DU NGOẠN TRUNG HOA - Trần văn Kiện

01 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 70598)




Du ngoạn Trung Hoa


 

 Trung Hoa là một nước lớn về đủ phương diện. Về diện tích, Trung Hoa đứng hàng thứ ba trên thế giới. Đây là một lục địa bát ngát, với những dẩy núi hùng vĩ, những đồng bằng rộng lớn bên cạnh những sa mạc gần như vô tận. Có những con sông dài không thua gì những sông có tiếng trên thế giới : Trường giang hay sông Dương Tử vào hạng thứ ba, chỉ kém sông Nile và Amazon. Khí hậu từ băng giá đến nóng nung người. Nhưng đáng ghi nhớ là dân số trên một tỉ của nước này, với lịch sử trên 4000 năm. 

  

 Vì vậy, có thể nói là kể truyện bên Tầu không bao giờ hết !


 

 Du lịch sang Trung Hoa , người ta có thể nhìn nước này dưới nhiều khía cạnh, và ta không thể ôm đồm tất cả trong một chuyến đi ngắn ba tuần như tôi đã chọn.


 Trong số những người đã từng du lịch Trung Hoa, có người khen, cũng có kẻ chê. Tất cả là tùy cái mình định trước là sẽ trông chờ gì ở chuyến đi. Có khi chỉ đơn giản là muốn tới một nước lạ xem sao. Có khi chỉ muốn đi tìm hiểu dân tình. Riêng tôi, tôi trông chờ được thấy tận mắt những gì tôi đã biết qua sách vở, hay qua những câu truyện được nghe từ lúc còn nhỏ. Nói rõ hơn, tôi muốn thấy các đền chùa miếu mạo của ba tôn giáo Nho Lão Phật đã ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa Việt. Tôi muốn nhìn các thành quách , cung điện, lăng tẩm, di tích của một lịch sử đã bao lần gắn liền với lịch sử Việt Nam.  Sau cùng, tôi muốn thỏa mãn tò mò chiêm ngưỡng các thanh lam thắng cảnh mà tôi chỉ biết qua vài bài Đường thi, vài cuốn tiểu thuyết Tầu, kể cả truyện kiếm hiệp và dăm ba áng văn chương Việt đầy rẫy điển tích Trung Hoa.


 Tôi đã tìm thấy những gì tôi mong muốn, và đã có một cuộc du ngoạn hào hứng mà tôi muốn ghi lại đây.



 Trước đây, tôi đã nghe lời trách móc các cụ, khi được vua cử đi xứ bên Tầu, lúc trở về chỉ nói tới nhà của Hàn Tín và đền thờ Khổng Minh, mà không tường trình về chính sự. Tôi cũng theo gương tiền nhân : không đả động đến chính trị, dù là có đi đi lại lại trên quảng trường Thiên An Môn ; không nói tới kinh tế, dù là có nhìn thấy các nhà máy san sát mọc tại Quảng Châu, trên con đường từ Quảng Châu tới Hồng Kông. Hơn nữa, tôi cũng không biết đủ tiếng Tầu để tiếp xúc với dân chúng nhằm tìm hiểu dân tình. Tôi thông cảm với tiến nhân , vì tôi cũng bị ngộp lặn trong một quá khứ thật hấp dẫn, trong thời gian ba tuần ngắn ngủi, để ngó qua 4000 năm lịch sử.


 Câu chuyện tôi muốn kể sau đây không phải là một bài nghiên cứu tỉ mỉ về lịch sử và văn hóa Trung Hoa, mà chỉ nhằm ghi lại những điều mắt thấy tai nghe , cùng là một số nhận xét của một người tuy Tây học, nhưng không quên nguồn gốc văn hóa , do nếp sống gia đình xã hội.

 

 

 Ngày lành tháng tốt, nhẹ gánh lên đường …

 

 

 Trước hết là vài hàng tóm lược tổ chức của chuyến đi.


 Tôi đi theo toán. Toán chúng tôi gồm 19 người . đa số không quen biết nhau. Tất cả đều là người Mỹ, trừ tôi với ông bạn là gốc Việt. Họ là những cặp vợ chông già từ 60 đến 70 tuổi, trừ ba cô Mỹ trẻ khoảng 30 tuổi. Chúng tôi khởi hành từ những tiểu bang khác biệt, người từ Illinois, người từ Massachussetts, Pennsylvania, California ….hai chúng tôi từ Washington D.C. Có người từ Tokyo đến, hoặc ở Hồng Kông mới lên. Tất cả chúng tôi tới Thượng Hải mới gặp nhau, hay đúng hơn, mới quen nhau lần đầu. Họp thành một toán, chúng tôi sẽ cùng ăn ở , đi chơi 15 ngày trong nội địa Trung Hoa và 3 ngày ở Hồng Kông. 


 Hãng Pacific Delight tại New York là hãng tổ chức chịu trách nhiệm chính, nhưng chỉ ở phần ngoài nội địa Trung Hoa trước khi tới Thượng Hải và sau khi rời Quảng Châu. Trong nội địa, tất cả do hang CYTS của Trung Hoa phụ trách. Hiện ở Trung Hoa có ba hãng du lịch thuộc chính phủ là CTS (China Travel Service), CITS (China International Travel Service), và hãng mới nhất là CYTS (China Youth Travel Service) tức là hãng được Pacific Delight giao cho việc hướng dẫn chúng tôi qua tám thị trấn từ Thượng Hải cho đến Quảng Châu.

 

 Khởi hành từ 8 giờ sang ngày 14/9/1994 từ Washington Dulles, chúng tôi tới Thượng Hải hồi 8 giờ tối ngày 15/9, và được cô hướng dẫn của CYTS đón và đưa nhập bọn với 17 người kia ngay tại phi trường. Sau đó, cô lo mọi thủ tục nhập cảnh. Hành lý chúng tôi chỉ phải lấy ra, bỏ chung một chỗ. Hãng sẽ phụ trách đưa tới tận phòng từng người ở khách sạn. Khi rời khách sạn cũng vậy, chúng tôi chỉ cần để hành lý ra ngoài cửa phòng, sẽ có người lo chu đáo. Suốt cuộc hành trình, không có một trục trặc nào. Không phải tay xách nách mang, tôi bớt được mối lo ngại thứ nhất ! Và khi nói chuyện sơ với các bạn đồng hành, tôi bớt được mối lo ngại thứ hai : họ đều vui vẻ nhã nhặn, thuộc lớp trung lưu, nhất là sức khỏe không hơn chúng tôi mấy, chịu đựng vất vả cũng như nhau cả !


 Tóm lại, chúng tôi đã chọn được ngày lành tháng tốt : tháng 10 khí hậu mát mẻ, thích hợp cho các cuộc đi bộ. Phần nhiều người về hưu mới đi vào tháng này. Cùng tuổi già sức kém, nên nhịp đi cũng thích hợp với nhau. Không kể là chúng tôi sẽ tới Hàng Châu đúng vào ngày rằm tháng tám, tết Trung Thu.


 Thế là ngày hôm sau, tất cả chúng tôi cùng nhau lên đường du ngoạn qua 8 thị trấn, đầu tiên là Thượng Hải.


 

Ba chặng của cuộc hành trình


Hành trình thăm viếng 8 thị trấn chia làm gồm 3 chặng :

 

1. Trước hết là vùng châu thổ sông Dương Tử, gồm các thành phố Thượng Hải, Tô Châu, Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô, và Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang. Vùng này còn gọi là vùng Giang Nam, tức là phía Nam sông Dương Tử. Sở dĩ tôi nhắc tới tên này là vì chuyện Càn Long du Giang Nam, chắc nhiều người đã đọc và còn nhớ. Vùng này có nhiều di tích của vua Càn Long, kể cả bút tích.

 

2. Chặng thứ hai là thăm viếng vùng thung lũng sông Hoàng Hà, phía Bắc có kinh đô Bắc Kinh, phía Tây Nam có Tây An, trước là Tràng An, kinh đô cổ xưa, cái nôi của văn minh Trung Quốc. Đây là miền có nhiều di tích lịch sử nhất.

 

3. Sau hết là là vùng Nam Trung Hoa : Quế Lâm thuộc Quảng Tây, một tỉnh sát cạnh Việt Nam, và Quảng Châu, thủ đô cuả các tỉnh Quảng Đông. Đây là một vùng hiện đại hơn các vùng khác. Quế Lâm với sông Lý Giang là một đệ nhất danh thắng. Quảng Châu (thường gọi là Canton) bên bờ song Châu Giang là nơi đang thí nghiệm thị trường kinh tế xã hội chủ nghĩa.


 

 Tôi cũng còn muốn ngược dòng Dương Tử đi từ Nam Kinh qua Vũ Hán (nơi có Hoàng Hạc Lâu) tới Trùng Khánh, đi vào vùng Tứ Xuyên, đất Thục của thời Tam Quốc ….Nhưng thời gian và sức khỏe không cho phép quá tham lam !


 Vả chăng, với tám thị trấn theo chương trìng đã định, tôi cũng thỏa trí tò mò quá nhiều rồi.

 


Một cái nhìn tổng quát


 

Tổng quát chương trình thăm mỗi thị trấn gồm những điểm sau đây :

  1. thăm chùa , tháp.
  2. thăm hoa viện
  3. thăm cung điện, cổ thành, các di tích lịch sử
  4. xem phong cảnh thiên nhiên : sôong, hồ , núi.
  5. Xem trình diễn văn nghệ, thưởng thức các món ăn.


Về chi tiết thì mỗi nơi mỗi khác. Mỗi thị trấn có sắc thái riêng biệt của nó, kể cả thức ăn , văn nghệ. Nhưng cũng có những điểm tương đồng, đặc biệt thứ nhất là các chùa, tháp ; đặc biệt thứ hai là các hoa viên.


 

Các chùa Tầu

 

Các chùa mà ta đã thấy tại Chợ Lớn khi ở Việt Nam chỉ cho ta một ý niệm lờ mờ về các chùa Tầu. Tôi thăm viếng tất cả bốn ngôi chùa và tháp : Ngọc Phật Tự tại Thượng Hải, Linh Ẩn tự tại Hàng Châu (miền này có rất nhiều chùa), Chùa trong Tích Huệ viên tại Vô Tích, tháp Đại Nhạn tại Tây An.


Trước hết về kích thước : tuy đã biết trước là các chùa đều đồ sộ, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên trước sự rộng lớn chưa từng thấy của các ngôi chùa này !


Còn về kiến trúc và mỹ thuật Phật Giáo, tuy không am tường lắm, nhưng tôi cũng nhận được mấy đặc điểm sau đây của các chùa Tầu :


  1. các tường đều mầu đỏ, mái mầu xanh với góc cong lên. Mái và cột đều chạm chổ rồng phượng, các loại thú vật mà người ta tin là có hiệu lực đưổi tà ma, bảo vệ chùa.
 
 2. các chùa dù 1 từng cũng có 2 mái, khiến chùa trông cao hẳn lên. Chẳng hạn chùa Lục Hòa Tháp tại Hàng Châu có 7 từng, mà trông xa tưởng có đến 13 từng, vì lối kiến trúc của mái này


  3. Sau hết, trước mỗi chính điện đều có sân rộng, ở giữa có 1 đỉnh rất lớn để đốt hương, khiến chùa lúc nào cũng khói hương nghi ngút.

 


Các hoa viên


 

Mỗi văn hóa có một loại vườn đặc biệt. Vườn Pháp khác vườn Anh, vườn Nhật khác vườn Tầu ….Các hoa viên Tầu phản ảnh triết lý sống của giới thượng lưu Trung quốc. Tôi đã đi thăm tất cả 7 hoa viên, trong đó có 3 trong 4 hoa viên danh tiếng nhất nước Tầu, thuộc loại cổ điển.


Người Trung Hoa quan niệm hoa viên là một nơi giải trí, nghỉ ngơi thanh nhã, không những cho mình mà còn cho gia đình và bạn bè. Người tạo dựng hoa viên muốn thâu gộp vũ trụ vào một mảnh vườn. Vườn không những có cỏ cây hoa lá, mà còn đủ sông núi ao hồ như ngoài thiên nhiên. Người ta còn muốn mang cả cảnh trí cây cỏ của những vùng khác lạ, của những thời xa xưa, với các loại cây gọi là bồn thụ (người Nhật gọi là bonsai), tức là thu nhỏ lại để cho vào chậu. Các non bộ cũng là một hình thức thu nhỏ các thanh lam thắng cảnh của các miền khác.


Một hoa viên điển hình thường có một hồ sen ở giữa, tản mác xung quanh là các nhà nhỏ như thư viện, nhà khách, nhà mát….để


Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên


Và lãng mạn hơn nữa, có những căn nhà nhỏ xây đặc biệt để chỉ nghe tiếng mưa rơi trên lá sen ! 


Chỉ khi nào chiêm ngưỡng được những hồ sen rộng lớn, với chi chit hằng hà sa số những lá xanh như ngọc bích, với những bông sen tinh khiết và thơm ngát, thì mới hiều được cái thú vui thanh nhã đó. Tôi tiếc là lúc tới thì đã hết hạ sang thu, nên không được thưởng ngoạn cảnh này như đã được tả trong sách.


Vườn Trung Hoa không phải chỉ có trồng cây, mà còn được tô điểm them bằng những cầu vòng hay chữ chi. Tại sao kiểu chữ chi ? Hỏi ra mới biết là như vậy làm cho đường dài hơn, và cũng tránh được ma đuổi, vì ma chỉ chạy được đường thẳng !

 

Trên đây là những điểm tưong đồng của các chùa và hoa viên. Nhưng các dị biệt của mỗi nơi cũng không ít. Còn về các cung điện , di tích lịch sử, nhất là các phong cảnh , thì mỗi nơi mỗi khác. Vẻ đẹp của Tây Hồ, Hàng Châu, khác với vẻ đẹp của Lý Giang, Quế Lâm.


Thức ăn thì đâu cũng ngon miệng, nhưng món ăn Thượng Hải hơi ngọt, Hàng Châu hơi cay và béo nước sốt, Bắc Kinh mỡ màng và hay dùng bánh bao thay cơm. Cơm Quảng Đông có lẽ hợp khẩu vị người Việt Nam hơn cả.


Riêng các di tích lịch sử, ngoại trừ một số mới khám phá gần đây, ít có nơi nào còn là những công trình nguyên thủy. Đa số đã được trùng tu lại. Các di tích này thật ra không nhiều đối với một lịch sử dài 4000 năm. Âu Châu tương đối còn giữ nguyên vẹn được nhiều nhà thờ và thành quách cổ xưa hơn. Tại Trung Hoa, nhiều di tích đã bị phá hủy, không những bởi thời gian, mà còn là do chính con người trong các cuộc nội chiến dài cả trăm năm. Các triều đại sau thường tìm cách hủy diệt những công trình do triều đại trước để lại. May mắn nhà Nguyên và nhà Thanh, khi đến xâm lăng từ miền Bắc, đã được văn hóa Hán chinh phục, nên không những giữ lại, mà còn trùng tu các di tích của hai triều đại Tống Minh. Gần đây hơn, các vụ loạn Thái Bình, Nhật Bản xâm lăng, Nghĩa Hòa Đoàn khởi nghĩa, Cách Mạng Văn Hóa của Vệ Binh Đỏ ….đã gây nhiều thiệt hại lớn cho di sản văn hóa Trung Hoa. Nhưng những gì còn lại, nhất là những di tích mà các nhà khảo cổ mới tìm thấy và còn tiếp tục khám phá, thì thật là độc nhất vô nhị ! 


 

Sau đây xin ghi tiếp lần lượt các chi tiết riêng biệt của mỗi thị trấn.


 

Thượng Hải


 

Thượng Hải là một thành phố đông đúc nhất của Trung Hoa, với dân số 13 triệu. Về phương diện lịch sử thì Thượng Hải chỉ là một thành phố mới phát triển giữa thế kỷ thứ 19, khi Trung Hoa bắt đầu tiếp xúc với phương Tây. Với vị trí ở ngay sông Dương Tử, từ một làng đánh cá nhỏ thời nhà Nguyên, Thượng Hải đã trở thành cửa ngõ để các nước tư bản Tây phương xâm chiếm thị trường Trung Hoa. Các nước Anh, Pháp, Nhật đã xâu xé chia thành phố này thành những tô giới , biến Thượng Hải thành một trung tâm thương mại kỹ nghệ quan trọng bậc nhất trong nước. Nhưng đồng thời nơi này cũng trở thành một trung tâm tội ác lớn nhất, đầy bất công xã hội. Do đó Thượng Hải đã là một lò cách mạng, kể cả sau này dưới chế độ cộng sản. Đây không những là nơi khai sinh của đảng cộng sản, mà cũng là nơi tranh chấp quốc cộng, nơi cách mạng văn hóa bùng nổ, và gần đây, kinh tế tư bản đang tái phát triển mạnh mẽ.


Theo đúng chương trình, chúng tôi trước hết lên xe đi một vòng khu phố cổ, thăm một số di tích lịch sử. Sau đó viếng một ngôi chùa và một công viên.


Di tích lịch sử ở đây tương đối mới mẻ so với tiêu chuẩn Trung Hoa, nhưng không phải là không đáng kể. Đó là di tích của thời tô giới. Trong đó đáng chú ý nhất là khu THE BUND (Giang Biên), đường huyết mạch của Thượng Hải xa xưa, với các dẫy cao ốc làm trụ sở cho các ngân hàng, công ty thương mại Tây phương, với các khách sạn sang trọng xây theo kiến trúc đầu thế kỷ. Khu này bị sao nhãng khi cộng sản nắm quyền, nay đang chuyển mình cùng với toàn bộ nền kinh tế Trung Hoa. Nhìn khu này không khỏi nhớ đến khu Chợ Cũ, bến Chương Dương của Saigon xưa. Tại tô giới Pháp cũ, hãy còn thấy những nơi trú ngụ ngày xưa của Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai.


Viếng chùa và hoa viên cũng khá hấp dẫn, tuy không bằng những chùa và hoa viên thăm viếng sau này. Tuy vậy, những tiếp xúc đầu tiên với các kiến trúc khác lạ cũng mang lại ít ngạc nhiên thích thú. Chẳng hạn Ngọc Phật Tự là một ngôi chùa mới được sửa lại sau này, nổi tiếng về hai tượng Phật lớn bằng ngọc nguyên tảng. Hai tượng ngọc này do nhà sư Huệ Căn mang từ Miến Điện về khoảng cuối thế kỷ 19. Một tượng Phật ngồi, cao hai thước. Một tượng Phật nằm, hình dung Phật trước khi nhập Niết Bàn. Xung quanh xếp cả ngàn bộ kinh từ trên 200 năm.


Còn hoa viên chúng tôi thăm sau đó có tên là Ngự Viên, cũng mới được trùng tu. Vườn này được khởi tạo từ thế kỷ thứ 16, theo kiến trúc đời Minh và đời Thanh, với đầy đủ đặc điểm của các hoa viên Trung Hoa : ao sen, cầu chữ chi, núi đá, các nhà ngồi chơi.


Trước khi rời Thượng Hải, chúng tôi còn đi thăm Cung Nhi Đồng, nơi huấn luyện các trẻ nhỏ về nghệ thuật trình diễn như vũ, nhạc, ca kịch,v.v. Sau đó coi một màn nhào lộn , một loại trình diễn phổ biến ở Trung Hoa, quê hương của mãi võ và quyền thuật.


Nhưng hình ảnh đập vào mắt tôi nhiều là đám người đông như kiến, ào ào đạp xe trên đường phố, làm hoa cả mắt. Sau 15 năm xa Saigon, mới thấy lại cảnh này ! Có điều là đám người này quần áo tương đối lành lặn, có kiểu cọ và mầu sắc, chứ không cùng một mầu xanh xám như trước đây vẫn thấy tại các nước cộng sản. 


 

Tô Châu (Su Zhou)

 


Tô Châu là thành phố thứ nhì của cuộc thăm viếng. Chúng tôi rời Thượng Hải đi Tô Châu bằng xe lửa. Trung Hoa thiếu phương tiện chuyển vận cho dân chúng. Khi ra ga, nhìn nhân gian chen chúc mà thấy ngại ngùng ! May có những toa dành riêng cho du khách (hay những người có tiền?) , nên chúng tôi có chỗ ngồi đàng hoàng. Ngồi trên tầu nhìn cảnh đồng quê với những ruộng dâu (báo hiệu nghề dệt lụa của vùng này), khoảng gần hai tiếng thì tới Tô Châu.


Có lẽ tên cũ của Tô Châu là Cô Tô gợi cho ta nhiều ký ức hơn. Đây là một thành phố rất cổ, xây từ đời vua Ngô thời Chiến Quốc, tức là đã trên 2500 năm. Các di tích từ thơì xa xưa đó đã bị phá hủy gần hết. Tô Châu chỉ bắt đầu phát triển từ đời Tống, và hãy còn giữ được nhiều hoa viên từ thời Tống Minh, lớn nhỏ tất cả trên 100 cái, rải rác trong các phố nhỏ hẹp, hai bên vệ đường trồng hai hàng cây phong, rất ngoạn mục. Từ khách sạn Nam Lâm (nơi Chu Ân Lai gặp Kissinger mở màn cho bang giao Trung Mỹ) là nơi chúng tôi trú ngụ, chúng tôi có thể đi bộ thăm hai hoa viên có tiếng của Tô Châu. Trong 4 hoa viên nổi tiếng của Trung Hoa thì một ở Thành Đô, một ở Bắc Kinh (Nghạch Hòa Viên) , 2 ở Tô Châu. Đó là Chuyết Chính Viên rất rộng lớn, có từ đầu thế kỷ 16, và Lưu Viên (gọi như vậy vì đã được lưu lại từ thời nhà Minh sau bao nhiêu năm li loạn). Cái đặc sắc của Lưu Viên là quan niệm thu gọn vũ trụ vào một mảnh đất để cùng bạn bè thưởng ngoạn…nào hồ sen bát ngát, sông núi, cầu, nhà, cỏ cây hoa lá, hàng trăm cây bồn thụ, với nhiều danh lam thắng cảnh được thu nhỏ…


Trong cuộc thăm viếng này, có hai nơi du ngoạn tôi ghi nhớ nhất : đó là Hàn Sơn Tự và buổi trình diễn văn nghệ ở một hoa viên.


Hàn Sơn Tự không có trong chương trình, nên tôi và ông bạn thuê xe đi riêng để thăm chùa này. Khi về, mấy người Mỹ hỏi thăm cái núi ra sao, vì họ chỉ thấy trong sách kể tới cái gọi là Cold Mountain temple thôi. Thực ra, không có núi non gì cả, vì Hàn Sơn là tên một vị sư kiêm thi sĩ trụ trì tại ngôi chùa này. Xây từ thế kỷ thứ 7, sau cũng được tu sửa lại. Khi đứng trên cầu Phong Kiều nhìn xuống, tuy chẳng còn cây phong nào bên cầu, mà chỉ có hai hàng phong bên con đường nhỏ dẫn tới cầu, thấy Hàn Sơn Tự với những bức tường vàng mầu áo cà sa nổi trên nền cây xanh, thật là đẹp.

 

Chùa này nổi tiếng về bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, đã được khắc trên bia để trước cửa chùa. Chuyện rằng : Trương Kế trong đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng quạ kêu, nhìn trăng lặn, sương tỏa đầy trời, hàng phong bên sông, trên thuyền ngư phủ đốt củi cho giấc ngủ buồn, xúc cảm làm mấy câu thơ :


 Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

 Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.


Chưa kịp làm tiếp hai câu sau thì bỗng có tiếng chuông vang lên từ Hàn Sơn tự. Lúc bấy giờ là nửa đêm. Hóa ra hai thầy trò nhà sư Hàn Sơn lúc đó cũng làm thơ. Xong bốn câu tứ tuyệt, họ vui mừng đánh chuông cảm tạ Phật, vô tình giúp Trương Kế làm được hai câu tiếp :


 Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

 Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.


Tản Đà dịch như sau :


 Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

 Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

 Thuyền ai đậu bến Cô Tô

 Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.


Nguyệt lạc ô đề ….mà tiếc thay chúng tôi thăm chùa vào ban ngày ! trong khi thiên hạ đến lễ ào ào, khói hương ngào ngạt, thì cũng hơi khôi hài ! Đành vận dụng trí tưởng tượng để tìm cảm hứng thời điểm vậy…

 

Trước khi từ giã Tô Châu, chúng tôi được xem một tối văn nghệ đặc biệt, vì không trình diễn trong một rạp hát, mà tại một hoa viên. Mỗi nhà trong hoa viên trình diễn một hoạt cảnh ngắn, khi thì là một màn hát cổ, khi là một bản kịch vui, hoặc hòa tấu đàn giây và sáo, hoặc độc tấu tỳ bà …


 

Vô Tích (Wu Xi)

 


Chúng tôi từ Tô Châu đi Vô Tích bằng đường thủy, trên kinh Hoàng Đế, con song đào dài nhất thê` giới , nối liền Hàng Châu với Bắc Kinh. Đây là một công trình. Tuy không nổi danh như Vạn Lý trường thành, nhưng chẳng kém phần vĩ đại. Biết bao nhiêu mồ hôi xương máu của nhân dân đã đổ ra để đào nên 1000 dậm sông này, hoàn toàn bằng lao động chân tay, xẻng cuốc thô sơ. Khởi sự từ thời Chiến Quốc để nối Cô Tô với sông Dương Tử , tới thế kỷ thứ 7, tương truyền Dương Đế nhà Tùy đã bắt đào thêm tới Dương Châu để ngài tới ngắm hoa quỳnh nở ! Thực ra, kinh Hoàng Đế đã nối liền 4 con song lớn của Trung Hoa rồi, Dương Đế chỉ cho tiếp tục đào từ Lạc Dương tới Bắc Kinh, mục đích để vận chuyển binh lính và tiếp tế trong cuộc Bắc phạt đánh Triều Tiên. Hiện nay con sông này vẫn có một vai trò quan trọng trong việc giao thông của lục địa Trung Hoa. 


Chúng tôi mất ba giờ đi trên kinh đào. Ngắm nhìn hai bên bờ thật thích thú. Nhiều lạch nhỏ từ Tô Châu đổ ra sông (Tô Châu còn được ví với Venise). Các bến thuyền, ruộng dâu san sát với sinh hoạt hàng ngày của dân quê trong các làng quận bên sông. Chỉ tiếc là tìm mãi mà không thấy cô gái giặt lụa nào trên bến để tưởng tượng được Tây Thi. Ta đừng quên Vô Tích là quê của Tây Thi. Phạm Lãi gặp Tây Thi khi người đẹp này đang giặt lụa bên sông . Bức tranh Tây Thi tung sa là tranh cổ điển rất phổ thong tại vùng này. Vô Tích xưa cũng là nơi đô hội. Thúy Kiều khi nỉ non tâm sự với Từ hải, đã kể nỗi gian truân của mình :


 Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,

 Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương !


Ngày nay, nơi này vẫn là một thắng cảnh thu hút nhiều du khách, nhất là có Thái Hồ ngay cạnh là một hồ lớn thứ 3 của Trung Hoa. Ngoài ra, còn có hai ngọn núi là Tích Sơn và Huệ Sơn, ở giữa có một hoa viên gọi là Tích Huệ Viên. Tích Sơn là núi thiếc, thành ra trước đây thị trấn có tên là Hữu Tích, vì có nhiều thiếc. Sau này thiếc hết, nên đổi thành Vô Tích. Còn Huệ Sơn nổi tiếng về một giòng suối chảy từ trên núi xuống, gọi là Thiên hạ Đệ Nhị tuyền. Dưới chân núi này là một ngôi chùa rất lâu đời, có rất nhiều cây cổ thụ. Đất của núi này là một loại đất sét đặc biệt, nên ở đây có xưởng Huệ Sơn chuyên làm đồ gốm. Đa số các bình trà Trung Hoa và một số tượng nặn hình Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quí phi, Chiêu Quân…là làm bằng đất ở miền này. Ngọn Tích Sơn còn được lời phê của vua Càn Long là Giang Nam đệ nhất sơn. Bút tìch còn trên bức hoành phi ngoài cổng chùa.


Hôm sau chúng tôi du ngoạn Thái hồ. Hồ này thuộc tỉng Giang Tô, nhưng nằm sát phía Chiết Giang mà thủ đô là Hàng Châu. Chúng tôi đi thuyền từ Vô Tích, hướng về phía Hàng Châu. Hồ rộng mênh mông, có tới 50 hòn đảo. Một phía hồ dựa vào đồi núi cây cối xanh rì , trông rất ngoạn mục, thật là chân mây mặt nước một mầu xanh xanh…Trên hồ có nhiều thuyền đánh cá và chúng tôi được thưởng thức cá chép Thái Hồ ngay trên thuyền.


Tới chiều tối, chúng tôi cập bến thuộc Chiết Giang, rồi lên xe buýt đi Hàng Châu, nơi được bao nhiêu thi sĩ ca tụng, cả cảnh lẫn người.


 

Hàng Châu (Hang Zhou)


 

Phần nhiều ai cũng biết câu này của một thi sĩ đời Nguyên, nhắc đi nhắc lại hoài nên thành sáo ngữ : trên trời có thiên đàng, dưới đất có Tô Châu và Hàng Châu ! Hai thị trấn này, cũng như Vô Tích, có từ thời Chiến Quốc, và được nhiều thi sĩ ca tụng ngay từ đời Đường, trong đó có Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha. Hai nhà thơ này, khi bị biếm làm thứ sử Hàng Châu, đã lo mở mang xây dựng đất này trước đó bị coi như là đất trích . Và Hàng Châu chỉ thực sự trở nên thị tứ phồn thịnh khi nhà Nam Tống bị quân Kim đánh bại, phải rời kinh đô về đó.


Về sản phẩm thì Hàng Châu có trà Long Tỉnh và tơ lụa. Đền đài thì có Linh Ẩn tự, đền thờ Nhạc Phi. Thắng cảnh có Tây Hồ. Đó là chỉ kể những nơi trong chương trình thăm viếng, còn nhiều nơi khác không đủ thời giờ tới thăm. Có vài nơi chỉ thấy từ xa như Lục Hòa tháp có 7 từng ở bờ sông Tiền Đường, hay cầu Trường Kiều (trường nhưng rất ngắn !) là nơi nam thanh nữ tú hẹn hò và cũng là nơi Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài gặp nhau 26 lần trưóc khi từ biệt nhau.


Sau đây là một vài nhận xét về Linh Ẩn tự, mộ Nhạc Phi và Tây Hồ.


Linh Ẩn tự là một trong những ngôi chùa lớn nhất và cổ nhất của Trung Hoa, do một nhà sư Ấn ộ lập nên từ thế kỷ thứ 4, sau này cũng bị tàn phá và được trùng tu lại. Ngay trước chùa là một tượng Phật Cười (Di Lặc ?) rất lớn, bụng phệ, bằng gỗ trầm hương (tượng này đã thành một thứ đồ trưng bầy và thương mại hóa). Vào đời nhà Thanh, chùa được xây lại, nổi tiếng với pho tượng Thích Ca bằng gỗ trầm cao 20 thước, và nhiều tượng Phật khác. Gần chùa là một ngọn núi tên là Phi Lai Phong, có nhiều tượng lớn nhỏ tạc ngay vào đá, trong có nhiều hang động. Trong cuộc cách mạng văn hóa, những di tích này, cũng như đền thờ Nhạc Phi, đã bị đe dọa hủy diệt, nếu không có sự can thiệp của Chu Ân Lai. Nhạc Phi là một danh tướng nhà Tống, bị gian thần Tần Cối hãm hại, tới cuối đời Tống mới được phục hồi danh dự. Nhạc Phi, tại Trung Hoa, được tiêu biểu cho long ái quốc và sự trung liệt. Khi tôi còn nhỏ ở Việt Nam, chuyện Nhạc Phi thường được kể làm thí dụ cho sự nhớ ơn thầy :


 Thờ thầy có Nhạc Phi

 Làm nên danh tướng quản chi lẽ thường

 Ngày rằm, mồng một, nén hương…


Trong đền thờ Nhạc Phi có tượng của ngài mới được trùng tu. Sau đền là mộ của hai cha con ngài (cùng bị xử trảm một lúc), quì trước mộ là tượng vợ chồng Tần Cối. Ngoài sân có tấm bia với bốn chữ Tận Trung Báo Quốc là chữ mẹ ông đã xâm vào mình ông lúc nhỏ.


Nói đến Hàng Châu là nói tới Tây Hồ. Trong 30 hồ có tên là Tây hồ của Trung Hoa, Tây hồ của Hàng Châu nổi tiếng nhất. Và quả là danh bất hư truyền. Thi sĩ Tô Đông Pha ca tụng hồ này đẹp như Tây Thi. Hồ này được chia làm 3 phần bởi 2 con đê dài. Đê thứ nhất do Tô Đông Pha đắp, gọi là Tô đê hay Lục Kiều đê vì có 6 cái cầu. Đê thứ hai do Bạch Cư Dị đắp, gọi là Bạch đê. Xung quanh hồ, ngoài núi non cây cối và hoa mỗi mùa nở một loại, còn có chùa chiền , hoa viên, cung điện xây cất phần lớn vào đời nhà Thanh. Hai vua Khang Hi và Càn Long ngày xưa rất mến cảnh Hàng Châu, Tây Hồ, nên hay xuống thăm và mở mang vùng này. Hồ còn có ba hòn đảo. Đáng chú ý là đảo Cô Sơn và đảo Tam Đàn Ấn Nguyệt. Đảo nào cũng có dinh thự, có cầu chữ chi và hoa viên. Trên đảo Tam Đàn Ấn Nguyệt còn có 4 hồ nhỏ, và ba miếu đá xây theo hình tam giác. Khi trăng tròn thì bóng trăng in trên hồ vào ngay giữa hình tam giác, nên mới có cái tên Tam Đàn Ấn Nguyệt. Cảnh mặt trời mọc trên hồ cũng tuyệt đẹp, chỉ tiếc không có dịp ngắm ! Nhưng chỉ cần đứng trên cầu mà ngắm hoa nở, những hàng liễu chi chit, lá sen ngập hồ, cũng đủ thấy cái ngoạn mục được ca tụng bởi các thi sĩ.


Chúng tôi ở Hàng Châu vào đúng rằm tháng tám, nhưng chẳng may hôm đó trời xấu đầy mây, nên không ra hồ ngắm trăng được. Tuy vậy cũng được an ủi là được ăn bánh Trung Thu tại dinh thự cũ của Lâm Bưu. Nghe nói Trung Hoa hay mở hội hoa đăng vào dịp này, nhưng tại Hàng Châu thì không lấy gì làm nhộn nhìp. Còn bánh nướng bánh dẻo thì thua xa Việt Nam !


 

Bắc Kinh


 

Chúng tôi rời miền Nam bằng máy bay, khoảng 3 tiếng thì tới phi trường Bắc Kinh. Đường từ phi trường về khách sạn khang trang rộng rãi. Hỏi ra mới biết Trung Hoa đã mất nhiều công tu sửa đường xá, hy vọng được chọn làm nơi tổ chức Thế vận Hội (nhưng bị thua Úc)


 Hàng Châu không còn là thủ đô sau khi nhà Tống tan rã và nhà Nguyên từ Mông Cổ phía Bắc tới thống trị Trung Hoa. Thủ đô được chuyển lên miền Bắc và gọi là Đại Đô cách đây 800 năm. Sau khi đánh bại được nhà Nguyên, nhà Minh rời thủ đô qua Nam Kinh, rồi đến đời vua Minh thứ ba mới trở lại Bắc Kinh. Và từ đó cho đến nay, Bắc Kinh là thủ đô của Trung Hoa, trừ một thời gian ngắn Tưởng Giới Thạch trở lại Nam Kinh. Chương trình viếng thăm của chúng tôi vẫn theo lịch trình : thành quách, cung điện, hoa viên, lăng tẩm thay cho chùa chiền và trình diễn văn nghệ sau khi thưởng thức món vịt Bắc Kinh, nhưng nội dung hoàn toàn khác biệt : thành quách thì có Vạn Lý trường thành, cung điện thì có Tử Cấm thành và Thiên Đàn, hoa viên là Ngạch Hòa Viên vừa là cung điện vừa là vườn hoa. Thêm vào đó là các lăng tẩm vua Minh.

 

 

Tử Cấm thành (Zi Jin Cheng)

 


Tử là đỏ tía. Các cung điện đều một mầu đỏ. Cấm thành là cung cấm dành riêng cho vua. 24 đời vua đã sống cuộc đời vương giả ở đây. Thành có tường cao vây kín và còn có tên là Cổ cung vì giữ nhiều chứng tích của thời vàng son cũ, mặc dầu một số đã bị tước đoạt vì giặc giã, khi bị quân Nhật chiếm đóng, hay khi Tưởng Giới Thạch chạy qua Đài Loan.


Tại đây ta có thể chiêm ngưỡng một số đồ vật quí giá còn xót lại, các dinh thự dành cho cả ngàn cung tần mỹ nử, 6000 đầu bếp, các kho tích trữ vật dụng. ..Các dinh thự này được xây dọc hai bên cung điện là khu dành riêng cho nhà vua. Khu của vua gồm chỗ thiết triều, chỗ làm việc, tư thất, vườn du ngoạn…rất huy hoàng rực rỡ, chỉ tiếc không thong thả thưởng ngoạn hết được, tuy ở đó cả ngày mà vẫn phải hối hả.


Nếu ta ở phía Bắc vào thì qua cổng chính là Thiên An Môn, rất đồ sộ, với hai mái cong chạm trổ. Phía ngoài là quảng trường Thiên An Môn, nơi mà gần đây cả thế giới đều biết tiếng . Quảng trường này rộng nhất thế giới, chứa được cả trăm ngàn người. Ở đây, dân Trung Hoa đã tụ tập nghe Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chính thể Cộng sản năm 1949. Và năm 1989, nơi này đã chứng kiến cảnh tàn sát dã man và đẫm máu các thanh niên nổi dậy đòi dân chủ. Ở cuối quảng trường, đối diện với cổng Thiên An Môn, là đài kỷ niệm các anh hùng nhân dân và mộ Mao Trạch Đông. Hai bên quảng trường, tay mặt là Viện Bảo Tàng lịch sử Trung Hoa, tay trái là Tòa Đại Sảnh nhân dân thường dùng làm nơi họp quốc hội, đại hội đảng.


Vào Cấm thành, khi qua Thiên An Môn, sẽ tới một cổng nữa là Ngọ Môn. Qua Ngọ Môn, là một sân rộng, đằng sau có một lạch nước gọi là Kim Thủy Khê, trên đó có 5 cái cầu chạm trổ hình con phượng (Ngũ Phượng kiều).Vượt qua các cầu này thì tới một bệ cao, rộng lớn , 3 từng, trên đó có Thái Hòa điện dành cho các đại lễ, Trung Hòa điện , Bảo Hòa điện là những nơi thiết triều, tiếp khách, làm việc. Tất cả đều mầu đỏ, cao rộng, có mái cong chạm trổ rất công phu. Sau phần công thự này là tư dinh của vua gồm Thiên Thanh cung, Giao Thái điện và Côn Minh cung. Côn Minh cung được xây sau cùng, dành làm chỗ cưới xin cho hoàng tộc (Phổ Nghi làm đám cưới ở đây).


Trước khi ra khỏi thành bằng cửa Nam, phải đi qua vườn Ngự Uyển , tuy nhỏ nhưng cũng đủ hoa lá, sông núi, ao hồ, cầu vòng, nhà nghỉ chân.

 

 

 

Thiên Đàn (Tian Tan)

 


 Thiên Đàn đại khái như đàn Nam Giao của ta tại Huế, nhưng rộng lớn gấp đôi. Đó là nơi vua tới cúng tế trời đất, cầu quốc thái dân an, và nhất là cho ruộng đất được mùa. Thiên đàn gồm một số đền đài xây từ thế kỷ thứ 15, sau này bị hư hại và được trùng tu vào thế kỷ thứ 18, dưới thời Càn Long.


 Phía Nam và Bắc có hai cổng lớn chẳng kém gì Thiên An môn. Chính giữa là các công trìng xây cất dành cho việc cúng tế, gồm 3 phần :


  1. phía Nam là một đàn hình tròn, xung quanh có bao lơn bằng đá chạm trổ rồng phượng. Đây là chỗ vua đứng tế. Tiếp theo là đền thờ các thánh, làm bằng gỗ, tường mầu đỏ , mái xanh hình nón.

 2. phía Bắc là niệm đường, cũng có tường xây vòng tròn, đường kính khoảng 30 thước, chiều cao 40 thước. Đền này làm toàn bằng gỗ, và tuy đồ sộ như vậy nhưng cũng chỉ dùng mộng ghép lại, không dùng một cái đinh nào. Vì vậy mà ngôi đền này được coi là một thành công tuyệt diệu về kiến trúc.


 3. Đứng ngoài trông vào thì là một ngôi đền ba mái, sắc đỏ sen với sắc xanh và lục. Vào trong thì thấy 24 cái cột bằng than cây lớn, đứng thành 2 vòng tròn. Vòng trong 12 cột tượng trưng cho 12 tháng. Vòng ngoài 12 cột tượng trưng cho 12 giờ (âm lịch chỉ có 12 giờ). Trong cùng, ở giữa là 4 cột tượng trưng cho 4 mùa.

 Dọc theo hai bên các đền này là các dinh thự dung cho trai giới, hay cho tùy tùng nhà vua. Chung quanh là vườn với những hàng liễu chạy dài rất đẹp, nhưng vẫn không làm giảm vẻ tôn nghiêm của Thiên Đàn.

 


Ngạch Hòa Viên

 


Đây là một hoa viên có tiếng của Trung Hoa, mà cũng là một cung điện, nên người Tây phương cho nó cái tên là Summer Palace. Khởi đầu từ thế kỷ thứ 12, cung điện này được tiếp tục hoàn tất dưới thời Càn Long, sau đó bị tàn phá, và được Từ Hi thái hậu trùng tu. Từ Hi thái hậu đã đặc biệt bỏ nhiều công của cho việc xây dựng lại Ngạch Hòa Viên sau các vụ đốt phá gây ra bởi Bát Quốc Liên quân trong cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa đoàn mà Tây phương gọi là Boxers. Ngoài các dinh cơ, vườn cầu, đặc biệt Ngạch Hòa Viên còn có hồ Côn Minh chiếm đến nửa diện tích của nơi này. Có thể du ngoạn trên hồ bằng thuyền ngắm cảnh xung quanh… nào đền chùa núi non, dinh thự, cây cỏ trên bờ, lá sen dưới nước, thật là ngoạn mục, chỉ tiếc là hết hạ vào thu nên thiếu hoa sen nở ! Vắt qua hồ là một cầu 17 nhịp, bên bờ có môt con tầu 2 tàng bằng đá. Quanh hồ là một hành lang dài 700 thước, có mái che, hai bên vách trang trí bằng các sự tích lịch sử Trung Hoa và phong cảnh Hàng Châu được các vua nhà Thanh ưa thích.


 

Vạn Lý trường thành


 

Vạn Lý trường thành chạy qua nhiều tỉnh, nhưng khúc gần Bắc Kinh là thuận tiện nhất cho việc đi thăm, tuy đi buýt cũng phải mất 2 giờ.

Nhắc tới Vạn Lý trường thành là nhắc tới Tần Thủy Hoàng, ông vua đã làm đổ bao nhiêu máu, mồ hôi nước mắt của đám dân đi phu, để xây đắp nên cái thành trì vĩ đại này.


Nhiều sách và phim ảnh cũng kể lại công trình này, nên tôi cũng không cần dài giòng thêm. Chỉ cần biết qua là từ đời Xuân Thu Chiến Quốc, nhiều tiểu quốc ở phía Bắc đã phải đắp thành bằng đất để tự vệ, ngăn rợ Hung Nô từ phía Bắc tràn qua. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất được Trung Hoa, cách đây 2000 năm, ngài đã cho nối liền các bức thành này , xây lại bằng đá, cũng cùng mục đích chống sự xâm lược từ phương Bắc. Tới đời nhà Minh, Trường thành được tu sửa lại, tức là 1500 năm sau. Nhưng tới đời nhà Thanh, vào thế kỷ thứ 16, thì phương Bắc không còn là mối đe dọa nữa, nên triều đình bỏ mặc không tu bổ. Hiện nay, Vạn Lý trường thành chỉ còn là nơi hấp dẫn du khách từ khắp thế giới mà thôi.


Khi chưa tới nơi, tôi cứ nghĩ là tuổi già như tôi thì khó mà leo được lên cái thành cao và dài như vậy. May sao lại có cable car chở lên khá cao, và tôi chỉ còn khoảng 2,3 trăm thước phải leo thôi, để đến được chỗ phát chứng chỉ có ghi câu : Bất đáo Trường thành phi hảo hán


Leo theo con đường dốc bằng đá (đủ rộng để xe tứ mã nhà vua chạy được), giữa hai bờ thành dầy cũng bằng đá, dựa vào bờ thành nhìn từ trên cao và chung quanh, thấy gió thổi lồng lộng, núi non hiểm trở, bức thành ngoằn ngoèo như con rắn bò đi xa tít tận chân trời, mới thấy cái đẹp hùng vĩ của nó. Các phi hành gia Mỹ khi lên tới cung trăng, ngó xuống đất bằng mắt thường không kính, cũng chỉ trông thấy độc nhất có Vạn Lý trường thành !


 

Lăng tẩm nhà Minh

 


Trên đường trở về Bắc Kinh, chúng tôi ghé một nơi gọi là Thập Tam Lăng, tức là nơi có 13 lăng tẩm của vua nhà Minh. Khi làm nhà và xây mồ mả, người Trung Hoa hay chú trọng tới địa lý, nhất là các vua chúa, khi chết đi còn muốn mang theo tất cả mọi thứ trên trần thế. Nhà Minh đã chọn được một khu địa thế rất đẹp : một thung lũng xanh tốt rất hùng vĩ, trong đó rải rác 13 cái lăng được xây dựng đẹp chẳng kém cung điện nhà vua. Có lăng lớn bằng điện Thái Hòa, cũng sơn đỏ với mái cong chạm trổ tinh vi. Ngoạn mục nhất là con đường vào lăng. Bắt đầu là đi qua hai hàng liễu rất thơ mộng, sau đó là hai hàng súc vật bằng đá đủ loại : voi, lạc đà, kỳ lân…ngồi chầu; tiếp đó là hai hàng văn võ bá quan tạc thành tượng cũng bằng đá. Sau cùng tới một căn nhà thờ gọi là Bi Đình trong đó có một cái bia cao 10 thước đặt trên lưng một con rùa lớn. Hai mặt bia đều có khắc chữ, một mặt là bút tích của vua Minh đời thứ ba, một mặt là bút tích của vua Càn Long.


Đêm thứ ba, trước khi rời Bắc Kinh, chúng tôi có dự một buổi trình diễn một màn mà Tây phương gọi là Peking Opera, tại một khách sạn lớn. Tuồng diễn loại mới, có phụ đề tiếng Anh cho du khách. 


 

Tây An/Tràng An (Xi An/Chang An)

 


Chúng tôi đáp máy bay xuống miền Tây Nam để thăm Tây An, tên cũ là Tràng An .


Tràng An gần đây đã trở thành một nơi hấp dẫn du khách sau khi các nhà khảo cổ khám phá được mộ Tần Thủy Hoàng, và cách đây vài năm, tìm thấy làng Bán Pha (Ban Po village) có từ thời đại thạch khí (neolithic) cách đây 6000 năm.


Thực ra, dù không có các khám phá này, Tây An cũng vẫn là một nơi đáng thăm viếng, vì đây là cái nôi của văn minh Trung Hoa. Lập từ nhà Chu, được nhà Hán chọn làm kinh đô sau khi Lưu Bang đánh bại tần Thủy Hoàng và đốt sạch kinh đô Hàm Dương với cung A Phòng cách đó không xa. Cho tới cuối đời nhà Đường thì Tràng An trải qua 11 đời vua. Sau này, nhà Minh tuy rời đô lên Bắc Kinh, nhưng vẫn trùng tu Tràng An, coi đó là một địa đầu phòng thủ. Hiện nay Tràng An là thủ đô của tỉnh Thiểm Tây.


Chúng tôi lần lượt đi thăm viếng :


  1. làng Bán Pha
  2. mộ Tần Thủy Hoàng
  3. Hoa Thanh Cung
  4. Đại Nhạn tháp
  5. Tây môn của cổ thành
  6. Bác vật quán tỉnh Thiểm Tây

 


Làng Bán Pha tình cờ được khám phá bởi một nông dân đang làm việc ngoài đồng. Đây là một làng từ thời đại thạch khí, cách đây 6000 năm. Thật là một khám phá quí báu cho các nhà khảo cổ. Nhiều người trong đám du khách đã say mê ngắm các di tích của thời đó, các đồ dùng thường ngày, các căn nhà cổ xưa,v.v..Một bạn đồng hành của tôi nói là chỉ một ngôi làng này cũng bõ đồng tiền chi cho cả chuyến đi.


 

Mộ Tần Thủy Hoàng


Nếu làng Bán Pha chỉ làm thỏa mãn óc tò mò của một số du khách, thì trái lại đứng trước mộ Tần Thủy Hoàng, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Thật ra, đây là một cái hầm sâu rộng, đào gần chỗ mà người ta đoán là nơi chôn Tần Thủy Hoàng. Dưới hầm là cả một đạo binh hàng ngàn người bằng sành, hàng ngũ chỉnh tề. Trước đây tôi có coi một triển lãm ở Canada, do chính phủ Trung Hoa tổ chức, nên có dịp chiêm ngưỡng một vài người lính bằng sành này. Nhưng bây giờ thấy cả một đạo binh cổ từ 2000 năm trước xuất hiện với đủ áo giáp và khí giới cầm tay, người nào cũng cao gần 2 thước, đứng ngay ngắn theo hàng ngũ, mỗi người nét mặt một khàc, thì cảm tưởng của tôi không chỉ tò mò thích thú, mà đi từ ngạc nhiên đến sững sờ, gần như nghẹt thở ! Bên cạnh hầm, có một viện bảo tàng trưng bầy 2 cỗ xe tứ mã bằng đồng được thu nhỏ bằng nửa xe và ngựa thật của Tần Thuỷ Hoàng vẫn dùng.


Hiện nay khu này hãy còn được tiếp tục khai quật và hứa hẹn nhiều khám phá mơí lạ.


 

Hoa Thanh Cung


Bước vào cung này, ta bước sang một thế giới khác. Đây là cung điện mà Đường Minh Hoàng đã xây cách đây 1000 năm để vui chơi cùng Dương Thái Chân, sau này được phong làm Dương quí phi. Cũng dinh thự, hồ sen từ cả ngàn năm trước, nhưng đặc biệt ở đây có những cây lựu từ mấy trăm năm, và nhà tắm nước nóng xây ngay chân núi Ly Sơn, trên đó có suối Hoa Thanh Trì có nước nóng thiên nhiên chảy xuống. Dương quí phi thường tắm ở đây. Trong nhà tắm có để một cái bồn tắm mới đào được mà người ta bảo là của Dương quí phi.


Bạch Cư Dị trong bài Trường Hận ca, tả mối tình của Đường Minh Hoàng với Dương quí phi, có nhắc tới suối này :


 Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì

 Ôn tuyền thủy hoạt tây ngưng chi


 (Xuân lạnh ao Hoa, thường đưọc tắm

 Nước êm, suối ấm rửa da ngà)


và tới Trường Sinh điện của Hoa Thanh cung, nơi hai bên thề thốt kiếp sau sẽ như chim liền cánh, hoa liền cành.


Trên núi Ly Sơn (ly là ngựa đen, nhìn từ xa núi này giống con ngựa), còn có đền thờ bà Nữ Oa. Cũng trên núi đó , còn một tòa nhà làm tôi ngạc nhiên không ít : đó là nơi Tưởng Giới Thạch bị Trương Ngọc Lương giam giữ, trong vụ giàn xếp quốc cộng trước thế chiến.


 

Đại Nhạn tháp


Tháp này cao 7 từng. Từ trên nhìn xuống, có thể thấy hết Tây An, và gần đấy, mộ của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên.


Điểm đáng ghi là tháp này là di tích quan trọng của Phật Giáo tại Trung Hoa. Được xây từ đầu thế kỷ thứ 7, sau bị nhà Tùy tàn phá, rồi được trùng tu dưới các triều Minh và Thanh. Tháp này là nơi Huyền Trang Tam Tạng , sau khi Tây du qua Thiên Trúc thỉnh kinh trong 7 năm, đã ở lại đây 11 năm để dịch các bộ kinh mang về, giúp Phật giáo truyền bá tại Trung Hoa. 

 


Cổ thành Tràng An


Có lẽ đây là cổ thàng duy nhất còn lại. Các cổ thành Cô Tô, Bắc Kinh bị phá hủy gần hết. Cô Tô còn vài bức tường thành. Bắc Kinh còn vài cửa thành rải rác trong thủ đô. Những cửa thành này rộng lớn chẳng kém Thiên An môn.


Riêng Tây An còn đủ cả 4 cửa thành và các tường thành kiên cố bao quanh, xây từ đời Đường, sau được nhà Minh trùng tu. Chúng tôi đi xe dọc theo tường thành tới cửa Tây thì leo cả trăm bực lên mặt thành để ngắm các cung điện và lầu canh. 



Bác Vật quán



Đây là bảo tàng viện của tỉnh Thiểm Tây trong đó trưng bầy các di tích lịch sử Trung Hoa từ khởi thủy cho tới cuối nhà Đường. Khu này là khu văn miếu cũ (ở Trung Hoa, mỗi tỉnh có 1 văn miếu thờ Khổng Tử, lớn nhất ở Bắc Kinh). Thích thú nhất là được vào thăm khu Bi Lâm (rừng bia đá), trong đó có tới 2000 tấm bia trên đó khắc Tứ thư Ngũ kinh, và các kiểu chữ như những bức hoạ. Chỉ tiếc là vốn chữ Hán ít quá, nên không hiểu hết ! Khu này được ví như một thư viện bằng đá.


Cạnh Bi Lâm cò có tượng Lão Tử và Huyền Trang.


 

Ba ngày ở Tây An, chúng tôi được coi nhiều di tích lịch sử quí báu, còn được xem một màn kịch về Tần Thủy Hoàng. Thật không ngoa khi bảo tất cả Tây An là một bảo tàng lộ thiên !


Đây cũng là chặng chót về lịch sử.


Chặng sau hầu hết dành cho danh lam thắng cảnh.


 

Quế Lâm (Gui Lin)

 


Quế Lâm là thủ phủ của tỉnh Quảng Tây (Guang Xi), phía Nam Trung Hoa, giáp giới với Việt Nam. Trước đây miền này ít được biết tới. Hiện nay thì du khách nào cũng coi là chỗ phải tới.


Chỗ đáng xem là Phục Ba Sơn và sông Lý Giang.


Phục Ba Sơn là ngọn núi gần như ở ngay trong Quế Lâm. Có hai động : Hoàn Châu động và Thiên Phật động (thiên là 1000, nhưng chỉ có khoảng 20 tượng Phật tạc thẳng vào vách động)


Đáng kể là cuộc du ngoạn trên sông Lý Giang. Phải dùng tầu thủy đi mất hơn 4 tiếng. Đứng trên mũi tầu, ngắm cảnh hai bên bờ sông không chán mắt. Khi tầu bắt đầu vào khúc quanh hẹp của sông, với núi hai bên chạy xa tít tận chân trời, tôi sững sờ ngắm bức tranh khổng lồ, đẹp như những bức tranh Tầu vẫn thường thấy. Nước sông xanh biếc, núi đá khi gần khi xa, với đủ hình thù, cái giống tượng Phật, cái giống 9 con ngựa, cái như vòi voi….Đôi khi xen vào những cánh đồng , ruộng xanh rì, với đàn trâu thanh bình ăn cỏ (lâu lắm mới thầy lại trâu !). Trên sông lâu lâu lại thấy dân chài đánh cá…


Sông Lý Giang quả không hổ là một trong những đệ nhất danh thắng của Trung Hoa.


Hàn Dũ, một thi sĩ đời Đường, đã ví sông này như giải lụa xanh, núi hai bên như những cái trâm bằng ngọc thạch.


Sau Quế Lâm, chúng tôi bay đi Quảng Châu.


 

Quảng Châu (Guang Zhou)

 


Quảng Châu được biết nhiều dưới cái tên Canton. Đây là chặng chót của cuộc du ngoạn. Mọi người bắt đầu thấm mệt ! Quảng Châu chỉ quan trọng về phần lịch sử cận đại. Các thăm viếng giới hạn vào vài nơi như viện bảo tàng Tôn trung Sơn, cha đẻ của cách mạng Trung Hoa, và một bảo tàng thuộc gia đình họ Trần, không thích thú bằng đi dạo chơi thành phố trên bờ sông Châu Giang hay các khu phố cổ và khu tô giới kiểu Thượng Hải như đảo Sa Diện. Đảo này trước được nhuợng cho Anh, Pháp để bồi thường thiệt hại do chiến tranh nha phiến. Sau đó , trong thời kỳ tô giới, chỉ dành cho các cơ sở kinh doanh ngoại quốc.


Quảng Châu gần đây đã phát triển mau chóng theo kiểu kinh tế thị trường, và có đặc tính địa phương rõ rệt. Cô hướng dẫn viên cho biết nhiều khi cô không hiểu người ta nói gì, phải qua hướng dẫn viên nói tiếng Quảng đông. Nhưng có một đặc điểm địa phương tôi thích là cơm Quảng Đông rất hợp khẩu vị Việt Nam.


 

Hồng Kông

 


Đây là đoạn cuối hành trình.


Cô hướng dẫn viên tiễn chúng tôi ra ga Quảng Châu đi Hồng Kông. Chúng tôi mất khoảng 3 giờ trên xe lửa. Dọc đường mải ngắm mấy khu dân cư mới, tơí nơi lúc nào không hay ! Nhân viên Pacific Delight đã chờ sẵn, lo mọi giấy tờ thủ tục và đưa về khách sạn. Chúng tôi có 3 ngày tự do ở Hồng Kông.


Ngày đầu cũng có tổ chức du ngoạn, nhưng đối với tôi, nơi này không có gì mớí lạ, ngoài 2 điểm:


  1. không còn các quán ăn bên đường phía Hồng Kông như xưa.

  2. bên phía Cửu Long có khu giải trí mới , đó là công viên trươc khách sạn Peninsula và một viện bảo tang, với con đường đi dạo xây dọc bờ biển.

 

Đứng từ khu Star Ferry gần công viên mới nhìn chân trời Hồng Kông mới lên đèn, thấy Hồng Kông vẫn là một trong những skylines đẹp nhất thế giới ! 

 

Ngày 3 tháng 10, 1994, nhân viên hãng Pacific lại chu đáo lo cho chúng tôi trở về Mỹ, từ phi trường Kaitak. Chúng tôi chia tay mỗi người một ngả, hài lòng với chuyến đi và sự phục vụ đắc lực của hãng du lịch.


Riêng tôi và ông bạn già thì lên chuyến bay từ Hồng Kông lúc 1 giờ trưa, bay thẳng về Washington Dulles, và tới nhà lúc 8 giờ tối cùng ngày 3 tháng 10.

 

 

Trần Văn Kiện

  

Fairfax Virginia tháng 10, 1994

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc