ác, con thề không thành Chánh Giác.

Nếu trì tụng thần chú Đại Bi mà không được sanh về các cõi Phật, con thề không thành Chánh Giác.

Nếu trì tụng chú Đại Bi là không được vô lượng tam muội biện tài, con thề không thành Cháng Giác ( tam muội biện tài có nghĩa là tâm được an định, nói năng thông suốt).

Nếu trì tụng Chú Đại Bi mà tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại không được như ý, thì người ấy không phải đã thực sự trì tụng chú Đại Bi Tâm, mà phải buông bỏ những việc làm bất thiện, giả dối trong tâm.”


Nguyện như vậy rồi, Ngài còn nói thêm rằng, trì tụng Chú Đại Bi sẽ tránh được những cái chết hoạnh tử và được sanh vào chỗ an lành, gặp đủ nhân duyên để sống đời đạo hạnh và có trí tuệ. Ngoài ra, trì tụng thần chú này sẽ đạt được một tâm giác ngộ với những đặc tính sau: từ bi, bình đẳng, vô vi, bất động, an vui v.v.. và hàng phục được những tà ma, ác quỷ, chữa lành mọi căn bệnh, thoát mọi nghiệp chướng. Tuy nhiên, người trì tụng phải phát tâm Bồ Đề nguyện độ tất cả chúng sanh, giữ gìn giới luật, thì mới được Quan Âm hộ trì.


Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn cũng có nói đến những lợi ích khi niệm tên Quán Thế Âm, như được cứu độ khi gặp nạn lửa, nước, bị nguy hại đến tính mạng, bị gông cùm xiềng xích v.v…

 


Thanh: Nếu chỉ niệm bài chú Đại Bi Tâm Đà La Ni mà được vô số lợi ích như vậy, có phải là đã đi vào thần quyền, trái với luật nhân quả trong giáo lý đạo Phật chăng?



Tịnh: Hãy để ý đến chữ “thọ trì”, hay là “trì tụng”. “Trì” có nghĩa là “hành trì”, tức là làm thường xuyên. Khi đọc kinh hay niệm kinh mà tâm trở nên thanh tịnh, không còn tham sân si thì phải thường xuyên đọc và niệm kinh như là một cách thanh lọc tâm, tức là “hành trì”, thì mới chuyển được nghiệp.


Đọc và niệm kinh Phật là phương tiện thiện xảo nhất để đối trị với cái tâm tạp loạn, cái tâm si mê chạy theo những dục vọng. Khi nhiếp tâm vào câu kinh, tiếng kệ hay các câu chú niệm, năng lực tiềm ẩn trong âm thanh của tiếng kinh kệ và thần chú ấy sẽ tỏa ra và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm thức của ta. Ngoài ra, kinh Phật thường có những ý nghĩa rất sâu xa, mà vì sợ chúng sanh chưa hiểu thấu được nên đem những cách nói khác để ẩn dụ, ví dụ như lửa lớn là nói đến lửa tham sân si, nước cuốn là nói đến cơn lũ của dục vọng, xiềng xích gông cùm là nói đến những tư tưởng ô nhiễm trói buộc, tà ma ác quỷ là những tư tưởng làm tổn hại, gây tạo nghiệp ác v.v.. . Đọc thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni có thể cứu khổ, giải được những hoạn nạn v.v.. không có nghĩa là làm cho người ta ra khỏi được những hoạn nạn đó ngay tức khắc, mà là làm cho tâm xa lìa được những đau khổ, sợ hãi trong hoàn cảnh đau khổ đó. Nếu tâm được an định và không còn sợ hãi, đau khổ, thì dù ở trong cảnh nhưng cũng như là đã lìa được cảnh rồi, ngay cả khi phải đối diện với những điều hiểm nguy và đau khổ nhất cũng vậy.


Với tinh thần hiểu biết như vậy, thì niệm danh hiệu Quan Thế Âm hay Chuẩn Đề Bồ Tát không phải là cầu khẩn đấng thần linh nào mà là một phương tiện để tạo ra và giữ gìn pháp lành nơi tâm, và do đó, không hề trái với luật nhân quả trong giáo lý Đức Phật.


 

Thanh: Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp linh ứng do niệm chú Đại Bi thật nhiệm mầu chúng ta có thể giải thích được những hiện tượng này như thế nào?

 


Tịnh: Thời nay khoa học đã tiến bộ nên có thể làm được những việc mà trước kia tưởng như là hoang đường, nhưng khoa học mới chỉ khám phá một phần của đời sống, còn có những điều ta không thể thấy biết được nhưng vẫn diễn ra, mà không thể nào đem lý luận ra giải thích được. Tâm linh là một thế giới bao la và huyền diệu không thể nghĩ bàn. Chúng ta chỉ có thể tạm giải thích là thường thường những người niệm chú Đại Bi khi gặp những hoàn cảnh hiểm nguy hay đau khổ là những người đã hay trì tụng chú Đại Bi rồi, cho nên họ đã có những nhân duyên sẵn, cũng như những phước lành, để chuyển hóa được nghiệp. Và khi họ có một tinh thần an định, thì cũng có được sự sáng suốt để giải quyết hay ra khỏi được những hoàn cảnh bế tắc đang xẩy ra.



Thanh: Như vậy, mình nên tin tưởng vào chư Phật, chư Bồ Tát để có thêm năng lực, cho dù có cầu nguyện điều gì không được, ít nhất cũng làm cho mình được an định, vững chãi hơn phải không chị.



Tịnh: Đúng vậy. 
Trí tuệ hiểu biết nhân duyên, nhân quả là tự lực, lòng tin là tha lực sẽ giúp cho ta có sức mạnh vượt qua mọi chướng duyên nghịch cảnh.
 Chúng ta hãy niệm:


Nam Mô Chuẩn Đề Vương Bồ Tát 

hay Om Mani Padme Hum....



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật