CÂY ĐÀN CHIYOMARU - Miyao Tomiko / Quỳnh Chi dịch

10 Tháng Chín 20228:14 CH(Xem: 636)


chiyomaru

Cây đàn Chiyomaru

Nguyên tác Chiyomaru của Miyao Tomiko

Dưới bầu trời đầy sao lấp lánh như những mảnh băng vụn vỡ rải trên nền trời, trong cái lạnh thấu xương về khuya, Etsuko vẫn đứng trầm ngâm giờ lâu trên chiếc cầu bắc ngang sông Kuma.

Chung quanh đồng không mông quạnh. Chiếc hộp da xách nơi tay là hộp đựng cây đàn shamisen đặc biệt gồm ba phần được nối lại. Vừa nẫy Etsuko đã đem đến hiệu cầm đồ ở bên kia sông, khẽ đẩy cánh cửa chấn song sang một bên bước vào dưới ánh đèn tù mù đến tức tưởi, lặng lẽ chìa cái hộp đàn ấy cho bà chủ hiệu mái tóc lơ thơ, dù đã gặp mặt vài lần xong vẫn không ưa nổi, bị bà ném cho một cái nhìn soi mói, đoạn thò tay nhấc đàn lên xem, bảo:
-Ối giời ơi! Cái này bị gẫy mà!

Rồi bà gạt đi, bảo:
-Thế mà cũng cầm với cố hả? Dù chỉ một nghìn yên, đây cũng không bỏ ra đâu!

Cái giọng đanh đá thì hàng ngày vẫn vậy, xong bà ta còn bồi thêm:
-Đây là chỗ làm ăn chứ không phải chuyện đùa. Làm ơn biết nghĩ cho người ta nhờ với!

Ý bà ta muốn bảo Etsuko rằng nếu có muốn mượn tiền, thì phải đem cầm món gì còn có giá trị cho bà ta còn làm ăn được.

Thật ra, nào phải là đàn bị gẫy, vì đó là loại đàn shamisen gấp lại được, nên chỉ cần lắp lại là thành chiếc đàn nguyên vẹn hẳn hoi. Nếu Etsuko giải thích cho bà chủ hiểu rằng đấy là chiếc đàn đã một thời nổi tiếng là đàn quý trong xóm geisha, thì có lẽ bà ta đã nghĩ lại, thế nhưng Etsuko không nói một lời, lại cất đàn vào hộp.

Etsuko không biết làm gì ra tiền cả, mà cách tiêu pha thì vẫn như xưa. Với cuộc sống như thế, thì không có cách nào hơn là cứ bán dần bán mòn hết hết thứ này đến thứ khác trong nhà để sống qua ngày. Cho đến nay, Etsuko đã đem không biết bao nhiêu thứ đến cầm ở hiệu cầm đồ của bà chủ này. Etsuko còn nhớ lần đầu tiên, bà tiếp Etsuko rất lễ độ.
-Xem ra thì cô đây là chỗ cao sang, chẳng may sa sút ra nông nỗi này phải không ạ?

Và bà đã trả cho đến mấy tờ bạc, làm Etsuko sung sướng quá, hết sức biết ơn bà như thể thấy có ánh hào quang phát ra từ người bà.

Sau đó, Etsuko đã dành một phần trong số tiền cầm được món đồ ấy đem mua bánh, rồi ăn mặc chỉnh tề đem đến biếu bà chủ hiệu cầm đồ để tạ ơn. Bà ta ngớ người ra chòng chọc nhìn Etsuko mà lẩm bẩm:
-Tôi làm nghề cầm đồ đã ba mươi năm nay, chưa gặp người khách nào như thế này cả.

Xong cũng vì qua đó đoán biết được Etsuko khờ khạo, không phải là người lõi đời, nên về sau dần dà bà ta trở mặt hống hách với Etsuko.

Tuy vậy Etsuko cũng chẳng biết trông cậy vào đâu, chỉ biết đành đem các thứ đến cầm ở hiệu của bà ta. Ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy chốc mà trong túi không còn một đồng một chữ, nợ như chúa chổm, đêm hôm khuya khoắt phải trốn nợ, chạy ra đến chiếc cầu trên sông Kuma này.

Cái cảnh cầm cố không mong chuộc lại được ấy bắt đầu từ những vật nho nhỏ như chiếc nhẫn, cái đồng hồ, dần dà thôi thì bất cứ cái gì kể cả những đồ đạc tối thiểu cần dùng trong nhà cũng khuân đi hết, cuối cùng đến máy điều hòa không khí cũng lấy dao gỡ ống thông hơi khuân đi nốt, trong nhà gần như là rỗng tuếch chẳng còn gì, chẳng thấy còn có cái gì còn đem đi cầm được nữa. Đứng giữa căn nhà trống trải đưa mắt nhìn quanh, tất cả mọi thứ lọt vào mắt đều đã lần lượt ra đi để đổi lấy tiền, cuối cùng chỉ còn lại mỗi một thứ, là chiếc đàn shamisen này.

Những bức liễn, những một món đồ trang hoàng đặt trên nền nhà đều đã bị đem đi hết cả, chỉ còn độc một chiếc đàn shamisen như được giấu kín, để khuất trong góc nhà.

Biết bao lần Etsuko đã nhìn chiếc đàn với ánh mắt trần tục thèm thuồng. Mỗi lần như thế, Etsuko phải cố dằn lại, giằng co trong cơn tuyệt vọng, để lấy lại tinh thần rằng ”Vẫn còn có nó”, vì đến cả cái này mà cũng bán đi nốt thì thế là hết.

Tết năm nay, cái tết Etsuko vừa được tứ tuần, gắng gượng lắm cũng chỉ được đến hết ngày mồng năm. Sáng hôm ấy, Etsuko đành phải dứt lòng mặc cho lương tâm cắn rứt, cầm cây đàn shamisen lên.

Vào hôm cuối năm, cuối cùng Etsuko đã định bụng sẽ trả nhà, để từ ngày mồng sáu tết sẽ lẳng lặng ra đi không cho ai biết. Và đã ra nông nỗi này, thì đành phải thu xếp chuyện cây đàn cho ra đâu vào đấy. Hộp đàn bên trong lót nhung màu xanh lục thật chu đáo, Etsuko lấy cần đàn trong hộp ra lắp vào thùng đàn, cài chốt lại, đoạn lấy lụa đỏ cẩn thận lau đàn. Cần đàn bằng gỗ sưa đỏ, phấn đầu cần đàn bằng ngà voi, thùng đàn bằng gỗ gụ, là một tuyệt phẩm công phu, càng được lau chùi, những đường vân gỗ chìm sâu càng hiện ra rõ rệt. Phủ miếng gấm lên thùng đàn một đầu bịt da, lấy ba sợi dây đàn cất trong hộp ra mắc vào, thế là chiếc đàn shamisen hiện nguyên hình là chiếc đàn quý đã từng một thời oanh liệt, đã từng được biết bao người ngưỡng mộ. Những kỷ niệm về cây đàn lại hiện lên.

Etsuko đặt đàn lên đùi, lấy móng tay gẩy thử mấy tiếng. Tiếng đàn vang lên trong trẻo, và vẫn còn mạnh không ngờ dù chiếc đàn đã bị cất trong hộp bấy lâu.

Cha Etsuko là chủ hiệu Matsuzaki chuyên nghề môi giới dẫn geisha cho khách, trong nhà lúc nào cũng có treo ba chiếc đàn shamisen trên giá gỗ khoét hình đàn shamisen, trong thùng đàn lúc nào cũng nhồi vải bông chirimen hút ẩm, từ khi còn bé Etsuko đã biết trong đó có một chiếc có biệt hiệu là Chiyomaru. Cửa hiệu là nơi thương thảo, gặp gỡ giữa các cô geisha của hiệu và chủ các tửu lầu muốn thuê họ, những người này sẽ xem tài sắc của geisha mà định giá tiền. Người ta đồn rằng lúc ấy cô geisha nào mà mượn đàn Chiyomaru để gẩy thì tiếng đàn nghe rất hay, làm người chủ tửu lầu say sưa theo tiếng đàn rồi thế nào cũng trả giá rất cao.

Tiếng tăm của Chiyomaru nổi như cồn,
nên các geisha xin vào hiệu Matsuzaki rất đông. Có người dù không xin vào hiệu Matsuzaki, nhưng nghe đồn Chiyomaru là chiếc đàn shamisen rất hay thì muốn được đàn thử, cứ sắp tới buổi phô diễn tài năng của các geisha, thì tìm tới mà rằng

-Làm ơn cho tôi mượn Chiyomaru một tí có được không?

Các cô geisha tìm tới hiệu Matsuzaki không ngớt, khiến cho những bác trai làm công trong hiệu ra oai cao giọng bảo:
-Đàn shamisen cũng giống như vợ nhà người ta. Ông chủ đã dùng lâu năm mới thành chiếc đàn hay, có ai lại đem cho người khác mượn, hả? Thôi, đi đi!

Mà đuổi họ đi. Nếu đúng như lời họ, thì Chiyomaru là chiếc đàn dành riêng cho cha mình, thảo nào bốn cô học nghề geisha trong nhà cũng không được đụng đến, quả là chỉ khi nào dùng để đàn cho khách nghe mới được lấy xuống.

Vả lại thông thường thì sáo hay trống mới được đặt tên, chứ đàn shamisen mà được có tên riêng như Chiyomaru thì quả là chưa nghe nói bao giờ. Hơn nữa, tên gọi Chiyomaru khiến ta nghĩ tới nghệ danh của kỹ nữ, biết đâu do duyên cớ nào đấy mà đó là kỷ vật của một danh cầm thủ shamisen đã khuất, với cha mình.
Thông thường tiếng đàn shamisen hay hay không là do người đàn chứ không phải là do người làm ra chiếc đàn, cho dù đó chỉ là chiếc đàn xoàng xĩnh chỉ dùng để tập đàn, nhưng nếu yêu đàn ngày ngày đem ra tập không nghỉ hôm nào, thì tiếng đàn còn hay hơn cả là tiếng đàn quý mà chẳng mấy khi được đem ra gảy.

Vào cái dạo Etsuko còn đang học lớp ba lớp nhì tiểu học, theo tục lệ vào tối hôm trước ngày rằm tháng giêng âm lịch có người hóa trang làm thần đến các nhà xin bánh dầy về nấu cháo, tất cả các cô học nghề geisha ở trong hiệu cùng với các bác làm công, các cô giúp việc, và cả những người hay ra vào hiệu Matsuzaki, đều quây quần lại ăn chè, với cơm sushi của thần ban phát cho, và mải mê chơi bài, chơi súc sắc. Etsuko chợt cao hứng bảo:
-Cho em mượn cái đàn shamisen một tí.

thì liền được trao cho cây đàn của một cô học nghề geisha ở trong hiệu đang dùng để tập đàn. Dạo ấy, Etsuko đang mải mê tập đàn piano, nên có ngó ngàng gì đến đàn shamisen đâu. Xong Etsuko cũng bắt chước bộ điệu đặt đàn shamisen lên đùi, miệng ngập ngừng hát một làn điệu đã từng nghe, tay lần gẩy đàn.

Từ non cao đến vực sâu
Dưa cà đều nở hoa màu tốt tươi

Lạ thay, đây là lần đầu tiên Etsuko đặt tay lên đàn shamisen, ấy thế mà tiếng đàn phát ra nghe cũng ra trò hẳn hoi.

Mọi người xung quanh xôn xao cả lên, khen lấy khen để, bảo “Bé Etsuko chưa hề tập đàn shamisen bao giờ mà lại gẩy được bài Núi cao”.
Thấy thế, cha Etsuko bèn đứng dậy lấy đàn Chiyomaru xuống, đưa cho Etsuko, mà bảo rằng
-Con đàn thử xem nào.

Etsuko chỉ định đàn chơi, như thể chơi búp bê hay chơi nấu đồ hàng, không ngờ mà lại bấm đúng nốt cao thấp hẳn hoi, làm cô thích quá lại muốn thử tiếp, bèn đặt Chiyomaru lên đùi, tay phải cầm chiếc móng gỗ lên để gẩy đàn.

Tức thì các điệu hát mà các cô geisha vẫn tập đàn hàng ngày mà Etsuko vẫn nghe tai này bỏ tai kia chẳng buồn để ý hay thuộc làm gì, bỗng tuôn ra trong đầu, trong đó có bài “Tinh Tinh” * rất dài khó gấp mấy lần bài “Núi cao”, nhưng tuy là phải mò mẫm, vấp lên vấp xuống, nhịp thì không nói làm gì, thế mà rồi cũng gẩy được đúng điệu.

Nghĩ cho cùng, tai nghe tiếng đàn shamisen vang lên hầu như suốt ngày trong nhà, Etsuko đã thuộc lòng lúc nào không biết cũng là chuyện đương nhiên, lại thêm hàng ngày tập đàn piano, nên tuy mới lần đầu cầm đàn shamisen đã đàn được thì cũng không phải là lạ lắm, nhưng mọi người xung quanh trầm trồ tán thưởng, làm Etsuko xiêu lòng, từ đấy trở đi đâm ra thích đàn shamisen hơn bất kỳ loại nhạc cụ nào. Tuy thế Etsuko cũng không theo học với thầy dậy đàn, mà chỉ nghe tiếng đàn cho đến khi thuộc lòng, rồi tập lấy một mình, chẳng bao lâu đã thuộc hầu hết những bản nhạc mà bốn cô học nghề geisha ở trong hiệu vẫn đàn.

Những lúc một mình tập đàn như thế, tuy còn là trẻ con và chẳng biết gì về âm nhạc, xong Etsuko cũng cảm nhận được rõ ràng rằng gẩy chiếc đàn shamisen bình thường chỉ để tập đàn, với gẩy đàn Chiyomaru, khác nhau nhiều lắm.

Gẩy đàn shamisen bình thường phải vừa nhớ làn điệu vừa lần từng nốt nhạc, còn gẩy đàn Chiyomaru thì cứ như đang trên chiếc thuyền bềnh bồng trôi theo sóng êm biển lặng, tiếng đàn như thể cứ tự rung lên không hề lạc điệu. Chiếc đàn, dù chỉ lập đi lập lại một âm thanh đơn điệu, nếu không khiến người gẩy đàn trong lòng thấy thích thú thì người ấy sẽ không nghĩ rằng mình giỏi, nhưng đàn Chiyomaru thì hễ cầm lên gảy là Etsuko cảm thấy say mê quên hết mọi chuyện, đến nỗi nhiều lần bị cha bắt gặp, vì cha vẫn cấm, nếu không được phép thì không được sờ vào Chiyomaru. Đôi khi Etsuko cũng ngẫm nghĩ tự hỏi tại sao mình lại thích Chiyomaru đến vậy, rồi hiểu ra rằng tóm lại tuy cũng đàn như thế thôi nhưng Chiyomaru phát ra tiếng đàn hay, không một chiếc đàn shamisen nào sánh bằng, và tiếng đàn hay có nghĩa là người đàn giỏi, có sức lôi cuốn làm cho người đàn say sưa tự mãn.

Tuy vậy, vì là học lỏm nên Etsuko đàn chỉ để tiêu khiển một mình, chứ chưa đến mức có thể đàn cho ai nghe được. Các cô học nghề geisha ở trong hiệu học xong bậc tiểu học thì lần lượt trở thành geisha và rời khỏi nhà. Thế rồi chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt, đó là thời kỳ các chủ tửu lầu và các cô geisha bỏ bớt lệ phải gặp mặt nhau, việc môi giới dựa vào tin cậy chỉ cần ảnh và tờ lý lịch, trong hiệu vắng bặt tiếng đàn shamisen. Etsuko cũng ngày càng lớn, càng có ý hổ thẹn vì cái nghề dẫn mối geisha của gia đình, cho nên cũng chẳng ngó ngàng đến những thứ đàn địch để gẩy những bài hát dưới ngọn đèn hồng trong giới làng chơi như thế, và đã xa lánh hẳn Chiyomaru.

Từ cuối cuộc chiến Thái Bình Dương cho đến khi chiến tranh kết thúc, Etsuko cũng bước vào cuộc đời đầy sóng gió, lấy chồng, sinh con, sang Mãn Châu, rồi sống trong trại tị nạn, khi chiến tranh kết thúc suýt chết mới về được đến Nhật, nương náu nơi gia đình nhà chồng vốn làm nghề nông chỉ còn mẹ chồng một tay vun xới ruộng vườn.

Cái ăn cái uống thiếu thốn, lại không quen việc nhà nông, nên Etsuko bị bệnh ho lao cũng là điều đương nhiên. Etsuko vẫn còn nhớ rõ mồn một cái cảm giác tuyệt vọng tối tăm cũng như buồng phổi bị nám đen ngòm của mình, vào ngày được nghe báo cho biết tên bệnh tại một phòng mạch nhỏ trong phố. Thời ấy chưa có thuốc hay, nghe bảo rằng cách duy nhất để bình phục là tuân thủ ba nguyên tắc hít thở không khí, tẩm bổ và nghỉ ngơi, còn thì cầu xin Trời Phật phù hộ. Etsuko thấy nuối tiếc cho mình đã chịu đựng cam khổ trong trại tị nạn rồi may mắn tìm đường về được đến Nhật mà nay sẽ phải tuyệt mệnh vì bệnh tật.

Chữa bệnh thì tháng tháng một lần tay dắt đứa con gái đầu lỏng mới lên ba ra phòng mạch ngoài phố, được tiêm cho một mũi thuốc calcium, mà hễ vừa tiêm xong là khắp người cho đến cả mồm miệng cũng nóng bừng lên. Còn thì ngày ngày hết ngủ lại thức dậy trên gác nhà kho, để thấy cái chết dù muốn dù không cứ lừng lững tiến đến trước mặt mình từng giây khắc một. Không thuốc men, không có gì tẩm bổ, cũng chẳng được an dưỡng, không lúc nào không khắc khoải với ý nghĩ số phận mình là phải đối diện với cái chết, khiến Etsuko hết sức đau lòng. Những ngày cứ hâm hẩm sốt liên miên Etsuko lại cầu Trời khấn Phật xin cho được chết phứt đi cho rảnh, nhưng bình tâm nghĩ lại thấy thương con gái sẽ mồ côi mẹ, Etsuko lại thành kẻ ham sống dù chỉ thêm một ngày, lòng phiền muộn rối bời ngổn ngang trăm mối.

Trong những ngày tháng ấy, một hôm ở phòng mạch về, Etsuko đến thăm cha vẫn sống trong căn nhà nhỏ trên núi từ thời loạn lạc phải sơ tán đến đây. Etsuko đang kể lể bệnh tình cho cha nghe, bỗng đưa mắt nhìn vào góc phòng, thấy có một cái hộp hình thù hơi lạ, bèn hỏi thăm, thì hóa ra đó là chiếc hộp đựng đàn Chiyomaru.

Cha kể rằng sau khi Etsuko sang Tàu, thành phố Kochi đã bị oanh tạc, hiệu Matsuzaki cũng bị cháy rụi, chỉ còn mỗi cây đàn này là thoát nạn, nhờ đã được cho vào hộp đem cất trong chiếc chòi trên núi này. Trong những năm tháng Etsuko sang Mãn Châu sống xa nước Nhật, Etsuko thấy nhớ mọi kỷ niệm thân thương ngày trước, nên quên bẵng là đã có thời mình rất ghét đàn shamisen, liền mở nắp hộp ra, nâng chiếc đàn lên xem, thì tuy đã được tháo ra thành ba đoạn, nhưng quả đúng là chiếc Chiyomaru ngày xưa vẫn được gác trên giá để đàn shamisen.

Etsuko đưa bàn tay gầy gò bệnh hoạn run run lắp chiếc đàn trở lại nguyên hình dáng cũ, và gảy thử vài tiếng, thì quả đúng là Chiyomaru, tiếng đàn vẫn tuyệt vời đến phải vỗ tay khen thưởng. Nghe tiếng đàn ấy, Estsuko không muốn rời xa nó nữa. bèn hỏi cha:
-Thưa cha, cha cho con xin Chiyomaru được không ạ?

Cha Etsuko gật đầu “Ờ” một tiếng rồi im lặng hồi lâu.

Etsuko nhận ra là tóc cha đã bạc đi nhiều, lòng hơi hối hận vì mình vòi vĩnh làm phiền lòng cha, thì ông khẽ đằng hắng, bảo:
-Khi nghe tin con bị bệnh, cha đã nghĩ bụng hay là đem Chiyomaru đi thăm con để con đàn cho khuây khỏa thì còn gì bằng, nhưng rồi nghĩ kỹ lại, cha thấy nhà chồng con làm nông, chẳng lẽ mẹ chồng ngày ngày ra ruộng làm cả phần con dâu, mà con dâu ốm nằm ở nhà lại ngồi gẩy đàn, thì khó coi biết nhường nào. Lại còn hàng xóm láng giềng người ta trông vào nữa.
Thôi con ạ, cứ để Chiyomaru lại đây, con đem về không tiện đâu.

Cha Etsuko chậm rãi nói như cân nhắc từng lời, Etsuko ngồi nghe, gục đầu ủ rũ.

Thời chiến, chỉ có hai cha con mà kẻ ở Mãn Châu người thì trong nước, mỗi người một phương, cả năm trời biệt vô âm tín chẳng biết sống chết ra sao, mãi mới gặp được nhau thì con gái bị ho lao chẳng mong có ngày bình phục. Là cha, cho đứa con gái ngày xưa lần đầu tiên cầm đàn Chiyomaru đã gẩy bài Tinh Tinh nay bị bệnh, cha muốn tặng chiếc đàn đã thoát được binh lửa cho con giải khuây trong lúc chống chỏi với bệnh tật lắm chứ, nhưng nghĩ đến cảnh ngộ của con lúc này, tránh đem vào nhà chồng món đồ tiêu khiển của giới làng chơi thì mới là phải đạo.

Nghe nói phải ngại mẹ chồng, thân là người bệnh phải nhu thuận một bề, nên Etsuko thấy cũng phải, cha bảo sao thì nghe vậy, lại cất Chiyomaru vào hộp rồi cáo từ. Sau đó bệnh tình Etsuko vẫn không khá lên được chút nào, những ngày dài phiền muộn và mệt mỏi, không tài nào chịu đựng nổi, Etsuko luôn nhớ đến Chiyomaru, nhớ đến những lúc mải mê thích thú với cây đàn đến quên cả chính mình, nhớ tiếng đàn êm ái ấy. Etsuko cứ nghĩ phải chi được gẩy đàn Chiyomaru để quên được trong chốc lát cái chết khủng khiếp, nhưng không dám mở miệng hỏi xin cha. Chuỗi ngày phiền muộn lê thê ấy đã sắp được một năm kể từ ngày phát bệnh, cho đến một buổi chiều thu lộng gió.

Mỗi cơn gió thổi làm bụi bám vào xà ngang trên mái không có ván lát trần của nhà kho rơi lả tả là điều đại kị với người bị lao phổi, Etsuko bèn trùm chiếc khăn tay rồi quay sang nằm nghiêng, vừa trông chừng đứa con gái đang chơi ở đầu giường, thì bỗng có tiếng gọi
-Etsuko.

Etsuko ngoảnh lại thì thấy cha đã đứng ngay sau lưng.

Nhìn lại Etsuko thấy người cha già tay xách hộp đàn shamisen, không hiểu vì sao từ trên núi lặn lội đi xe đò xuống đây. Etsuko còn ngơ ngác chưa rõ nguồn cơn, thì cha đã dịu dàng ngồi xuống cạnh chỗ nằm của Etsuko, nói như dỗ dành.
-Con bị bệnh đã lâu rồi, cha nghĩ không chừng có lời cha xin thì mẹ chồng con cũng bằng lòng cho phép chăng, nên cha đem cái này đến đây. Người làng này ai cũng tốt bụng nhỉ, cha vừa từ trên xe bước xuống đã có người mách cho biết là mẹ chồng con đang chăm thửa ruộng lúa mì trên bãi sông. Cha liền đi đến và trình bày mọi sự. Mẹ chồng con vui vẻ bảo con cứ làm theo ý thích của con. Vậy con phải nhớ cảm ơn mẹ chồng con cho thật cẩn thận đấy. Nhưng mà Etsuko này.

Cha lấy lại giọng, nói:
- Tuyệt đối con không được đàn lúc ban ngày. Ban ngày cả làng người ta đi làm cả. Nếu người ta nghe được tiếng đàn shamisen từ nhà này vọng ra, thì mẹ chồng con sẽ không còn mặt mũi nào với làng nước. Nhớ nghe con, nhớ là phải chờ đến tối, lúc mọi người xong việc cả rồi, và đàn nho nhỏ bằng móng tay thôi.

Cha Etsuko dặn đi dặn lại mãi rồi mới đưa cây đàn shamisen ra.
Lúc ấy Etsuko nghĩ bụng, tuy đấy là chiếc đàn Chiyomaru vẫn mơ ước bấy lâu, đến giờ mới có được, xong liệu là mình còn đủ sức mà đàn như ngày bé hay không. Và có thể vì người bệnh thường hay nghĩ quẩn, nên Etsuko còn đoán già đoán non rằng biết đâu vì thấy mình không qua khỏi, sắp chết đến nơi, nên vốn là người trọng đạo lý, cũng chẳng mấy khi đến nhà chồng của con gái, mà nay cha phải tìm tới để đem cây đàn này đến cho mình. Tuy vui vì có được cây đàn Chiyomaru mơ ước bấy lâu, Etsuko không biết mình còn đàn được bao nhiêu hôm nữa, thấy buồn đến nghẹn lòng vì số kiếp mong manh, khi nhận chiếc đàn từ cha, đã vô ý để rơi một giọt lệ trên thân đàn.

Thế nhưng, chiếc đàn Chiyomaru như có phép mầu, từ khi để nó ở đầu giường, Etsuko từ từ sung sức trở lại, chính mình cũng cảm thấy hai bờ mi u tối bắt đầu hé mở, dù chỉ dần dần từng tí một. Etsuko suốt ngày nằm bệt trên gác hai nhà kho, ngại ngùng e dè với mẹ chồng, và phập phồng lo sợ bước chân ghê rợn của tử thần đang tiến dần đến gần, thế mà chỉ chợt nghĩ đến tối sẽ được cầm đàn shamisen lên gẩy, thì bóng dáng tử thần bỗng chợt lùi xa, và ban ngày Etsuko đã ra sức cố nhớ cho bằng được những điệu đàn năm xưa, miệng khẽ hát thầm. Cái cảm giác lâu ngày mới đặt chiếc đàn Chiyomaru lên đùi, là cảm thấy cây đàn nặng chịch như đè lên tấm thân gầy còm, ban đầu hì hà hì hục bê đàn, thế mà ngày một ngày hai chiếc đàn cứ nhẹ bẫng dần, chỉ ít lâu sau nó đã nằm gọn trong vòng tay Etsuko. Tối tối, mỗi khi được nhấc đàn lên, Etsuko cảm thấy như đó là một lần hạnh ngộ. Dần dà, không biết có phải nhờ thần thánh phù hộ hay không mà bệnh tình của Etsuko vốn không còn được thầy thuốc đoái hoài nữa, thì nay lại dần có dấu hiệu hồi phục.

Hai năm sau khi phát bệnh, những lỗ hổng ở hai đầu hai buồng phổi trống rỗng đã cứng lại thành vôi. Etsuko
không còn thấy tức thở nữa, những cơn sốt âm ỉ lui hẳn. Etsuko không bao giờ quên được niềm vui khi được bác sĩ bảo đảm là đã hoàn toàn bình phục, tuy là vẫn phải chú ý theo dõi. Etsuko có cảm tưởng như đang từ mộ địa sống lại, mọi vật trước mắt đều hiện ra mới mẻ, tươi vui, rực rỡ.

Dù không thể nói hẳn ra rằng Etsuko bình phục như một phép lạ như thế là nhờ Chiyomaru, nhưng ít nhất thì cũng chẳng phải là nhờ bên mình đã có một thứ trong khoảnh khắc đưa mình đến cảnh giới vô ngã, và tạo cho mình niềm hy vọng mong đợi một ngày mai tươi sáng đó sao? Lẽ ra, nếu có kính cẩn đặt Chiyomaru lên kệ ở chỗ trang trọng nhất trong phòng cũng đáng. Nhưng thói đời thường vẫn thế, hễ khỏe mạnh ra thì lại suốt ngày bận rộn công kia việc nọ, nên rốt cuộc đa phần là Chiyomaru lại bị bỏ vào hộp cất vào một chỗ, chẳng được ngó ngàng đến.

Chẳng phải là Etsuko không thích Chiyomaru nữa, nhưng vốn là người có sở thích chơi các nhạc cụ, nay lại có thêm nhiều sở thích mới khác nữa, nên chẳng còn thì giờ ngó ngàng đến Chiyomaru.

Tuy vậy, thỉnh thoảng để chăm sóc lau chùi, vào những ngày đẹp trời, Etsuko lại lấy đàn ra khỏi hộp, và gẩy một vài làn điệu còn nhớ lõm bõm, tuy đã trải bao năm tháng, tiếng đàn vẫn không hề sai lạc, suy xuyển, và khi nào cũng giải khuây cho Etsuko.

Sau khi khỏe mạnh trở lại, cuộc đời Etsuko lại gặp sóng gió, và một năm trước đây, tình nghĩa vợ chồng suốt hai mươi năm cũng đứt đoạn, cả đến đứa con gái cũng phải để lại nhà chồng, một thân một mình trở về nhà cha mẹ đẻ. Mới một năm trước, cha Etsuko cũng qua đời, Etsuko phải bán tất cả đồ đạc còn lại trong nhà để sống những ngày vô vọng, thế nhưng Etsuko cố tránh không than vãn hay oán trách số phận hẩm hiu của mình. Dù sinh ra dưới một ngôi sao nào, con đường đi tới khi nào cũng chuyển hướng không ngờ, bị sóng dập gió vùi, đến khi chợt nhận ra rằng đến tuổi tứ tuần thông tỏ sự đời thì lại phải sống cô độc một minh trong căn nhà trống trải như có ánh lửa ma quái chập chờn. Etsuko đành chấp nhận rằng, dù có chống trả, số mệnh cũng không biến chuyển tốt đẹp hơn, chẳng còn cách nào hơn là phó mặc cho dòng đời trôi chảy, đến đâu hay đến đấy, chẳng nghĩ được điều gì, lòng đau như cắt vì đến nhà ở cũng sắp phải trao qua tay người. Nếu mà nghĩ gì thì có khi đã tự vận rồi cũng nên, nhưng vì chẳng nghĩ gì được nên mới ra nông nỗi trôi sông lạc chợ thế này.

Etsuko đã phải đem cầm từ bộ cần câu cha vẫn ưa dùng, những món đồ chạm trổ tinh xảo có được qua giao dịch với người Tầu, chiếc ghế sơn mài và cái kệ chống tay cha vẫn dùng từ khi ngã bệnh, cặp kính gọng đồi mồi, tất cả những món đồ ấy còn mang hơi hướm của người cha, Etsuko cũng lần lượt gói vào chiếc khăn dùng làm tay nải và vì không biết đem đi đâu thì bán được tiền, nên đành đưa cả cho bà chủ hiệu cầm đồ, chẳng dám nói ra miệng rằng muốn bà ta trả cho bao nhiêu, khi ra về với món tiền tùy hỉ bà ta trả cho, Etsuko không hề để rơi giọt lệ.

Chẳng phải là Etsuko lòng sắt dạ đá cứng cỏi gì cho cam, mà đó là chỉ sợ một khi đã để cho nước mắt trào ra, thì sẽ chìm vào nỗi bi thương, oán hận, than vãn mà rủa xả mọi thứ, để rồi sẽ rơi xuống địa ngục của tâm hồn.

Trong những lúc như thế, Etsuko vẫn tự nhủ nhất định sẽ không rời Chiyomaru, thế nhưng một chiếc đàn shamisen không thể nói là cần cho cuộc sống, còn thân mình chỉ còn một túi xách trên tay, nay mai không biết sẽ trôi dạt về đâu, Etsuko cũng không dám đoan chắc rằng chiếc đàn sẽ được bình yên. Cả một ngày trời ngồi ngắm Chiyomaru và suy nghĩ vẩn vơ chẳng biết tính sao, tối đến, Etsuko đã ôm chiếc đàn vào lòng rời nhà ra đi. Đêm hôm khuya khoắt mà cầm món đồ ra đi như thế thì chỉ có là co ro đến trước cái quầy dưới ánh đèn tù mù quen thuộc mọi ngày.

Thực tình mà nói thì lúc ấy, Etsuko chìa chiếc đàn ra mà chẳng có ý định gì rõ rệt, xong khi vừa nghe bà chủ hiệu cầm đồ chê là đàn hỏng, Etsuko bỗng cảm thấy như có cái gì ngủ quên bấy lâu trong lòng mình bỗng bừng tỉnh dậy. Dường như là câu nói cửa miệng của những người đàn ông làm công trong hiệu “Đàn Chiyomaru mà ông chủ đã mất công uốn nắn lâu ngày”, và ký ức được cứu sống bởi chiếc đàn có biệt hiệu như nghệ danh của cha với người geisha mà ông đã phải lòng, như đã vỗ vào vai Etsuko, đánh thức dậy cái khí khái trong lòng.

Etsuko cũng biết đây là chiếc đàn quý được cha yêu quý vô vàn, thế mà cha đã đem tặng cho đứa con gái đang lâm trọng bệnh. Tấm lòng ấy, hễ nhớ đến là Etsuko lại càng thấy thấm thía tình sâu nghĩa nặng. Lại nghĩ đến nhờ nó mà Etsuko đã từ vực sâu của cõi chết ngoi lên được, thì cho dù có sa sút đến thế nào nhất định là Etsuko không thể để nó rơi vào tay người khác.

Cây đàn vừa mới bị nhiếc là không đáng để đem cầm cố, thế mà lại hay. Etsko cầm hộp đàn quay trở lại con đường cũ, vừa đi vừa nghĩ miên man cách thu xếp thế nào để Chiyomaru được yên nghỉ, không bị lọt vào tay ai. Cách mà Etsuko đã nghĩ đến trước tiên là đem chôn Chiyomaru bên cạnh mộ phần nơi cha yên nghỉ trên núi Godai, như thế ổn thỏa nhất. Thế nhưng trên ngọn núi Godai đen ngòm nằm ngay trước mặt chẳng thấy một ánh đèn, đêm hôm khuya khoắt thế này, đàn bà con gái một mình làm sao có can đảm trèo lên tới đó. Etsuko vừa đi vừa nghĩ ngợi thì lên tới cây cầu này, ngước nhìn trời sao, để vừa kịp thấy một ngôi sao băng lớn từ trên đỉnh núi nơi cha yên nghỉ đang rơi thành vệt dài trắng xóa, trước khi biến mất ngay trên đỉnh đầu.

Etsuko nhớ lại ngày bé, nghe nói hễ thấy sao băng rơi vào trong tà áo là sẽ có điều hay, nên cứ đến tối là leo lên sân phơi quần áo đứng ngắm sao, nhưng với tình cảnh Etsuko hiện nay không thể nghĩ là có điều gì may được. Chỉ có điều khi sao băng vụt tắt, cái ý nghĩ nên ném Chiyomaru xuống sông Kuma này bỗng lóe lên trong đầu.

Etsuko chạy lúp xúp theo hàng lan can thành cầu bằng gỗ đã mục, tay vịn lên thành cầu mà dòm xuống sông. Sông Kuma đổ ra vịnh Urato, là nơi có nhiều cá, và là chỗ mà cha Etsuko vốn thích câu cá, thường đi câu ở đấy. Những ngày mùa thu nhằm vào mùa câu cá bống, cha thường dắt theo mấy bác người làm, hình ảnh cha đi thuyền ra vịnh hưởng thú chèo thuyền dạo chơi trong vịnh hiện lên rõ mồn một trước mắt Etsuko.

Được ném xuống sông Kuma, Chiyomaru sẽ chìm xuống đáy sông, xuôi theo dòng nước sẽ từ từ trôi ra vịnh Urato, rồi chiếm một chỗ nào đó trong đám rong rêu dưới đáy vịnh, hẳn là từ nay mãi mãi sẽ được yên nghỉ ở đấy. Chỉ mường tượng thế, Etsuko cảm thấy đó là cách mai táng thích hợp nhất cho một chiếc đàn quý như Chiyomaru.

Dưới bầu trời sao, nhìn xuống thấy lòng sông Kuma đã cạn phủ đẩy lá khô, chỉ còn lại một giải nước con con trông như đai lưng obi chảy một bên mé sông. Etsuko chạy trên cầu đến ngay phía trên dòng nước ấy để có thể ném Chiyomaru xuống đúng vào giữa dòng nước chảy.

Tay ôm đàn mà Etsuko run lẩy bẩy, như thể chính mình sắp trầm mình tự vẫn. Tuy trong lòng đã quyết, mà hai tay vẫn không tài nào ném được. Etsuko tự nhủ là sẽ đếm tới mười rồi nhất quyết phải ném, bèn cất tiếng chậm rãi đếm. Khi đến số mười, Etsuko chợt nhận ra là mình đã lùi xa cách thành cầu đến bảy tám bước. Nhất định là lần này phải ném, Etsuko tự trách lòng sao vẫn còn lưu luyến, và lại đếm một, hai, ba… đoạn lấy hết sức tung chiếc đàn lên. Chiyomaru bay vụt qua trước mắt Etsuko như một cánh chim đen láy thon thả, dường như rơi xuống lá khô chứ không phải trên mặt nước, phát ra một tiếng trầm đục.

Etsuko tưởng chừng như đó là tiếng rên của Chiyomaru trước khi giẫy chết. Etsuko đứng yên như bất động, mắt dõi tìm theo hướng vừa phát ra tiếng động ấy, nhưng chẳng còn thấy gì nữa.

Chiyomaru của Miyao Tomiko
Quỳnh Chi dịch (31/8/2022)

*”Con đười ươi”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc