BÀI VIẾT CUỐI NĂM - Vũ Đăng Khuê

30 Tháng Mười Hai 202111:21 SA(Xem: 1037)

Happy NY 2022

BÀI VIẾT CUỐI  NĂM


Vũ Đăng Khuê


Nhân dịp đầu năm dương lịch, còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Ta. Thôi thì “Tết Tây hay Tết Ta đều là Tết cả” nên xin gửi đến quí vị lời chúc đầu năm:

 

“Shinnen Akemashite Omedetou gozaimasu”

 

Đây là câu chúc rất phổ thông của người Nhật, dịch sang tiếng Việt là “Chúc Mừng Năm Mới”, được sử dụng cho tất cả các đối tượng. Lời chúc “tự động phát sinh từ cửa miệng” này khác hẳn với lời chúc của Việt Nam ta, vì cứ phải thay đổi xoành xoạch tùy theo “ước mơ” của ngôi thứ hai. Nếu là dân làm ăn thì “Chúc ông bà, anh chị làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”. Nếu là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì “Chúc (anh, em, chị, cô) sớm tìm được người trong mộng”. Nếu còn đang đi học thì “Chúc em học đâu nhớ đó, mau chóng công thành danh toại cho bố mẹ.... nhờ” v.v.... Lẽ dĩ nhiên là cũng có những lời chúc có thể dùng trong bất kỳ mọi hoàn cảnh: “Chúc ông, anh, bà, cô, chị, em…. mạnh khỏe và được nhiều may mắn trong năm mới”. Quí vị thấy phong phú, hay lỉnh kỉnh? Tôi thì thấy cả hai, phong phú với người Việt, nhưng lỉnh kỉnh với người học tiếng Việt vì phải nhớ quá nhiều. Nhưng dầu sao cũng đã thành “lệ”. Nếu cần chúc, tôi chỉ dùng câu chúc đơn giản “Chúc Mừng Năm Mới” khi gặp quân ta, khỏi phải suy nghĩ xem đối tượng thuộc thành phần nào để chọn câu chúc sao cho thích hợp. Vòng vòng lấy trớn. Tôi bắt đầu kể chuyện trước hết là....

 

Đã bắt đầu cho Thời Đại “Bình Thường Mới”?

 

Vào những tháng cuối năm 2021, đại nạn covid đang có vẻ từ từ…. lánh xa trần thế, từ con số 25 ngàn người người lây nhiễm vào những ngày “cao điểm” của tháng 8, đã hạ xuống trên dưới 100/người mỗi ngày, số phần trăm người được chích đủ 2 mũi vaccin đã tròm trèm con số 80, đủ xài cho việc miễn nhiễm cộng đồng. Một vài biện pháp “phòng chống” đã được từ từ tháo gỡ, báo hiệu một bình minh ló dạng.

Không khí Giáng Sinh và Tết Tây đã tràn ngập. Ánh đèn đỏ đỏ, vàng vàng biểu hiện cho sự “tang tóc” của nạn dịch Cô Vi trong suốt 2 năm đã được thay thế bằng những ánh sáng muôn màu muôn sắc lấp lánh khắp nơi khắp chốn. Bài hát Mừng Chúa Ra Đời “Jinge Bells”, bản “quốc ca” mùa xuân “Happy Newyear” của ABBA.

 

Happy new year (Chúc mừng năm mới)

Happy new year (Chúc mừng năm mới)

May we all have a vision now and then (Chúc cho chúng ta có một giấc mơ)

Of a world where every neighbour is a friend (Về một thế giới mà hàng xóm là bạn bè thân hữu)

 

đã và đang được mọi người “nhép miệng” hát theo. Các địa điểm du lịch trên toàn quốc tràn ngập khách “tham quan”, các đường bay quốc tế, quốc nội đã mở cửa, đón tiếp nườm nượp người đi kẻ đến. Sức chứa của các rạp hát, event, vận động trường từ từ tăng, không còn cảnh vắng lặng âu sầu. Khắp đường khắp phố, các quán nhậu đã tấp nập hơn xưa với Bonenkai, Shinenkai…Lẽ dĩ nhiên cũng có những điều kiện phòng chống tối thiểu kèm theo: đeo khẩu trang, chích ngừa đầy đủ, kết quả “ngoáy mũi” âm tính…. Những hình ảnh này cho ta thấy chiều hướng đang có vẻ bắt đầu cho một bình thường “mới”.

 

Nhưng!

 

Cuối tháng 11 và liên tiếp một vài ngày sau đó, từ một vài người từ nước ngoài mà đầu tiên là xứ Nam Phi đã “mang” một biến thể cô vi mới có tên “Omicron” (B.1.1.529) một biến chủng “gây lo ngại”, có sức lây nhiễm “kinh dị” đã có mặt trên hầu như “toàn cầu” , khiến không chỉ Nhật Bản mà cả thế giới rơi vào cơn “hoảng loạn” khi số người lây nhiễm mỗi lúc mỗi tăng.

 

Thế là các “đối sách biên giới” 〔水際対策〕lại được Nhật Bản tăng cường thắt chặt.

 

1/ Ngoại trừ những người Nhật sống tại nước ngoài trở về cố quốc, “Không cần biết anh là ai, không cần biết chị từ đâu”, tạm cấm người ngoại quốc không được nhập cảnh Nhật Bản. Biện pháp này được dự định thi hành trong một tháng kể từ ngày 1/12, nhưng có thể còn kéo dài nếu sự lây lan trở thành….”vô tận”.

 

2/ Các hành khách về từ nước ngoài và tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay với những người bị lây nhiễm Omicron dù đã được kiểm nghiệm có kết quả “âm tính” tại chỗ, vẫn được đưa vào các trung tâm y tế (Hokenjo 保健所) hoặc tự cách ly từ 3 ngày đến 2 tuần để các nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe từng ngày một.

 

Các nhà chuyên môn đã ước tính là số người lây nhiễm sẽ tăng mạnh vào những tháng mùa đông băng giá này, nhưng vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định biến thể Omicron có sức công phá dữ dội như biến thể delta hay không. Hy vọng là dù tăng mạnh nhưng không đến nỗi trầm trọng như biến thể delta dù có ngày đã đạt tới mức hơn 500 người/ngày thuộc cấp bậc “nguy cơ” 2, tính theo “thang điểm của Nhật” . Trong thời điểm hiện tại ta có thể tạm tin là như thế để có cái Tết tạm thời “Vui Văn Vẻ”.

 

Ta sang…

 

Chuyện chính trường

 
nội các Kishida

 

Sau 384 ngày “nắm quyền” thì ông Suga đã quyết định gác kiếm vì theo ông “phải ưu tiên việc chống “giặc cô vi” hơn việc “tranh cử” và trao kiếm lại cho ông Kishida Fumio (64 tuổi, cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao nội các Abe).

 

1 giờ trưa ngày 4/10, thì quốc hội đã bầu chọn ông Kishida Fumio, trở thành Thủ Tướng thứ 100, và tân nội các đã “chụp hình” ra mắt trong Dinh Thủ Tướng.

Tính theo “sổ sách” thì nhiệm kỳ của đảng Tự Dân mãn nhiệm vào ngày 21/10, nhưng Tân Thủ Tướng đã quyết định giải tán Hạ Nghị Viện sớm hơn 1 tuần là ngày 14/10 để “khởi động” cho cuộc đối đầu “một mất một còn” giữa liên minh đảng cầm quyền Tự Dân-Công Minh và những đảng đối lập. 7 giờ sáng ngày 31/10, dân Nhật rủ nhau đi bầu chọn 465 ghế Hạ Viện lần thứ 49 (衆議院-Chúng Nghị Viện), kết quả là Liên Minh cầm quyền lại thắng với tỷ số “an toàn trên xa lộ”.

 

Và cũng theo luật định, sau 36 ngày ngắn ngủi, nội các của ông Kishida Fumio đã “tái” tổng từ chức vào sáng ngày 10/11 và chiều cùng ngày thì bầu chọn Tân Thủ Tướng kỳ thứ 101, kết quả lẽ đương nhiên cũng là ông Kishida Fumio và một “Tân Nội Các” lại được thành lập và thành phần cũng y chang như kỳ thứ 100, chỉ thay đổi tí tì ti. Ông Hayashi Yoshimasa là bộ trưởng ngoại giao, thay thế ông Motegi Toshimitsu được bổ nhiệm vào trách vụ Tổng Thư Ký Đảng Tự Dân!

 

Sau kết quả bầu cử của cả bên thua cuộc bên thắng cuộc, đều có màn cúi đầu xin lỗi, ngậm ngùi từ chức, một luật “bất thành văn” của cái xứ yêu “Sushi như lẽ sống”.


Nỗi Buồn Phơn Phớt của “Bên Thắng Cuộc”:

 

- Các lão làng (Omono-大物) như Ông Amari Akira, từng là “đại thần” nhiều bộ, người vừa nhậm chức Tổng Thư Ký Đảng Cầm Quyền, đã thất cử trước một ứng cử viên tầm thường của đảng Dân Chủ Lập Hiến và ông từ chức. Ông Ishihara Nobuo và vài “đại thần” khác cũng ngậm ngùi tháo “huy hiệu” dân biểu cài trên áo, cất bước ra đi.

 

Nỗi Buồn Tơi Tả của Bên Thua Cuộc

 

- Với chủ trương chúng ta nhất định thắng, một mất một còn vì “chúng ta hợp thành một (一本化―ippon ka) của 3 đảng: Cộng Sản(共産), Dân Chủ Lập Hiến (憲法民主党), Xã Dân (社会民主).

Nhưng kết quả thật ê chề:

- Đảng có số ghế thứ hai trong Hạ Viện là Dân Chủ Lập Hiến đã mất trắng 14 ghế

- Đảng Cộng Sản cũng mất 2 ghế

- Bà dân biểu辻元清美 Tsujimoto Kiyomi lắm mồm của Đảng Dân Chủ Lập Hiến (DCLH) cũng phải nuốt lệ chia tay.

Chắc quí độc giả còn nhớ nàng RenHo Sen, người Nhật gốc Đài Loan, được mệnh danh là một sát thủ, một nữ hoàng cắt xén dưới thời Thủ Tướng mắt lồi Hatoyama, than thở: “Sự thiếu vắng của Tsujimoto đã khiến không khí quốc hội trở nên vắng lặng như chợ chiều ngày 30 tết. Thật là đáng tiếc”.

- - v.v.... 

Sự thảm bại đã khiến Chủ Tịch Đảng Dân Chủ Lập Hiến Edano Yukio phải vuốt mặt từ chức mà dư luận cho rằng: “thua cuộc” là vì đã “kết duyên lầm tướng cướp (đảng Cộng Sản)”.

--------------

Công bố chính sách mới

 

“Tân Thủ Tướng” Kishida Fumio kỳ thứ 101 đã trình làng những chính sách nhằm vực dậy một nền kinh tế lao đao vì đại dịch: Sẽ “xuất kho” gần trăm ngàn tỷ gọi là kích cầu kinh tế để hỗ trợ cho cá nhân, các xí nghiệp vừa-nhỏ và to hoặc kinh doanh “cá thể”. Gói kích cầu này chú trọng đặc biệt đến mặt “Cơm Áo Gạo Tiền” và “Sức Khỏe Người Dân”.... và sau đó đã được quốc hội thông qua ngày 20/12.

Xin trình bày vài điều trong nhiều điều đã được công bố.

 

Cơm Áo Gạo Tiền:

 

1/ Nếu mức thu nhập hàng năm của mỗi gia đình dưới 9.600.000 yen sẽ nhận được 100,000 yen tiền trợ cấp với những người dưới 18 tuổi với 2 hình thức: tiền mặt và phiếu mua hàng.

2/ Những gia đình nào thật sự khó khăn (không đóng nổi thuế thị dân) cũng là 100,000 yen.

3/ Trợ cấp tối đa 20,000 Yen dưới hình thức “điểm” hay phiếu mua hàng qua 3 giai đoạn cho những người đã, đang và đăng lục Thẻ Cá Nhân (My Number).

4/ Trợ giúp 100,000 cho các sinh viên đã gặp cảnh khốn cùng trong cuộc đời 4 năm đại học vì thiếu... baito hay phải nghỉ học giữa chừng.

5/ Tăng 3% thu nhập cho nhân viên nhà trẻ, nhân viên y tế, chăm sóc người già... nguyên là thành phần “tuyến đầu” đã quá vất vả trong công tác chống giặc Cô Vi.

6/ Vực dậy nền du lịch quá xìu xìu bằng cách tái khởi động các chương trình Goto Travel, Goto Eat, đã bị tạm ngừng cả năm nay.

7/ Liên kết chặt chẽ với các nước đồng minh Tây Âu Anh Mỹ để “đối phó” với hiểm họa từ “xứ lạ”.

8/ Với chú Ủn, quyết tâm giải quyết cho bằng được một vấn đề nan giải: “người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc” đã dậm chân tại chỗ từ mấy chục năm qua.

- Vân vân và vân vân.

 

Sức khỏe cộng đồng:

 

Với giả định là một đại dịch cô-vi mà sức lây lan của cái con delta sẽ tăng gấp bội có thể mùa đông này sẽ đến và Umicron đã đến, rút tỉa từ bài học suốt 2 năm vừa qua, một chính sách đặc biệt chú trọng về lãnh vực y tế:

- Bảo đảm có đủ số giường bệnh cho tất cả những người bị lây nhiễm để điều trị dịch cúm cô-vi.

- Bảo đảm có đủ “thí điểm” dành cho người nhiễm cô-vi tình trạng nhẹ hay “không cảm giác”, thay vì phải tự theo dõi một mình ngay ở nhà vì bệnh viện quá tải.

- Bắt đầu tiêm chủng mũi tăng cường thứ ba cho những “đối tượng” đã tiêm đủ 2 mũi.

- Cung cấp miễn phí những xét nghiệm Cô-Vi (Kit hay PCR) ngay cả những người “không triệu chứng”

- Phân phối thuốc uống chữa trị Cô-Vi đến toàn thể quân dân cán chính.

Còn nhiều điều nữa nhưng trình bày đến nơi đến chốn thì....dài lắm, nhưng có điểm rất “tích cực” của nội các Kishida Fumio là có những thay đổi, điều chỉnh cách thực hiện những chính sách dù đã được công bố vì ....lòng dân muốn thế, chẳng hạn về cách phân phối các khoản chi cho các người dưới 18 tuổi: tiền mặt hay coupon. Các chính sách về phòng ngừa cô-vi cũng thay đổi tùy theo tình trạng hiện tại. Những chi tiết này nếu có dịp, “mình” sẽ lại tâm sự với “ta”.

Nhìn lại thì thấy bài viết đã dài e rằng bạn ta đọc sẽ mỏi con mắt. Xin chấm dứt ở đây và sẽ tiếp tục câu chuyện trong một thời điểm khác thuận lợi hơn như “Chuyện Tình Trường” (chuyện của Cặp Đôi Komuro-KeiKo), "Chuyện Buồn Hoàng Gia...", “Chuyện Thương Trường” mà mẹ cháu nhà này than như bọng vì cái gì cũng lên giá mỗi lần đi chợ, cùng những “Chuyện Linh Tinh” khác.

Kính chúc toàn thể quí độc giả “thân tâm thường an lạc”, quí vị sẽ có những ngày nghỉ với đúng ý nghĩa, không phải là nghỉ vì dịch bệnh, vì phải làm việc từ xa (Telework) ở nhà. Nghĩa là nghỉ thật êm đềm, thật thoải mái, được hội ngộ với người thân, chứ không còn cảnh gặp nhau “trực tuyến”.

Hẹn gặp lại vào một ngày tươi, vui, mới! Sẽ không cần khẩu trang, không cần giữ gìn khoảng cách.

Sayonara

Một năm mới tốt đẹp nhé bạn ta “良い年なるように”

Vũ Đăng Khuê

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc