NHỮNG CUNG ĐIỆU MÙA THU - Vũ Đăng Khuê

20 Tháng Mười Một 20228:14 CH(Xem: 1045)

NHỮNG THÁNG – NHỮNG NGÀY

Mấy hôm nay, một bà bạn có nhờ tôi tìm hình ảnh và tài liệu về “NHỮNG THÁNG – NHỮNG NGÀY” của bà và ngay của cả tôi. Lục lại chồng báo cũ. Dở từng trang báo mà mình đã thực hiện gần 40 năm về trước để tìm thì rất tình cờ tôi đã tìm thấy bài viết này về “Những Tháng- Những Ngày” của chính tôi. Đọc lại quả tình có quá nhiều rung động vì chính mình đã là “nhân chứng”. Bài được viết vào năm 1990 kể về một cuộc giao lưu theo tôi là “lịch sử”, vì thời đó số người Việt định cư chưa tới 10,000 người. Việc giao lưu giữa người Việt và người bản xứ thì “lai rai” cũng có, nhưng với một “qui mô” “hoành tráng” to lớn thì chưa từng thấy bao giờ. Những nhân vật trong bài viết, nay cũng kẻ còn người mất. Đăng lại bài này, xin thân tặng đến tất cả các anh, các chị, những thằng em tôi, bè bạn tôi trong nhiều mầu áo: trắng - nâu – xanh – đỏ - tím – vàng….. đang ở trên “trời” hay ở khắp nơi trên…quả địa cầu. Một bài viết ngập tràn kỷ niệm khiến tôi lại ước mơ:

Cho đi lại ngày nào
Chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu
Đi vui và bên nhau!

(Kỷ niệm – Phạm Duy)

Mời bạn ta!

Bóng hồng Việt Nam

https://www.youtube.com/watch?v=ewhSCn7pZs8

Trình diễn y phục

https://www.youtube.com/watch?v=EPT08fRRATM

Dân ca 2 miền

https://www.youtube.com/watch?v=6MT-QFl1M-c


Những Cung Điệu Mùa Thu!

Những chiếc lá vàng rơi dẫn tới cổng trường, gió thu mơn trớn trên vạt áo dài đầy hoa làm khách bên đường chợt ngừng chân ngơ ngẩn….những loại hoa biết đi đang di động trước mắt khiến nắng thu tưởng chừng như e thẹn ngỡ ngàng. Từng tràng pháo tay nổ dòn trong sân trường nhắc mọi người nhớ: hôm nay là ngày Lễ Văn Hóa (Bunka sai) – 28/10/1990: ngày giao lưu giữa những học sinh Trung Học Công Nghiệp Fujisawa và những người Việt Nam lưu vong, tạm rời xa xứ sở.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối tháng 7, khi một người tị nạn Việt Nam, xuất thân cũng tại ngôi trường này ngỏ ý: “Cảm nhận được vẻ đẹp Việt Nam, mặc dù chưa trọn vẹn, họ muốn mình làm một cái gì đó về văn hóa Việt Nam một cách rõ ràng hơn cho học sinh của trường, cho giới trẻ Nhật Bản, các anh nghĩ sao?”.

Họ đây là một số giáo chức của trường, sau một vài lần tiếp xúc, thấy những nét chịu đựng nhưng không than van của một số người Việt, đang cố gắng hòa nhập nhưng vẫn không quên cội nguồn, nên họ thấy là lạ và muốn tìm hiểu. Họ thấy lạ là phải, vì đất nước của họ quá thanh bình. “Hòa Bình” và “Tự Do” chỉ là những từ ngữ họ chỉ có thể “cảm” chứ không thể “nhận” được. “Một cơ hội tốt để chúng ta đi vào lòng dân Nhật đây”. Tất cả mọi người đều cùng ý nghĩ, cố gắng nhân cơ hội này để chứng tỏ quê hương chúng tôi đẹp lắm:

-            “Có Thơ Lục Bát, Có Lời Ru Êm,

-            Chúng tôi đến đây lánh nạn việt cộng, tìm tự do chứ không phải để đi tìm sống, hết giặc chúng tôi về ngay, khi đó mời quí bạn ghé sang ăn với chúng tôi một bữa cơm gồm những hương đồng cỏ nội, uống một chén trà cho trọn nghĩa ân tình”.

-            Chúng ta phải làm như thế nào?

-            Có gì đâu mà khó anh Hai, chị Ba. Quê mình có điệu vũ duyên, có câu hò mái đẩy, có những món ăn đượm mùi hương cốm, có một lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước. Văn Nghệ - Triển Lãm – Võ Thuật – Ẩm Thực – cứ thế mà ta làm.

Qua những sắp xếp thật gọn gàng bởi những người bác, chú, anh, chị em có lòng, tất cả mọi trở ngại vì những lý do rất “địa phương” đã vượt qua dễ dàng. Chị lo nấu ăn, em tập văn nghệ, anh phụ trách rửa hình…tất cả đều diễn ra thật lớp lang và nhịp nhàng để tất cả cho ngày…

Chủ Nhật 28/10

9 giờ sáng – tại một công viên nằm gần khu vực trường vốn dĩ thầm lặng thường ngày, chợt như rộn hẳn lên vì tiếng chào hỏi huyên thuyên của những người Việt tị nạn. Hôm nay tất cả đều đẹp đều tươi, đều đủ mặt, các cô xúng xính trong các tà áo bay trong gió. Lẫn lộn trong giòng người có mặt, thấp thoáng bóng dáng của 2 cô bạn Nhật dễ thương, cũng với áo dài, cũng với lối phát âm tiếng Việt giọng Nhật:

-            “Chào ôn! Chào bà – Chào an – Chào Chị”.

-            Văn nghệ - Ẩm thực – Triển lãm – Đá banh – Tất cả đầy đủ chưa?

-            Rồi – Chúng ta cùng đi, họ đang đợi mình đấy!

Hơn 100 người chứ đâu có ít, đủ mặt các bộ môn hùng dũng tiến vào trường. Từng tràng pháo tay của học sinh, của phụ huynh, của giáo chức trường cũng phải gần 1000 người đang vang lên từng chập, họ trầm trồ, họ xuýt xoa:

-            Người Việt Nam đây sao? Họ đâu có khác mình lắm. Trời ơi! Coi cái cô kia xinh quá chừng!

Những trầm trồ, những lời thăm hỏi làm người Việt Nam cảm động.

-            Anh ơi, em ơi, vui quá đi thôi, lần đầu tiên mới được người ta đón đàng hoàng.

Những tràng pháo tay kéo dài hoài cho đến lúc bóng người Việt cuối cùng khuất sau bóng cây cuối trường để bước vào khu sinh hoạt. Đoàn người Việt tự động tản ra từng nhóm một để “trở về nhiệm sở” lo phần vụ của mình.

Thể Thao!

Sân vận động – 10 giờ 30 – Từ bấy lâu nay, đội bóng của trường trung học công nghiệp Fujisawa vẫn nổi tiếng là đội bóng có hạng, thêm sự tập luyện đầy đủ, có “method” đàng hoàng, lại được chỉ đạo bởi những huấn luyện viên chuyên nghiệp. 12 tuyển thủ cao lớn, lực lưỡng tiến ra sân chào khán giả. Nhìn lại phe mình, đội Tokyo vừa chẵn chòi 11 tuyển thủ, không người thay thế, giờ “zangyo” (overtime) nhiều gấp trăm lần giờ ra sân tập luyện. Tất cả chiến pháp “công” và “thủ” đều được định trên bàn….nhậu chứ không phải ở….sân. “Cổ võ viên” đứng chật một góc sân nhìn quân ta với đầy vẻ âu lo, một vài người tỏ vẻ e dè:

-            Kiểu này, chắc có lẽ mình lấy thúng mà đựng banh đem về!

Tiếng còi vang lên, trận đấu bắt đầu.

-            Đưa qua cho thằng Tân.

-            Rồi, đem xuống luôn.

Đá qua, đá lại “lung tung” được một lúc, phút thứ 12 phe ta bị dẫn 1-0. Áp dụng chiến thuật la hét ầm vang để ủng hộ, sân cỏ lại tràn ngập tiếng Việt đủ loại. Như có thêm sức lực, 11 tuyển thủ Việt Nam chạy nhanh như tên bắn, đưa banh chắc như bắp.

-            Rồi, vô 1 trái, hay lắm anh em ơi.

-            Trời ơi, thằng Lâm hôm nay bắt banh bạo quá chừng! Tay nó có keo bà con ơi. Thêm một trái nữa.

Và cứ thế qua hiệp hai, đội bóng Việt Nam lấy “zangyo” làm chuẩn đè bẹp đội bóng đầy thể lực Fujisawa 5-2, “bợ” nguyên một truyền hình 19 inch – “bưng” luôn cả lòng trìu mến của những “cổ võ viên” đang nhốn nháo để chờ bắt tay những “anh hùng đã làm nên lịch sử”. Ông bầu Bình và nhà dìu dắt “Hiếu đầu bạc” nở một nụ cười khoan khoái vì đã….trả nợ được núi sông!

Ẩm Thực

Thể Dục Quán – 12 giờ trưa.

5 “đại biểu” của Việt Nam được bày biện thật đẹp mắt. Đếm từ trái qua phải là Chả Giò – Xôi Vò – Sương sa hạt lựu –Gỏi sứa – Bánh mì Cà Ri. Mỗi “đại biểu” thì mỗi vẻ- nhưng mười phân vẹn mười. Thiên hạ từ ngoài đổ vào thể dục quán đông như nấm, họ chen chân nhau lấy phần, tiếng tranh ăn gọi nhau ơi ới, trông vui như ngày họp chợ

-            Betonamu no Harumaki (Chả giò Việt Nam)

-            Ichinin bun kudasai (Cho tui 1 phần)

-            Chotto matte ne (Đợi một chút)

Tiếng Nhật chính cống được đáp lại bằng thứ tiếng Nhật lai Việt xì xồ qua lại. Các bà chị Việt Nam đứng gật đầu tỏ vẻ hài lòng: “Thật là bõ công thức trắng mấy đêm của mình”. Cà Ri bánh mì, Gỏi sứa với tôm thịt ăn “ngập mặt” bán chạy như tôm tươi.

-            Sương sa hạt lựu – Xôi vò – Mỗi thứ 2 phần gói cho em mang về dùm.

Cứ thế kéo dài cho đến 2 giờ chiều thì khung cảnh như thể phiên chợ chiều….30 tết.

-            Rồi! xong hết, dọn dẹp coi triển lãm và văn nghệ bà con ơi!

Triển Lãm!

Thấy được người Việt Nam lúc sáng khi tiến vào cổng trường, có nhiều người thắc mắc:

-            “Họ là giống dân như thế nào! Và lịch sử họ ra sao?

-            Vây xin mời anh chị tới đây xem triển lãm.

Hơn 150 bức hình khổ lớn chiếm ¼ diện tích thể dục quán được trưng bày thật ngay ngắn có nội dung diễn giải về dòng sử Việt Nam đang được những “nghiên cứu gia” chăm chú theo dõi. Cứ một nhóm lại có một “thông dịch viên” đi kèm, giải thích tường tận bằng thứ tiếng Nhật ….trật vuột, nhưng họ cũng hiểu gật đầu lia lịa. Cũng trong khu vực triển lãm, một video phát hình thường trực những phim ảnh tài liệu Việt Nam, không những khán giả Nhật chú tâm theo dõi mà còn có cả “gà nhà” nữa.

-            Ủa, phim này thực hiện hồi nào vậy?

-            Mới cách đây 2 bữa đó cha.

-            Ai ghép hình hay quá vậy, phải Sakura Production không?

-            Còn ai vào đây nữa.

Đứng nép vào một góc gần đó, tiểu ban đặc trách hình ảnh gồm một vài khuôn mặt quen thuộc nhìn nhau tủm tỉm: “Có lý đấy chứ?”

Văn Nghệ!

2 giờ 30 chiều. Tôi, mà chắc 800 học sinh cùng quan khách Nhật cũng cùng tâm trạng: mong tới giờ trình diễn văn nghệ Việt Nam. Đây là lần đầu được tham dự một chương trình “đem chuông đi đánh xứ người” nên tôi muốn xem phản ứng của khách hơn là thưởng thức vì tôi đã….quá rành.

Sau lời giới thiệu của Suzuki sensei, màn từ từ mở, đoàn múa lân gồm 7 em thuộc Trung Tâm Shinagawa tiến ra bằng những bước chân uyển chuyển theo nhịp trống. Tuy thời giờ tập luyện không bao nhiêu, nhưng phải có “nghề” lắm các em mới nhảy lên nhảy xuống mà không đạp giàn bóng đèn nằm la liệt. Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với các em, hầu như tới Nhật một mình với lứa tuổi đáng ra được hạnh phúc và đầy đủ như những cậu học sinh Nhật đang ngồi xem ở dưới, tuổi thơ của các em là những chuỗi ngày đen tối dưới chế độ mới, các em phải vào đời sớm hơn trong xã hội của xứ người. Tuy nhiên các em vẫn còn giữ được nét hồn nhiên, lanh lợi.

Tới phần dân ca, tiếng hát Tuyết Hương trong chiếc áo dài và âm điệu lạ tai của 2 bài hát Lý Ngựa Ô và Được Mùa đã làm cho các khán giả trẻ tuổi ngạc nhiên thích thú. Giọng ca ấm áp của Xuân Hoàng giới thiệu 2 nhạc phẩm mang tiết tấu “pop” Việt Nam khiến khung cảnh trở nên rộn ràng với phần đệm nhạc của mấy chú em trong ban nhạc “Sống Giang”.

Được chú ý nhiều nhất có lẽ là 2 vũ khúc. “Múa Dù” của các em lứa tuổi 15 trong bộ y phục dân tộc thiểu số và “Bóng Hồng Việt Nam” của các người đẹp Việt Nam thật duyên dáng trong các tà áo dài màu tím nhạt. Tất cả những đóa hoa biết múa này đã góp phần không ít cho sự thành công của chương trình văn nghệ. Nói tới 2 vũ khúc này mà không nhắc tới sự tận tình của 2 anh chị Minh Phương thì quá là một điều thiếu xót.

Đặc biệt nhất trong chương trình là màn trao đổi văn hóa: võ thuật Việt Nam và “Oen” Nhật Bản. 7 cậu của “Oendan” (đoàn cổ võ được lập ra để giữ nhiệm vụ cổ võ cho các cuộc tranh tài của trường), với khuôn mặt trông thật ngầu đang cố gắng giương cần cổ hét lớn những âm điệu nghe thật lạ tai, hỏi ra mới biết đó là những câu tiếng Nhật được soạn sẵn dùng mỗi khi đi ủng hộ (nhưng sáng nay tại sân vận động đã bị lép vế dưới sức “ép” của “Oendan” Việt Nam).

Bước sang màn võ thuật, võ sĩ dễ thương Vân Khanh (ái nữ của anh chị Lê Hiển) không hổ danh con nhà võ đã cùng với cậu bé Thanh Vân biểu diễn thật xuất sắc những thế công và thủ của các đoạn côn nhị khúc. Đến phần nội công: dùng côn để đánh gẫy cây gỗ treo lơ lửng trên 2 tờ giấy mỏng và 2 trái cà chua mà phải làm sao cho giấy không rách và cà chua không dập. Cả bọn đều nín thở, hồi hộp: “lỡ mà cây không gãy thì quê lắm”. Khuôn mặt 2 võ sĩ Thanh Vân – Vân Khanh đầy căng thẳng.

-            Tập trung nội lực, dồn tâm trí vào cây gỗ trước mặt.

-            1 – 2 – 3 đánh!

“Soạt”, cây gỗ gãy đôi.
-            2 mảnh giấy còn nguyên bà con ơi.

 

Thêm một tiếng soạt nữa, 2 trái cà chua vẫn còn nguyên vẹn như lời “khấn nguyện”. Khán giả vỗ tay như sấm, phe ta thở phào nhẹ nhõm. Đúng là “có công tập luyện có ngày…cây gỗ sẽ vỡ đôi”. 3 cậu của nhóm Oendan được cử lên để thụ giáo “sư phụ Khanh” một vài đường nhị khúc, nhưng coi bộ mắc cở và khớp nên cậu nào cậu nấy cũng than: “Muzukashi ne” (Khó ghê).

Mang tính cách giao lưu nên xen kẽ chương trình, bé Phương Nguyệt đã trình bày 2 bài nhạc trẻ của Nhật, giọng ca nhí nhảnh của cô ca sĩ tương lai đã dễ dàng hớp hồn các cậu trai đang tuổi mộng mơ ngồi chật phía dưới.

Cuối cùng, màn chuẩn bị công phu nhất và cũng mang nhiều nét văn hóa Việt Nam nhất là màn trình diễn y phục Việt Nam từ thuở xa xưa đến thời hiện đại làm cho hội trường gần 1000 người không ngớt lời trầm trồ khen ngợi. Từ chiếc áo tứ thân, áo cưới, khăn mỏ quạ của xứ Bắc đến chiếc áo dài kiêu sa xứ Huế, chiếc áo dài lộng lẫy, áo bà ba Việt Nam….tất cả đều thể hiện những vẻ đẹp của một đất nước có nền văn hóa lâu đời. Tôi được biết học sinh của trường đã bỏ ra cả tháng trời để tìm hiểu về văn hóa Việt, nhưng phải mắt thấy tai nghe thì họ mới hài lòng, mới thấm nhập những gì đã tìm hiểu. Tôi tưởng chừng mỗi cô gái Việt trên sân khấu là một nét nhạc tuyệt vời hài hòa trong một bản giao hưởng mùa Thu.

Sau phần trao quà lưu niệm, bản “Việt Nam – Việt Nam” được hùng dũng cất lên. Rồi màn từ từ hạ - kết thúc một ngày Văn Hóa Việt Nam với thật nhiều công sức – nhưng mang thật nhiều thành quả.

Có đến, có nghe mới thấy tình quê hương của những người Việt trên bức đường lưu lạc. Mặc dù phải vất vả với công việc trong cuộc sống, nhưng không hề quản ngại những chuẩn bị đầy khó khăn đầy mệt nhọc và chương trình đầy âu lo. Phần thưởng là một nụ cười trên môi khi những người Thầy, người bạn Nhật nắm tay khen ngợi:
-            Không ngờ các bạn làm phong phú quá – thành công đến 200%.

 

Mọi người nhìn nhau cười mỉm. Vâng, chỉ cần một nụ cười, một tấm lòng, ta cảm thấy mùa Thu năm nay thật đẹp.

-            Chương trình thành công quá bà con ơi.

-            Khỏi cần, chỉ nhìn thấy mặt phe ta là dư biết.

Xin mượn trang báo giới hạn này để chúng ta cùng chia sẻ “niềm vui đã đến”. Xin cảm ơn tất cả mọi người đã cùng đồng tâm hiệp sức. Xin Cám ơn ban Giám Đốc Trường Trung Học Công Nghiệp Fujisawa đã cho chúng tôi cơ hội “biểu dương”. Trang báo nhỏ không thể nói đến lời cảm tạ những ưu ái mà quý trường đã dành cho. Chỉ biết là chúng tôi rất vui, rất mừng trước những thành quả đã đạt được và lẽ dĩ nhiên những thành quả này là do công sức của anh chị đã đóng góp đến 99%. Có điều gì sơ sót, xin mọi người miễn thứ. Một lần nữa, chân thành cám ơn tất cả.

V.Đ.K – Trường Sa

TL văn hóa VN
TL văn hóa VN 1
TL văn hóa VN 2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc