HÒN ĐÁ BỎ ĐI / SUTEISHI - Quỳnh Chi dịch

04 Tháng Sáu 20226:05 CH(Xem: 935)


hòn đá

Hòn đá bỏ đi

 

Ông Miyazawa ra khỏi cửa ga, nhìn quanh nhưng không thấy bà Tominaga ra đón. Thường thường, hễ ông đi đâu mà nửa chừng trời đổ mưa như hôm nay, là lúc về bao giờ bà Tominaga cũng cầm dù ra đợi sẵn ở ga.

Mình hãy nán lại chờ một lát.

Ông nghĩ bụng thế và ngồi đợi trên chiếc ghế dài ở nhà ga, rồi vẩn vơ nhớ lại, không biết từ khi vợ bỏ đi đến nay đã ba mươi năm rồi, đã bao nhiêu lần trời bất chợt đổ mưa như thế này và bà giúp việc tên Tominaga đã ra tận ga đón ông.

Dĩ nhiên là ông không nhớ chính xác được là bao nhiêu lần, mà chỉ nhớ rõ nhất là hình như vào khoảng cuối hè gặp cơn mưa giông về chiều, khi vừa về tới ga thì mưa cũng vừa tạnh, nhưng vì thấy ái ngại cho bà Tominaga ra đón mình, ông cứ chống dù lên bảo “Ồ không, trời vẫn còn mưa lất phất đấy là gì” và cứ thế đi về đến nhà. Bà Tominaga cũng làm như ông, cũng chống dù đi. Cơn mưa đã tạnh hẳn rồi, hai người cầm dù đi lên con dốc dọc theo đường rầy nhuộm ánh ráng chiều, ngượng ngịu lặng lẽ bước đi. Nhưng trong cái đầu chỉ còn hai năm nữa là đến tuổi thất thập, ông không còn phân biệt được là chuyện ấy mới xảy ra vào mùa hè năm nay, hay thực ra đã hơn ba mươi năm trước. Ông còn có cảm giác như là lúc ấy đi với vợ chứ không phải là với bà giúp việc.  Ánh ráng chiều đỏ thắm và trong trẻo, nhưng ông có cảm tưởng như thấy trong màu đỏ ấy sự phản bội của vợ. Hình ảnh hàng rào kẽm gai của đường rầy trong ánh nắng chiều trông như những sợi chỉ rối chỉ chực đứt, vẫn còn sót lại trong ký ức. Nếu vậy thì có lẽ đó là vào lúc ngay trước khi vợ bỏ nhà đi.

Ông đợi được năm phút thì đành cứ thế bước đi trong mưa. Mưa mỏng như màn sương, từ ga về đến nhà vốn cũng chỉ mất chừng năm phút.  Cơn mưa hiền hòa lặng lẽ thấm ướt một góc con phố gần đây đã biến thành khu dân cư, con đường dốc dác mọi ngày như cũng trải ra thoai thoải.

Ông mở cửa, lên tiếng gọi, nhưng không có tiếng trả lời. Ông bước vào, đi qua hành lang, dòm vào nhà trong, thì thấy bà giúp việc đang ngồi khâu vá khuất sau cánh cửa dán giấy hoa tiên.

-Tôi về rồi đây.

Nghe tiếng ông, bà giúp việc giật mình quay lại, rồi thoắt một cái, bà đâm bổ ra vườn vơ vội quần áo đang phơi ngoài sân vào. Ông đã mua máy sấy quần áo cho bà ta dùng, nhưng những ngày trời không mưa, dường như bà ta vẫn phơi quần áo ngoài vườn.

-Xin lỗi, tôi vô ý không biết trời đổ mưa.

Bà vội vàng lấy quần áo ra cho ông thay. Đem quần áo bị ướt đi giặt lại, rồi một lát sau bưng trà ra.

-Bà Tominaga dạo này hơi nặng tai thì phải?

-Làm gì có chuyện ấy, tai tôi vẫn chưa làm sao cả ạ.

Bà Tominaga đáp rồi đeo kính lão lên tiếp tục khâu vá.

Giọng nói khàn khàn của bà có vẻ hơi bướng bỉnh. Đúng là bà đã ngoại lục tuần, nhưng chưa đến cái tuổi bị nặng tai. Lưng hơi còng và dáng người không còn thon thả nữa, nhưng không biết có phải vì chưa một lần kết hôn, nên dáng người tròn trịa của bà đâu đó vẫn còn như chưa nẩy nở.
-Nếu thế thì tại mưa rơi không thành tiếng ư.

Miyazawa đưa mắt nhìn ra vườn. Không phải là mưa rơi không thành tiếng, mà là tiếng mưa đã át đi tiếng cây lá thì thầm trong khoảnh vườn con con mà rậm rạp xum xuê, và tiếng xe điện chạy qua, khiến cảnh vật tĩnh lặng hơn mọi ngày. Trời ấm suốt hai ba hôm liền trước đó, nên mầu sắc của khu vườn đang đẫm ướt nước mưa báo hiệu mùa đông đã đến. Màu rêu bám trên hòn đá vẫn đặt dưới gốc cây tùng trông thẫm hơn hẳn mọi ngày. Căn nhà và khu vườn này cũng mỗi năm một tàn tạ dần, nhưng chỉ riêng lớp rêu ấy là cứ theo những năm tháng đã trôi đi mất càng ngày càng dầy lên và thẫm mầu hơn.

-À thưa ông, thế hôm nay ông đi xem mặt thế nào rồi ạ?

-Chẳng phải là đi xem mặt xem mũi gì trịnh trọng đâu. Thì bà ấy cũng là người không đến nỗi nào..

-Nhưng nghe đâu là bà ở đằng phố Gotanda ưng ý bà ấy lắm mà.

Thật ra thì cũng là vì em gái ông nhà ở Gotanda là Kiyo lấy chồng là giám đốc một công ty kha khá, cứ nằng nặc đòi giới thiệu, nên bất đắc dĩ ông đành phải cất công đi xem mặt vậy. Kiyo đã nói không ngoa, “ bà ấy là người trung trinh, từ khi góa bụa vì chồng bị tai nạn qua đời vẫn ở vậy làm thầy dậy cắm hoa, người đằm tính lại tinh tế, hợp với anh lắm đấy”. Đó là một người đàn bà có tuổi, trông dịu dàng quý phái. Vừa dùng cơm ở khách sạn với người đàn bà ấy, ông vừa nghĩ bụng, không biết mình còn sống thêm được bao lâu nữa, nhưng trong quãng đời ngắn ngủi còn lại nếu có thêm một người đàn bà như thế tô điểm thêm hương sắc cuộc đời, kể cũng là hạnh phúc lắm rồi. Thực sự là ông đã nhiều lần nghĩ như thế.

Tuy nhiên, có một điều làm ông bận lòng.

-Bà Tominaga này, khi bưng chén trà lên uống, Akie có tật hay giơ ngón trỏ lên không nhỉ?

-… Chà..

Không biết có phải vì đột nhiên nghe nhắc đến tên người đàn bà đã từng là vợ ông ba mươi năm trước, nên bà Tominaga lấy làm lạ hay sao, mà bà ngửng mặt lên, và nhướng mắt nhìn ông qua cập kính lão.  Đôi mắt bé tí như hạt hoa bìm bìm của bà ta không hiểu sao những lúc như thế này có vẻ như có ẩn ý gì ấy, làm ông thấy bồn chồn bứt rứt. Khi mới thuê bà ta được ít lâu, ông đã định dặn bảo đừng có nhìn như thế mà không nói được, để đến nay đã hơn ba mươi năm, ông đã quen với ánh mắt ấy không biết tự bao giờ.

-Chủ nhật tuần sau Kiyo sẽ đưa bà ấy đến đây chơi, hay là bà Tominaga cũng gặp xem thử hộ tôi nhé… Tôi chịu thôi, chẳng biết gì về các bà các cô cả.

Miyazawa chỉ nói thế, rồi đi về phòng làm việc với bản cảo dở dang chưa kịp thời hạn. Gần đây viết tiểu thuyết thấy mệt quá, nên ông chỉ nhận viết tùy bút lăng nhăng, thế mà chỉ một bài viết ngắn như thế cũng mất ba hôm rồi.

Thế rồi ông cũng xoay sở viết xong được đến giòng cuối cùng, thì đúng lúc ấy, bất chợt có tiếng bà Tominaga bên ngoài cửa, rồi bà ta thò đầu vào.

Bà ta nói muốn mở nắp đồ hộp, của nhà xuất bản gửi biếu hôm qua, để dọn cơm tối cho ông, đoạn bà chìa cái mở hộp với hộp thịt ra. Bà giúp việc chu đáo đầy đủ mọi việc, không chê vào đâu được, chỉ mỗi một tội không biết cách mở đồ hộp, nên ông Miyazawa cứ phải làm việc này.

-Thưa ông, hôm nay xin ông cho về sớm hơn mọi ngày một giờ đồng hồ, được không ạ?

Đợi ông mở xong và đưa hộp cho, bà ta hỏi thế, bảo là đã mua được vé xem hát.

-Thế à? Bà đi xem với bà em dâu hả?

Bà Tominaga định lắc đầu, xong lại trả lời lấp lửng ”Dạ..” và có vẻ như định nói điều gì đó, xong rốt cuộc vẫn chẳng nói gì, cứ thế cáo lui. Bà ta ít nói, có khi ít lời đến độ khó ưa được. Bà ta ở chung với vợ chồng người em trai có xưởng đúc ở Nishi Kawaguchi, mãi đến tuổi này vẫn chưa có chồng, thế nhưng hình như không phải vì dung mạo bên ngoài tầm thường, mà là vì tính tình như thế. Ông Miyazawa đã hai lần giới thiệu cho bà ta về làm vợ kế cho những chỗ quen thân góa vợ, nhưng lần nào cũng bị bên kia từ chối trước. Công việc nhà thì bà ta chu tất được thôi, xong có lẽ bà ta có những điểm nào đó làm đàn ông người ta cảm thấy tẻ nhạt không chừng. Đôi khi ông nghĩ thấy hơi thương hại cho bà ta, là số kiếp sinh ra chỉ để làm người giúp việc.

Miyazawa vốn không dám tin rằng mình có mắt nhìn đàn bà. Tiểu thuyết của ông cũng bị chê là vụng về khi miêu tả đàn bà, chẳng quyến rũ chút nào. Ông biết nguyên nhân cũng là do trong cuộc đời cũng như trong tiểu thuyết ông không phải là người có nhiều tham vọng, mà ông ở trong xó xỉnh nào đó của tầng lớp trung lưu, sống tri túc tiện túc, không đến nỗi bần hàn. Như chuyện Akie ấy, về phần Miyazawa, ông vẫn cứ tưởng rằng lấy một người đàn bà như thế thì cũng có được một cuộc sống bình thường nhưng hạnh phúc không sóng gió. Thế mà lấy nhau được hơn mười năm, đã gần bốn mươi tuổi rồi, Akie bỗng bỏ ông theo trai.

Miyazawa gọi bà Tominaga.

-Lúc về bà ghé bưu điện, bỏ hộ tôi cái thư này nhé.

Đưa cho bà ta cái phong bì đựng bản cảo mới viết xong, Miyazawa đến đứng bên cửa sổ. Từ khung cửa này, thấy được như gần sát một bên, cây tùng mọc bên bờ chiếc hồ nhỏ với hòn đá dưới gốc tùng.

Trời sắp về chiều, màn mưa hơi thẫm lại như mầu thủy mặc nhàn nhạt, bôi nhòa cảnh vật trong vườn cây, mà trước hết là hình dáng của hòn đá ấy.

 
-Hòn đá này người ta gọi là hòn đá bỏ đi đấy.

Ba mươi năm trước, độ một tháng trước khi bỏ đi, Akie đã ngồi bên thềm cửa quay lưng lại phía chồng, lẩm bẩm như nói một mình thế.

Khi còn trẻ, Miyazawa mới biết chơi cờ gô, thì có những nước cờ biết là vô ích nhưng vẫn phải đi, quân cờ dùng để đi nước cờ ấy gọi là quân cờ bỏ đi. Nghĩ cho cùng thì hòn đá để trong vườn chỉ để trang trí cũng giống như quân cờ dùng để đi nước cờ vô ích ấy.

Vào khoảng độ một tháng trước khi bỏ nhà đi, có lẽ Akie đã tự ví mình với hòn đá ấy. Cuộc sống vợ chồng đối với Miyazawa là êm ả, nhưng dưới mắt vợ ông thì chỉ là một cuộc sống thừa, chán chường, chẳng có ý nghĩa gì cả. Akie lẩm bẩm như thế rồi thở dài. Hôm ấy Akie mặc chiếc áo kimono khác hẳn mọi ngày. Ông còn nhớ rõ mồn một màu lam của chiếc áo và mùi băng phiến bốc ra, với chiếc đai lưng obi bị tuột, một đầu buông thõng chênh chếch trên thềm nhà.

Ông chỉ còn nhớ rõ nhất về Akie là hình ảnh lúc ấy thôi. Còn ký ức về những chuyện khác thì đã nhạt nhòa, như cái đêm sau đó ít lâu đột nhiên Akie khai ra chuyện ngoại tình, và ít lâu sau nữa thì bỏ nhà đi mất, rồi hơn một năm sau khi Miyazawa đã nản không còn đi tìm Akie, thì người đàn ông kia gọi điện thoại đến và hai người đàn ông đã ra hiệu giải khát nói chuyện với nhau. Người đàn ông kia là bạn học thời trung học đệ nhị cấp của Akie, hai người dan díu với nhau từ nửa năm trước khi Akie thú thật về chuyện ngoại tình. Tuy nói là nói chuyện với người đàn ông ấy, nhưng Miyazawa chỉ còn nhớ những điều cụ thể như ký tên vào lá đơn li dị mà người kia đưa ra, rồi sau đó ra về ngay. Lòng ngổn ngang rối như tơ vò lúc ấy chợt chùng xuống, cùng với nhũng sự thật trần trụi cứ nhạt nhòa dần trong ký ức, không biết từ lúc nào ông chỉ còn nhớ mang máng như thể đó là chuyện người dưng.   

Chẳng những là khuôn mặt của người đàn ông tằng tịu với vợ, mà ngay cả đến nét mặt của Akie cũng bị nhòa đi, mờ ảo sau một lớp kính dầy u ám. Ngay cả như hôm nay, nhìn thấy người đàn bà mà ông đang xem mắt vừa bưng chén trà lên uống vừa giơ ngón tay trỏ lên, ông ngờ ngợ rằng Akie cũng có cái tật ấy, xong dù ông có nhớ lại, trong ký ức của ông vẫn không hiện rõ ra hình dáng của bàn tay ấy.

Không biết có phải vì đã già đầu mà còn đi xem mặt hỏi vợ, hay vì nhớ đến cái tật của Akie từ ba mươi năm trước, mà tối hôm ấy, Miyazawa lên giường rồi vẫn còn trằn trọc mãi. Mưa đã tạnh hẳn, nhưng tiếng mưa ban chiều vẫn còn văng vẳng sót lại bên tai ông. Hay là ông sắp bị nặng tai rồi, vì tai ông bị nặng không nghe được những tiếng động thực ngoài đời, xong lại cứ bị ám ảnh bởi tiếng mưa trong đầu. Trong lúc ông nhắm mắt lại nghĩ ngợi miên man, thì hình ảnh hòn đá thấm nước mưa ban chiều trong bóng tối lại hiện ra.

Hòn đá cứ ám ảnh tâm trí ông mãi mà không chịu biến mất.

Quần áo lót hẳn là đã được bà giúp việc giặt lại, xong vẫn còn sót lại mùi nước mưa.

 

Chủ nhật sau đó, người đàn bà mà Miyazawa xem mặt đến nhà chơi. Sau gần hai giờ đồng hồ chuyện phiếm với cả cô em gái ông là Kiyo, hai người đàn bà về rồi, ông hỏi bà giúp việc:

-Bà Tominaga thấy sao?

-Tôi thấy bà ấy với ông thật là xứng đôi ạ.

Bà giúp việc vui vẻ nói, khác hẳn mọi ngày. Ông có cảm tưởng như bà có ý nói rằng ông với Akie thì không xứng dôi. Ông buột miệng hỏi:

-Còn Akie, thì là người thế nào nhỉ?

Hỏi xong ông nhăn mặt cười trừ, thấy mình cũng lạ vì trong lòng dửng dưng như hỏi chuyện của người khác.

-Chà, tôi ở với bà chỉ có nửa năm thôi, xong bà rất tử tế với tôi.

Bà Tominaga nói giọng không được tự nhiên, và đưa mắt nhìn những đóa hoa cúc do người khách hôm nay đem đến và cũng chính tay bà khách ấy cắm và bầy ở phòng khách.  Giây lát sau, bà Tominaga mới ngập ngừng mở miệng nói:

- Thật ra là..bốn năm trước tình cờ tôi đã gặp lại bà nhà… Nói đúng hơn là thấy bà ấy ở ngoài phố”.

Bà Tominaga kể rằng lúc sắp qua đường ở ngã tư trước nhà ga Ikebukuro thì nhận ra người đàn bà đi cùng thật khắng khít người đàn ông đang đi tới trước mặt mình dường như là Akie. Lúc ấy trời đã về chiều, bà Tominaga đang nghĩ bụng có thể là mình nhìn nhầm chăng, thế nhưng lúc đi ngang qua nhau thì người đàn bà kia khẽ cúi chào.

-Chỉ có thế thôi ạ, và tôi cứ định kể lại cho ông nghe mà cứ do dự mãi.

Miyazawa toan hỏi về người đàn ông, nhưng nghĩ lại là dù thế nào thì cũng chẳng thành vấn đề, nên lại thôi.  Họ vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ thì chắc là người đàn ông ấy rồi.

Ánh nắng chiều ấm áp của buổi chiều đông chiếu trên những đóa hoa cúc ở phòng khách. Miyazawa không ngắm hoa mà nhìn bóng hoa dịu dàng phản chiếu trên bức liễn vẽ tranh thủy mặc treo trên tường, và nghĩ bụng hay là mình lấy vợ cũng nên đấy. Khi bà giúp việc kể lại rằng “Trông bà ấy có vẻ hạnh phúc”, không hiểu sao Miyazawa đã chợt nghĩ thế. Lúc cô em gái đem chuyện tái giá ra bàn, Miyazawa chỉ nghĩ là thế nào cũng được. Tái giá cũng được, mà không cũng được, thế nào cũng được. Và nếu thế nào cũng được, thì hay là cứ phó mặc, cứ thử tái giá theo sự thúc đẩy của cô em gái xem sao.

- Vậy ư, vậy là từ ấy đến giờ, Akie vẫn ở Tokyo à ..


Miyazawa chỉ nói thế, rồi lại bảo

-Dạo gần đây tôi thấy bà có vẻ như có điều gì muốn nói mà cứ do dự mãi là chuyện ấy à?

Bà Tominaga đang cất dọn chén trà trên mặt bàn chợt dừng tay lại, nhưng rồi vẫn không nói gì cả. Mãi đến lúc dọn cơm tối, bà ta mới mở lời:

-Thưa ông chủ, nếu bà ấy về đây thì hay là xin ông cho tôi nghỉ việc.

-Tại sao vậy?

-Dạ, vì việc nhà không phải cần đến hai người đàn bà… Với lại, lâu nay chỉ một mình tôi giúp việc cho ông chủ thấy cũng đã nhàn lắm rồi ạ.

-Thế à.

Mãi đến bấy giờ Miyazawa mới chợt hiểu là lâu nay bà Tominaga có vẻ lo âu là vì thế.

-Chà, tôi cũng không nghĩ đến chuyện ấy bao giờ, Kiyo có bảo là bà ấy..

Ông bỏ lửng câu nói, chợt hỏi:

-À, bà thầy dậy cắm hoa ấy họ gì thế nhỉ? Kiyo cứ gọi tên tục của bà ấy là “Bà Fumiko, bà Fukimo”, nên tôi không biết bà ta họ gì.

-Tôi nhớ như là bà ấy họ Yokohara.

-Bà ấy họ như thế à.

Ông vùa ngạc nhiên vì mình đã quên hẳn họ của người đàn bà ấy, vừa nghĩ bụng nhân thể phải hỏi bà Tominaga xem tên tục của bà ta là gì, xong lại thôi. Ông nói tiếp:

-À, Kiyo có bảo tôi rằng “Bà thầy dậy cắm hoa ấy hình như không thích làm việc nhà lắm, nhưng đã có bà Tominaga rồi, nên không sao đâu.”

Mọi ngày ông vẫn gọi bà Tominaga bằng họ “Tominaga” của bà, nên lâu ngày ông quên mất không biết bà ta tên tục là gì. Ông lại nói:

-Chừng nào bà Tominaga còn khỏe thì xin bà cứ làm cho. À, dĩ nhiên là nếu bà có chuyện muốn nghỉ việc thì ..tùy bà.

Bà giúp việc đáp lại:

-Dạ không ạ.

Rồi nói tiếp

-Nếu vậy thì..

Đoạn đưa chén cơm cho ông.

-Vợ chồng ông em bà vẫn khỏe chứ?

Ông hỏi, xong bà Tominaga không đáp lại câu ấy. Lúc bấy giờ ông cứ tưởng là bà ta nặng tai, xong thật ra là bà ta cố tình giả vờ không nghe hỏi để lảng đi mà thôi.

Mãi đến nửa tháng sau, vào buổi chiều hôm trước đêm giao thừa cuối năm, ông mới biết được điều đó.

Trong nửa tháng ấy, bà Yokohara Fumiko đã đến nhà ông chơi hai lần, còn ông Miyazawa thì cũng đã đến thăm ngôi nhà sang trọng quý phái rất hợp với chủ nhân của ngôi nhà ấy ở Kokubunji. Bà ta cũng để tâm tới người ăn người làm, bà ta bảo là thấy chiếc váy mà bà Tominaga đang mặc có miếng vá nên đem đến tặng một bộ áo mới. Bà Tominaga ra chiều cũng thích bộ áo ấy, nên Miyazawa nghĩ bụng ra giêng sẽ chính thức định ngày thành hôn.

Hai bên cũng định sẽ đến thăm nhau vào dịp Tết.

Vì thế hôm ấy, khi em gái ông là Kiyo gọi điện thoại cho ông, mới đầu ông cứ tưởng là chuyện đi thăm ngày Tết, nào ngờ Kiyo đã nói ra một chuyện thật không ngờ.

-Thế là thế nào mới được chứ?

Kiyo nói giọng giận dỗi nên một lúc sau ông vẫn chưa hiểu, mãi sau mới vỡ nhẽ ra là bên kia người ta thuê thám tử điều tra gia cảnh, mới biết có rắc rối vì chuyện bà Tominaga. Nghe đâu là nửa năm trước đây, bà Tominaga có bảo vợ chồng người em trai rằng “Ông Miyazawa bảo sẽ đón tôi về ở chung”, rồi từ đó bà ta không về nhà vợ chồng người em trai nữa, nên vợ chồng người em cứ tưởng bà ta đang chung sống với ông Miyazawa.

-Bà ta có ý nói là sẽ lấy anh sao?

-Đâu phải thế, hình như vợ chồng ông em bà ấy cứ tưởng anh với bà ấy đã lấy nhau rồi đấy chứ. Họ nghĩ rằng hai người đều già rồi, nên không cần bày vẽ gì cả, cứ thế về ở với nhau. Tại sao chuyện như thế mà anh không bảo em?

-Thì bây giờ anh cũng mới nghe lần đầu đây thôi. Anh cứ tưởng bà ta vẫn ở chung với vợ chồng ông em. Thôi, để anh thử hỏi lại chính đương sự xem sao vậy.

Bà Tominaga đi chợ cuối năm vẫn chưa về. Nếu đã ra khỏi nhà vợ chồng người em trai thì nửa năm nay bà ta ở đâu, Miyazawa không để tâm về câu chuyện vừa nghe được mà chỉ lo cho bà ta, cứ đứng ngoài hiên nghĩ ngợi vẩn vơ, thì bà Tominaga cũng về tới. Bà ta đi vào bếp, ông gọi lại nhưng bà không đáp. Có lẽ bà ta nặng tại thật. Ông phải đích thân vào tận nhà bếp. Bà Tominaga đang uống trà, thấy Miyazawa chẳng nói chẳng rằng cứ ngồi yên trước mặt mình hồi lâu, mặt khó đăm đăm rồi hỏi “Độ này bà ở đâu hả?” thì dường như đã hiểu ra. Bà ta cúi gầm mặt xuống. Miyazawa bèn kể lại những điều Kiyo vừa nói qua điện thoại.

Bà Tominaga vẫn cúi gầm mặt xuống. Mái tóc thưa và bạc trắng rõ rệt. Tuy bà chải tóc gọn gàng, nhưng trong ánh nắng ấm áp mùa đông, mái tóc khô cằn ấy trông vẫn như những ngọn cỏ úa.  Bà ta vẫn mặc chiếc váy có miếng vá. Người đàn bà này cũng đã sống lẻ loi suốt ba mươi năm qua như mình vậy. Miyazawa vừa nghĩ thế vừa hỏi:

-Bây giờ buổi tối bà ngủ ở đâu hả?

Ông cố dịu giọng hỏi. Mãi đến lúc ấy bà Tominaga mới ngước lên mặt mày tươi tỉnh đáp rằng bà thuê một căn phòng ở Akabane, và từ lâu rồi có bất hòa với vợ chồng người em trai.

-Sở dĩ tôi nói dối rằng tôi được ông chủ cho về nhà này là vì tôi bị vợ chồng người em nhiếc mắng, nói động đến chuyện tôi không chồng không con, nên mới buột miệng nói bừa thế thôi. Với lại, cũng vì ngay trước đó, ông chủ có vui miệng bảo rằng “Có lẽ lúc chết, tôi sẽ nhờ bà vuốt mắt cho thôi.”

-Thật sao? Tôi có nói thế sao?

Ông không nhớ là mình có nói thế không. Dù có nói, có lẽ cũng là vui miệng nói đùa thôi.

-Xin lỗi ông chủ. Để tôi đi ngay đến nhà bà ở Gotanda và bà thậy dậy cắm hoa trình bày rõ sự tình và xin hai bà tha lỗi cho. Thật tình tôi chỉ lỡ nói dối thôi ạ.

Thay vì bảo “Không cần phải làm thế” thì Miyazawa lại thở dài, và cùng với tiếng thở dài, cái ý nghĩ “Hóa ra bà chỉ nói dối thôi chứ không có ý gì thực ư ” tự nhiên biến thành câu nói buột ra khỏi miệng ông. Ông lại nói:

-Nẫy giờ đứng đây lơ đãng nhìn hòn đá ngoài vườn, tôi đang nghĩ là nếu bà Tominaga cũng có một chút tình ý với tôi, thì như thế cũng hay không chừng. Cho đến khi nghe  điện thoại về chuyện ấy thì tôi chưa hề nghĩ đến điều ấy đâu, xong sau khi nghe được chuyện ấy rồi, tôi lại lo không biết bà Tominaga sống một mình thế nào.

Đúng là một điều mà chỉ vài phút trước ông chưa hề nghĩ đến, thế mà Miyazawa cũng phải ngạc nhiên vì mình có thể nói với bà Tominaga một cách tự nhiên như thế. Trong lòng bình thản, ông tươi cười nhìn bàn tay của bà Tominaga đang bưng chén trà. Ngón tay trỏ của bà đang giơ lên. Hóa ra đó không phải là cái tật của Akie mà là của người đàn bà này. Ngón tay khô gầy, làn da nhăn nheo.

Người đàn bà này cũng đã mất đi những năm tháng dài. Khi chợt nhận ra đó là cái tật của người đàn bà giúp việc này, không hiểu tại sao, Miyazawa chợt cảm thấy rằng chỉ nơi người đàn bà này, người đàn bà gần gũi với ông nhất, ba mươi năm trời mà ông đã đánh mất mới còn tích tụ lại được thành lớp rêu phong dầy xanh thẫm. Chính bằng cái nhìn ấy, ông đã nhìn ngón tay trỏ và hòn đá ngoài vườn lúc nãy.

Ba mươi năm qua, chỉ có hòn đá ấy là còn lại. Ông đã quên mất Akie, nhưng không ngờ là hòn đá vẫn còn đấy. Bây giờ phải đón một người đàn bà mới và đem hòn đá ấy đi, thì chi bằng sống chung với người đàn bà đã biết rõ về hòn đá ấy, sống chung với hòn đá ấy, cho đến lúc chết, có phải là thoải mái hơn không.

Miyazawa vẫn mỉm cười bảo:

-Thế bà có muốn làm thật, chứ không chỉ là nói dối không? Đến tuổi này rồi, thực với hư thì có khác gì?

Giọng ông khe khẽ như thể nói một mình.

Không biết vì nét mặt tươi cười của ông, hay vì thói quen lâu năm vẫn nghe theo lời chủ, bà giúp việc bất gíác gật đầu, rồi mới vội vàng lắc đầu nói:

-Không ạ, chuyện tái giá của ông chủ đang xuôn sẻ mà..

-Ồi dào, tôi vẫn nghĩ là tái giá cũng được, mà không cũng được đấy chứ... Chắc là bà thầy dạy cắm hoa sẽ có người nào khác hợp với bà ấy hơn tôi..

Bà giúp việc vẫn cúi đầu, Miyazawa lại nhớ đến hòn đá mới nhìn lúc nẫy.

Hòn đá thường một nửa đón ánh thái đương một nửa được cành cây tùng che bóng, giờ đây vang lên tiếng mưa chiều, trông mềm mại hơn bao giờ hết.

Hai người không nói gì, cứ yên lặng hồi lâu. Nếu thực sự đón người đàn bà này về, thì ông không còn gọi bà ta là “Bà Tominaga” được nữa. Ông nghĩ bụng nếu thế thì phải hỏi tên tục của bà, nhưng rốt cuộc ông vẫn không làm sao có thể hỏi được.

 

Suteishi của Renjo Mikihiko, Quỳnh Chi dịch (28/5/2022)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc