HIỆN TẠI AN TRỤ - Quang Dục

05 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96124)


HIỆN TẠI AN TRỤ


yang_garden-content



“Hiện tại an trụ” có thể xem như nguyên lý để “sống vui, sống khỏe và sống có trí tuệ”.Chúng ta đang sống giữa thời đại điện tử thập niên đầu thế kỷ 21, thời đại toàn cầu hóa, cho dù sống ở bất cứ chân trời nào của quả địa cầu con người vẫn có thể tiếp cận với nhau, thông tin cho nhau. Mọi biến động cũng xảy ra nhanh như chớp nhoáng, tất cả những rủi ro, tai họa hoặc do chính ông trời gây ra như động đất, bão tố, lũ lụt hoặc do chính con người tạo ra như khủng bố, môi trường ô nhiễm, chiến tranh, bệnh dịch (dịch bò, dịch heo ,dịch gà), bệnh truyền nhiễm (AIDs ,dịch tả v.v) có thể gây ra số tử vong từ ngàn người cho đến hằng trăm ngàn người trong khoảng thời gian ngắn. Do đó nỗi khổ, nỗi bất an của con người không bao giờ hết, lúc nào cũng đè nặng trong tâm tư, trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để có tâm hồn thanh thản, an vui trong hiện tại.


 

Cố Giáo Sư Nguyễn Cao Thanh đã từng giảng dạy:” Những ai muốn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân hay cho quốc gia, xã hội cần nhớ rõ điều này: đừng luyến tiếc quá khứ, chớ mong đợi tương lai mà phải hành động ngay trong hiện tại. Muốn thân tâm khỏe thì phải tu tâm, luyện thân ngay trong hiện tại, ngay giờ phút này không chần chờ.”(1).



zen_pathTheo một triết gia “Ngày hôm qua là lịch sử; ngày mai là điều bí ẩn, và ngày hôm nay là món quà” đã nói cho chúng ta thấy tính chất quan trọng của giây phút hiện tại, ngay bây giờ, là món quà vô cùng quý giá của sự sống. Khi chúng ta biết gìn giữ, yêu quý từng khoảnh khắc trong hiện tại, hướng đến việc làm, lời nói sao cho có ích lợi đến tha nhân là chúng ta đang có sự an trụ trong tâm hồn.

 


 Sau đây chúng ta cùng ngẫm nghĩ về mẫu chuyện sau:


 

Có người đệ tử đến hỏi Đức Phật:

“Ngài có phải là đấng cứu thế hay không?”

Đức Phật trả lời là: “Không”

Người đệ tử hỏi tiếp:

“Ngài có phải là nhà y sĩ không?”

Đức Phật trả lời là “Không”

Người đệ tử lại tiếp tục hỏi thêm:

“Như vậy ngài có phải là nhà giáo không?”

Đức Phật trả lời là “không”.

Người đệ tử cảm thấy bực bội hỏi tiếp:

“Vậy ngài là ai?”

Đức Phật trả lời:” Tôi là người tỉnh thức.”



Vậy người tỉnh thức là người như thế nào? Người tỉnh thức là người đại giác không những hiểu rõ thấu đáo luật vô thường, về pháp vô ngã, về tính chất bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh của dòng sinh mệnh từ vô thủy cho đến vô chung, đạt cảnh giới thân tâm thường hằng thanh tịnh mà còn phát đại bồ đề tâm tự giác, giác tha giúp đỡ chúng sinh đang còn trầm luân trong biển khổ mau sớm thức tỉnh.


 

phongthuyNgười sống trong “hiện tại an trụ” là người biết quý trọng thời gian, cảm nhận chân thật từng khoảnh khắc trong dòng sống. Vì thế người thức tỉnh với chỉ một niệm có thể nhìn thông suốt vạn vật ba ngàn thế giới.



“Giả dụ nếu có người đến gặp bạn và thông báo rằng cuộc đời bạn sẽ chấm dứt vào ngày mai. Bạn sẽ làm gì ngay lúc này, bạn sẽ kỳ vọng, mong đợi gì cho giờ phút cuối cùng sẽ đến? Cái ngày chúng ta hiện đang sống bây giờ có khác gì với ngày cuối cùng không? Chúng ta dùng quá nhiều thời gian hằng ngày vào việc ăn, uống, vệ sinh, ngủ, nói chuyện, đi lại. Dù rằng không có nhiều thời gian rảnh rỗi bao nhiêu, chúng ta lại làm việc vô ích, nói những điều vô ích, không những chỉ để thời gian trôi qua suy nghĩ về những việc vô ích mà còn tiêu hao phí phạm ngày, tháng rồi cả cuộc đời.”(2)



Thời gian là nguồn tài sản quý nhất mà trời ban cho tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, sang, hèn. Nhưng nó chỉ có giá trị cho những người biết trân quý nó. Với tâm rối loạn con người sống trong ảo tưởng, viễn vông, hay lo lắng thường có khuynh hướng lãng phí thời gian, từ đó dễ đưa đến tình trạng tạo thân thể suy nhược, sinh bệnh. Muốn có tâm an hành giả phải “chấp nhận những điều không vừa ý. Những điều không may, không vừa ý là do có thân xác này.”(3)

 


am_duong Tu tập Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh là để đạt đến trạng thái “hiện tại an trụ” trong đời sống, có nghĩa sống “tỉnh thức”,cảm nhận sâu sắc mọi sinh hoạt trong đời sống khi làm việc, khi ăn, khi ngủ, khi thở và đạt trạng thái tâm an thanh tịnh, thân khỏe, không còn ưu phiền ngay trong hiện tại. Muốn được như thế hành giả cần thực hành một số điều sau trong đời sống:


 
  • Biết quý trọng thời gian, đừng lãng phí nó.
  • Luôn luôn kiểm soát sự tư duy xem có đúng hay không. Có nghĩa dành đôi phút tĩnh lặng trong ngày đối thoại với bản ngã.
  • Giản dị trong đời sống cũng có nghĩa biết đủ, tránh những đòi hỏi không cần thiết.
  • Tránh chỉ trích tha nhân, và cố tránh không bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích, xu nịnh.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và giúp tha nhân trong tinh thần vô vị lợi.
  • Dành thời gian tập Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh

 


Nếu chúng ta làm được những điều nêu trên trong đời sống hằng ngày. Chúng ta sẽ từ từ bỏ đi những ảo tưởng, ảo giác, làm tăng lên sức mạnh nội tâm, phong phú hóa đời sống tâm linh, thăng hoa tâm thức lên cảnh giới cao hơn. Bởi vì chỉ có chính chúng ta với sức mạnh tinh thần, nội lực, bản ngã linh thiêng nằm trong chúng ta mới giúp cho chúng ta sự thanh thản trong tâm hồn chứ không ai khác. Đó chính là phương cách tốt đẹp nhất đạt đến hiện tại an trụ.



Quang Dục 

 


Chú thích:


  1. Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh“Bí quyết sống khỏe, sống hạnh phúc, sống trí tuệ”
  2. Kenko “Đồ Nhiên Thảo” Dịch giả Tùng Sơn.
  3. Lão Tử “Đạo Đức Kinh” Đoạn thứ 13 “Sủng nhục nhược kinh; quý đại hoạn nhược thân.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc