DƯƠNG TỐ/ HỒNG TUYẾN - Lê Mạnh Hùng

29 Tháng Tám 20209:18 CH(Xem: 1818)




phongthuy

Dương Tố


Dẫn nhập: 

Dương Tố (544-606) thật sự là một danh tuớng của triều Tùy, xuất thân từ một giòng họ quý tộc phương bắc, đầu tiên phục vụ trong triều Bắc Chu, sau đó theo Dương Kiên (người sáng nghiệp ra nhà Tùy, miếu hiệu Tùy Văn Đế) và trở thành một trong những cột trụ của triều này. Dương Tố là một trong những danh tướng tài ba nhất của Trung Quốc. Trong thời Đột Quyết cường thịnh, ông là một trong hai nguời tuớng độc nhất của Trung Quốc (người kia là Lý Tịnh) đã đánh bại đuợc đế quốc này. Vì vậy, sau này khi các triều Đuờng, Tống thành lập võ miếu thờ các vị danh tuớng tiền triều, Duơng Tố được cho vào trong danh sách 64 người đuợc thờ cùng với Hàn Tín, Mã Viện, Gia Cát Luợng, Chu Du vv. (không có Quan Vũ). Tuy nhiên về cuối đời, tuớc vị càng ngày càng cao, quyền thế càng ngày càng lớn bắt đầu cuộc sống xa xỉ, dùng nguời chỉ dùng người nịnh, đè nén những người không đồng ý với mình thành ra bị hậu thế chê cười.

Sử chép Dương Tố là một con người bộc trực, không khéo che dấu sự mừng giận yêu ghét của mình. Vợ chính của Dương Tố, Trịnh thị, tính buớng bỉnh hay gây sự. Có một lần hai người cãi nhau, Dương Tố bất mãn nói với Trịnh thị: “Ta mà làm đuợc hoàng đế mi đừng hòng được phong hòang hậu!”. Đâu ngờ Trịnh thị mang chuyện này tâu với Dương Kiên. May là Tùy Văn Đế biết tính tình Dương Tố nên không làm gì chỉ mắng một trận cảnh cáo mà thôi.

Câu chuyện dưới đây kể lại việc sau khi Dương Tố cầm quân diệt triều Trần thống nhất Trung Quốc, cón có tên là “Phá Kinh Trùng Viên” (gương vỡ lại tròn) và đã trở thành một điển tích lưu hành rộng rãi tại Trung Hoa cũng như tại các nơi chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam.


Dương Tố

Viên quan Thái tử Xá nhân của triều Trần[1] là Từ Đức Ngôn có người vợ, Trần thị, là em gái vua Trần Hậu Chủ[2] được phong làm Lạc Xương công chúa, tài sắc quán tuyệt nhất thời.

Vào thời đó, phương bắc nhà Tùy nổi dậy binh hùng tướng mạnh muốn thống nhất thiên hạ nên sai đại tướng Dương Tố mang thủy lục quân vượt Trường Giang sang diệt nuớc Trần. Đức Ngôn với tư cách là thái tử xá nhân biết gặp thời loạn, vua hèn quân yếu không thể nào chống lại được với quân Tùy hùng mạnh, sợ rằng không thể bảo vệ được cho cả nước lẫn nhà an tòan nên trước khi ra đi nói với vợ rằng:

“Nay vua thì hèn, quân thì yếu. Ta ra đi chuyến này thế nào cũng không chống lại được. Không chống lại được thì mất nước. Nước mất, với tài sắc của nàng thế nào cũng bị rơi vào tay những kẻ quyền quý. Sợ rằng vì thế chúng ta sẽ phải vĩnh viễn phân ly. Nếu may mà duyên phận đôi ta còn chưa đứt, cần có vật gì để làm tin.”

Rồi lấy một tấm guơng đồng bẻ ra làm hai, mỗi người giữ một nửa, nói:

“Mai sau, nàng hãy cứ đến ngày rằm tháng giêng cho người mang mảnh kính này ra chợ ở kinh thành rao bán. Nếu ta còn sống thấy được nó thì sẽ tìm cách đến gặp nàng.

Rồi quả như là Đức Ngôn dự đoán, nhà Trần diệt vong, Lạc Xương bị rơi vào tay Việt công Dương Tố và được Dương Tố vô cùng sủng ái.

Về phần Đức Ngôn sau khi mất nước, lưu ly phiêu bạt, khó khăn lắm mới tìm lên được đến kinh thành Trường An. Đến ngày rằm tháng giêng năm đó, chàng tìm ra chợ ở kinh thành tìm kiếm. Quả thấy một người lão bộc mang môt nửa mảnh gương ra rao bán, giá thật là cao. Đức Ngôn bèn mời lão bộc về nhà mình mời ăn, kể lại chuyện mình, rồi mang nữa mảnh kinh mình mang theo ráp vào nửa mảnh kia. Hai miếng ráp lại khít nhau như in. Đức Ngôn sau đó đề một bài thơ

Kính dữ nhân câu khứ    

Kính quy nhân vị quy

Vô phục Thường Nga ảnh

Không lưu minh nguyệt huy.

(Dịch Nghĩa: Kính và người cùng đi. Kính về nhưng người còn chưa về. Trên kính không có bóng nàng Thường Nga. Trên trời chỉ có ánh trăng sáng mà thôi.)

Trần thị nhận được kính và bài thơ, bi ai không xiết, khóc lóc bỏ ăn. Dương Tố nghe biết, mặt mũi biến sắc, bèn cho mời Đức Ngôn đến, mang Trần thị trả lại cho chàng, lại còn cho thêm tài vật rất nhiều. Tố mở tiệc mới Đức Ngôn, sai Trần thị hầu  rượu, rồi bảo Trần thị làm bài thơ. Thơ viết:

Kim nhật hà thiên thứ

Tân quan đối cựu quan

Tiếu đề độ bất cảm

Phương nghiệm tác nhân nan

(Dịch Nghĩa: Hôm nay là ngày nào? Chồng cũ ngồi đối diện với chồng mới. Khóc cười đều không dám. Thế mới biết làm người là khó)

Trần thị sau đó cùng Đức Ngôn quay trở về Giang Nam sống đến bạc đầu. Người ta nghe chuyên này ai nấy đều cảm thán. Và đây chính là điển tích “Gương vỡ lại lành.”


mỹ nhân TH

 
Hồng Tuyến


Dẫn Nhập:

“Hồng Tuyến” là môt câu chuyện tiền thân của loại chuyện võ hiệp, hay nôm na chúng ta vẫn gọi là chuyện chưởng của thời hiện đại ở Trung Hoa. Truyện này được trích từ bộ “Cam Trạch Dao” của tác giả Viên Giao vào cuối đời Đường và được tuyển vào trong “Thái Bình Quảng Ký” trong mục “Hào Hiệp”. Viên Giao trong triều Đường Chiêu Tông (867-904) giữ chức Hàn Lâm Học Sỹ và Ngạc Châu Thứ Sử đã cùng xướng họa với thi sỹ nổi tiếng cuối đời Đường Ôn Đình Quân. Chuyện này được nói viết năm 868 và được coi là phản ảnh tình hình thời đó với các phiên trấn cát cứ chinh phạt lẫn nhau không coi triều đình ra gì.

Câu chuyện kể lại hai viên Tiết Độ Sứ (chức võ quan kiêm cả hành chánh lẫn quân sự một khu vực), Tiết Tung và Điền Thừa Tự, cả hai vốn đều là bộ hạ của An Lộc Sơn (tên tướng nổi loạn làm chao đảo nhà Đường). An Lộc Sơn chết, họ đi theo Sử Tư Minh rồi cuối cùng đầu hàng Nhà Đường, được phong làm tiết độ sứ, nhưng tuy rằng đầu hàng và vẫn giữ độc lập với triều Đường. Hồng Tuyến đương thời mười chín tuổi, nhưng trong người có tài lạ lại “giỏi đàn tỳ bà” còn “thông kinh sử” nói tóm lại là một hiệp nữ văn võ toàn tài, trở thành môt người mẫu cho các nữ hiệp về sau này. Hồng Tuyến sở dĩ được lưu truyền rộng là vì dùng một thủ đọan xảo diệu nhưng thần kỳ để ngăn chặn một cuộc chiến xảy ra. Thủ đọan này nhiều chuyện về sau cũng lập lại.

Trong chuyện mô tả Hồng Tuyến lúc ra đi sửa sọan thật là tế nhị: vào lúc trước khi làm một hành động trọng đại có an nguy đến cả môt vùng nhưng vẫn “quay vào khuê phòng, chuẩn bị ra đi, chải mái tóc đen, đeo bông thoa kim phương, mặc bộ quần áo ngắn mầu tím bằng lụa, thắt giây lưng xanh, đằng trước ngực đeo con dao trủy thủ Long Văn, trán viết lá bùa Thái Ất, vái lạy rồi đi, chốc lát biến mất.”

Đoạn kết của câu chuyện mở rộng ra man mác. Khi Hồng Tuyến cáo từ Tiết Tung giữ lại không được bèn mở tiệc lớn tiễn biệt. Yến tiệc mở tại trung đuờng, Tung đích thân tiễn mời rượu Hồng Tuyến, thỉnh tọa khách cùng hát bài ca Triêu Dương. Hát xong, Tung không cầm được cất tiếng khóc. Hồng Tuyến cúi xuống lạy rồi cũng khóc giả say rời chiếu rồi không biết đi đâu.” Đọan văn này vừa hào hùng có phong thái anh hùng, văn hết mà dư âm còn lại.


Hồng Tuyến

Lộ Châu Tiết độ sứ Tiết Tung có môt tỳ nữ tên là Hồng Tuyến, giỏi nghề đàn tỳ bà lại thông kinh sử. Tung giao cho nàng trông nom các lọai văn thư gọi là nội ký thất. Có một lần, trong quân tổ chức yến tiệc Hồng tuyến nói với Tiết Tung:
“Nghe tiếng trống đánh thật bi thương, chắc người đánh trống đang có tâm sự gì”

Tiết Tung, bình thời cũng tinh thông âm luật, nói:

“Ngươi nói như vậy chắc đúng.”

Bèn cho gọi người đánh trống hỏi thăm. Người này nói:

“Tối qua vợ tôi chết, tôi không dám xin nghỉ”

Tiết Tung nghe xong bèn cho người đó về nhà.

Lúc đó là vào năm Chí Đức (756-758)  thời Túc tông, nguyên một giải Hà Nam, Hà Bắc đều bất an. Triều đình ra lệnh cho Tiết Tung bảo vệ Kim Dương, khống chế Sơn Đông. Chiến tranh vừa chấm dứt, quân đội mới thành lập, nhắm ngăn chặn tranh chấp, triều đình ra lệnh cho Tiết Tung gả con gái cho con trai Tiết độ sứ Điền Thừa Tự của Ngụy Bác và con trai Tiết Tung lấy con gái Tiết độ sứ Lệnh Hồ Chương của Hoạt Hào để có thể làm cho Kim Dương, Ngụy Bác, Hoạt Hào thường xuyên gởi phái bộ thăm hỏi lẫn nhau.

Tiết độ sứ Điền Thừa Tự của Ngụy Bác mang bệnh phổi, trời nóng thì bệnh càng nghiêm trọng. Ông thường nói :

“Ta mà được trấn thủ Sơn Đông, nơi đó không khí mát lành ta có thể sống thêm được vài năm.”

Với ý định đó ông ta chọn trong quân khoảng ba ngàn dũng sỹ, gọi là ngoại trạch dũng[3], đối xử đặc biệt tốt. Ông cũng ra lệnh cho ba trăm người đóng tại nha môn và nhà riêng ngoài ra còn lại tập trung đợi thời cơ đến sẽ thôn tính Lộ Châu.

Tiết Tung sau khi biết tin đó, ngày đêm lo lắng nhưng không biết có cách nào hay để đối phó. Một hôm vào lúc đêm khuya, quân doanh đã đóng cửa giới nghiêm, Tiết Tung chống gậy ra đến đình viện dạo mát, chỉ có Hồng Tuyến đi theo. Hồng Tuyến hỏi:

“Ông từ hơn một tháng nay ẩm thực bất an, có vẻ như có chuyện gì. Phải chăng đó là chuyện Điền Thừa Tự?”

Tiết Tung nói:

“Chuyện liên quan đến an nguy không phải là chuyện ngươi có thể giải quyết được.”

Hồng Tuyến nói:

“Tôi tuy là nô tỳ, nhưng vẫn có thể giúp ông giải được nổi sầu này.”

Tiết Tung thấy nàng nói có vẻ khác lạ, bèn nói:

“Ta biết ngươi không phải là người tầm thường.”

Rồi đem mọi chuyện kể lại cho Hồng Tuyến:

“Ta kế thứa đại nghiệp của ông cha, nhận ân huệ của quốc gia, nay một khi mà để mất cương thổ mình trấn giữ, thì coi như là làm mất đi công lao cả trăm năm.”

Hồng Tuyến nói:

“Chuyện này dễ thôi, không có gì phải lo sợ. Hãy để tôi đến Ngụy Thành một chuyến, quan sát tình thế, thám thính hư thật. Canh môt đi, canh hai có thể trở về. Chỉ xin ông trước hết hãy chuẩn bị một sứ giả, một con ngựa, một bức thư hỏi thăm còn những chuyện khác xin đợi về rồi sẽ tính.”

Tiết Tung nói:

“Chuyện này nếu làm không tốt ngược lại sẽ gây họa. Lúc đó thì làm sao?”

Hồng Tuyến nói:

“Không sao đâu, tôi đi lần này thế nào cũng xong.”

Nói xong quay trở về khuê phòng của mình, chuẩn bị ra đi, tắm rửa chải đầu, trang điểm đẹp đẽ, đầu cài chiếc thoa vàng hình con phượng, thân mặc quần áo ngắn bằng lụa mầu tím thêu hoa, lưng thắt giây lưng lụa xanh, chân đi đôi hài nhẹ, trước ngực đeo một con dao trủy thủ khắc hình rồng, trước trán dán môt lá bùa thái nhất, quay sang vái lạy Tiết Tung một vái rồi chỉ trong nháy mắt không thấy đâu nữa.

Tiết Tung quay trở về phòng, đóng cửa lại, quay lưng vào đèn mà uống rượu một mình. Tung bình thuờng ít uống rượu, nhưng tối hôm đó uống không biết bao nhiêu là ruợu vẫn không say. Đột nhiên nghe thấy như có một trận gió thổi qua, như là một chiếc lá rơi xuống đất. Giật mình đứng dậy thì thấy Hồng tuyến đã trở về. Tiết Tung mừng rỡ hỏi:

“Mọi chuyện ra sao?”

Hồng Tuyến nói:

“Tôi đâu có dám không hoàn thành sứ mạng”

Tiết Tung lại hỏi:

“Không có làm hại ai cả chứ?”

Hồng Tuyến nói:

“Không cần thiết. Tôi lấy cái hộp vàng ở trên đầu giường ngủ của Điền Thừa Tự mang về. Tôi chưa đến nửa đêm đã đến được Ngụy Thành, đi qua một số cổng rồi đến được phòng ngủ của Điền Thừa Tự. Nghe tiếng Ngọai Trạch Dũng ngủ ở ngoài hành lang tiếng ngáy ầm ầm như sấm. Binh lính thuộc trung quân tuần tiễu quanh viện kêu gọi lẫn nhau. Tôi mở cánh cửa bên tả, đến giuờng y, ông thông gia của ông nằm trên giường, chân lòi ra khỏi chăn đang ngủ say, ông ta đầu đội khăn vàng, đầu có gối hoa, bên cạnh gối để một thanh đoản kiếm; trước thanh đoản kiếm là một cái hộp bằng vàng. Trong hộp để tờ giấy viết ra ngày tháng năm sinh của mình và bùa thần Bắc Đẩu, phía trên chứa hương liệu và trân châu. Thấy y nằm ngủ say như vậy mà không hề biết rằng sinh mệnh của y nằm trong tay tôi. Giết y là một chuyện thật dễ dàng, nhưng tôi sợ làm vậy gây phiền toái. Vào lúc đó ngọn nến đã sắp đến lúc tắt, lư hương đã đến lúc cùng. Đám tùy tòng của y đã ngủ lăn hết cả, binh khí để tụ tại một chỗ; nguời thì đầu dựa vào bình phong, ngủ ngáy ầm ầm, người thì tay còn cầm cái khăn tay. Tôi gỡ trâm cài đầu, bông tai, đánh dấu quần áo họ nhưng họ như người bệnh không tỉnh lại được. Tôi bèn lấy cái hộp vàng đem về. Ra khỏi cửa tây Ngụy Thành đi trên hai trăm dậm thấy cái đai bằng đồng trên thành tường. Sông Chương chảy về hướng đông. Mặt trăng ở trên đầu ngọn cây, gà gáy buổi sớm. Khi đi thì phẫn nộ, trở về lại cảm thấy cao hứng, quên mất cả mỏi mệt. Vì muốn cảm tạ ân đức của ông, tôi bất kể nửa đêm canh ba đi về bảy trăm dậm, không sợ nguy hiểm băng qua sáu bảy tòa thành, hy vọng làm giảm bớt được những lo sầu của ông. Làm sao tôi giám than khổ?”

Sau đó, Tiết Tụng phái người đến Ngụy Thành, gởi cho Điền Thừa Tự một phong thư. Trong thư viết:

“Tối hôm trước, có người đến từ Ngụy Thành. Từ trên đầu giường của ông lấy được một cái hộp bằng vàng. Tôi không dám giữ, đặc biệt sai người ngày đêm mang trả lại.”

Sứ già nửa đêm đến Ngụy thành. Nhưng vì truy lùng người ăn cắp hộp vàng, quân đội ai cũng bận rộn. Sứ giả dùng roi ngựa gõ cửa. Thấy có người xin gặp vào lúc đặc biệt này chắc hẳn phải có chuyện gì quan trọng, Điền Thừa Tự vội vàng bước ra tiếp.  Sứ giả lấy hộp vàng ra trao. Điền Thứa Tự cầm lấy hộp vàng, kinh ngạc gần như muốn ngất xỉu. Giữ sứ giả ở lại, mời bước vào đại sảnh, thiết yến chiêu đãi và thưởng cho sứ giả rất hậu.

Ngày hôm sau, sai người mang ba vạn tấm lụa, hai trăm con ngựa tốt còn thêm nhiều món đồ trân quý nữa, đến dâng cho Tiết Tung. Lại còn nhờ chuyển lời nói với Tiết Tung:

“Cám ơn ngài đã không để ý đến oán thù riêng thành ra tôi mới giữ được tính mạng. Tôi nay xin hối cải thay đổi, không dám làm liên lụy thân thích. Tôi sẽ phái ngay người sang thương luợng vấn đề hôn nhân cho đôi trẻ. Bảo con trai tôi phải đối xử tử tế với con gái ngài. Đám ngoại trạch dũng tôi chiêu mộ, vốn là để phòng đạo tặc chứ không có ý đồ gì khác nhưng nay xin ra lệnh cho bọn họ bỏ hết quân trang về nhà cầy ruộng.”

Từ đó, chỉ trong vòng hai tháng, Hà Bắc, Hà Nam sứ bộ tấp nập lui tới.

Đột nhiên một ngày, Hồng Tuyến đến xin từ biệt. Tiết Tung nói:

“Ngươi sinh ra lớn lên tại nhà ta, ngươi muốn tính gì? Ta còn cần trông cậy vào ngươi, ngươi làm sao lại có thể đi được?

Hồng Tuyến nói:

“Tôi kiếp truớc là đàn ông, chu du bốn phương, cầu tìm học vấn. Đã từng đọc qua sách thuốc của Thần Nông, giúp thế nhân chữa bệnh trừ tai. Đương thời có một người đàn bà có mang trong bụng sinh ra run sán, tôi cho bà ta uống Nguyên Hoa Tửu. Không may cả mẹ và bào thai sinh đôi trong bụng đều chết. Tôi một lần làm chết đến ba người thành ra quan lại dưới âm trừng phạt bắt đầu thai làm đàn bà, mang thân phận nô tỳ. May nhờ sinh ra ở nhà ông đến nay đã được mười chín năm. Mặc thì đuợc lụa là, ăn thì đủ thứ mỹ vị. Ông đối với tôi đặc biệt sủng ái, cho tôi rất nhiều vinh dự. Lúc này cương vực nơi ông cai trị đã được thái bình; mọi người được an cư lạc nghiệp. Tôi đáng lẽ nên lưu lại nơi này. Nhưng làm vậy là vi phạm ý trời. Hôm trước đến Ngụy Thành, đó là vì muốn báo ân. Nay cả hai vùng đều bảo vệ lấy thành trì. Người ta không còn âu lo đến tính mạng nữa. Lọan thần nay đã biết sợ. Những người thẳng thắn về chính trị đã được bảo vệ. Đối với một nữ nhân như tôi công đó không nhỏ. Nó khả dĩ giúp tôi chuộc lại tội trước, lấy lại tấm thân nam nhi. Tôi muốn lìa xa trần thế, thành tiên đắc đạo, cùng tồn tại với trời đất.”

Tiết Tung nói:

“Không thể làm thế được. Ngươi, một cô gái làm sao có thể sống ẩn nơi núi rừng?”

Hồng Tuyến nói:

“Vì tương lai làm sao tôi có thể ở lại lâu được?”

Tiết Tung biết không thể giữ nàng ở lại được, bèn vì nàng mở tiệc tiễn biệt. Tập hợp thân bằng tín hữu lập dạ yến nơi trung đường. Để giúp thêm tửu hứng, Tiết Tung yêu cầu thực khác cùng hát bài từ Triêu Dương. Từ viết “Thái lăng ca óan môt lan chu. Tống khách hồn tiêu bách xích lâu. Hoàn tự Lạc Phi thừa vụ khứ. Bích thiên vô tế thủy không lưu.” (Cưỡi con thuyền bằng gỗ mộc lan hát bài ca hái củ lăng môt cách ai óan; đưa khác đi mà hồn tiêu tan trong ngôi lầu trăm thuớc. Lại trông như nữ thần song Lạc ra đi trong đám mây mù. Trời xanh không cùng, nước chảy chổ không.)

Hát xong Tiết Tung vô cùng bi thương. Hồng Tuyến cũng khóc vái lạy. Sau đó viện cớ say, chia tay bữa tiệc. Từ đó không biết đi đâu.




[1] Triều đại cuối cùng trong 6 triều đại cai trị miền nam Trung Hoa dưới thời Nam Bắc Triều, trị vì từ 557 đến 589. Người sáng lập là Trần Bá Tiên vốn là một viên tướng triều Luơng đã từng cầm quân sang Vịệt Nam đánh bại Vua Lý Nam Đế, sau mang quân về cướp ngôi nhà Luơng

[2] Vị vua cuối cùng của triều Trần có tên là Thúc Bảo nhiều tài hoa nhưng không có tài làm vua, thường ham mê mỹ nữ trong hậu cung không lo việc triều chính. Hậu Chủ soạn ra một bài ca gọi là “Ngọc thụ hậu đình hoa”, âm điệu não nuột bị coi là điệu nhạc mất nước, cho các cung nữ hát. Bài này sau đuợc truyền tụng ra ngoài và rất được phổ biến. Thi sỹ Đỗ Mục đời Đường khi đi qua Kim Lăng, kinh đô cũ triều Trần có làm bài thơ Bạc Tần Hoài” trong đó có hai câu “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình hoa” đuợc cụ Phan Kế Bình dịch ra là “Gái buôn không biết hờn vong quốc, còn hát bên sông khúc Hậu đình.”

[3] Ngọai trạch dũng: kẻ dũng sỹ làm việc ngoài nhà ám chỉ làm chuyện không nằm trong công việc bình thường của quân đội

(trích Thái Bình Quảng Ký, Lê Mạnh Hùng tuyển dịch)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc