-- Những di sản độc hại

29 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8371)



Trích đoạn từ “Những di sản độc hại để lại của các người dạy thiền

 

 “Các người dạy Thiền ngày nay thường hay bảo học trò của họ những điều như thế này:


  Đừng công phu lạc hướng bằng cách đuổi bắt những gì ở ngoài mình. Chỉ cần làm sao tập trung cho tâm rỗng không, để có được sự vô tác. Không có gì để tu. Không có gì để giác ngộ. Vô tác, vô tâm, đó là con đường trực tiếp đi đến đốn ngộ. Không tu, không ngộ, đó là cái lý thực – mọi sự đều thực là như thế cả. Mười phương chư Phật đều gọi đó là vô thượng chánh đẳng chánh giác.


 Những thiền sinh nghe vậy đều cố thực hành theo. Cố dập tắt đi những ước vọng, cố quét sạch vọng tưởng, họ dồn hết nỗ lực để có được sự vô tác, cho tâm hoàn toàn rỗng không, không hề biết rằng những điều đó thực ra lại càng tăng thêm vọng.


 Khi một người chưa thấy tánh làm những việc như là đọc tụng kinh sách, hỏi thầy, hỏi bạn, hành trì giới luật, thì tất cả những điều đó cũng vẫn chỉ là vọng, người ấy vẫn còn bị trói buộc trong vòng luân hồi nghiệp đạo. Mặc dù người ấy luôn luôn cố giữ cho tư tưởng và hành động không bị vướng mắc, nhưng tất cả những tư tưởng và hành động của người ấy vẫn bị vướng mắc. Tuy người ấy nỗ lực suốt ngày để cho được vô tác, nhưng suốt ngày người ấy vẫn là tạo tác mà thôi.


 Nhưng nếu người này đã có được kinh nghiệm kiến tánh rồi, mọi sự sẽ thay đổi hết. Bây giờ, tuy người ấy thường xuyên suy nghĩ, hành động, nhưng trong tất cả những suy nghĩ hành động ấy đều có sự tự do, tự tại hoàn toàn. Tuy rằng người ấy suốt ngày làm việc nọ việc kia, nhưng vẫn là không làm gì cả. Sự thay đổi lớn lao này chính là cái quả của sự giác ngộ, kiến tánh. Nó cũng giống như những con bò và con rắn uống nước từ cùng một bồn chứa: một bên thì cho ra nọc độc giết người, còn một bên lại cho ra nguồn sữa an lành.


 Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã nói như sau trong Huyết Mạch Luận:


 Nếu người nào không thấy tánh mà liên tục nỗ lực cho có được tâm niệm rỗng không, tưởng rằng như thế là có thể đạt được sự vô tác, thì chỉ là kẻ nói láo và ngông cuồng. Người ấy sẽ rơi vào vô ký, như người say rượu, không còn biết phân biệt đâu là tốt hay xấu. Muốn vô tác, trước hết phải thấy tánh, rồi sẽ dứt được mọi suy luận chấp trước. Không thấy tánh, không thể nào thành Phật đạo.


 

 Thiền sư Nan-t’ung Yuan Ching nói, “Bạn phải thấy được tánh của mình thật hiển nhiên và chính xác như là thấy chính lòng bàn tay của mình vậy. Ở nơi gốc rễ nền tảng con người chúng ta đã có sẵn thể tánh thanh tịnh, vô nhiễm hoàn toàn.”

 Tôi muốn khuyến khích tất cả những hành giả nào đang dọ dẫm vào những nơi sâu kín bí mật nhất – họ đều là những con người vĩ đại – rằng họ cần phải tận dụng nguồn năng lực dồi dào sẵn có nơi tự thân để hết sức làm mọi việc cho thật hăng say, thật kiên trì. Trong giây phút có được kinh nghiệm Kiến Tánh rõ ràng trước mắt, phải buông nó ngay và dồn hết nỗ lực vào việc tham khán những công án thật khó khăn (nanto). Một khi bạn đã vượt qua được những rào cản đó rồi, bạn sẽ hiểu thấu được ý nghĩa lời Phật nói rằng một vị Phật có thể thấy được Phật tánh của mình thật hiển nhiên, với mắt của mình, như thấy một trái cây nằm trong lòng bàn tay vậy.


 Một khi đã thấu triệt được ý nghĩa cao tột từ những vị tổ, lần đầu tiên bạn sẽ được trang bị để tránh khỏi những móng vuốt của hang Pháp hiểm hóc. Bạn sẽ có phép siêu phàm chuyển hóa đời sống. Bạn sẽ vào trong cõi giới Phật, du hí nơi cõi giới địa ngục ngạ quỷ, lôi ra những nanh vuốt, nhổ đi những cột kèo cản trở, đi tới đâu tỏa những đám mây từ bi tới đó, rộng độ hết chúng sanh, giúp đem đến lợi lạc vô biên cho những người học đạo từ bốn phương tìm đến.


 Tuy vậy, bạn cũng vẫn chỉ là một vị tăng, một người như trước đây. Bạn sẽ không làm điều gì khác thường cả. Mắt vẫn nhìn ra ngoài từ chỗ cũ trên mặt. Mũi cũng vẫn còn ở chỗ mọi khi. Nhưng bây giờ bạn là một con người chính thống, một hậu duệ đích thực của các vị Phật, Tổ, sẽ có thể báo đáp được đầy đủ công ơn vô lượng vô biên của các ngài.


 Bạn sẽ được tự do tự tại, không còn bị trói buộc trong những bức bách của hoàn cảnh. Bạn sẽ uống trà khi có trà uống; ăn cơm khi có cơm ăn. Bạn sẽ hoàn toàn làm chủ được hành vi của mình, tác hay vô tác. Ngay cả những vị Tổ cũng không đụng được đến bạn. Bạn sẽ là một vị tăng chân chính, quý giá hơn cả triệu vàng bạc.


 Nhưng mặt khác, nếu chỉ theo phong trào, còn vô minh mà mạo hiểm vào trong hang sâu đen tối của thức thứ tám, bạn sẽ dễ ngộ nhận mà phô trương những gì mình đã đạt được. Bạn sẽ đi khắp nơi tỏ cho người ta thấy là mình đã giác ngộ. Bạn sẽ gian trá nhận hưởng sự cúng dường, sự cung kính của người khác và rốt cuộc trở thành một kẻ tăng thượng mạn, tưởng mình là giác ngộ trong khi chưa giác ngộ gì cả.


 Phải chăng đó là con đường bạn muốn đi theo? Nếu đúng như vậy, số phận chờ đón bạn sẽ hãi hùng biết bao! Mỗi một hột cơm bạn nhận của thí chủ sẽ trở thành một hột sắt cháy đỏ hay một hột cát nóng bỏng . Mỗi một giọt nước bạn được cúng dường sẽ trở thành một giọt đồng nóng chẩy hoặc một giọt phân sôi sục. Mỗi một sợi chỉ trong y áo bạn nhận được sẽ dính chặt vào người bạn như những sợi dây thép tóe lửa, hoặc sẽ trở thành một sợi dây xích nóng cháy da.


  Thật buồn làm sao! Bạn đã cạo đầu, đã mặc y, bởi vì bạn ước vọng được giải thoát khỏi sự trói buộc của vòng sanh tử. Nhưng rồi bạn sai lầm rơi vào trong ma lực của một tà sư, và rồi suốt đời sống một cuộc sống vô can, vô trách nhiệm. Nhưng đó chưa phải là hết. Khi tới lúc trút hơi thở cuối cùng và xa lìa cuộc thế này, bởi không học được gì từ những cực hình kinh khủng đã phải chịu trước đây trong những tiền kiếp, bạn sẽ trở lại ngay chốn cũ, lại vào ba ác đạo của luân hồi. Áo cà sa còn mang trên người, bạn sẽ rơi ngay vào tầng sâu địa ngục, chịu những cực hình vô tận. Bạn sẽ bị nhốt trong vòng sinh tử cho đến khi trả hết nghiệp báo. Vì thế, phải thấy rằng không có gì đáng sợ hơn là bị dẫn dắt đi theo những tà kiến huyễn vọng của một tà sư. “


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng