TOSHIKOSHI SOBA - Vũ Đăng Khuê

01 Tháng Tư 20219:55 CH(Xem: 1334)

TOSHIKOSHI SOBA
Vũ Đăng Khuê

toshikoshi ssoba

Một ông bạn quen trên FaceBook, có lẽ đã sống ở Nhật một thời gian dài nên ông hiểu nhiều về các món ăn Nhật. Qua bài viết rất ư là…đại khái của tôi, ông đề nghị nên thêm vài giòng về Toshikoshi soba, một món truyền thống không thể thiếu vào đêm giao thừa của các gia đình Nhật. Lời khuyên rất có lý, vì ngay khi tôi chấm dứt bài viết trước, chính mình cũng chưa “hả dạ”, trước khi vào đề xin cho phép tôi lòng vòng chút xíu.


Tôi sống ở Nhật đã lâu, thay họ đổi tên cũng cả mấy chục năm rồi, nhưng hình như trong tôi vẫn còn quanh quẩn cái mùi….rất Việt Nam, nói theo cách nói của cố nhà báo Lê Thiệp là “vẫn còn vướng mắc tí bùn Rừng Sát, tí mằn mặn của Biển Đông” dứt mãi không ra, lúc nào cũng còn “chiêu” và“niệm”, ăn “okonamiyaki” lại nghĩ tới “bánh xèo”, ăn “soba đứng”lại nhớ đến “phở xe”, ăn “gyouza” thì bật ngay trong đầu vài lát “bánh cuốn” v.v…., tôi cảm thấy chưa hòa nhập trọn vẹn vào cái truyền thống tốt đẹp của cái nơi mà tôi đã trao thân gửi phận hầu như suốt cuộc đời. Thấy nó kỳ kỳ sao đó phải không bạn ta? Thôi từ nay trở đi, với điều kiện cho phép tôi sẽ cố gắng “nhập giòng” tìm hiểu thêm những gì mình biết rất là ….lạng quạng. Lại lăng nhăng nói chuyện không đâu, xin trở lại chuyện yêu cầu của bạn ta.

 

Dạ vâng, tôi xin “tuân lệnh” không chỉ cho ông và cho ngay cả chính tôi nữa. Dưới sự yểm trợ tối đa của bác Google kết hợp với những câu chuyện nghe từ nhiều phía và trải nghiệm của chính mình.Vài giòng thôi nhé!


Đối với người Nhật thì việc đón tết trong đêm giao thừa là một niềm hạnh phúc. Cả nhà quây quần xung quanh cái TV vừa theo dõi chương trình tranh đua Hồng Bạch của NHK, vừa bóc từng múi quít, vừa chiêu vài chung sake nho nhỏ rồikết thúc bằng món Toshikoshi soba truyền thống, có điều nên nhớ là phải thanh toán xong bát mì trước phút giao mùa nghĩa là còn trong năm cũ, nếu quá giờ bước vào năm mới thì cũng như không, “imi ga nai – không cóý nghĩa”, hỏi họ tại sao phải như thế thì họ cho biết vì “vẫn còn vướng mắc những hệ lụy của năm cũ. Thôi cũng được đi chứ tìm hiểu lại mất thêm thì giờ mà tôi hay dùng để “mình nhìn tôi trên vách”.

 

Đây là một truyền thống cũ của Nhật Bản từ rất lâu đời với mong ước mang lại cuộc sống lâu dài và thịnh vượng, nhiều sức khỏe trong năm mới cho gia đình, người thân, bạn bè. Tùy theo vùng, nó còn được gọi là misoka soba (soba đêm giao thừa), soba tsugomori (soba cuối năm), fuku soba (soba hạnh phúc), và soba unki (soba vận mệnh tốt).


Truyền thống này bắt đầu khoảng thời Edo (1603-1867) và
- sợi mì soba được làm từ cây kiều mạchcó thể sống sót thời tiết khắc nghiệt
- sợi toshikoshisoba thường dài biểu tượng một cuộc sống trường thọ
- Ngoài ra,các tiệm kim hoàn được sử dụng để thu thập bụi vàng của hoa soba.


Nói tóm lại giải thích theo kiểu Việt Nam ta thì ăn mì này quân ta sẽ
- sống lâu tròm trèm 120 tuổi
- làm lại cuộc đời mới vượt qua những nợ nần, khó khăn chồng chất
- trút bỏ những phiền muộn của năm cũ và sẽ thong dong nhàn hạ trong năm mới
- vân vân và vân vân 


Trên đây là những thu thập dựa vào bác Google đây đó, còn “trải nghiệm thực tế” thì mời bạn ta đọc tiếp.


Tôi có mấy cô em gái lập gia đình với người “bản xứ”, cứ năm hết tết đến thì cả nhà về quê chồng đón tết. Đến tết của quân ta thì các cô hay ghé nhà và ngồi kể lại quê chồng đón tết ra sao, và ăn uống thế nào?

osechi

Khi các cô đến nhà thường mang một túi đồ lỉnh kỉnh, mở ra thì thấy một “set Osechi ryouri” gồm nhiều món “nho nhỏ” đựng trong 3 cái hộp xếp chồng lên nhau gồm Ise ebi (tôm hùm), “tai” (cá chép), “tazukuri” (cá khô kho), “kamaboko” (chả cá), “kazunoko” (trứng cá), “konbu” (rong biển), “kuro-mame” (đậu đen), “datemaki” (trứng đúc cuộn), “zoni” (súp nóng gồm rau, cá hoặc thịt gà, mochi) v.v.... lẽ dĩ nhiên là không thể thiếu món Toshikoshi soba. Mỗi một món đều mang ý nghĩa riêng và được giải thích rất rõ ràng, nhưng thú thực tôi hoàn toàn không “hảo” món Osechi này vì hầu hết là cá..... Rồi cô ngồi thuyết cho mẹ cháu cách làm nước dashi soba cả tiếng đồng hồ, nào là phải dùng kombu, rong biển, rượu nấu ăn, katsuo, nấu xong phải dùng cái vợt với hết những “xác” của những thứ liên quan để nước súp dashi tươi trong. Không biết mẹ cháu có nắm vững vấn đề hay không, nhưng sau đó chả thấy nhắc nhở gì mà cứ vào ngày gần Tết thì một mâm cỗ truyền thống hòan toàn của quân ta được “xây dựng”gồm 1 cái bánh chưng, vài cái chả giò, một bát canh măng, một khoanh giò lụa, một tô thịt kho v.v.... để mời ông bà về đón tết.

giỗ tết


Có một năm để“đáp lễ” tôi có ghé nhà cô em rồi cô làm toshikoshi soba bảo tôi ăn thử rồi cho ý kiến, tôi ăn thiệt và “tùn tụt liên tục”. Tôi trả lời là “ngon lắm”, sau khi về nhà suy đi nghĩ lại thì thấy ngon vì 2 yếu tố:

1/ yếu tố chính là tinh thần của người ăn, tin vào điều sẽ tốt đẹp trong ngày mới, quân ta cũng suy nghĩ như thế nhưng cách thực hành thì hơi...khác, theo tôi thì họ đã “khai dụng” triệt để tinh thần này ngay trong cuộc sống không những chỉ riêng cho mình mà cho cả tha nhân, đóng góp một phần không nhỏ vào việc tái thiết đất nước, tạo nên một nước Nhật hùng cường ngày nay, sau những hoang tàn đổ vỡ vì chiến tranh, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh v.v....Có một nhà báo đã nhận xét quả không sai “phải anh hùng lắm mới là người Nhật”. Lẽ dĩ nhiên là cũng có những phát sinh “không đúng hướng” về sự bật dậy thần tốc này, nhưng theo lời một ông bạn từ xứ Úc “thì....đó chỉ là chuyện nhỏ”.

2/ yếu tố bên lề là vì lúc đó....bao tử đang đòi quyền sống.


Vì thế ngay trong đêm đón giao thừa, nếu bảo tôi chọn một trong hai: phở hay toshikoshi soba, không ngần ngại tôi sẽ chọn toshikoshi soba ngay lúc còn năm cũ và tạm xa phở một thời gian dù trong giây lát.


Mấy năm nay vì covid, vì có việc, các cô không ghé được và tôi cũng không đi đâu được đành hẹn khi khác, gặp nhau không phải cụng tay, mặt mày không phủ che kín mít chỉ chừa đôi mắt.


Đêm giao thừa vừa qua thì cả nhà tôi “Hồn ai nấy giữ” cho đến khi nghe từ TV tiếng đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1 và “0” thì đứng dậy miệng tuôn ra lời chúc “shinnen akemashite omedeto gozaimasu” rồi... mạnh ai nấy ngủ. Buồn dễ sợ?
.......
Việt Nam ta thì “thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh” còn người bản xứ sao nhỉ? Vậy nhờ các “thi hào” nghĩ dùm 2 câu thơ đối với 2 câu trên nhé.


Cũng chỉ có vài giòng thôi, quẩn quanh cũng chỉ là “tĩnh lược” hay “giản đơn”. Chịu hay không chịu thì....cũng phải chịu thôi nghe bạn ta!

Vũ Đăng Khuê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc