TRUYỆN NI ĐỀ
(Nidai, 1925)
Nguyên tác: Akutagawa Ryunosuke
Dịch: Nguyễn Nam Trân
Thành Xá Vệ là chốn kinh đô dân cư đông đúc. Thế nhưng so sánh với dân số sống ở đó, diện tích của thành lại tương đối hẹp nên mới sinh ra việc thiếu thốn cầu tiêu nhà xí. Hầu như người sống bên trong đều theo qui định là phải ra ngoài thành tiểu tiện hay đại tiện. Duy hàng giáo phẩm Bà La Môn hay giới quí tộc vũ sĩ như giai cấp Sát Đế Lợi có thể dùng các vật dụng riêng tư như bô chậu (benki), nên đặc biệt không phải khổ tâm khi giải quyết nhu cầu. Dù vậy vấn đề vẫn đặt ra là làm cách nào để vứt hay đổ đống phân và nước tiểu ấy đi. Những kẻ phụ trách công việc này ở trong thành có tên là “người hốt phân đổ thùng”.
Ni Đề, với mái tóc bắt đầu ngả sang màu vàng, là một trong những người hốt phân đổ thùng ấy. Vì lẽ đó, ông được xem là hạng nghèo khổ vào bậc nhất trong thành Xá Vệ này và cũng kém duyên phận nhất trước việc giữ sao cho lòng mình thanh tĩnh.
Một hôm, vào lúc xế trưa, Ni Đề như mọi ngày đang đi khắp mọi nhà, thu góp phân và nước tiểu vào trong một cái thạp sành, gánh nó trên lưng rồi dấn bước trên những con đường cực hẹp hai bên đầy dẫy hàng quán. Đang đi, bỗng nhiên hiện ra trước mắt ông là bóng một sa môn tay ôm bình bát khất thực. Vừa thoáng thấy vị sa môn này, Ni Đề đã biết mình sắp gặp gỡ một nhân vật cực kỳ hiếm có. Nếu nhìn sơ qua, hình dáng của sa môn không có gì khác người thường thế nhưng với vệt phấn trắng chấm giữa hai hàng mi và đôi tròng mắt xanh lam thì đích thị ngài phải là Thích Ca Như Lai ở Kỳ Viên Tinh Xá chứ không ai khác.
Dĩ nhiên Đức Thích Ca Như Lai là vị giáo chủ của Tam Giới Lục Đạo , Thập Phương Tối Thắng, Quang Minh Vô Ngại, có năng lực dẫn đạo một cách bình đẳng cho ức ức chúng sinh. Tuy vậy, Ni Đề đâu phải là người hiểu được những chuyện cao siêu đó. Ông có biết là nhà vua Bà Tư Nặc của nước Xá Vệ này, mỗi khi diện kiến Như Lai đều rạp mình cúi lạy, như kẻ giữ phận thần tử. Nhưng ngoài ra, ông còn biết thêm rằng một người danh tiếng như vị trưởng giả Cấp Cô Độc , khi xây dựng Kỳ Viên Tinh Xá cho ngài, đã trải hoàng kim đầy mặt đất để mua lại khu vườn đẹp đẽ ấy từ tay Kỳ Đà Đồng Tử. Đang gánh thạp sành đựng phân trên lưng mà gặp phải một người cao quí như Như Lai, Ni Đề cảm thấy hết sức hổ thẹn. Vạn nhất có thể sinh ra chuyện thất lễ, cho nên ông ta lật đật kiếm một con đường khác và rẽ vào.
Thế nhưng trước đó Như Lai đã thấy được Ni Đề. Không chỉ chừng đó, ngài còn biết cái gì là động cơ khiến Nhi Đề muốn rẽ qua đường khác. Dĩ nhiên, biết được động cơ gây nên hành động đó, Như Lai chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười tuy nhẹ nhàng nhưng không thể nói là một nụ cười đơn thuần cho được. Nụ cười này chỉ thể hiện tấm lòng thương xót bao la như trời biển trước sự vô tri ngu muội của chúng sinh bởi vì nó cũng đã làm ứa một ngấn lệ từ đôi mắt trong xanh của ngài. Lúc ấy, tấm lòng đại từ đại bi của Như Lai đã phát huy được sức thần thông bình sinh cũng như sự quyết tâm thu nhận lão già gánh phân này làm một trong những đệ tử mới của mình.
Con đường Ni Đề vừa mới quặt vào vẫn là một lòng phố hẹp tựa như con đường hồi nãy. Ông bèn quay lại đằng sau để xác nhận là không có bóng Như Lai đi theo rồi lúc đó mới dám cất lên một tiếng thở phào. Như Lai vốn là một vị vương tử của nước Ma Già Đà , chư đệ tử của ngài nói chung đều thuộc những giai cấp cao sang. Một kẻ chất chứa bao nhiêu tội và nghiệp (zaigô) như Nhi Đề thì, nếu không có lý do nào đặc biệt, sẽ phải làm sao để tránh tiếp cận họ .May quá, giờ đây thấy mình đã che mắt được Như Lai, Ni Đề có thể dừng bước mà lòng nhẹ nhõm. Thế nhưng, không hiểu từ lúc nào, ông lại thấy bóng dáng Như Lai với nụ cười nhân hậu tỏa sáng trên khuôn mặt, đang lửng thửng đi về hướng ông.
Ni Đề không ngại việc mình đang vác trên lưng một thạp phân nặng, lại tìm một con đường khác để rẽ vào lần nữa. Ông không thể hiểu tại sao Như Lai lại có thể xuất hiện trước mắt minh. Ông cứ ngỡ Như Lai vì muốn về Kỳ Viên Tinh Xá cho chóng vánh nên đã lấy một con đường tắt nào đó mà đi mất rồi. Phần ông thì vừa mới tiếp cận, chỉ cách kim thân của ngài một quảng ngắn và bấy nhiêu thôi đã đủ cho ông hạnh phúc. Thế nhưng, trong khi suy nghĩ như vậy, thì ngạc nhiên làm sao, ông thấy Như Lai lại lù lù trước mặt và tiến về hướng mình.
Rẽ vào đường khác thêm một lần thứ ba, Ni Đề vẫn thấy Như Lai lừng lửng tiến tới..
Rẽ thêm một lần thứ tư, Như Lai vẫn sừng sững ở đó như một sư tử vương.
Rẽ lần thứ năm vào một ngõ khác cũng vậy .... rồi cả đến lần thứ bảy trong một con đường chật hẹp. Bảy lần rẽ đi lối khác, bảy lần ông đều gặp Như Lai đang bước về phía mình. Con đường thứ bảy lại là một ngõ cụt (fukuromichi) khiến ông hết biết cách tiến thoái. Thấy vẻ bối rối của ông, Như Lai bèn ngừng ngay giữa lối đi, từ tốn vẫy gọi. Ngài chìa ra “những ngón tay dài và thanh tú, với những cái móng màu đồng đỏ và bàn tay tựa một búp sen” như muốn bảo ông “Chớ sợ!”. Tuy vậy, Ni Đề càng thêm kinh hãi và rốt cuộc đã tuột tay làm rơi cả cái thạp sành.
-Tiện nhân thành thật xin lỗi ngài nhưng cảm phiền ngài hãy bước qua bằng lối này.
Không biết xử trí làm sao, Ni Đề bèn quì gối ngay giữa bãi phân và vũng nước tiểu, van lạy Như Lai. Thế nhưng Như Lai vẫn với dáng dấp uy nghiêm và một nụ cười nhẹ trên môi, lẳng lặng nhìn xuống ông và nói:
-Này Ni Đề, ngươi có muốn xuất gia như ta không?
Khi nghe tiếng nói sang sảng như tiếng sấm (lôi âm) từ miệng Như Lai, Ni Đề không còn biết làm cách nào hơn là chấp hai tay và nhìn lên ngài:
-Tiện nhân chỉ là một kẻ nghèo hèn, làm sao có thể gia nhập vào đoàn đệ tử của ngài được?
-Không, không đâu. Phật pháp không hề phân biệt quí tiện. Cho dù có một ngọn lửa nào đó cháy bừng lên và thiêu rụi tất cả mọi sự tốt xấu trên đời thì nguyên tắc ấy vẫn bất di bất dịch.
Thế rồi ....thế rồi .....kể từ đó, những bài kệ giống như thế của Như Lại đã được chép lại thành kinh văn lưu truyền cho hậu thế.
Chưa đến nửa tháng sau, khi trưởng giả Cấp Cô Độc đi trên con đường ẩn trong những lùm tre và bụi chuối dẫn vào Kỳ Viên Tinh Xá, ông đã gặp Ni Đề đang bước một mình. Tuy vẻ bên ngoài của Ni Đề đã giống như mọi đệ tử nhà Phật nhưng ông vẫn không có vẻ gì khác với kẻ làm nghề gánh phân, đổ thùng ngày xưa. Duy mái tóc thì đã cạo nhẵn từ lâu. Khi nhìn thấy trưởng giả, Ni Đề đã dừng lại bên đường và kính cẩn chấp tay.
-Này Ni Đề! Nhà ngươi là một kẻ hạnh phúc đấy nhé! Một khi đã được Đức Như Lai thu nhận làm đệ tử, ngươi sẽ vĩnh viễn thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi và mãi mãi tiêu dao nơi cõi Ánh Sáng Thanh Tĩnh (Thường Tịch Quang Thổ).
Trước lời lẽ đó của vị trưởng giả, Ni Đề đã cung kính thưa rằng:
-Thưa trưởng giả, tiện nhân đã không làm gì gọi là xấu xa cả. Có điều là dù đã cố quẹo qua bất cứ ngõ ngách nào, con vẫn thấy Như Lai hiện ra trước mặt. Thế thì phần lỗi thuộc về Như Lai đấy chứ ạ!
***
Nói là nói vậy nhưng theo kinh văn thì Ni Đề vẫn một lòng chuyên cần thính Pháp và sau đó đã đạt được sơ quả .
(Ngày 13 tháng 8 năm Taishô thứ 14 (Tây lịch 1925)
Dịch ngày 14/07/2024
Văn bản:
Akutagawa Ryunosuke, Nidai (Truyện Ni Đề) trích Tuyển tập Kappa , Gengaku Sanbo (Hà Đồng, Sơn trang Huyền Hạc), bản bỏ túi (bunkobon) do Nxb Kadokawa ấn hành năm 1969, từ trang 68 đến 71. Nguyên tác Nhật ngữ.
Vài lời mạn bàn:
Chúng ta sinh ra trong cõi đời này với những số mệnh khác nhau, có người giầu sang, kẻ nghèo hèn, người may mắn, kẻ bất hạnh. Lại mỗi người đều có những tính nết, tâm tình khác nhau, những cách xử thế tùy theo giáo dục và môi trường sống. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt bên ngoài, trong tất cả chúng ta đều có sẵn một năng lực tâm linh mầu nhiệm đem lại hạnh phúc tuyệt vời vượt ngoài những hỷ nộ ái ố của kiếp nhân sinh.
Đức Phật là người tìm ra chân lý “Tánh Không” ấy và với lòng từ bi vô lượng ngài đã dốc hết tâm tư đem truyền bá lại cho đệ tử để tạo một thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Hạnh phúc thay ngài Ni Đề tuy là người phải làm công việc thấp hèn nhất nhưng đã có duyên gặp được Đức Phật, để biết tu tập bản thân trở thành một bậc A La Hán vượt ngoài sinh tử.
Ngọc Bảo