NHỚ CẬU THIỆP - Vũ Đăng Khuê

20 Tháng Mười 20229:23 CH(Xem: 569)


Nhớ Cậu Thiệp!

Khue- Thiep


Hôm nay, nhớ anh vì có Phan Lê Dũng (cháu Lê Thiệp) nhắc đến hai chữ “Cậu Thiệp” khiến tôi có dịp tuôn ra những giòng chữ này.


Cậu Thiệp tức Lê Thiệp, một bút ký gia, nhà báo nổi tiếng viết nhanh, viết… độc mà tôi hay giới thiệu với bạn ta. Anh hay dùng chữ này khi nói về mình hay xưng với bạn bè và ngược lại. Tôi cũng chả biết hai chữ này bắt nguồn từ đâu, vì ngay lúc gặp, anh đã xưng như thế. Về Cậu Thiệp, tôi đã viết về “lai lịch” và “tài năng” của “Cậu” khá nhiều, xin được phép “miễn trừ”, tôi chỉ muốn nhắc lại vài chuyện chưa bao giờ kể với anh từ cái lúc anh rách hơn cái mền, lếch tha lếch thếch cho đến lúc anh phất như diều gặp gió khi trở thành anh hàng Phở 75 nổi tiếng khắp “Năm Châu”!

 

Tôi không gặp anh nhiều, vì anh chỉ sống tại Nhật một thời gian ngắn là sáu tháng, sau đó sang định cư tại cái vùng có cái tên khó nghe, theo như cố nhạc sĩ Lữ Liên đã đọc là: “Công Nét Ty C….ứt” ở miền Đông nước Mỹ.

-----

Sau khi hãng làm việc của tôi bị “phá sản”, lãnh tiền thất nghiệp xong thì tôi sang Mỹ lần đầu vào khoảng tháng 7/1981 gặp anh ở Cali, lúc đó anh đã được anh em “thỉnh” về để giúp cho tờ Người Việt Tự Do Ấn Bản Mỹ Châu. Báo NVTD ấn bản chính được thực hiện bên Nhật, sau đó chuyển tất cả bản thảo sang Mỹ và bên Mỹ sẽ làm thêm khoảng vài chục trang tin địa phương kèm các quảng cáo kẹp vào giữa rồi nhờ “Ấn Quán Tím”, nằm ngay bên cạnh, cũng là nơi phát hành tuần báo “Thằng Mõ” in ấn. In xong, huy động các anh em thân hữu trước đây tạm cư tại Nhật sang xếp, đóng gói và phát hành tại Mỹ. Nhiều khâu mệt lắm!

 

Đầu tiên, tờ báo cứ tưởng là sống nhờ quảng cáo nên anh em “lỡ mồm” có hứa sẽ “chi” cho LT 600US một tháng, nhưng “đụng chuyện” thì mới biết là cực khổ …, tờ báo vật vờ thiếu thốn, đắp chỗ này, bù chỗ nọ. Đi xin quảng cáo, thấy “bã” cả người. Nhiều chỗ thì họ vui vẻ đồng ý, còn nhiều chỗ: “Trời ơi, anh thấy tiệm tụi đông khách như dzầy mà còn quảng cáo thì chỗ chứa đâu cho hết”.

 

Ngay cả nhóm “chủ trương” gồm vài ngoe lẽ dĩ nhiên là có cả LT cũng phải đi ngủ lang, tắm ké ở nhà những người quen, vì có nhà cửa gì đâu ngoài cái văn phòng làm việc trong một tòa nhà cũ kỹ ở đường số 3, San Jose, mà ban đêm đèn luôn thắp sáng, chả có ai ngoài tụi tôi. Buổi trưa hay buổi chiều thì lội bộ sang cái quán ăn có tên “Mekong” của một chị cách đó khoảng 3 phút đi bộ, bà chủ người miền Nam hiền hòa xởi lởi,  thông cảm cho dân “nghèo đói” là tụi tôi, chỉ tính một bữa cơm là 2 US. Có hôm, một anh bạn trẻ ghé và đưa chị 50US, nói là để cho anh em NVTD ăn cơm….Điều tra tới lui, thì biết đó là Đ.P. Tùng, em chị Phương Mai vợ Lê Thiệp, vì thời đó Tùng đi chung với chuyến ông Thiệp tạm cư tại trại Fujisawa.

 

Trở lại chuyện Cậu Thiệp. Không có chỗ cho anh ở, không có nơi cho anh tắm…và 600US chỉ là cơn gió thoảng, chịu không thấu nên anh đành phải trở lại quê nhà để tiếp tục kiếp culi, không một lời than vãn. Tôi cũng “tháp tùng” với anh sang bên đó và ở với anh khoảng một tháng. Thuở đó, còn thất nghiệp, anh đưa tôi đi khắp nơi, khắp chốn, lang thang khắp phố phường DC và vùng lân cận. Ban ngày gặm fastfood, tối mua vài chai vang về lai rai tán gẫu với 3 đứa cháu của anh. Tôi biết lúc đó rất nhiều người rủ rê anh làm báo, anh ừ chắc là có job ngay, nhưng anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện, hình như dạo đó anh có vẻ chán chường mọi thứ không nghĩ gì với chuyện cầm bút lại.

 

Với cái xe mà anh đã mua lúc còn đi bán gà Kentucky, nhân viên xã hội….. Tụi tôi đã vượt cả chục cây số, ghé đủ thứ nơi, đến Philadelphia gặp “Chàng Phi” hình như làm trong tờ Chính Luận, hôm đó cả 3 mờ người vì mấy lon bia rượu. Có hôm anh đưa tới nhà anh Đinh Hùng Cường, nghe tin, anh Ngô Vương Toại cũng ghé qua tán gẫu chuyện đời. Hôm đó chị Cường, nguyên tiếp viên hàng không (cùng thời với chị Bùi, vợ anh Nguyễn Hữu Điển) chuẩn bị cẩn thận rượu bia, đồ nhắm, mấy anh uống hơn cả “hũ chìm” trừ tôi, vì tôi “cảnh giác” biết tính mình không giữ mồm được khi “rượu” vào, vì Tổ Chức NVTD và Mặt Trận lúc đó đang có “âm mưu” đưa người về nước, mà tôi thì biết tất tần tật từ đầu tới cuối. Mấy anh chơi trò nhà báo khích tôi nói, bảo là nghe thấy này thấy nọ, tôi cố gắng giả câm giả điếc lái sang chuyện khác.


Tôi nhớ nhất là anh Đinh Hùng Cường, hình như là đại úy quận trưởng quận nào đó mà tôi quên mất, anh Cường có lối nói chuyện thật lôi cuốn người nghe, anh kể lúc sang Mỹ làm batender, lúc làm điện toán rồi bị trục trặc… có duyên không thể tả. Còn anh Toại, kể cho tôi nghe lúc bị việt cộng bắn hồi ở Saigòn tưởng chết.

 

Sau này, thì thấy LT báo là anh Toại đã ngưng rượu và thực hiện chương trình “Suối Nguồn Tươi Trẻ” và đã ra đi. Đêm đó, tôi ngủ lại nhà anh Cường. Sáng hôm sau, thấy anh đóng bộ đi làm, LT hỏi: “Mẹ, làm việc gì mà diện oai thế”. Anh Cường đáp: “Ngày vào cũng cũng vét, cũng tông, có vẻ oai phong nhưng trông như thằng ăn cắp”. Tôi phì cười vì lối nói giỡn của anh, và tôi chôm luôn câu đó dùng khi nói chuyện.


Ra về, LT hỏi:

 

-        “Ông thấy thằng Cường nói chuyện có duyên không?”

-        Duyên thiệt đi quá chứ.

---------------------


Khoảng năm 1992, khi ghé DC để tham dự Đại Hội của Hội Chuyên Gia Việt Nam, tôi gặp lại anh Cường đang làm công việc hướng dẫn cho Ngày Đại Hội. Anh Cường cười hỏi tôi:

 

-        “Anh ăn phở thằng Thiệp nó có lấy tiền anh không?”.

-        “Không, anh.”.

-        “Mẹ, nó lấy tiền của tôi anh ơi? Bạn bè thế đấy”.

 

Tôi phì cười, về nói lại Lê Thiệp. LT cười nói:

 

-        “Mẹ, lấy thẳng cẳng”.

 

Mấy hôm sau, anh đưa tôi đến nhà họa sĩ Ngọc Dũng, tôi gặp đủ cả: anh Nguyễn Hữu Hiệu (người dịch quyển Docteur Jivago), Hoàng Xuân Trường, Đỗ Đình Duyệt, ….. rồi bàn nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Tôi nhớ nhất cái màn “bán cái” ẩu tả của LT. Khi đó, đang tranh cãi về tập thơ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện dưới cái tên “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” được anh Hiệu chủ trương phát hành, anh Hiệu kể:

 

-        Quyển này mà ra tưởng là trùm thiên hạ. Nhưng mãi chưa lấy lại được tiền in, hơi đắt.

-        Gì? Bao nhiêu mà đắt!. Ông hỏi chuyên gia in ấn bên Nhật ngồi đây này, để tính cho ông nghe.

 

Rồi anh chỉ tôi. Thật tình tôi ú ớ vì không biết trả lời sao, chỉ ỡm ờ cho qua chuyện.

 

Tôi cự anh:

 

-        “Sao anh bán cái cho chuyện tôi không biết gì vậy?”

-        Mẹ, chúng nó nghe rồi cũng qua đi, không để ý gì đâu.

 

Thấy tôi bên Nhật sang, mọi người hỏi tôi đời sống bên Nhật. Tôi nhớ nhất câu hỏi của anh Duyệt:

 

-        Bên Nhật nhà thế nào thì gọi là giàu?

-        Dạ thưa, nếu ở ngay khu giá đắt nhất Tokyo mà xây được hồ bơi thì chắc là giàu nhất.

 

Ông Thiệp chen ngay vào:

 

-        Vậy là ông chưa đi đến Nagano rồi, ở đó đất thẳng cánh cò bay, cả trăm mẫu đất, nếu bán thì xây mấy căn nhà ở Tokyo mà chả được.

 

LT nói như thế vì lúc đó đang “cặp” với một cô Nhật, một chuyên viên dinh dưỡng, quê cô này ở Nagano, lúc trở lại Nhật lần đầu (tháng 6/1981) anh có ghé thăm quê hương của cô nên đã “ba hoa” như thế.

 

Hôm đó, họa sĩ Ngọc Dũng cho tụi tôi uống vang và phải ngủ lại vì tên nào tên nấy say lúy túy. Trước khi ra về, anh Dũng nói: “Thằng Thiệp mà nó về mà đến đây thì ai nấy đều vui”.

 

Nhân ngày tôi lên “xe bông”, anh chị mua “tặng” tôi một cái chăn to tổ chảng, nhưng nhẹ hều với lời nhắn nhủ: “To như thế để ông bà đắp chung cho đủ”. Được biết chị Phương Mai và mẹ cháu nhà này đều biết nhau vì ở cùng xóm.

 

Cũng dạo này, khoảng giữa năm 1981, trong một bữa nhậu với bạn bè ở SanJose, anh có cầm trong tay một quyển sách của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến có tựa đề “Mùa hè ở một nơi khác” và anh bảo với mấy người cùng bàn: “Mấy ông in cuốn sách này không? Hàng độc đó”. Sau đó thì sao tôi không biết. Tôi có tìm tựa đề thì thấy quyển sách được in tại nhà xuất bản ở Cali năm 1987. Tôi có hỏi chị Tuyến, nhưng chị bảo cũng chưa gặp LT lần nào.

 

Anh làm việc arubaito gì đó một thời gian, thì khoảng năm 1984. Ngô Chí Dũng rủ anh về thực hiện lời hứa năm xưa: “Nếu cần tôi có mặt”. Thế là anh lại quay trở lại làm việc cho tờ Kháng Chiến. Được một thời gian, vì lục đục nội bộ, anh lại quay về quê cũ và cũng không một lời than trách rồi trở thành anh bán phở. Lúc đầu thì khổ nhưng sau thì thật lẫy lừng với Phở 75. Anh hào sảng, và luôn giúp bạn bè thật kín đáo. Tôi nhớ anh Trịnh Ngọc Bằng bạn anh có 4 câu thơ, thiệt đúng là như vậy.

 

Những người bạn thiên cổ

Yêu nhau chịu đựng nhau

Đồng chí là thế đó

Phú quí màng chi đâu


Tôi biết và học hỏi khá nhiều điều từ những ông anh này.

 

Chuyện đ. gì mà tôi không biết!

 

Tôi sang Mỹ lần thứ hai vào tháng 8/1993, nơi đầu tiên tôi ghé là DC. Trước khi sang Mỹ, tôi định đem một chai sake 1 lít 8 mà anh thích, nhưng Phan Lê Vũ (cháu LT) cản ngay: “Chú đừng cho cậu rượu, cô Mai không vui đâu”. Tôi đành phải mua mấy cuốn lịch Nhật, quà Nhật từ phi trường. Hôm anh đón tôi, chào hỏi xong xuôi, anh lục những món quà tôi mang sang, và không có thứ mà anh muốn, anh lảng sang chuyện khác:

 

-        Thằng Thuần nó chết tội quá nhỉ! Mẹ, cứ lo làm báo không lo cái thân.

-        Tại sao anh biết?

-        Chuyện đ. gì mà tôi không biết.

 

“Thằng Thuần” mà anh nhắc ở đây là nhà báo Phan Bá Thuần Hậu, cùng thời làm báo với anh, định cư tại Nhật, làm được bao nhiêu tiền là đổ vào tờ báo, tự mình làm từ đầu đến cuối.

 

Năm 1996, khi sang dự Đại Hội Chuyên Gia ở Cali, trước khi về Nhật, tôi gọi và chào và xin lỗi anh vì không báo.

 

-        Thấy hình ông ngồi trên bàn họp và ông có nói gì đó phải không?

-        Đúng vậy. Hôm đó tôi là một người phụ dẫn một phần chương trình.

 

Thế là anh “văng” ngay câu nói quen thuộc.

 

Một lần khác vào khoảng tháng 1997, có chuyện gì đó tôi gọi anh, nghe giọng tôi, anh buột miệng:

 

-        Quân ta bên đó vừa làm cú đẹp quá, cậu Thiệp khen các cậu một phát.

 

“Cú đẹp” mà anh nói là tụi tôi đến trước cửa nơi thủ tướng việt cộng họp báo, biểu tình và trao kháng thư. Tôi hỏi:

 

-        Ủa sao anh biết nhanh thế?

 

Tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Sau thì tôi biết là vì lúc đó Nguyễn Khanh của RFI là người có mặt tại chỗ tường trình thẳng về Hoa Kỳ. Ông và ông Khanh thuộc loại thân tình.

 

Tôi không lạ “vì đó là anh mà”.


Dạo này thì anh quá khá rồi, lần sang Nhật thứ 2 (khoảng cuối năm 1999), 2 vợ chồng anh ghé nhả tôi…làm một bữa. Trong câu chuyện anh ….lè nhè: “Thiện bây giờ triệu phú đấy”, Thiện là Huỳnh Lương Thiện, chủ nhiệm Tuần báo Mõ San Francisco. Tôi trả lời ngay:

 

-        Sao tôi gặp ông Thiện thì lại bảo anh là đại gia! Mấy cha khôn tổ mẹ. Bỏ ra ngoài và tên nào cũng khá, còn tôi ở lại thì như cái màn rách.

-        Ơ, tôi có bỏ ra đâu, mấy ông lục đục với nhau khiến tôi phải bỏ đi mà. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện này đi. Nếu cần gì nhớ “hú” cậu Thiệp một câu.

-        Tôi chả cần gì, từ giờ trở đi, viết được bài gì anh chuyển ngay cho tôi là được.

-        Nếu cầm bút lại, tôi sẽ ưu tiên cho….ông!

 

Và anh giữ đúng lời hứa với tôi cho đến khi anh mất. Anh đã gửi cho tôi hầu hết những bài anh đã đăng trong 3 quyển sách: Chân Ướt Chân Ráo, Lững Thững Giữa Đời, Chuyện người Đỗ Lệnh Dũng.

 

Một buổi tối anh đưa tôi đến một tiệm sushi khá lớn tại Virginia, tôi ngạc nhiên vì anh biết tôi không ăn cá mà lại dẫn tôi vào tiệm này, anh ngó trước ngó sau rồi nói nhỏ, hình như sợ chị Mai nghe: “Đó chỉ là cái cớ, phải có ông sang đây, tôi mới có dịp vào những tiệm như thế này để nhâm nhi sake và sasimi chứ”.

 

Vào tiệm anh nói tiếng Anh với người chủ Nhật giới thiệu tôi là người Nhật kèm theo câu: "cứ sổ tiếng Nhật cho nó sợ". Xì xồ một hồi, anh kêu phần của anh là một set toàn cá, còn tôi thì cũng là một set nhưng toàn thịt: yakitori, nikomi (đồ hầm) và 2 thằng quất một chai Nihonshu (rượu Nhật), uống xong, chưa đã anh lại muốn chút nữa và kêu thêm một chai vang của đời nào tôi cũng chả biết, rồi anh thuyết lung tung về lịch sử cái nắp đậy, về cách làm và cách uống vang sao cho ngon và sao không hại sức khỏe, tôi vẫn chỉ nghe cho có chuyện vì ba cái chuyện rượu, kiến thức tôi rất là kém...... chỉ biết uống bia. Về lại Nhật vài tháng sau thì tôi nhận được bài có cái tựa đề ngồ ngộ “Có cần đưa lên mũi ngửi” mà có lần tôi đã giới thiệu.

 

Biết tôi thích Phở, anh thường đưa tôi đến quán Phở 75 của anh và dặn dò người làm bếp:

 

-        Làm cho Ông Khuê một tô miếng thịt Nạm có chút gầu và bát nước béo để riêng, thêm một chén tái ăn thêm nhé.

 

Biết ý nhau ghê!

 

Anh biết tôi quen nên anh rủ ca sĩ Nguyệt Ánh và anh Đào Trường Phúc đến ăn cơm tại nhà anh. Hôm đó, Nguyệt Ánh, tôi và ngay cả Phan Lê Dũng, Phương Mai đàn hát tưng bừng hoa lá. Nghĩ lại thấy vui ghê. Sau đó, tôi lại được gặp nhà báo lão làng Nguyễn Tú cũng tại nhà anh. Mấy ông kể lại chuyện thời làm báo, rồi thời tờ Chính Luận bị hăm đặt chất nổ, rồi chuyện triệt thoái cao nguyên, ông Nguyễn Tú là người tường trình và anh là người ghi lại…..

 

-  Anh có 3 cô con gái, cô nào cô nấy đều xinh sắn. 10 năm trước, cô thứ hai trong chương trình trao đổi du học sinh, sang Nhật ngay trường Keio tôi đang dạy. Lúc đó, anh nhờ tôi làm người bảo đảm. Anh mail dặn tôi: Con Tin nhà tôi tiếng Việt ú ớ lắm, Ông chịu khó nghe. Tin (tôi chả biết tên thật là gì), xinh lắm. Hôm gặp ở Keio, Tin có đưa tôi món quà là một loại đá quý hình mũi tên mà anh nói là “ngọc quí” anh mua ở “Tung Của” để tặng ông Khuê. Thú thật, tôi chả biết quí thế nào, không biết giá trị, nhưng chắc là “vô giá”, nên cứ chưng ở nhà cho ….”thiên hạ sợ”.

 đá quý

  Tin học xong về Mỹ hẹn sẽ quay lại Nhật vì muốn làm việc tại Nhật, gia đình anh cũng muốn sang Nhật chơi và thăm tôi môt lần nữa. Nhưng vì Sóng Thần, Động Đất năm 2011 nên anh “rét” và biến luôn.

 

Cũng qua anh mà tôi biết về Tủ Sách Tiếng Quê Hương có ông già Uyên Thao tuổi đã 90 nhưng suốt ngày cứ lặm cặm với sách vở với ước mơ: “mai này khi trở lại quê hương, chúng ta sẽ có không chỉ vài chục mà vài trăm, có khi cả vài ngàn cuốn sách để anh em, đồng bào có dịp nghe, nhìn, đọc, thấy một lịch sử do những người Việt đích thực viềt về một lịch sử đúng như những gì đang diễn ra”.

 

Còn nhiều kỷ niệm với anh, thôi để dành sau, từ từ sẽ kể.

 

Anh mất ngày 11 tháng 7/2013 vì chứng ung thư gan trong sự tiếc nuối vô vàn của bạn bè thân hữu. Một người lè phè, tốt với bạn bè, tha nhân, đầy tài năng mà ra đi hơi sớm. Bằng hữu chơi với anh đều phải công nhận: tấm lòng của cậu Thiệp với bạn bè, đất nước vẫn là số một.

 

Uổng ghê! Nhớ anh lắm.

 

Tôi mượn mấy câu thơ của anh Viễn, bạn anh ở Na Uy được anh Hoàng Xuân Trường nhắc lại để kết cho bài viết này.

 

Thế là mày cũng đã

Thoát được rồi đó sao

Cái thằng khôn tổ mẹ

Làm gì cũng trước tao.

Thôi, đến đây đã đủ.

 

Có chuyện đ. gì mà Cậu Thiệp ra đi sớm thế!

 

V.Đ.K

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc