ĐẠO PHẬT TRÊN ĐẤT MỸ - Diệu Huyền

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 35538)


Đạo Phật trên đất Mỹ

 

 

 buddhism_rohatsu_2-content Nhân loại khởi nguồn từ bao giờ, điều đó vẫn còn là một điều bí ẩn chưa tìm được câu trả lời. Nhưng trong tiến trình khai hóa của nhân loại từ muôn ngàn năm nay, sự tiến bộ vật chất chỉ bắt đầu phát triển thần kỳ kể từ thế kỷ 18 sau Công nguyên, dường như đi sau rất xa so với sự thăng tiến về tinh thần. Những bậc thánh nhân, hiền giả với trí tuệ siêu suất đã xuất hiện trong thời kỳ cổ sơ, để lại một gia tài tâm linh vô giá cho nhân loại. Kho tàng tâm linh đó, cho tới nay vẫn còn là suối nguồn vô tận hỗ trợ tinh thần cho con người. Trơng số đó đạo Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni lập nên đã ảnh hưởng sâu đậm và làm nền tảng cho những nền văn hóa Á Châu từ Ấn Độ trải dài tới Trung Hoa, Nhật Bản. Đạo Phật không truyền đi nhờ sức mạnh của đồng tiền hay vũ lực, mà bằng trí tuệ, đạo hạnh và dũng khí của những vị cao tăng đã tùy duyên mà hóa độ khắp nơi, chuyển hóa hài hòa với phong thổ và văn hóa của các nước sở tại. Ngày nay, đạo Phật đã vượt qua giới hạn của Châu Á và đang thâm nhập vào thế giới Âu Mỹ, cũng trong những bước nhẹ nhàng mà vững chắc như bao ngàn năm nay.


 

 Cách đây khoảng 20 năm, khi chùa Tây Lai Tự được xây cất trên một khu đồi trong một vùng gia cư thuộc giới trung lưu ở Hacienda Heights, đã có những cái nhìn nghi hoặc có phần không mấy thiện cảm. Nhưng ngày nay, Tây Lai Tự đã trở thành một trung tâm Phật giáo quốc tế hùng mạnh, tổ chức những lớp dạy về Phật Pháp cũng như truyền bá văn hóa đạo Phật đến người bản xứ . Người ta đã nhận ra giá trị trong giáo lý của đạo Phật thật cao siêu nhưng cũng thật thực tiễn, và mặc dù đã trải qua trên 2500 năm, vẫn là một giáo lý thích hợp được trong bất cứ thời đại nào. Ngày xưa, pháp Phật từ Tây phương (Ấn độ) được truyền qua Đông Á để trở thành một cột trụ tâm linh vững chắc cho những dân tộc ở Á Châu qua bao ngàn thế hệ, ngày nay, giáo pháp của Đức Thế Tôn một lần nữa lại vượt trùng dương du nhập vào một thế giới mới lạ hơn, khởi sắc hơn, nhưng cũng nhiều thử thách hơn.


 Mỹ Quốc (hay Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ) là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng với nhiều nét mâu thuẫn, phóng khoáng trong lối sống cá nhân chủ nghĩa của nền văn minh vật chất, nhưng lại rất bảo thủ trong truyền thống tâm linh. Đạo Phật đến với đất Mỹ trong những bước chậm chạp. Có lẽ những người đầu tiên du nhập pháp Phật vào Mỹ là những thiền sư Nhật Bản trong khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng đạo Phật chỉ có được tiếng vang sau khi Thiền sư Daisetsu Suzuki xuất hiện, với những tác phẩm về Thiền thật sâu sắc. Vì cơ duyên chưa tới, nên phải đến gần cuối thế kỷ 20, đạo Phật tại Mỹ mới được khởi sắc, nhờ những phương tiện thông tin tân tiến của mạng lưới điện toán quốc tế khiến cho thế giới trở nên gần gũi hơn, và sự phổ biến Pháp Phật cũng rộng rãi và dễ dàng hơn. Nhưng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là sự nhập cư càng ngày càng nhiều của một số lớn dân Á Châu, nhất là ở California, với chùa chiền của các sắc dân gốc Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Tạng v.v.. mọc lên khắp nơi , làm thay đổi bộ mặt của nền tôn giáo bản xứ.



 Trên khắp thế giới, hình ảnh tươi cười, thoải mái của Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng đã trở nên quen thuộc không kém gì những vị lãnh đạo các tôn giáo lớn khác như Đức Giáo Hoàng của Vatican. Hàng năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi khắp các nơi thuyết giảng, và những buổi giảng pháp luôn luôn đông nghẹt đó đã giúp chuyển hóa một số không ít người. Đức Đạt Lai Lạt Ma và các đại sư Tây Tạng quả thật đã là một nhân tố chính yếu trong việc truyền bá rộng rãi đạo Phật qua các nước Âu Mỹ. Cũng không thể không kể đến công lao của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong việc phổ biến pháp tu thiền tứ niệm xứ và quán hơi thở, xuất bản những sách dạy thiền giản dị và thực dụng thích hợp với người Tây phương, cũng như tổ chức quy mô những khóa tu cho nhiều ngàn người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo.



 Theo thống kê, số người theo Phật giáo tại Mỹ đã tăng lên 170 phần trăm trong thập niên từ 1990-2001, và trong năm 2004 đã lên đến khoảng trên 1 triệu rưỡi người, đứng hàng thứ tư sau các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo. Hai phần ba trong tổng số người theo đạo Phật là gốc Á Châu, còn lại là những người bản xứ đổi đạo. Trong năm 2008, một cuộc thăm dò mới về sắc thái tôn giáo tại Mỹ (Pew Forum’s US Religious Landscape Survey) đã nâng địa vị Phật giáo lên hàng thứ ba, với số người tham dự theo đạo Phật là .7%, so với số người theo Hồi giáo là .6% và Ấn giáo là .4%, có nghĩa là dân số theo đạo Phật tại Mỹ được ước lượng là 2 triệu người. Con số này còn có thể nhiều hơn nữa, vì tính cách hạn chế của cuộc thăm dò này. 

 


 Lama Surya Das, một vị lạt ma người Mỹ được huấn luyện theo truyền thống Tây tạng đã nói như sau về sự phát triển của đạo Phật trên đất Mỹ: “Người ta cảm thấy rằng những người như Đức Đạt Lai Lạt Ma hay Thiền sư Nhất Hạnh của Việt Nam đang cống hiến được điều gì đó, mà khơng cần phải cố làm cho mọi người cải đạo theo. Họ không xây dựng chùa chiền lớn lao, nhưng đem cho chúng ta trí tuệ sâu sắc và những phương cách hòa giải, hòa bình thật cần thiết cho đời sống.”

 


 Chính thái độ ôn hòa, trầm tĩnh và thoải mái, không mang nặng tính cách truyền đạo của các vị đại sư Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người Mỹ, vốn ở trong một truyền thống tôn giáo lâu đời nhưng vẫn khát khao tìm kiếm chân lý trong một cách nào đó thích hợp hơn với thời đại. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đạo Phật có những phương pháp tu tập thật nhiều lợi lạc mà những tôn giáo khác không chú trọng đến. Tinh thần “tùy duyên bất biến” của đạo Phật được thể hiện trong muôn vàn pháp môn, nhưng Thiền chính là pháp môn thích hợp nhất cho tinh thần thực nghiệm của người Mỹ, như lời của Lạt Ma Surya Das nói: “Người ta muốn tìm kiếm những kinh nghiệm tu tập thực tiễn, không chỉ là một hệ thống niềm tin hay những giá trị đạo đức mới, vì chúng ta đã có sẵn và phần nhiều các tôn giáo cũng đều có nguyên tắc đạo đức tương tự như nhau . Nhưng chính những phương pháp tu tập chuyển hóa thân tâm trong đạo Phật như Thiền là yếu tố thực sự hấp dẫn.”


 

 Với nhu cầu tìm đến đạo Phật đang dâng cao, số chùa chiền cũng như tăng sĩ chưa đáp ứng được đầy đủ, một số tăng sĩ ngoại quốc được mời sang để trụ trì một số trung tâm tu tập. Ở những nơi không có cơ sở, hình thức tu tập phổ thông nhất là những nhóm tu họp nhau lại dưới sự hướng dẫn của một người nhiều kinh nghiệm nhất, thực tập thiền, tụng kinh và đàm đạo với nhau. Phần lớn họ đều đã tìm tòi học hỏi, nên cũng phần nào có kiến thức về pháp Phật, chỉ thiếu sự hướng dẫn thực hành và trao đổi kinh nghiệm. Carol Marsh, một kiến trúc sư làm huynh trưởng lãnh đạo một nhóm Thiền, đã nói như sau về quá trình đã đi qua:


 “Tôi muốn đi tìm một con đường tâm linh từ bao nhiêu năm nay, nhưng rất dè dặt với những gì có vẻ huyền hoặc hay hoang đường. Nhưng khi đọc quyển “Giác ngộ Phật trong ta” (“Awakening the Buddha Within”, quyển sách đầu của Surya Das trong tuyển tập “Trí tuệ của Phật giáo Tây Tạng cho thế giới Âu Tây”), tôi cảm thấy như quyển sách này đang nói trực tiếp với tôi... và tôi thấy được mục đích tối hậu mình đang tìm kiếm chính là sự giải thoát.


Sau tám năm thực hành tu tập, bây giờ tôi thấy hạnh phúc hơn, biết ơn hơn, và có thể vượt qua được những giây phút khó chịu, hay những nghịch duyên đến trong đời sống.”

 


 Jane Moss, người đã tu qua 15 năm, cho biết điều quý giá nhất khi thực hành đạo Phật là biết “sống thực trong giây phút hiện tại”, cũng như có cái nhìn đúng đắn hơn đối với thực tại, và phát khởi lòng từ bi đối với tha nhân. Mỗi tháng, nhóm của bà đều thực tập thiền quán về lòng từ bi, hỷ xả.

 


 Sự nhiệt tình tâm linh phối hợp với tinh thần mạo hiểm của người Tây phương đã khiến một số người không quản ngại khó khăn đi về những nước xa xôi ở Á Châu để tìm thầy học đạo, và trải qua những quá trình tu tập cam go theo truyền thống của các nước đó. Truyền thống tu tập phổ biến nhất đối với người Âu Mỹ là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) từ Thái Lan, Thiền tông từ Nhật Bản và Mật tông của Tây Tạng. 

 

 

 Trong những người Mỹ du hành để xuất gia cầu đạo, một thí dụ điển hình là Surya Das. Năm 1991, ông thành lập trung tâm Phật giáo Dzogchen sau nhiều thập niên tu học với các đại sư Tây Tạng. Trước khi trở thành một vị lạt ma, ông tên là Jeffrey Miller, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu gốc Do Thái tại Brooklyn. Trong thời gian ở đại học, ông theo phong trào phản chiến Việt Nam, và tại trường đại học Buffalo (New York), ông đã chứng kiến người bạn thân của mình bị bắn chết trong một cuộc biểu tình hỗn loạn năm 1970. 


 

 Ông nói, “Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1972, tôi cảm thấy thất vọng với phong trào chính trị cấp tiến cực đoan – tôi nhận ra rằng đấu tranh cho hòa bình chỉ là một danh nghĩa chứa đầy sự mâu thuẫn, và tôi muốn đi tìm sự bình an nội tại”. Thay vì học lên cao học, chàng thanh niên Miller bắt đầu một cuộc hành trình tìm đạo mà chung điểm là núi Hi Mã Lạp Sơn, và ở lại đó trong suốt những thập niên 70 và 80 để tu học với những vị sư Tây Tạng và dạy thêm Anh ngữ cho họ.


 

 Cuộc đời tu có rất nhiều lúc phải phấn đấu, nhiều lúc đầy nghi vấn, nhưng cũng có những lúc tâm hồn được soi sáng. Miller đã theo một truyền thống tu tập cổ xưa từ ngàn năm nay để được chứng ngộ, và đã nhập thất nhiều năm chuyên tu thật gắt gao.

 


 “Một trong những bài học lớn nhất trong đời sống tu viện là tinh thần lục hòa, trải tình yêu thương đối với cả những người mình không ưa thích”, Surya nói trong một khóa tu học ở Texas. Ông tiếp:


“Có nhiều môn phái tu theo đạo Phật, nhưng tất cả đều cùng một mục đích là Giác Ngộ cho con người, tự độ và độ tha, tự giác giác tha. Con đường giác ngộ ấy sẽ đưa đến sự an lạc của Niết Bàn, trí tuệ và tình thương vô ngã. Pháp môn nào cũng dựa trên căn bản là Giới, Định, và Tuệ.”

 


 “Phật” trong tiếng Sanskrit cổ xưa của Ấn Độ có nghĩa là “Giác”, và giác ngộ là sự nhận ra trong con người vô thường hoại diệt của mình đã có sẵn một nền tảng không sanh không diệt, trong đó có sự thấy biết thuần túy bao la và thường hằng, không có một khởi niệm phân biệt trong ngoài, mà trong Thiền môn thường gọi là “Kiến Tánh” hay “Bản Lai Diện Mục”. Trỏ về với tánh Giác đó sẽ phát khởi một năng lực chuyển hóa thật nhiệm mầu của Bi, Trí, và Dũng. Ý niệm một Thượng đế ở ngoài con người không có trong đạo Phật, mà Tâm chính là chủ lực, là cội nguồn cho sự hiện hữu cũng như vận mệnh của con người. Trực diện với tâm là trở về với cỗi rễ, là tìm lại con người nguyên thủy đích thực của mình, và khi đó sẽ cảm nhận được một niềm an lạc bất tuyệt.

 


Surya Das nói:

 “Đạo Phật đã cho tôi thấy thế nào là đời sống của một con người cao thượng và có hạnh phúc. Tôi đã được an bình nơi tâm và tìm thấy vị trí của mình trong thế gian cũng như trong vũ trụ.”


 

 Tinh thần phá chấp, phá tướng của đạo Phật cũng khiến cho người Mỹ có thể thực tập những pháp tu mà không cần phải đổi đạo của họ. Có lẽ đó cũng là một đặc điểm của đạo Phật trên đất Mỹ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng khuyến khích người ta giữ đạo cũ của mình trong khi thực hành những pháp tu của đạo Phật, để khỏi có sự xung đột giữa các niềm tin. Điều đó có thể làm được vì những pháp tu của đạo Phật chủ yếu thường hướng đến sự điều ngự tâm, mà tâm của con người thì dù ở đâu, trong thời đại nào cũng có những đặc tính, chức năng như nhau. Hiện nay, tại trường đại học Wisconsin ở Madison, nơi có một cộng đồng Tây Tạng khá lớn mạnh với tu viện Lộc Uyển (Deer Park), đang có nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về các trạng thái tâm thức trong thiền định qua khảo sát não bộ, với sự hợp tác chặt chẽ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và các đại sư Tây Tạng, đã chứng minh pháp tu thiền định của đạo Phật đem đến sự an lạc trong tinh thần như thế nào. Ở nhiều nơi, người ta đã phối hợp Thiền trong sự chữa trị các bệnh tâm lý, và trong một số nhà tù, Thiền tập cũng được áp dụng để chuyển hóa các phạm nhân. Ngay cả trong quân đội hay một vài đội banh nổi tiếng, Thiền tập cũng được thêm vào trong chương trình thực tập hàng ngày, để giúp ổn định và nâng cao tinh thần, hầu đạt được những kết quả mong muốn. Như vậy, pháp tu của đạo Phật đã vượt ra ngoài ranh giới của tôn giáo để trở thành một phương pháp tu luyện của con người, cho con người nói chung. 

 


 Với nhu cầu tìm hiểu đạo Phật càng ngày càng nhiều, nhiều tạp chí, sách vở về Phật pháp cũng như các kinh điển dịch thuật đã được xuất bản rộng rãi, những tiệm sách lớn như Borders hay Barnes and Noble đều có những khu vực riêng chuyên về tôn giáo Á Đông và Phật giáo. Sách “Hướng dẫn về Phật giáo tại Mỹ” (Guide to Buddhist America) đã liệt kê hơn 1000 trung tâm tu thiền tại Mỹ và Canada. Ảnh hưởng của đạo Phật cũng thâm nhập trên các lãnh vực khác như văn hóa, khoa học và xã hội. Trung tâm điện ảnh của thế giới, Hollywood, đã sản xuất những phim ảnh Phật giáo như Little Buddha, Kundun, Bẩy năm ở Tibet v.v.. không kể những phim phổ thông chịu ảnh hưởng của triết lý Phật như Star Wars và the Matrix. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã quy y theo Phật như Richard Gere, Tina Turner, Steven Seagal, Keavu Reeves v.v.. Một cuộc thăm dò mới đây của Tập san Nghiên cứu khoa học về tôn giáo (Journal for the Scientific Study of Religion) cho thấy 26,125,000 người Mỹ, hay 12.6% dân số Mỹ, đã nói rằng Phật giáo đã ảnh hưởng lên trạng thái tâm linh hàng ngày của họ. 



 Trong chiều hướng đó, đạo Phật ở Mỹ thiên về thực hành Thiền định hơn là lễ nghi hay lý thuyết giáo điều, và khuynh hướng chính yếu là tu tại gia hơn là xuất gia. Với tinh thần khai phóng, đạo Phật tại Mỹ mang tính cách bình đẳng, không phân biệt giữa nam và nữ. Nhiều vị thầy thuộc phái nữ xuất gia hay tại gia có trí tuệ sâu sắc đã đóng vai trò lãnh đạo, hướng dẫn những trung tâm tu học cũng như xuất bản những quyển sách về đạo pháp có giá trị khai ngộ, thích hợp cho tâm tư và hoàn cảnh của con người hiện đại trong cuộc sống bận rộn, đầy áp lực của thế kỷ 21. 



 Tuy nhiên, vì chưa có nhiều cơ sở hoằng pháp, sự truyền bá đạo Phật ở Mỹ vẫn còn bị nhiều trở ngại. Một số người Mỹ đã gọi đạo Phật là tôn giáo của những người “trí thức thượng lưu”, vì muốn tham dự những khóa tu, hay những buổi thuyết giảng cũng phải bỏ tiền ra ít nhiều. Và cũng như mọi hình thức hoạt động khác của con người, không khỏi có một số tệ nạn do sự băng hoại của một vài tăng sĩ trước sự cám dỗ của một xã hội văn minh vật chất đầy dục tính. Nhưng nhìn chung, một hệ thống tín ngưỡng Phật giáo đang được hình thành trên đất Mỹ với rất nhiều triển vọng.

 


 Trong năm 2009, trên hệ thống mạng lưới toàn cầu đã tung ra tin Phật giáo được bầu là tôn giáo tốt đẹp nhất thế giới. Tin này chỉ được phổ biến trên các trang mạng cá nhân, không được kiểm chứng và không được đăng tải trên các cơ quan truyền thông chính thức, tuy nhiên cũng đã nói lên sự chú ý và ngưỡng mộ chung đối với một tôn giáo tuy lâu đời nhưng vẫn còn ít nhiều tiềm ẩn đối với thế giới, như một viên ngọc sáng ngời bị che khuất nay mới được hiển lộ. 



 Trong bối cảnh khởi sắc đó, mong rằng những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc truyền bá giáo pháp của Đức Thế Tôn cho người bản xứ cũng như cho những thế hệ tương lai, là một ngọn đuốc lớn trong muôn vàn ngọn lửa đã được nối tiếp truyền trao qua bao nhiêu đời của các vị Phật, Tổ từ ngàn xưa đến nay.

 


Diệu Huyền 

 

(Kính dâng Đức Thế Tôn nhân mùa Phật Đản)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật