SARNATH, THÁNH ĐỊA CHUYỂN PHÁP LUÂN - Lưu Ly

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 37022)


Sarnath, thánh địa chuyển pháp luân

 

 sarnath_3-content Sau khi giác ngộ hoàn toàn ở Bodh Gaya, Tất Đạt Đa (Đức Phật) lên đường đi về phía Đông Bắc, khoảng hai trăm dặm, đến thành phố Banaras sầm uất để tìm lại những bạn đồng tu xưa kia. Những ngày ấy Tất Đạt Đa đã cùng năm người bạn này phấn đấu gian khổ đến tận cùng để tìm sự giác ngộ vô thượng. Nhưng sau khi nhận ra cách tu khổ hạnh ấy chỉ lãng phí thời gian mà không đem lại được gì, Tất Đạt Đa đã làm kinh ngạc các bạn đồng tu khi không chịu nhịn đói và từ chối không tiếp tục hành hạ thân xác mình thêm nữa. Trong nỗi niềm thất vọng, lúc ấy ngài khởi lên một ý chí quyết liệt, và chỉ còn một mình một bóng, ngài đã ngồi xuống dưới gốc cây Bồ Đề. Mọi sự sau đó đã đi vào lịch sử.


 Banaras, cũng được biết với tên là Kashi và bây giờ là Varasani, là một thành phố giống như Mark Twain có lần nói là, “xưa hơn lịch sử, xưa hơn truyền thống, xưa hơn cả huyền thoại và trông còn xưa gấp đôi lần tất cả những thứ này hợp lại.” Nằm trải dài theo một khúc sông Hằng cong như vầng trăng khuyết, thành phố ngoạn mục này có lẽ là thành phố cổ xưa nhất còn sót lại trên quả đất này. Những cảnh sắc từ phía đông ngạn của con sông mà Đức Phật đã nhìn thấy khi ngài đi phà băng qua sông về phía thành phố, bây giờ chúng ta cũng vẫn thấy như vậy: đây những người đàn ông ở trần chỉ có một miếng vải vắt ngang, kia những người đàn bà trong áo sari đủ mầu đang làm lễ tắm dưới sông, giặt dũ, cầu nguyện thần Shiva, và trên những bực thềm mục nát dẫn xuống giòng sông, những xác người chết đang được sửa soạn để hỏa thiêu.. Nơi đông ngạn, về phía thôn dã của Banaras, là những cánh đồng nguyên si từ suốt lịch sử đến nay, với những nông dân lam lũ vẫn còn dùng trâu bò để cầy bừa những thửa ruộng xanh biếc như ngọc, và những đứa trẻ trần trụi chạy đùa bên ngoài những căn nhà lợp bằng phân bò.



 Khi Siddharta đến đó, biên giới phía tây bắc của thành phố đột nhiên ngừng lại quanh Gai Ghat và Anandavana, hay vườn Lộc Giả, bắt đầu. Nằm kề cận bên chiếc cầu “tân” Malviya bắc ngang qua sông từ năm 1887, khu cây lá xanh tươi này là nơi tụ hội nổi tiếng nhất ở Ấn Độ cho các đạo sĩ và đệ tử của họ. Có lẽ đó là nơi Đức Phật đến đó đầu tiên để tìm kiếm những người bạn cũ nhưng không gặp. Sau khi tắm ở sông Hằng và đi khất thực, Đức Phật đi bộ sáu dặm về phía Bắc xuyên qua những nông trại xanh tươi về phía Sarnath, đến một nơi tụ hội nổi tiếng khác của các đạo sĩ, là Rishiphatana Mrigadava, hay vườn Lộc Uyển.



 sarnath-content Ngày nay, chuyến du hành từ thành phố cổ Banaras đến nơi có cây cao rợp bóng mát yên bình của vùng ngoại ô Sarnath mất khoảng 30 phút, dọc đường trải dài những phố thị liên tiếp, những cửa hàng buôn bán, những xe bus, xe kéo và bò chen chúc nhau trên đường. Khi vào tới Sarnath, dấu tích đầu tiên rõ ràng nhất là một gò cao, tàn dư của ngôi bảo tháp hồi thế kỷ thứ tư gọi là Chaukhandi. Chỗ này dễ được nhận ra vì có một cái tháp hình bát giác trên đỉnh do người Mughals đặt lên vào năm 1588. Công trình này là để đánh dấu địa điểm Đức Phật đã gặp lại năm người bạn đồng tu đầu tiên.


 Đi về phía trước con đường là bảo tháp Dhamekh đứng sừng sững, một ngôi tháp hình trụ kiên cố cao 128 feet và đường kính 93 feet, chạm trổ tinh vi những hình kỷ hà học và các kiểu mẫu hoa thị. Năm 1833, khi bắt gặp ngôi tháp này lấp ló trong những lùm cây dầy và cỏ dại cao đến đầu gối, một nhà khảo cổ trẻ người Anh tên là Alexander Cunningham, lúc ấy đang đến Ấn Độ để tìm kiếm những kho tàng xưa cổ, đã đặc biệt chú ý tới. Được người bản xứ cho biết đó là một ngôi mộ của một vị tiểu vương hay hoàng tử nào đó từ thời xa xưa, Cunningham đã say mê tìm hiểu, đào sâu vào ngôi tháp này, nhưng không tìm thấy những trân bảo gì trong mộ, mà chỉ có một tảng đá với hàng chữ Brahmi mà một người bạn cùng nghiên cứu với anh là James Princep đã dịch ra là “Nam mô Phật.”



 Khoảng mười năm sau, tập du ký sang Thiên Trúc của hai vị cao tăng Trung Hoa là FaXian và Xuanzang lần đầu tiên được xuất bản tại Anh. Hai vị này, mỗi người đã ghi lại tất cả những thánh tích Phật giáo ở Ấn độ vào hồi thế kỷ thứ 4 và thứ 7. Có những tài liệu này trong tay, Cunningham khởi công tìm kiếm và nhận dạng được hầu hết những công trình Phật giáo đáng kể, gồm cả bảo tháp Dhamekh được xây từ thế kỷ thứ năm trên một địa điểm vốn trước đây là những đền chùa. Dhamekh, có lẽ là viết tắt của chữ Dhamekkha, hay là “thấy Pháp”, có lẽ được dựng lên để đánh dấu nơi Đức Phật đã chia xẻ tri kiến của ngài với những người bạn xưa trong bài pháp đầu tiên.


 Chúng ta đãsarnath_4-content biết, ở một nơi nào đó trong vườn Lộc Uyển -- mà bây giờ là một địa điểm khảo cổ quốc gia của Ấn độ, phải có vé mới vào được -- Đức Phật đã họp các bạn cũ của ngài lại. Ngài giải thích cho họ biết là những lối tu cực kỳ khổ hạnh làm kiệt sức kiệt lực chỉ khiến cho người ta không hiểu được ngay cả đời sống bình thường, nói chi đến chân lý cao xa vượt ngoài sự thấy biết của giác quan. Thay vào đó, Đức Phật đề ra con đường “Trung Đạo”, ở giữa hai cực đoan của sự ép xác và phóng túng , đó là con đường chắc chắn nhất để đạt tới giác ngộ. Ngài đã thuyết phục được họ khi trình bầy kinh nghiệm khai ngộ của ngài về chân lý Tứ Diệu Đế và con đường Bát Chánh Đạo. Năm vị đạo sĩ khổ hạnh này tức thời trở thành năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật, và Tăng đoàn từ đó đã bắt đầu.



 Không bao lâu sau, nhóm năm người này có thêm người gia nhập, đó là Yasa, con trai một đại phú gia ở Banaras. Chàng có một tâm hồn đầy khắc khoải, nhưng khi gặp Đức Phật và nghe ngài nói chuyện, đã giác ngộ và xin quy y ngay. Thấy con mình vui vẻ như vậy, cha mẹ Yasa, cũng như vợ chàng cũng xin quy y theo Phật,và trở thành những cư sĩ đầu tiên. Bốn người bạn thân của Yasa cũng nhập vào, đem theo năm mươi người nữa đồng xuất gia.


 Lúc đó, Đức Phật truyền cho các đệ tử của ngài phải quảng bá Pháp Phật, bằng cách chia nhau ra đi khắp nơi hoằng hóa. Nhưng mỗi năm, và nhiều năm sau nữa, Đức Phật vẫn trở về vườn Lộc Uyển trong mùa mưa. Nhờ có sự trợ đạo tích cực của các vị vua và phú gia ở vùng Banaras, một truyền thống tu tập Phật giáo đã phát triển huy hoàng tại đây trong suốt 1500 năm, cho đến khi vùng Sarnath bị đạo quân Hồi giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ qua tàn phá hủy hoại vào thế kỷ thứ 11.


 sarnath_buddha_0-content

 Công viên khảo cổ này cũng chứa đựng những dấu tích của các bảo tháp nhỏ hơn, những đền thờ, và một phần của năm tu viện được khai quật lên. Có những khu vườn, có chuồng cho nai ở, và dấu tích của bảo tháp Dharmajika vào thời thế kỷ thứ ba, với một cây cột được vua Ashoka dựng lên để tán dương sự ra đời của Phật Pháp. Nhưng không may là, sáu mươi mốt năm trước khi Cunningham đến đó, một viên quan của tiểu vương xứ Banaras đã đến cướp bóc bảo tháp này , lấy đi những viên gạch dựng tháp và vứt hài cốt trong đó (có lẽ là xá lợi của Đức Phật) xuống sông Hằng. Khi Cunningham đến đó thì chỉ tìm thấy một cái hòm không.


 Ngoài bìa công viên này là ngôi chùa Mulagandhakuti của Hội Maha Bodhi, một tòa nhà nguy nga được trang trí với những bức họa diễn tả cuộc đời của Đức Phật, trong đó cũng thờ xá lợi của Đức Phật. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1931 do một nhà sư Tích Lan tên là Anagarika Dhammapala, người đã tích cực đề xướng việc bảo tồn những di tích Phật giáo ở Ấn Độ, và mỗi ngày trong chùa đều có khóa lễ tụng kinh niệm Phật vào lúc 6 giờ chiều. Lân cận đó là những ngôi chùa của Miến Điện, Trung Hoa, Thái Lan, và Tây Tạng.


 Dưới thời Gupta (thế kỷ thứ 4 đến thứ 6) Sarnath trở thành một trung tâm lớn của nghệ thuật điêu khắc, và ngay phía đối diện cổng vào của công viên là một viện bảo tàng đặc biệt tồn trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo quan trọng của thời đại đó, trong đó có những bảo vật nổi tiếng như đỉnh sư tử của cây cột (biểu tượng của nước Ấn Độ mới) mà nhà vua Ashoka đã dựng lên ở công viên phía bên kia, cũng như kiệt tác tượng Phật giảng pháp từ thế kỷ thứ năm , còn được gọi là tượng Phật Sarnath. 

sarnath_temple-content

 

 Ngày nay, không chỉ là một cánh cửa sổ nhìn về quá khứ, Sarnath đã lại trở thành một trung tâm thịnh vượng cho việc học hỏi Phật Pháp. Hội Maha Bodhi, nằm ngay ở ngoài công viên, có một văn khố Phật giáo tuyệt hảo mở rộng cho công chúng, và cách công viên một quãng ngắn là Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Phật Giáo Trung Ương Tây Tạng, một trường đại học có uy tín với ba trăm sinh viên học dưới sự chỉ đạo của Giáo Sư Samdhong Rinpoche, chủ tịch Quốc hội Lưu vong Tây tạng. Thư viện của trường đại học này có những bản kinh quý hiếm và trên 85,000 đề mục trong bản microfilm lưu giữ. Học giả Tây Tạng danh tiếng là Khenchen Thrangu Rinpoche cũng mở một khóa hội thảo hàng năm bằng Anh Ngữ ở viện Vajra Vidya tại Sarnath, và tác giả Christopher Titmuss hướng dẫn một chương trình dạy tu thiền và pháp thoại rất được đại chúng ưa thích vào mỗi thứ ba ở nhiều địa điểm khác nhau.


 Sau bao nhiêu thế kỷ, bánh xe Pháp do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển lần đầu tiên ngày xưa, nay lại được tiếp tục ở chốn cũ Sarnath.


 

 Lưu Ly   


(trích dịch từ Tricyle)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật