Những ngày sau chứng ngộ

28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 9728)

Những ngày sau chứng ngộ


 (1709-1716, 24-31 tuổi)

 


 Trong chuyến du hành trở về chùa Tùng Âm, mặc dù gian nan, vất vả, nhưng Bạch Ẩn vẫn luôn nhớ lời sư phụ Chánh Thọ dạy và tinh tấn hành thiền mỗi đêm. Những kinh nghiệm tiểu ngộ, đại ngộ đến không kể xiết. Tuy nhiên, dù sự sâu xa của những kinh nghiệm chứng ngộ này đã rõ ràng, sự đạt ngộ đối với Bạch Ẩn dường như vẫn còn có gì thiếu sót. Dù thông qua được những công án Thiền, nhưng khi phải đối diện với những xao động của đời sống hàng ngày, Bạch Ẩn vẫn không có được sự an bình, tỉnh giác như những lúc tọa thiền tĩnh mịch trong thiền đường. Sự khế hợp lý và sự, tịnh và động quả không phải là điều dễ dàng. Sư đã than thở như sau:


 “Tôi cảm thấy như một y sĩ có kiến thức tuyệt vời về y học nhưng không có phương tiện gì hữu hiệu để chữa trị một căn bệnh thực sự. Làm sao tôi mong chữa trị cho các chúng sanh khác trong khi chính tôi còn chưa chữa được cho mình?”

 

 Căn bệnh của Bạch Ẩn, chẳng bao lâu, đã thực sự thể hiện nơi thân với những triệu chứng bất thường, tim nóng như lửa đốt và cơ thể khô kiệt lại, khiến hai lá phổi như bị đè nặng lên. Căn bệnh không tên không có thuốc nào chữa được khiến tinh thần xuống dốc thê thảm, Bạch Ẩn thường xuyên ở trong trạng thái buồn rầu, u uất, hồi hộp lo sợ vẩn vơ, không còn có thể tập trung làm được việc gì, mà chỉ muốn trốn vào một chỗ ngồi bất động như chết. 


 Trong tình trạng đó, Bạch Ẩn muốn đi khắp nơi tìm thầy chữa trị, nhưng không thể rời giường bệnh của thầy, dù chỉ trong một lúc. Đang lúc tiến thối lưỡng nan, bỗng nhiên một ngày nọ, một người sư đệ của Bạch Ẩn nghe tin thầy bệnh đã không quản ngại đường xá xa xôi, đến tận nơi xin săn sóc cho thầy.


 Dịp may đến, được thầy cho phép ra đi, Bạch Ẩn mừng rỡ, sửa soạn khăn gói lên đường tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm. Từ thiền viện này qua thiền viện khác, Bạch Ẩn đã tìm gặp những thiền sư nổi tiếng, trình bầy vấn đề và hỏi xin giúp đỡ, nhưng tất cả đều không làm được gì, chỉ nói đó là một căn “bệnh Thiền.” Trạm dừng chân cuối cùng của Bạch Ẩn là thiền sư Egoku Osho ở vùng Izumi. Egoku đã khuyên như sau:


 “Cố tìm cách chữa trị bệnh Thiền chỉ làm cho trầm trọng hơn thôi. Hãy đi tìm một nơi chốn nào thật hẻo lánh, yên tĩnh nhất, rồi về đó chỉ chuyên tâm tọa thiền, nhất quyết tọa thiền cho tới khi nào khô héo đi với cây cỏ núi rừng. Đừng có bỏ hết cuộc đời còn lại đi lung tung khắp nơi tìm kiếm người giúp đỡ, chẳng ích lợi gì đâu.”


 Nghe lời khuyên của Egoku, Bạch Ẩn đã đi khắp nơi tìm một chốn thích hợp để ẩn cư nhập thất, và trên con đường du hành đó sư đã đến cư ngụ tại nhiều ngôi chùa khác nhau. Ngôi chùa đầu tiên là Inryo-ji, một thiền tự thuộc dòng Tào Động tại vùng Izumi, ở gần chỗ của đại sư Egoku. Ngôi chùa này đang có khoảng 50 người tu tập. Trong số đó Bạch Ẩn tìm thấy một người bạn tâm giao là Jukaku Joza, một vị huynh trưởng có tâm rất chân thành với đạo pháp. Hai người thi nhau tọa thiền không ngưng nghỉ trong bẩy ngày, và cả hai đều tinh tấn không ai kém ai. Vị phương trượng trụ trì, mến phục tài của Bạch Ẩn, đã tha thiết mời sư ở lại làm người kế vị, nhưng vì còn muốn đi chu du khắp nơi tìm gặp những bậc thầy uyên bác, nên cuối cùng Bạch Aån đã lại ra đi. Trên đường đi, sư tiếp tục có những kinh nghiệm đại ngộ (trong cuộc đời sư, có tới 18 lần đại ngộ, còn tiểu ngộ thì không kể xiết). Bạch Ẩn đã kể như sau về một lần đại ngộ đó:

 

 “Trên đường đi từ chùa Inryo-ji đến Kyoto, tôi gặp một cơn bão dữ dội. Nước mưa như những tấm màn trắng xóa đổ xuống ào ạt, biến con đường thành tràn ngập bùn lầy, làm lún mắt cá chân tôi trong mỗi bước đi. Nhưng tôi cứ tiếp tục dấn bước trong mưa mù, quên hết những hạt mưa đập xối xả, vừa đi vừa ngâm nga hát trong miệng. 


 Đột nhiên, tôi bỗng thấy mình thấm hội được câu kệ của Đại Huệ mà bấy lâu nay vẫn hằng suy ngẫm, “Lá sen, những cái đĩa toàn hảo, tròn hơn cả gương; Củ năng, những cây kim nhọn, sắc hơn cả mũi khoan.” Cũng tựa như là đột nhiên thấy mặt trời hiện ra sáng chói trong màn đêm dầy đặc vậy. Quá vui mừng sung sướng, tôi trợt chân, lảo đảo rồi ngã nhào xuống bùn. Aùo tôi ướt sũng, nhưng tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng, “Xá gì một cái áo dính bùn, nếu so với niềm vui tuyệt vời đang có đây?” tôi lăn người, nằm ngửa ở đó bất động, chìm ngập trong đất bùn. 


 Một vài lữ khách đi ngang qua lúc ấy vội vàng chạy đến, hốt hoảng, hoang mang nhìn vào thân hình đang nằm như chết trong bùn. Những bàn tay nắm lấy tôi, cố đỡ tôi dậy. “Ông ấy có tỉnh không?” Họ kêu lớn, “Ông ấy có chết không đó?” Một người hỏi.


 Khi hồi tỉnh trở lại, tôi dơ hai tay vỗ vào nhau thích thú rồi phá lên cười sằng sặc. Những người đến cứu giúp tôi lùi lại, nhìn tôi cười ngẩn ngơ. Rồi họ phóng mình chạy mất, vừa đi vừa la “Ông thầy điên! Ông thầy điên!” (đây cũng giống như kinh nghiệm chứng ngộ mấy năm trước ở Iiyama). Tôi vừa trải qua một trong mười tám lần đại ngộ mà tôi đã nói đến trước đây.”

 

 Cuộc hành trình tiếp tục, đến Kyoto Bạch Ẩn tình cờ gặp lại một số bạn đồng tu cũ. Họ vừa đi thăm viếng đại sư Kogetsu ở Hyuga trở về . Qua câu chuyện thăm hỏi, Bạch Ẩn được biết Kogetsu là một đại sư tài giỏi hiếm có, nhưng một người khác lại cho biết ở Wakasa có một vị lão sư thật kiệt xuất, vốn là thị giả của Sekiin Roshi, người truyền thừa của Quốc sư danh tiếng Gudo. Tetsudo được rất nhiều người từ khắp các nẻo đường đời, khắp các nẻo đường quê hương tìm đến quy ngưỡng. Hơn nữa, Tetsudo lại chính là sư thúc của Chánh Thọ lão nhân! Vui mừng phấn khởi, Bạch Ẩn quyết định dẹp bỏ hết những chương trình khác để đến tham vấn lão sư Tetsudo. Trên đường đi đến chùa Viên Chiếu (Ensho-ji), sư đã ghi lại cảm nghĩ như sau:


 “Chẳng biết con đường Pháp là xa hay gần, tâm tôi bây giờ đang di động theo những lối mòn nhỏ hẹp đến Wakasa. Tâm con người, giống như một thung lũng đen, tới một ngã rẽ sáng sủa bỗng dưng biến thành một giòng nước trắng trong. Như một chiếc thuyền nan nhỏ bé, mong manh, lênh đênh theo giòng nước chìm nổi, tôi lãng đãng phiêu du theo những bước chân vọng cầu, cho đến khi cuối cùng đến đuợc bờ biển hẹp ở Obama.”

 

 Sau một lúc lâu vừa đi vừa hỏi đường, Bạch Ẩn đã đến được chùa Viên Chiếu, một ngôi chùa cổ kính trong thôn Ozaki, và được đại sư Tetsudo nhận cho vào trú ngụ. Trong thời gian ngắn ngủi ở đó, Bạch Ẩn đã làm thị giả cho đại sư Tetsudo. Khóa kiết hạ vừa chấm dứt, sư được ngài Tetsudo cho phép ra đi, tiếp tục lên đường tìm kiếm nơi ẩn cư, một túp lều tranh, mà Bạch Ẩn đã sực nhớ lại, ở trong một vùng rừng núi gần Sugeya thuộc lãnh địa Mino.


 Một lần nữa Bạch Ẩn lại lê gót chân trên con đường lữ thứ cô đơn, lòng man mác một nỗi niềm cay đắng, nghĩ đến tương lai chưa thấy một tia ánh sáng nào. Sau những ngày lang thang vất vả, khi tới Sugeya thuộc lãnh vực Mino, một nơi hiểm hóc trong rừng sâu, Bạch Ẩn phải hỏi quanh mới đến được chốn cũ ; nhưng than ôi, sau khi vị sư trụ trì ở đó đã viên tịch, túp lều tranh xưa giờ chỉ còn là sự suy tàn đổ nát.


 Lỡ bộ, không biết đi đâu, làm gì, Bạch Ẩn đành đến trú ngụ tại một tu viện tại Iwasaki. Ơû đó có khoảng 50 vị tăng, nhưng họ đều tu theo kiểu mà Bạch Ẩn gọi là “Thiền bất sanh”, một lối tu đang lan tràn lúc ấy. Ngày qua ngày, những người này tu như một cái máy, chỉ tìm sự an lạc thụ động mà không có một chút nhuệ khí, một ý chí mãnh liệt muốn nỗ lực công phu đạt đến cứu cánh cao thượng của đạo giải thoát. Bạch Ẩn diễn tả như sau:

 

 “Ngoài hai bữa ăn sáng và trưa, mà tất cả bọn họ đều rất tận tình hưởng ứng, chúng tăng già cũng như trẻ cả ngày chỉ ngồi như những khúc gỗ trong những hàng dài vô vị, đầu gục lên gục xuống như những anh chèo đò. Đến đêm, họ vểnh tai lên chờ đợi tiếng chuông báo hiệu xả thiền. Sau khi xếp gối thành những hàng dài, họ bắt đầu nằm xuống ngủ. Trong khi làm những việc đó, họ lớn tiếng lập đi lập lại: “Đại an đại lạc! Đại an đại lạc!”


 Chỉ có mình tôi là biểu dương một ý chí quyết tâm, thề sẽ không hề nằm xuống ngơi nghỉ. Không có một lần nào tôi đã tự cho phép mình ngủ gục. Giờ nhìn lại, tôi thấy rằng những câu tụng mỗi đêm “Đại an đại lạc” đó đã có công hiệu thúc đẩy tôi càng tăng thêm quyết tâm sẽ không nằm xuống ngủ nghỉ.


 Một lần, khi ở trong phòng vị trụ trì, tôi đã đem vấn đề này nói với ông: “Tôi thấy những vị sư tu ở thiền đường này dường như xem việc ngủ và ngồi như những khúc cây khô là điều quan yếu nhất vậy. Nếu cứ vậy, chắc chắn họ phải đọa vào một cõi rất xấu sau khi chết – Địa Ngục Aùo Đen hay Địa Ngục Núi Đè chẳng hạn. Khi điều đó xẩy ra, ngài không nghĩ là họ sẽ oán ngài lắm sao?”


 Vị trụ trì bảo tôi không nên xen vào những việc không dính dáng một cách không cần thiết, làm vậy sẽ khiến tôi xao lãng việc tu của chính mình, và tôi phải ngưng ngay lập tức.


 “Nhưng bạch Thầy, những điều họ làm không khiến thầy mở mắt ra sao?” Tôi hỏi.


 “Anh không cần quan tâm gì đến mắt của ta,” ông trả lời.


 “Nhưng ngài là người làm gương, để tôi theo đó mà bắt chước. Nếu tôi không quan tâm đến mắt của ngài, làm sao tôi làm điều đó được?”


 “Trong quá khứ,” ông nói, “Ta vẫn thường tin rằng một lúc nào đó sẽ có sự đả thông lớn lao. Ta đã chịu đựng rất nhiều gian khổ để đạt được điều đó.”


 Tôi hỏi lại, “Thế thì tại sao ngài không chấp nhận rằng các đệ tử của ngài cũng sẽ có sự đả thông một lúc nào đó và bắt họ phải vận dụng những công phu khó nhọc để mở mắt ra được? Nếu ngài để mặc kệ họ muốn làm gì thì làm, cho phép họ cứ tiếp tục như thế này, thì rõ ràng là họ sẽ chẳng bao giờ mở mắt ra được trong cuộc đời này. Nếu họ chết trong tình trạng đó, chắc chắn họ sẽ rơi ngay vào địa ngục Aùo đen. Lúc đó, họ sẽ oán trách ngài biết bao.”


 “Anh chỉ cần quan tâm đến mắt anh là đủ. Không cần lo lắng chuyện gì khác.” Ông nói, “Quên chuyện mắt của người khác đi.”


 “Mắt tôi à?” Tôi trả lời, “Ngài có đem cả trăm cái búa đập đá đến đập nó ngày đêm, không lúc nào ngơi nghỉ, thì cũng chẳng thể làm trầy được mặt ngoài của nó đâu.”


 Vị thầy cười nhạt, bỏ lơi câu chuyện. “

 

 Sau khi khóa tu chấm dứt, Bạch Ẩn được phép rời khỏi chùa đi nơi khác. Cuộc đời lang thang đây đó kiếm tìm tới đây vẫn chưa chấm dứt được.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng