Dẫn Nhập

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 8834)

Dẫn nhập

 

 

 Từ ngàn xưa đến nay, không ít người phát tâm cầu Đạo, muốn đi theo con đường giải thoát khỏi những phiền não của kiếp nhân sinh, nhưng kiếm được một vị chân sư để học hỏi thật không phải dễ dàng, như trong câu: “Đi khắp năm châu bốn biển tìm một vị chân sư còn khó hơn tìm sao trên trời giữa buổi trưa.”


 Như ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời cả đêm lẫn ngày, một trong những vị chân sư hiếm hoi của nhân loại đã để lại những tác phẩm, cũng như những chứng tích cuộc đời để chúng ta tìm hiểu và học hỏi.


 Đó là Bạch Ẩn Tuệ Hạc (Hakuin Ekaku), người được coi như một vị tổ của dòng thiền Lâm Tế Nhật Bản, đã có một ảnh hưởng lớn lao trong thời kỳ hậu chiến sau những tương tàn liên miên từ thế kỷ 13 đến 16. Tư cách thanh cao, lòng dũng cảm và nhẫn nại của Ngài trong suốt một đời tận tụy vì đạo pháp đã đem lại cho Thiền tông Nhật Bản một sinh khí mới, tẩy trừ những tập khí suy đồi trong giới tăng sĩ thời ấy. Ngài đã tổ chức, tái lập quy củ trong các thiền viện, không ngừng giảng dậy, truyền pháp để đào tạo cho thế hệ nối tiếp những bậc thiền tăng chân chính, truyền thừa chánh pháp vô thượng mà Đức Phật đã hoằng dương. Ngài đã được công nhận trong tuyển tập nói về các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản như sau:


 “Nếu không có Bạch Ẩn truyền thừa chánh pháp, có lẽ đạo Phật của chúng ta đã không tồn tại được tới ngày nay. Bạch Ẩn là một nhân vật vĩ đại, thật nổi bật trong quá trình năm trăm năm qua của Thiền tông chúng ta. Ngài đã tiêu trừ được những tập quán bất thiện đã tích lũy từ nhiều năm trước, thanh tịnh hóa những “hang sâu hiểm hóc” trong “giáo pháp” của chúng ta. Có thể nói, Ngài là người duy nhất đã phục hưng được sự thanh bạch trong việc truyền giảng đạo pháp. Vì vậy, chúng ta không khỏi biết ơn Thiên Hoàng của bản quốc đã ban cho ngài tước hiệu là “Chánh Giáo Quốc Sư” sau khi ngài thị tịch. Nhờ ngài Bạch Ẩn, tình trạng Thiền tông của chúng ta đã được cải thiện lớn lao. Giới luật được cải tổ, nhiều vị đại sư xuất sắc đã xuất hiện tiếp nối, tất cả hàng hậu duệ chúng ta đều phải mang ơn ngài rất nhiều.”


 Một phần lý do khiến Bạch Ẩn đại sư đã có một địa vị độc đáo trong lịch sử Thiền tông là gia tài văn chương và nghệ thuật thật phong phú mà ngài đã để lại. Tài viết văn của Ngài, cũng như những bức họa, những bức thư pháp tuyệt vời đã là những phương tiện thiện xảo cho Ngài truyền bá chánh pháp đến tất cả mọi người trong mọi giai cấp từ những nẻo đường khác nhau của cuộc đời. Những bản tự truyện, xen kẽ với những đoạn ngữ lục đã cho thấy một cá tính mạnh mẽ, cũng như lập trường vững chãi của ngài trong vấn đề tu đạo. Từ những bản văn đó ta cũng có thể học hỏi được những kinh nghiệm thật quý báu của quá trình công phu đi đến giác ngộ của ngài, trong đó có khơng ít những chướng ngại và khó khăn mà ngài phải trải qua.

 

 Những nét chính trong cuộc đời của ngài có thể được chia thành nhiều giai đoạn như sau:


- Thời thơ ấu (1686-1699, từ nhỏ cho đến 14 tuổi)

- Xuất gia, thời kỳ tu tập đầu tiên (1699-1708, từ 14-23 tuổi)

- Thọ giáo với Chánh Thọ đại sư (1728, 23 tuổi)

- Thời kỳ tu tập hậu chứng ngộ (1729-1716, 24-31 tuổi)

- Bệnh Thiền – nội quán

- Núi Iwataki ẩn tu

- Trụ trì tại chùa Tùng Âm (Shoin) – giác hạnh viên mãn (1716-1736, 31-41 tuổi)

- Hoằng dương chánh pháp (1726-1768, 41-83 tuổi)

 

Tài liệu tham khảo:


Wild Ivy , the spiritual autobiography of Zen Master Hakuin, bản dịch của Norman Waddell, nhà xuất bản Shambhala, trong đó có nhiều đoạn trích từ Trường Sinh Thảo, tự truyện của ngài được viết vào năm ngài 81 tuổi, hai năm trước khi ngài viên tịch.

The Essential teachings of Zen Master Hakuin, bản dịch của Norman Waddell, nhà xuất bản Shambhala.

Zen flesh, zen bones, Paul Reps, The Anchor Books.

The Zen master Hakuin selected writings, Philip Yampolsky.

 

 

  Ngọc Bảo

 Mùa thu, năm 2005


  
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng