CUỘC HẠNH NGỘ VỚI MỘT TRI THỨC - Ngọc Bảo

29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74101)


Cuộc hạnh ngộ với một tri thức 

 

 

  (Viết theo bài của Thiền sư John Daido Loori)

 


 Khoảng cuối thập niên 1960, trong làng nhiếp ảnh Mỹ có một khuôn mặt thật độc đáo, đó là Minor White, người còn có biệt danh là “ông đạo phương Đông” vì cách dậy học chụp hình của ông thấm đầy những tư tưởng tâm linh truyền thống của Đông phương. Trông bề ngoài, ông cũng có một vẻ gì cuốn hút đặc biệt, với vóc dáng cao ráo trên sáu feet, mái tóc bạc trắng bồng bềnh.


 Lúc ấy, Nga Sô vừa phóng phi thuyền Sputnik, khiến dư luận nước Mỹ bắt đầu xôn xao, muốn hệ thống đại học chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh sáng tạo, phát minh. Minor được mời dậy MIT (Học viện kỹ thuật Massachusetts) để giúp sinh viên phát triển “tinh thần sáng tạo”. Qua cách dậy học, Minor đã tỏ cho thấy ông xem nhiếp ảnh như là một nghệ thuật có tính cách thiêng liêng vậy.


 Một thanh niên trí thức say mê nhiếp ảnh, có cuộc sống nội tâm phong phú đã chăm chú theo dõi những loạt bài viết về Minor White trong tạp chí nhiếp ảnh Aperture. Đó là John Daido Loori, người sau này trở thành viện trưởng thiền viện Sơn Lâm (Mountain Monastery) tại tiểu bang New York. Khi nghe nói Minor mở một cuộc triển lãm nhỏ ở Massachusetts, lấy tựa đề là “Tiếng vỗ của một bàn tay”, ông đã lái xe đường trường từ New York đến tận nơi để thưởng lãm. Những bức ảnh của Minor quả thật đã đem lại một ấn tượng đặc biệt, với những nét linh động, sống thực, kỹ thuật phối hợp ánh sáng đặc sắc, tự nhiên, không cần đến những xảo thuật khi rửa hình, và ngoài ra còn diễn tả một điều gì đó sâu xa, vượt lên trên cái đẹp của nghệ thuật thuần túy.


 Bắt đầu chụp hình từ năm lên 10 tuổi, suốt từ lúc ấy cho đến ngoài ba mươi, nhiếp ảnh đã là một phần không thể thiếu được trong cuộc đời của John. Tinh thần say mê khoa học đã đưa ông trở thành một nhà khoa học chuyên về lý hóa, nhưng dần dần, khoa học cũng không trả lời được những thắc mắc trăn trở , mà sau này ông mới nhận ra đó chính là những thắc mắc tôn giáo, tâm linh. Ông bắt đầu đọc những sách nói về Đạo của Đông phương, cố tìm một ý nghĩa nào đó cho đời sống của mình và thế giới chung quanh. Nhưng tiếc thay, những thất vọng về các giáo điều tôn giáo từ trước tới nay đã làm cho ông trở thành một kẻ hoài nghi, cho rằng Đạo là một điều gì xa vời thực tế, không thể ứng dụng trong đời sống thực tại của thế kỷ hai mươi này.


 Nhưng sau khi tham dự cuộc triển lãm nhiếp ảnh của Minor, cuộc đời của John Daido Loori dường như đã bước qua một ngã rẽ mới. Cuộc hạnh ngộ được ông kể lại như sau:



 Một ngày vào năm 1971, tôi nhận được thơ của tạp chí Aperture mời tham dự khóa tu nghiệp nhiếp ảnh của Minor White ở Lakeville, Connecticut. Thoạt tiên tôi cũng hơi ngần ngại, nghĩ rằng tay nghề của mình chưa được vững lắm. Nhưng sau khi được bạn bè khuyến khích, tôi đã gởi đi tập ảnh mẫu– cùng với ngày sinh, tháng đẻ để họ lấy số tử vi . Tuy là một khoa học gia có đầu óc thực tiễn, không tin vào những thứ huyền bí, nhưng vì quá muốn học với Minor nên tôi cũng sẵn sàng chịu nhận mọi điều kiện. Điều kiện của Minor đưa ra là, ông muốn biết lá số tử vi của học viên, và muốn họ phải đọc một số sách, trong đó có sách về Thiền và Cung Đạo.


 Tôi được ông chấp nhận, và vài tháng sau khăn gói lên đường đến trường Kotchkiss, ở đó, tôi sẽ cùng sáu mươi người khác tham dự khóa tu nghiệp nhiếp ảnh một tuần với Minor White.


 Buổi học đầu tiên bắt đầu vào lúc bốn giờ sáng. Tôi cùng mọi người bước ra ngoài sân rộng, trong lòng tự hỏi không biết mình sẽ chụp được cái gì trong lúc trời còn tối thế này. Chúng tôi được yêu cầu xếp thành một hàng dài và rồi tập một lô những động tác uốn éo thân mình theo lời chỉ dẫn của một vũ sư. Tôi ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn quanh, nhưng thấy mọi người đều ngoan ngoãn làm theo, kể cả Minor. Tôi quay sang người kế bên, hỏi: “Thế này là thế nào? Những động tác múa may như thế có liên quan gì đến chụp hình?” “Suỵt..., cứ làm theo đi,” anh ta nói. Quay sang phải, cô bên cạnh cũng nói vậy. Cơn bực bội bùng lên, tôi cảm thấy hết còn chịu đựng được nữa. Bỏ ra mấy trăm đô la để ghi tên dự khóa nhiếp ảnh, chẳng lẽ tôi lại phí thì giờ đi nhẩy múa trong cánh đồng như thế này! Thế là, tôi đùng đùng bỏ đi.


 Trở về phòng, tôi bắt đầu thu dọn hành trang, nhưng rồi qua cửa sổ, tôi nhìn thấy hàng người đang nhẩy múa đi ngang trong ánh dương le lói của buổi bình minh, thế là tôi lấy máy ra chụp hình họ. Vừa chụp, tôi vừa cảm thấy hài lòng với chính mình. Mặc kệ họ muốn làm gì thì làm, tôi chỉ biết chụp hình thôi. Nhìn lại, tôi nhận ra hình ảnh đó đã hoàn toàn phản chiếu thực trạng của tôi lúc ấy: bao giờ cũng chỉ đứng ngoài lề cuộc đời, nhìn xuyên qua một lăng kính nào đó.


 Sau buổi học sáng hôm đó, một nhóm người, do chính ông vũ sư dẫn đầu, đến tận phòng thuyết phục tôi ở lại. Tuy vẫn còn nghi ngờ lối dậy học của Minor, tôi cũng tò mò muốn biết làm cách nào những bức ảnh của ông có vẻ sống động và có chiều sâu như vậy, nên rốt cuộc, tôi đã quyết định ở lại, tự nhủ vì những người bạn học viên muốn tôi ở lại, nhưng thực ra tôi cũng thấy cảm động trước tấm lòng của họ. Sau này tôi mới biết, cách Minor dậy chúng tôi chụp hình là phải hoàn toàn thể nhập vào hình ảnh trước mắt, phải sống thực với đối tượng ấy, để cho những bức ảnh không chỉ là những hình ảnh mà còn cảm thấy được, nếm được, ngửi được chúng.


 Một đề tài được Minor đưa ra đã có ảnh hưởng sâu đậm nơi tôi: đó là chụp bản tính chân như của mình. “Chân như là cái bản thể đã sẵn có nơi ta từ khi cha sanh mẹ đẻ. Đó chính là con người thực sự của mình,” Minor nói. Ông bảo chúng tôi hãy bỏ quên đi những lớp vỏ bề ngoài của mình mà đi vào tận sâu thẳm đáy tâm hồn để tìm thấy con người thực sự của mình. Nếu nói theo ngôn ngữ Thiền, đó gọi là: “Thế nào là bản lai diện mục, bộ mặt sẵn có của anh từ trước khi cha mẹ sinh ra?”


 Trong khi sắp xếp dụng cụ, sửa soạn ra ngoài chụp hình, tôi bỗng có linh tính đây sẽ là bức hình được tuyển chọn trong khóa học này. Tôi cảm thấy tự tin, sẵn sàng ở ngoài thật lâu nếu cần, nên đã dặn một vài người trong nhóm đừng quan tâm nếu tôi không trở về đêm ấy.


 Sáng sớm tinh mơ, tôi ra đi mang theo ba lô nhỏ trên lưng và một máy hình 4x5 . Bước chân vào rừng, tôi đi lang thang không phương hướng, cố nghe ngóng xem có đối tượng nào để ý đến mình không. Những lời dậy của Minor vang lên bên tai: Hãy dấn thân vào phong cảnh trước mắt mà không trông đợi gì cả. Hãy để cho đối tượng tìm đến mình. Đến gần đối tượng ấy, bạn sẽ cảm thấy như có một tiếng dội nào đó, sẽ có một cảm giác như đang nhận ra một cái gì đó. Nếu tiếng dội dường như mờ nhạt đi khi bạn xa rời đối tượng ấy, hoặc nếu nó càng mạnh hơn khi bạn càng đến gần, thì đó chính là đối tượng để chụp hình . Hãy ngồi yên trước mặt đối tượng ấy, và đợi cho nó quen dần với sự hiện diện của mình. Đừng có vội vàng chụp ngay, mà hãy để linh tính báo cho biết khi nào là đúng lúc bấm máy. Nếu sau khi đã chụp xong, bạn cảm thấy hài lòng, hãy chào đối tượng và buông bỏ nó cũng như tất cả những gì ràng buộc mình với nó đi.


 Sau một lúc lâu, tôi tìm thấy một cái cây có vẻ như chào đón tôi. Tôi đến trước mặt nó, cúi xuống chào. Rồi tôi để máy hình sẵn sàng, và ngồi ngay trước mặt cây ấy, đợi cho nó công nhận sự hiện diện của tôi. Lúc ấy mới vào trưa, mặt trời đã đi quá đỉnh đầu. Tôi ngồi đó, một tay để sẵn trên nút bấm máy ảnh, toàn thân thật yên lặng, nhưng cũng thật cảnh giác.


 Và rồi, tôi không còn nhớ gì nữa.


 Nhiều tiếng đồng hồ sau, tôi sực tỉnh thấy hoàng hôn đã đến từ bao giờ, và trời đang trở lạnh trong buổi chiều tà. Trong tôi lúc ấy không còn có một ý niệm nào về thời gian nữa. Tôi chậm rãi đứng dậy, cảm thấy hoàn toàn khác lạ. Toàn thân và tâm tôi, những vấn đề bức xúc dường như đã chuyển đi đâu rồi. Bao nhiêu câu hỏi ray rứt cả tuần nay bỗng biến mất hoàn toàn. Tôi cũng chẳng biết tôi có chụp tấm hình nào không nữa. Dường như, điều đó đã trở thành không còn quan trọng.


 Thu dọn đồ nghề, tôi đi trở về trường, sực nhớ mình có hẹn với Minor chiều nay. Khi về tới nơi, Minor đã ngồi đợi sẵn ngoài hành lang trước phòng ông, nên tôi ngồi xuống bên cạnh ông. Hai ngày trước tôi đã sửa soạn sẵn một lô những câu hỏi, nhưng không biết sao những câu hỏi ấy bây giờ đâm ra thấy thừa thãi, sau kinh nghiệm xuất thần vừa rồi của tôi với cái cây.


 “Anh muốn nói về vấn đề gì?” Minor hỏi. Ngượng ngùng, tôi trả lời: “Thật ra, tôi chẳng có gì để nói cả.”


 “Tốt. Thế thì hãy ngồi đây với nhau thôi.”


 Chúng tôi ngồi đó yên lặng trong bóng chiều tĩnh mịch, cho đến khi có một học viên khác đến tìm ông. Tôi đứng dậy bỏ đi, và Minor chắp hai tay lại với nhau, cúi đầu chào tôi. Trong tôi lúc ấy bỗng trào dâng một niềm biết ơn choáng ngợp, đến mức tôi không biết làm cách nào có thể đền đáp lại được. Tôi nói với ông điều đó, và ông hỏi, “ Có phải anh là một giáo sư không?” Tôi gật đầu.


 “Thế thì, cứ dậy học đi.”


 Kể từ sau buổi đi vào rừng đó, dường như trong tôi đã có gì biến chuyển; tôi bỗng cảm thấy lạc quan, đầy nghị lực, thấy thế giới này thật toàn hảo, thấy tôi cũng toàn hảo, mọi sự đều toàn hảo. Tinh thần tôi chưa bao giờ lên cao như vậy từ suốt bao nhiêu năm nay, và tôi muốn chia xẻ điều đó với người khác.


 Nhưng rồi, cảm giác ấy không kéo dài được lâu. Dần dần, sau chừng một năm, tôi không còn có được sự phấn chấn ấy nữa. Tôi hốt hoảng, cố gợi lại những gì đã làm trong khóa tu nghiệp đó để tìm cách nắm giữ trạng thái ấy. Tôi đọc những sách về tôn giáo, tâm linh, triết học. Tôi thực tập yoga, tập thiền, ăn chay. Tôi không muốn trạng thái lâng lâng sáng tỏ đã kinh nghiệm được đó bị mất đi. Cái gì đã khiến cho tôi, trong một thoáng chốc, hoà nhập được hoàn toàn như thế ấy với cái cây, với thế giới chung quanh, và với chính đời mình?


 Năm 1972 Minor lại mở một khóa tu nghiệp khác tại Trang Trại Pumpkin Hollow, một tịnh xá ở phía bắc tiểu bang New York. Tôi lại gia nhập khóa học, nhưng lúc ấy sự ngưỡng mộ của tôi đối với Minor đã biến đổi thành sự bực tức, vì tôi nhận ra rằng những bức ảnh của tôi càng ngày càng giống của ông. Tôi cảm thấy mình bị mắc kẹt trong những tư tưởng của Minor. Cái gì là đặc thù của tôi? Tôi là ai?


 Khi đã qua nửa khóa học, Minor bắt đầu thúc ép các học viên phải thực tập thật nhiều. Mấy ngày qua chúng tôi đã mệt nhoài vì làm việc nhiều quá và thiếu ngủ , nên khi thấy Minor có vẻ gay gắt với một học viên yếu kém, tôi đã mất bình tĩnh. Cũng như kỳ trước, tôi lại bỏ ra ngoài, nhưng lần này khi trở về phòng rồi tôi bắt đầu tọa thiền ngay. Kể từ sau lần đầu tiên tôi gập Minor, tọa thiền đã thường xuyên có mặt trong cuộc đời tôi. Nó đã trở thành một thói quen tự nhiên, như là đánh răng vậy, và khi tôi đi ra ngoài chụp ảnh, có nhiều lúc tôi bắt gập mình ngồi yên lặng trong rừng cây, máy ảnh để bên cạnh không dùng tới.


 Sau khi ngồi tĩnh tọa khoảng một tiếng, tôi trở về phòng học, thấy lớp học đã kết thúc viên mãn và không khí đã yên tĩnh lại; mọi người đều đang ngồi thiền. Tôi xin lỗi Minor và ngồi xuống cùng với mọi người.


 Một thời gian ngắn sau đó, tôi viết cho ông một lá thơ, xin phép ông cho mượn một số ảnh dùng trong cuộc triển lãm “Tiếng vỗ của một bàn tay” cho phòng trưng bầy mới mở của tôi. Ông không những đồng ý, mà còn cho tôi bán hình của ông với bất cứ giá nào tôi muốn, mà chỉ lấy có $25 tiền vật liệu thôi. Không hiểu sao ông lại rộng rãi với tôi như vậy, trong khi từ đó tới giờ tôi chỉ toàn tỏ ra thái độ chống đối với ông.


 Đến đây, tôi bắt đầu nhận thấy mình cần phải có một vị thầy hướng dẫn về tâm linh, nhưng không biết tìm ở đâu. Minor từ đó tới giờ chưa bao giờ nhận mình là người nào khác hơn một nhiếp ảnh gia. Ông có dùng những yếu tố ở các giáo lý Gurdjieff, yoga, thiền, và huyền môn trong những khóa tu nghiệp của ông, nhưng chưa bao giờ tự gọi mình là một vị thầy tâm linh. Tuy nhiên, tôi vẫn gọi điện thoại xin phép được đến thăm ông. Ông vẫn dậy ở MIT, nên khoảng hai tuần sau, tôi lái xe đến Cambridge thăm ông ở nhà. Chúng tôi ngồi uống rượu vang, nói lan man đủ thứ chuyện. Tôi chẳng xin ông ý kiến gì cả, và ông cũng chẳng khuyên bảo gì, nhưng khi kiếu từ, tôi bỗng thấy tự tin trở lại. Trong khi lái xe trở về khách sạn đêm ấy, tôi không ngừng nghĩ đến buổi gập mặt vừa rồi. Ông đã không thực sự nói gì nhiều với tôi, nhưng rồi trong tôi lại có một điều gì chuyển biến. Tại sao?


 Khi đi vào khách sạn, tôi để ý thấy trong phòng khách phía trước có tấm giấy quảng cáo một cuộc hội thảo nhan đề “Pháp Quán Tưởng”. Một trong những thuyết trình viên là Đại sư Trungpa Rinpoche, người đang được nổi tiếng tại phương Tây này như một vị thầy thông thái của Phật giáo. Tôi quyết định đi dự cuộc hội thảo này, và sau đó qua một chuỗi nhân duyên nối tiếp đã gập được những vị thầy tương lai của tôi là Eido Shimano, Soen Nakagawa, và vị thầy ấn chứng cho tôi là Taizan Maezumi. Dần dà, Thiền đã trở thành lãnh vực chính trong cuộc đời của tôi.


 Những câu hỏi tôi đã ôm ấp hàng bao nhiêu năm trời đã kết tinh thành một nhu cầu thúc bách muốn tìm hiểu bản chất thực sự con người của mình. Điều gì đó đã xẩy đến cho tôi trong cánh rừng ngày ấy, khi bắt đầu học với Minor. Điều gì vậy? Và tại sao tôi lại cảm thấy dễ chịu khi ở cạnh một người như Minor? Tôi cần phải biết điều đó. Tôi tiếp tục tìm hiểu, và sự tìm hiểu này đã đưa tôi đến chỗ thọ giới tăng sĩ Thiền tông, và rồi rốt cuộc đã hoàn toàn hiến dâng đời mình cho đạo pháp.


 Hồi tưởng lại, tôi thấy rõ ràng nghệ thuật đã là một phương tiện soi sáng, hướng dẫn tôi vượt qua những chốn tăm tối của cuộc hành trình tâm linh. Nếu để tự nhiên chắc tôi sẽ không bao giờ có thể đến trước cổng một thiền viện xin vào tu trong đó. Tôi vẫn còn thấy thán phục những người có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, những nhân duyên kết hợp đã khiến tôi dùng lối cửa hậäu để vào thiền viện đuợc, và cuối cùng, có thể dấn thân hoàn toàn vào việc tu đạo.


 Cuộc hành trình tâm linh rất dài và đôi khi rất cô đơn. Nhưng có những người trong chúng ta có duyên may gặp được một vị Tri Thức trên con đường Đạo đó. Tôi thật biết ơn Minor đã mở cánh cửa ấy cho tôi đầu tiên, và đã đi cùng tôi một chặng trên cuộc hành trình này.

 


Ngọc Bảo


Tháng 9, 2003


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc