TA TỪ THÀNH PHẬT ĐẾN NAY - Đại sư Song-Chul

04 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 35162)



Ta từ thành Phật đến nay


 

Đại sư Song-Chul


Bài giảng pháp tháng 6, 1981


(Ngọc Bảo trích dịch)


 hoa_sen_3-content


 “Ta từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp đã trôi qua.”


 

Lời trích dẫn này từ phẩm “Như Lai Thọ Lượng” trong kinh Pháp Hoa là ý nghĩa cao tột của toàn bộ kinh này.


 

Thoạt tiên điều này có vẻ như khó hiểu. Chúng ta thường nghĩ rằng Đức Phật lịch sử chỉ thị hiện thành Phật trên 2500 năm trước đây thôi, và sau đó đã truyền giảng lại giáo pháp và nhập diệt Niết Bàn. Vậy làm sao ngài lại nói là ngài đã thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp tới nay, trong khi ngài chỉ mới thành Phật trong kiếp đương thời? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem kiếp thị hiện của Đức Phật trên 2500 năm trước như một phương tiện giáo hóa, và ngài đã thực sự thành Phật từ vô biên vô lượng kiếp về trước. Và các bạn cũng cần biết điều này để có được sự thông hiểu căn bản về Phật Pháp.


 

Khi được hỏi mục đích của đạo Phật là gì, phần lớn mọi người sẽ trả lời tương tự như là, “Để được thành Phật” , tuy nhiên, điều này thực sự không phải như vậy. Tại sao? Bởi vì mọi chúng sanh đã sẵn có Phật nơi tự thân. Như vậy, mục đích không phải là thành Phật, mà là ngộ ra Phật nơi mình. 


 

Trước khi chứng ngộ , dĩ nhiên không ai biết được điều đó. Nhưng sau khi đã giác ngộ, người ta nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều đã là Phật từ vô lượng vô biên kiếp. Nhưng nếu chúng ta đã là Phật từ vô lượng vô biên kiếp đến nay, tại sao lại phải đi tìm Phật của mình? Đó là để chúng ta có thể ngộ ra được tự tánh căn bản thường hằng nơi mình. Do đó, chúng ta lập đi lập lại những từ ngữ như “khai ngộ Phật tính” như một phương tiện để đạt đến mục đích này. 

 


Không phải chỉ có Đức Phật mới thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp về trước, mà tất cả chúng sinh hữu tình, tất cả những loài sinh vật, những loài cây cỏ gỗ đá, những gì đang hiện hữu và không hiện hữu - đều đã là Phật từ vô lượng vô biên kiếp tới nay.

 


Chúng ta thường xem thế giới đang sống như một thế giới đầy đau khổ, phiền não và huyễn mộng. Nhưng khi nhìn sâu hơn, ta sẽ khám phá ra rằng, thế giới này, từ vô lượng vô biên kiếp đến nay, vốn đã là Niết Bàn. Như vậy mục đích của đạo Phật không phải là để làm cho ta thành Phật, mà để cho ta giác ngộ được sự thật rằng ta vốn đã là Phật từ vô lượng vô biên kiếp đến nay.


 

Đó là điều bạn phải nhận ra. Và khi nhận ra được điều đó, đồng thời bạn cũng ngộ ra rằng trên khắp mười phương thế giới này không có chỗ nào không là đất Phật, không có chỗ nào không là Tịnh Độ, là Niết Bàn.


 

Trong những tôn giáo khác, người ta nói rất nhiều đến sự “cứu rỗi” và “được cứu rỗi”. Nhưng trong đạo Phật không có những ý niệm như thế. Trong đạo Phật tất cả việc làm đều hướng về một mục tiêu duy nhất là giác ngộ tính Phật căn bản nơi mình, và tất cả mọi nơi đều là nước Phật, là Tịnh Độ. Vì vậy, tại sao phải nhờ đến người khác cứu rỗi mình? Ý niệm cứu rỗi là tuyệt đối không liên quan gì đến đạo Phật. Đó là điều làm cho đạo Phật độc đáo hơn tất cả những trường phái tín ngưỡng và triết lý trên thế giới. Không có một hệ thống tư tưởng nào đã tuyên giảng như vậy.


 

 “Phật” (Buddha) còn có một ý nghĩa sâu xa là “không sinh, không diệt”. Nói rằng tất cả các pháp đều đã là Phật từ vô lượng vô biên kiếp cũng tựa như nói rằng không có gì là không có cái tự tính “không sinh, không diệt” này - điều đó áp dụng cho cả con người, loài vật, cây cỏ, các khoáng chất, cho đến trởi đất, đến những gì hiện hữu và không hiện hữu, và tất cả mọi nơi chốn trong vũ trụ này cũng như ngoài vũ trụ. Tất cả các pháp, các nơi chốn đều là “không sinh, không diệt” . Vì thế, trên căn bản tất cả đều là Phật, và mọi nơi chốn đều là nước Phật.


 

Nếu vậy, tại sao chúng sinh hữu tình chúng ta lại phải ở trong một thế giới đầy đau khổ phiền não?


 

Một người nhắm mắt lại sẽ không thấy được mặt trời đang mọc, dù ánh sáng có rạng ngời đến thế nào chăng nữa. Người ấy luôn ở trong bóng tối dầy đặc. Cũng vậy, nếu ta biết mở con mắt Tâm, ta sẽ thấy được ánh sáng, thấy được toàn thể vũ trụ. Ta sẽ thấy rằng không có gì không là Phật, không có nơi chốn nào không là Niết Bản. Ta chỉ cần mở mắt ra là thấy được!


 

Nhưng những người không biết đến điều đó, những người không mở con mắt này ra được, lại nghĩ rằng “Tôi là một chúng sinh hữu tình” và “Đây là một thế giới đầy đau khổ phiền não”.


 

Như vậy, vấn đề căn bản là mở Mắt hay nhắm Mắt. Nếu con Mắt này được mở ra, bạn sẽ thấy được Ánh Sáng rạng ngời, còn nếu nhắm mắt lại thì chung quanh chỉ toàn là bóng tối. Và ai muốn sống trong một thế giới tối đen? Tôi nghĩ rằng, tất cả mọi người đều muốn sống trong một thế giới đầy Ánh Sáng, thế giới Phật, Tịnh Độ. Vậy chúng ta phải tinh tấn nỗ lực để mở được con mắt Tâm này. Khi đã làm được điều đó, tất cả mọi sự đều được giải quyết. Đại sự không phải là bạn có lên được Thiên Đàng hay Niết Bàn hay không. Điều đó không có ý nghĩa gì cả. Đại sự là mở được con Mắt Tâm và giải quyết mọi sự, ngay bây giờ và ở đây.


 

Kinh Liên Hoa còn nói tiếp như sau:

 

Ta từ thành Phật đến nay thật rất lâu xa, còn thọ mạng thì dài vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, và luôn luôn trú trong bất diệt. Tuy nhiên, vì phương tiện giáo hóa chúng sanh, ta nói là sẽ diệt độ, tuy không thực diệt độ, và vẫn luôn ở tại đây để thuyết pháp, dẫn dắt chúng sanh.


 

Đức Phật có ý nói là ngài đã thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp, và vẫn thường trú ở đó cho đến vô lượng vô biên kiếp về sau. Ngài vẫn luôn ở nơi chúng ta để tuyên giảng Pháp Phật.


 

Khi nói “ở đây” ngài không có ý nói đến một nơi chốn nào đó như Ấn Độ hay Triều Tiên, hoặc một nơi chốn riêng biệt nào đó. “Ở đây” có nghĩa là toàn thể thế giới vũ trụ này. Phật thể hiện trong vô lượng hình tướng, và không có nơi nào mà ngài không thị hiện trong đó. Đó là tại sao ngài gọi đây là “vũ trụ vô biên”, “thường trú bất diệt”. Pháp giới là không có sinh, cũng không có diệt.


 

Quá khứ, hiện tại, và tương lai tất cả đều thường trú bất diệt, và như thế mọi pháp đều vô sinh, vô diệt. Bạn có thể gọi đó bằng mọi danh từ - Tịnh Độ Niết Bàn, pháp giới Hoa Nghiêm, Vô Tận Pháp … Nhưng Phật vẫn thuyết pháp vô tận suốt từ quá khứ, hiện tại, cho đến vị lai.

 

 

Chúng ta đang nói đến Đức Phật Thích Ca chăng? Không, dĩ nhiên là không phải như vậy. Chúng ta đang nói về tất cả các pháp trong thế giới vũ trụ từ quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng như mọi cõi giới trong thế giới vũ trụ này. Tất cả đều nói lên Pháp vô tận từ quá khứ, hiện tại, và vị lai. Tất cả đều là những biến hóa vô tận của Pháp. 

 


Ngay cả khúc cây ở trên đỉnh một ngọn núi cũng thường xuyên nói Pháp gấp trăm lần hơn là một tượng Phật trong Phật đường. Bạn có thể nghĩ một khúc gỗ nói Pháp là chuyện buồn cười. Làm sao một khúc gỗ lại nói gì được? Nhưng khi bạn mở được con Mắt của Tâm, bạn cũng sẽ mở được cái Tai của Tâm. Và bạn sẽ nghe được Pháp vô tận được giảng nói qua khúc gỗ đang ngồi yên lặng ở đó. Trong đạo Phật, điều này được gọi là “Vô Tình thuyết pháp”.


 

Những sinh vật có thể chuyển động và có tiếng nói, nên bạn có thể coi chúng như có tiềm năng giảng nói Pháp. Nhưng một tảng đá bất động, một khúc cây, một nắm đất – không thể nào chuyển động hay nói được, bạn sẽ tự hỏi làm sao chúng có thể nói Pháp được. Tuy nhiên, nếu hiểu biết đạo Phật, bạn sẽ có thể nghe được khúc cây đang giảng nói Pháp vô tận. Ngay cả những gì vô hình cũng không ngừng nói Pháp.


 

Như thế, tất cả mọi vật trong vũ trụ này đều nói Pháp. Tất cả đều tự nó là Kinh Phật, là Pháp Phật hiển hiện. Bạn phải hiểu điều này để có thể hiểu được đạo Phật. Và bạn sẽ nhận ra rằng thật là vô ích khi cố gắng giảng dạy hay tìm cách “cứu rỗi” người khác .


 

Vậy bạn chỉ cần khám phá ra rằng cái nền tảng của tất cả mọi sự, cái bản lai diện mục, cảnh giới cơ bản chính là Tịnh Độ, là Niết Bàn. Khi bạn ngộ ra được Chân Lý này, bạn sẽ ngưng tìm kiếm. Không có gì khác để tìm kiếm nữa.


 

Tuy nhiên, một số người ngộ nhận ý nghĩa của điều này. Họ nghĩ là, “Pháp thật tuyệt diệu. Chúng ta đều đang sống trong Niết Bàn, đều là Phật tất cả. Vậy thì không cần phải làm gì cả. Chúng ta không cần phải học hỏi, làm việc, hay tiến hóa bản thân. Ta có thể làm tất cả những gì mình muốn, đúng không?”


 

Đó có thể là một phản ứng đầu tiên, nhưng thật ra chỉ là kết quả của sự thiếu hiểu biết. Phải, trên cơ bản chúng ta đều là Phật, chúng ta sống trong Niết Bàn, và thế giới vũ trụ này đều được chiếu rọi trong nguồn Ánh Sáng vô tận. Nhưng những người nhắm mắt lại không thể thấy được Ánh Sánh ấy. Trên căn bản bạn là Phật, nhưng nếu mắt bạn nhắm lại, chung quanh bạn chỉ toàn là bóng tối.


 

Hãy nghĩ đến một tấm gương bị bụi che lấp. Tấm gương tự nó vốn trong sạch, và phản chiếu ánh sáng. Nhưng khi bị bụi phủ lên, nó không còn phản chiếu được gì nữa. Tấm gương bị bụi che lấp không thể phản chiếu được gì, nhưng bên trong vẫn trong sáng, tự đó đã là một điều kỳ diệu rồi.


 

Nói rằng ta là Phật không chưa đủ. Thật sai lầm khi cho rằng vì ta là Phật, ta sống trong Niết Bàn, nên chẳng có gì phải làm hơn nữa. Nghĩ rằng không cần phải mở Mắt, tức là bạn sẽ mãi mãi là một vị Phật mù. 

 

 

Vậy bạn phải tin tưởng ở một điều. Ngay cả khi chúng ta đang ngồi trong bóng tối với con Mắt nhắm lại và không thể thấy được Ánh Sáng, chúng ta cũng phải tiến tới trong niềm tin là ta đang sống trong Ánh Sáng quang minh đó và nếu nỗ lực tinh tấn, ta sẽ thấy được Ánh Sáng. Không, có thể bạn sẽ không trở nên toàn hảo như Đức Phật trong hiện kiếp, và có thể bạn không thấy được Niết Bàn ở mọi nơi. Nhưng bạn phải có niềm tin rằng trên bản chất bạn đã là Phật, và đang thực sự sống trong Niết Bàn. Cái khuyết điểm duy nhất của bạn là chưa mở được Mắt và chưa thấy được Ánh Sáng.


 

Nếu bạn ý thức được sự thật là bạn đang ở trong Ánh Sáng quang minh đó, và nếu bạn mở Mắt ra được, thì Ánh Sáng quang minh sẽ đó là của bạn. Thực tế hiện tại là tuyệt đối, không sanh và không diệt. Như tôi đã nói ở trước, chỉ có đạo Phật mới khám phá và nói đến những điều này.


 

Tự tánh của con người thật rộng lớn không cùng, vô thủy và vô chung. Chỉ vì chúng ta chưa mở được Mắt nên không thấy được điều ấy thôi.


 

Có thể bạn sẽ tự nói rằng, “Ông sư này nói chuyện gì thế? Mắt tôi đang mở to, rõ ràng và sáng tỏ như ban ngày vậy, thế mà ông ấy bảo là tôi mù. Thế là nghĩa lý gì? “


 

 Nhưng đó là bạn đang nói về cái thấy của thị giác. Bạn có thể có một thị giác rất tốt, đến mức có thể xỏ được một cây kim trong bóng tối. Nhưng đôi mắt tốt đó chẳng có ích lợi gì. Điều tôi đang nói đây là bạn phải mở được con Mắt nội tại, đó là Tuệ Nhãn, là con mắt của Trực Giác, con mắt của Tâm. Tôi nói về sự khai mở con Mắt này để bạn có thể thấy được Ánh Sáng quang minh đang thấm thấu khắp mọi nơi đồng đều trong vũ trụ này. Tôi nói về một tấm gương hoàn toàn trong sáng, đang phản chiếu tất cả mọi sự rất âm thầm và yên lặng. 


 

Làm sao ta có thể lau sạch bụi từ tấm gương này, làm sao ta mở được Tuệ Nhãn? Cách dễ nhất và nhanh nhất là qua thiền quán, qua sự tham khán công án. Và nếu bạn đạt được sự bùng vỡ với một công án, con Mắt Tâm của bạn sẽ được khai mở và sáng rực lên. Có một câu nói rằng nếu tinh tấn nỗ lực công phu, bạn còn có thể vượt lên mức của Phật, và Tuệ Nhãn sẽ được khai mở.


 

Tuy nhiên, cũng có một cách khác để khai mở con Mắt này. Con Mắt đó đang bị che lấp bởi một cái gì đó, y như là gương đang bị bụi che lấp vậy. Nếu bạn tìm ra được cái gì đang che lấp, và bỏ nó đi, con Mắt của bạn sẽ thấy được, phải vậy không?



Đại sư Song-chol (1912-1993)

 

Trích từ “Tiếng vọng từ Núi Kaya" - tuyển tập những bài văn Phật giáo của Triều Tiên.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật