LÂM VĂN HÓA / tân liêu trai chí dị - Lưu An

22 Tháng Tám 202011:30 SA(Xem: 1673)


 

 Tranh_phu_nu_Tau

 

Lâm Vân Hoá
Tân liêu trai chí dị -
Lưu An


      Vài lời bàn Tân Thánh Thán.

 

Suốt mấy tháng qua chỉ vì lo sợ cho cái thân già gần đất xa trời vì con vi sinh vật Corona mà phải tù túng ngồi nhà, không dám đi đâu, chỉ biết thở dài não ruột. Lướt qua những diễn đàn điện tử, báo chí, và ngay cả trong những lúc chuyện phiếm với vài ông bà bạn tuổi thất thập, bát thập cổ lai hy cũng toàn là chuyện chết chóc, ốm bệnh… mà chán! Đang lúc rầu rĩ sinh ra cầu nhầu, bực bội mà gắt gỏng vợ con thì nhận được bài viết Tân Liễu Trai Chí dị “ Lâm văn Hoá “ của Lưu An tiên sinh yêu cầu ta thưởng lãm và viết cho vài lời bỉnh bút! Đúng là “ buồn ngủ gặp chiếu manh”. Lại có dịp múa bút khoe tài cho vui chính mình và cũng góp ý, vài lời với nhân gian vì lại được bước vào mơ mộng trong văn chương tưởng tượng đây.

 

Mà cũng lạ lùng sao? Bài viết của Lưu tiên sinh như hòa đồng với phong trào y thuật trên thế giới, đang ồn ào, không quản tổn phí mong kiếm ra được  loại thuốc thang ngăn chặn hay phòng ngừa sự tàn phá kinh hoàng của con thú vật siêu nhỏ nhưng vĩ đại về sức mạnh tàn bạo này. Ngẫu nhiên lắm thay, trong truyện Lưu tiên sinh cũng nói về một anh chàng họ Lâm siêu tuyệt về y thuật, giòng dõi y danh. Đọc qua bài viết làm ta thích thú cười vang khi tưởng tượng ra cảnh anh chàng họ Lâm lang thang tạt vào ngôi đền thờ Thành Hoàng bỏ hoang, nhìn thấy bức tượng Thành Hoàng mục vữa, một cánh tay bị gẫy đổ… Y nhân méo mó nghề nghiệp mà nối tiếp cho cánh tay hoàn thiện, đã thế còn dùng phẩm mầu tô phết, chỉnh trang cho bức tượng trở về với oai nghi đã một thời được thế nhân tôn sùng,lễ bái.

 

Ai ngờ cái trò vớ  vẩn có tí chút tếu hài đó lại mang đến cho Y nhân những tao ngộ lạ kỳ! Nào là kiếm được vợ đẹp như tiên nga, sinh qúi tử nỗi dõi tông đường với hậu duệ con đàn cháu đống, phúc đức cao rộng như Nam Hải, Thái Sơn ai ai cũng thành danh trong thiên hạ. Nào chỉ có thế, chàng ta lại còn được chiêm ngưỡng cảnh QUẦN TIÊN ĐẠI HỘI, đúng là phúc đức trùng lai, mấy ai trong nhân gian mà có được ? tuyệt thú lắm sao ???

 

Đọc câu truyện của Lưu An tiên sinh, ta cảm tưởng như bớt được rất nhiều lo lắng cho cái trận dịch thây chất thành núi, máu chẩy thành sông đang gây kinh hòang cho nhân gian này! Theo suy nghĩ của ta, đã đến lúc con vi sinh vật ma quái, kinh sợ này phải biến mất vì có nhiều y nhân siêu tuyệt như anh chàng Lâm văn Hoá trong truyện của Lưu tiên sinh đang cần cù, mầy mò trong các phòng khảo cứu nào đó để tìm ra y dược hòng chấn áp, tiêu diệt nó mà thôi. Mong đợi lắm thay! ta sẽ cười vang mà làm vài ba câu thơ cho nhẹ lo lắng tuổi già và cũng thoải mái trở lại với niềm vui, hoài nhớ lại những ngày tháng còn xuân xanh luôn luôn bận rộn với công danh và tình ái:

 

Tôi sẽ vẫn làm thơ, gọi em trong mộng mị

Tôi sẽ vẫn vui mừng hồ khởi dù biết mình tuỗi già nhưng vẫn còn mơ mộng với yêu đương, hò hẹn.

Chẳng có gì vui hơn khi buổi sáng thức dậy mà vẫn thấy con tim vẫn rộn rã hoan ca hoà âm cùng những tiếng chim hót từ khu vườn đầy hoa vọng lại.

Tôi lại đi.

Tôi lại dìm mình trong những ngày tháng vui ca tuổi trẻ

Bởi vì em, em vẫn là nhan sắc mà tôi luôn luôn ấp ủ trong tim .

 

Kính bút 
(Tân Thánh Thán )

 

&

 

Vào truyện.

 

 

Họ Lâm vốn nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc, thế hệ nào cũng có những người tài danh trong mọi lãnh vực trong xã hội, từ văn chương, y học, nghệ thuật đến quan tước chốn triều đình. Nhưng đến đời thân sinh của Lâm Vân Hoá là Lâm Tứ Kiệt, giòng họ Lâm đã có dấu hiệu suy thoái. Nhân khẩu càng lúc càng ít do mức sinh sản giảm, người già chết dần nhưng người trẻ thì tuyệt tự không sinh đẻ,con trai lại càng hiếm

 

Phụ thân của Hóa, đậu cử nhân, giao du rất rộng, bắc xuống nam đâu đâu cũng quen biết.Tri giao từ vua quan đến giới qúi tộc giầu có, nhưng ông không theo đường quan lộ của đời trước mà hướng về thương mại làm giầu. Ông có biệt tài về y thuật lại là kẻ biết làm ăn tính toán nên làm chủ một dưỡng đường lớn nhất chốn Đế Kinh, chuyên chữa trị cho quan lại, phú gia, những kẻ lắm tiền nhiều bạc. Bất cứ nơi đâu có y sĩ , dược sĩ tài danh ông đều tìm cách mua chuộc về làm việc cho mình. Nhờ tài năng chuyên môn, cơ sở tân tiến qui mô, nhất là tài kinh doanh,giao tế mà phụ thân Hoá đã có một cơ sở hoàng tráng.  Hàng chục dẫy nhà khang trang xếp hàng như bàn cờ trong khu vườn rộng mấy chục mẫu đầy hoa cỏ tươi tốt quanh năm

           

Lâm Vân Hoá là con trai duy nhất trong giòng họ.Vừa lên một tuổi thì mẫu thân bị bệnh mất,  phụ thân cưới thêm 3 người kế mẫu nhưng hàng chục năm chăn gối cũng chẳng có người thiếp nào sinh nở. Là con  trai duy nhất lại là trưởng tộc trong tương lai, nên Vân Hoá được phụ thân cũng như giòng tộc cưng chiều như trứng mỏng. Đúng là một công tử phong lưu phú qúi. Phụ thân muớn gia sư danh tiếng về nhà dậy cho qúi tử đủ mọi lãnh vực cầm, kỳ, thi, họa. Ngoài những thú tiêu khiển cao sang của giới phong lưu, Vân Hoá  được di truyền từ cha biệt tài về y thuật . Chỉ mới 20 tuổi đã nổi danh một thầy thuốc đại tài, từng chữa trị , cải tử hồi sinh cho nhiều bệnh nhân thuộc hàng giàu có trong nước. 

           

Với gia tư bề thế như vậy phụ thân của Vân Hoá vẫn luôn luôn lo lắng về sự hiếm hoi của giòng họ. Ngay khi Vân Hóa bước sang tuổi 17, ông đã nhờ mai mối cưới cho Hóa một cô vợ thuộc gia đình quen biết nổi tiếng là mắn con. Ngay năm đầu tiên, vợ của Hóa sinh được đứa con trai , họ hàng mừng rỡ, tưởng rằng sẽ có con đàn cháu đống. Nhưng chưa được một năm tuổi đứa bé bị bệnh mất, vài tháng vợ Hóa cũng sinh bệnh mà về với tổ tiên. Sau đó phụ thân Hoá lại cưới cho Hoá người vợ thứ hai, nhưng cũng đã 6 năm cũng chẳng thấy sinh nở rồi cũng bị bệnh mà chết.

           

Buồn rầu vì nỗi hẩm hiu, một hôm nhàn rỗi, trời đẹp Vân Hoá mang cung nỏ cưỡi ngựa vào khu rừng gần nhà săn bắn. Trời đang giữa tiết xuân, ánh nắng chan hoà khắp cây cỏ, hoa rừng muôn sắc chen chúc nhau hai bên bờ suối... Hóa mê mẩn với vẻ đẹp thiên nhiên, quên cả giờ giấc mà đi quá sâu vào khu rừng. Lúc nhớ ra thì màn đêm đã phủ xuống từ lâu, không còn nhìn thấy phương hướng nữa. Chung quanh cây cỏ chằng chịt lại thêm tiếng gầm gừ của thú rừng từ xa xa vọng càng làm cho Hoá sợ hơn.

           

Đang lúc lo không biết tìm đâu ra chỗ trú ẩn qua đêm tránh thú dữ. Hoá mừng rỡ thấy từ xa xa có ánh đèn phát ra từ cửa sổ của một toà nhà khá lớn. Dù có đôi chút ngạc nhiên, giữa rừng sâu sao lại có toà nhà to lớn như vậy mà mình chưa biết. Nhưng nghĩ rằng là nơi ẫn cư của một danh gia nào đó.

 

Đến trước toà nhà, hai cánh cổng sắt đã hoen rỉ, khóa với nhau bằng chùm dây xích cũng gần rã mục. Khu vườn bao quanh nhà ,cỏ cây um tùm cao quá đầu người, xem ra  không có dấu vết người đi. Đúng là một toà nhà hoang dã đã lâu. Nhưng nhìn lên trên, ánh đèn từ các khung cửa sổ chiếu xuống hàng hiên rậm rạp cỏ dại ở dưới, chứng tỏ có người đang sinh sống. Vân Hoá cảm thấy lạnh xương sống, sợ hãi khi nghĩ đến những chuyện ma quái hiện hồn nơi hoang dã mà chọc phá người trần gian. Nhưng giữa rừng hoang tối như mực, bên tai tiếng gầm gừ của thú rừng làm cho Hoá bạo dạn đưa tay đập sợi dây xích vào cánh cổng, lên tiếng gọi chủ nhân.

           

Từ trong nhà, một thiếu niên cỡ 16, 17 tuổi, dáng dấp thư sinh trang phục rất sang trọng, cầm chiếc đèn bão chậm rãi vẹt cỏ đi ra. Vân Hoá chưa kịp mở lời, thư sinh đã vui vẻ, nồng nhiệt vái chào :

 

-  Chắc khách quan lỡ đường mà đến thăm tệ xá phải không?  Xin mời vào.

 

Đáp :

 

-  Đúng như thế xin huynh đệ cảm phiền báo với chủ nhân cho vãn sinh tá túc qua đêm, tránh thú dữ. Sáng mai xin đáp tạ mọi tốn kém.

 

Thiếu niên giơ ngọn đèn lên ngang tầm mắt, nhìn rõ Vân Hoá. Mừng rỡ lộ ra mặt, lấy tay mở cánh cổng, miệng cười vui vẻ nói:

           

-   Đây không phải là Lâm tiên sinh đó sao? Thật không ngờ hôm nay may mắn lại được tiên sinh hạ cố đến thăm. Tam sinh hữu hạnh như thế này dù mười năm tiểu đệ vẫn không dám chối từ, huống chi một đêm... Mời tiên sinh vào để cho đệ được khỏan đãi.

           

Dù có chút ngạc nhiên với căn nhà có vẻ ma quái, khác thường.  Nhưng nhìn vẻ phong nhã, lời nói lễ độ nhất là nụ cười tươi vui, trong sáng của thiếu niên mỹ nam tử, gây cho Hoá cảm tình, vui vẻ theo thiếu niên vào nhà. Nhìn bề ngoài tòa nhà hoang tàn không ai có thể nghĩ được bên trong lại chứa đựng những căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp. Tất cả đồ trang trí của ngôi nhà đều cổ xưa nhưng lại sạch sẽ, không một hạt bụi. Đại sảnh với bộ salon  bằng gỗ qúi đã lên mầu đen nâu bóng láng. Sát tường kê một dẫy tủ kính xếp đầy sách qúi thiên về nghệ thuật, văn chương, triết học. Trên tường treo đủ loại nhạc cụ xen kẽ nhau. Một cây quản sáo, vài chiếc ống tiêu như làm sang trọng hơn cho chiếc đàn tam, đàn nhị, tỳ bà đính so le trên tường . Gần cửa sổ, bức tranh sơn thủy hiện ra đầy sống động dưới ánh đèn mù mờ, chập chờn từ chiếc đèn trong tay thiếu niên phát ra . Chỉ nhìn lướt qua cách trang trí hài hòa đầy nghệ thuật như vậy, Hoá thầm nghĩ chắc chắn chủ nhân phải là người phong lưu trong giới cầm, kỳ , thi, họa.

           

Vân Hoá như bị hút hồn vào vẻ đẹp đẽ, sang trọng của căn phòng và những cổ vật nên quên khuấy việc hỏi tên họ chủ nhân toà nhà. Thiếu niên hình như tôn trọng vẻ mê say thưởng lãm của khách, chỉ im lặng chậm rãi đi theo. Sau khi đã mãn nhãn thưởng thức tất cả những cổ vật, danh họa trong căn phòng. Hoá dừng lại, quay sang thiếu niên nói :

 

-  Huynh đệ có thể cho ta hân hạnh hội kiến chủ nhân được không ?

 

Thiếu niên mỉm cười, với tí chút ngập ngừng, khiêm nhường mà trả lời :

 

-  Toà nhà và những cổ vật này của nội tổ (ông bà nội ) để lại cho tiểu đệ.Nhưng tiểu đệ ngu tối nên không biết nhiều về giá trị của nó, xin nhân huynh đừng ngại ngần mà chỉ bảo cho.

 

Không chú ý đến vẻ ngạc nhiên của Vân Hoá, thiếu niên tiếp lời :

 

-  Tiểu đệ ở đây với một lão bộc mà thôi. Nếu nhân huynh thích có thể ở đây chơi với tiểu đệ đến khi nào chán thì thôi. Cũng là dịp cho tiểu đệ học hỏi kiến thức, tài năng của nhân huynh ... Xin nhân huynh đừng vì cái dốt và xấu của tiểu đệ mà chối từ.

 

Nói xong, chẳng để cho Hoá trả lời, thiếu niên lại nói tiếp :

 

-  Tiểu đệ họ Tần , tên gọi là Chính Văn, chính quán người Hà Tây. Phụ thân đệ tên Tần Đức Minh là quan hành kiểm trong triều đình cho nên đệ sinh ra và lớn lên ở đây mà trở thành người đế kinh. Hoàn cảnh của đệ cũng có vài điều khó minh bạch cho huynh thông hiểu trong buổi sơ giao này, xin nhân huynh thứ lỗi cho đệ. Tuy nhiên chắc chắn nếu huynh đệ chúng ta có duyên may mà thân thiết hơn, tức khắc huynh sẽ hiểu rõ mà thôi. Cuộc sống nơi đây của đệ khá tịch mịch. Đệ chỉ biết làm bạn với sách vở và âm nhạc, ngoài ra không có quen biết ai. Thi thoảng đi thăm viếng bà nội của tiểu đê, hiện cũng đang sống  không xa đây lắm.

 

Nghe thiếu niên nói, Hoá thấy như có gì khác thường,  nghĩ mình đang đối diện với hồn ma hay hồ ly. Nhưng qua vẻ sang trọng, ăn nói từ tốn văn chương của thiếu niên làm cho Hoá bớt lo, ngược lại còn sinh lòng quý mến thiếu niên mà nghĩ rằng dù là gì thì vẫn là kẻ tốt với mình đáng để mình kết bạn.

 

Thiếu niên hình như soi suốt suy nghĩ của Hoá, mỉm cười thân mật nắm lấy tay Hoá kéo sang căn phòng bên cạnh. Không biết từ lúc nào, đã có sẵn mâm cơm để trên bàn đang bốc khói nghi ngút mà vồn vã :

 

-  Thôi, chúng ta còn cả buổi tối dành cho tâm sự. Bây giờ chắc huynh đã đói rồi, xin cho tiểu đệ được mời huynh một bữa ăn nhạt .Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện chắc thú vị hơn.

 

Đúng như vậy, trong bữa ăn cơm, rồi lúc lên giường, cả hai như đôi bạn cố tri xa nhau nhiều năm mới gặp,có hàng núi chuyện để tâm sự. Hoá dù là một người thông minh, tài năng vượt trội hơn người về mọi lãnh vực nhưng nhiều lúc cũng phải ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ vì kiến thức bao la, thâm thuý của thiếu niên thua mình gần 9, 10 tuổi đời. Đặc biệt kiến thức về mọi lãnh vực của thiếu niên rất cổ xưa. Khi bàn luận về văn chương, âm nhạc và cả về trường phái hội họa, thiếu niên có những lời bình luận rất cao thâm khi nói đến lãnh vực cổ điển. Ngược lại với nền văn hoá đương đại, đúng với lứa tuổi của thiếu niên thì gần như mù tịt, không biết gì! Nghe thiếu niên tâm sự Hoá có cảm tưởng như đang nói chuyện với một nhà bác học có ý tưởng hoài cổ.

 

Sáng hôm sau khi mặt trời đã đứng bóng cả hai mới thức giấc. Sau khi ăn điểm tâm xong, Vân Hoá lo vì rời nhà mà không báo cho gia đình biết trước, đang có ý định từ gĩa ra về. Chính Văn như đoán được, với vẻ mặt buồn rầu, đôi mắt rướm lệ nắm lấy tay Hoá rầu rĩ mà nói :

 

-  Huynh đài thật sự không muốn làm bạn với Chính Văn này sao mà vội vàng xa nhau như thế? Nếu không có gì vướng bận xin huynh nán lại đây với đệ vài ba ngày cho đệ được dịp tỏ lòng ân cần với người tri kỷ.

 

Hoá nghĩ nếu không về nhà ngay hay tìm cách báo cho gia đình biết lý do vắng mặt của mình, chắc chắn sẽ gây ra những lo lắng cho gia đình. Nhưng với lời lẽ quá chân thật, nặng tình cảm của Chính Văn làm cho Hoá lưỡng lự, không biết trả lời ra sao. Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa, một con bé gái khỏang 9, 10 tuổi quần áo ra vẻ con hầu mở cửa bước vào cúi lậy thiếu niên, lễ phép thưa rằng:

 

-  Thưa công tử, lệnh bà bị bệnh trở lại nên sai tiểu nữ đến nhắn với công tử là lệnh bà muốn gặp công tử vào tối hôm nay có việc muốn nói.

 

Nghe con bé nói xong, Chính Văn quay sang Hoá thở dài mà rằng:

 

-  Đúng là chúng ta không có duyên thân cận nhau lâu hơn nữa rồi! Lâm huynh thì lo lắng mà phải về nhà sớm. Đệ lại phải đi chăm sóc nội bà tổ đang bị bệnh. Thôi đành vậy, hy vọng có dịp may mắn khác được gặp lại nhau.

 

Hoá đang khó nghĩ với việc từ gĩa, lại nghe tin bà nội của chủ nhân bị bệnh, đúng với nghề nghiệp của mình, nên chẳng ngại ngần mà nói:

 

-  Muộn thì cũng đã muộn rồi, ta sẽ đi với đệ, trước là ra mắt bà nội của đệ, sau là có chút tài năng về y thuật biết đâu ta lại không giúp được tí nào cho bệnh tật của bà, đó chẳng phải là điều tốt sao?

 

Chính Văn mừng rỡ ra mặt, ôm lấy Hoá, mắt ngấn lệ mà thưa rằng :

 

-  Nếu nhân huynh không nhắc nhở, đệ đã ngu đần mà quên rằng huynh là một lương y tài danh chốn Kinh Bắc. Chắc chắn lão nhân gia sẽ rất vui mừng khi thấy huynh đến thăm và còn trổ tài chữa bệnh cho bà nữa.

 

            Nói xong ChínhVăn quay sang con bé hầu, ra lệnh:

 

            -  Ngươi nói với lão bộc sửa soạn bữa cơm trưa rồi chuẩn bị xe ngựa cho ta và công tử. Chúng ta sẽ lên đường vào buổi chiều nay.

 

            Sau bữa cơm trưa, nghỉ ngơi tí chút, Chính Văn nắm tay Hoá cùng leo lên chiếc xe song mã, hình dáng hơi cổ nhưng rất sang trọng. Khung xe toàn bằng gổ sơn đen bóng loáng khảm tranh sơn thủy. Hai bên cửa sổ có che màn gấm dáng vẻ như xe của quan lại ngày xưa. Con bé hầu sau khi mở cửa cho Hoá và Văn lên xe xong xuôi, ra vẻ rất quen thuộc con bé lên ngồi bên cạnh người xà ích.

 

            Chiếc xe hơi lắc lư tí chút rồi nhẹ nhàng lăn bánh. Ngồi trong xe, ngoài tiếng lọc cọc nho nhỏ của vó ngựa, thi thoảng chêm vào vài tiếng tắc lưỡi thúc dục ngựa của người xà ích, Hoá có cảm giác như chiếc xe lăn bánh êm nhẹ trên tầng mây. Lúc này thì Hoá chắc chắn thiếu niên ngồi đối diện trong xe với mình và hiện tượng chung quanh có cái gì không thực. Hình như nhìn thấu suốt suy tư của Hoá, Chính Văn mỉm cười nhỏ nhẹ chấn an :

 

            -  Lâm huynh chẳng nên thắc mắc làm gì cho mệt. Chắc chắn không có gì bất lợi cho huynh đâu, khi gặp nội bà của đệ, huynh sẽ hiểu rõ mà thôi.

 

            Chẳng biết chiếc xe song mã đi được bao xa, nhưng thời gian có lẽ khỏang cháy hết nén hương thì dừng lại. Sau vài tiếng lịch kịch, con bé hầu mở cửa cho Hoá và Chính Văn bước ra khỏi xe. Hoá ngỡ ngàng thấy mình đang đứng trước môt dinh thự nguy nga. Trước hành lang dẫn vào toà nhà có vài người lính trang phục theo lối cổ xưa vác giáo sáng chói, nghiêm trang đứng gác.

 

Từ trong nhà một lão già đứng tuổi, quần áo rất chỉnh tề bước vội ra kính cẩn cúi đầu chào hai người, quay sang Chính Văn, ông lão lễ độ thưa:

 

-  Công tử đã về, Lão nhân gia đang nằm trong chính phòng chờ đợi công tử.

 

Nói xong ông lão quay mình dẫn đường. Chính Văn hình như quá quen thuộc với lề luật, bình thản nắm lấy tay Hoá kéo đi, thân mật:

 

-  Lâm huynh đi với đệ ra mắt bà của đệ trước đã.

 

Theo chân Chính Văn qua khu đại sảnh của toà nhà trước khi rẽ vào một phòng khá lớn, dụng cụ rất sang trọng, trình bày theo lối cổ. Gần cuối phòng là chiếc giường bằng gỗ quý đen bóng. Trên giường nằm một lão bà khỏang trên dưới 60 tuổi, mái tóc lớm chớm hoa râm, dáng vẻ rất qúi phái. Xem bề ngoài chắc bà ta là người có địa vị trong xã hội. Bà lão có vẻ như đang bị bệnh nặng, thân thể yếu rũ nằm bất động trên giường.

 

Chính Văn chạy lại bên giường, ôm nhẹ lấy lão bà ra chiều lo lắng mà thưa rằng:

 

-  Tiểu tôn về thăm nội bà đây.

 

Lão bà hơi quay đầu, nhìn thấy Chính Văn và Hoá. Không dấu được mừng vui hiện trên khuôn mặt, với giọng thều thào:

 

-  Chính Văn, con đã về với ta đấy sao? Lại còn dẫn khách quý về thăm ta nữa phải không?

 

Đáp:

 

-  Con nghe nội tổ mẫu gọi nên phải về ngay để nội khỏi mong.

 

Chẳng để cho bà lảo trả lời, Văn kéo ghế cho Hoá ngồi rồi giới thiệu với bà:

 

-  Đây là bạn vong niên mới quen của tiểu tôn, một lương y nổi danh ở Kinh Bắc, con dẫn anh ấy ra mắt bà, nhân tiện xem bệnh cho bà luôn.

 

Hoá cúi đầu chào lão bà, lễ độ mà thưa rằng:

 

-  Vãn bối hân hạnh được quen biết lão nương. Xin lão nương cứ yên nghỉ, để vãn bối chẩn mạch xem có thể giúp gì được chăng?

 

Chẳng cần rườm rà, Hóa cầm tay bà lão trầm tư chẩn mạch. Sau một lúc suy nghĩ, Hoá ngước mắt nói với Chính Văn:

 

-  Bệnh tình của lão nương chẳng có gì đáng lo lắng đâu. Chỉ vì bế tắc vài đường kinh mạch mà sinh ra cảm cúm thông thường mà thôi. Huynh sẽ dùng kim châm và chút hương liệu kích thích vài huyệt mạch, chỉ chốc lát là nội bà tổ của tiểu đệ sẽ khỏe mạnh, bình thường ngay.

 

Đúng như vậy, với y thuật siêu hạng của Hoá, sau vài giờ bà lão đã khoẻ mạnh thấy rõ. Bà tươi tỉnh ngồi dậy, tỏ lời cám ơn, cảm phục y năng của Hoá rồi sai tỳ nữ mang một mâm bánh trái mời khách. Bà cũng không quên hỏi gia cảnh của Hoá.

 

Hoá trả lời:

 

-  Vãn bối họ Lâm tên Vân Hoá, đang cùng phụ thân điều hành một dưỡng đường tư nhân ở Kinh Bắc cũng là nguyên quán của họ Lâm nhà vẫn bối.

 

Lão bà hơi cau mày khi nghe nghe Hoá giới thiệu. Đưa mắt nhìn kỹ lưỡng Hoá một lúc, rồi ra vẻ ngần ngừ mà hỏi:

 

-  Lâm Ánh Khoa là gì của công tử?

 

Hoá đáp:

 

-  Là nội tổ của vãn sinh

 

Lão bà càng tỏ ra ngạc nhiên hơn, hỏi tiếp:

 

-  Như vậy Lâm Tú Kiệt là phụ thân của công tử sao?

 

Đến lúc này thì Hoá không thể không thắc mắc, chau mày ra vẻ ngạc nhiên mà thưa:

 

-  Lão nương làm sao mà biết danh tự của nội tổ và phụ thân vãn bối?

 

Bà lão tỏ vẻ vui mừng, miệng mỉm cười, trả lời:

 

-  Phu quân của ta trước kia còn sinh tiền là bạn đồng môn, đồng trào với nội tổ của ngươi. Ngày đó, hai gia đình rất thân cận nhau, thường đến chơi với nhau như anh em ruột thịt. Nội tổ ngươi có 3 người vợ, hai người đầu tiên không có con rồi sau bị bệnh mà mất. Người vợ thứ ba là thân mẫu của phụ thân ngươi. Bà ta chỉ có duy nhất một người con trai đó là phụ thân của ngươi. Ta biết phụ thân của ngươi từ khi mới sinh cho đến khoảng 15, 16 tuổi.

 

Hoá nghe bà lão nói mà tưởng như trong mơ. Giương mắt ngơ ngẩn nhìn bà lão vì không thể ngờ lại có sự liên hệ ngẫu nhiên như vậy. Có lẽ hiểu được thắc mắc của Hóa, bà lão ôn tồn giải thích:

 

-  Phu quân ta họ Tần, tên tự Kinh Úy, cùng với nội tổ ngươi đậu bằng tiến sĩ khoa bính tuất rồi cùng được bổ làm chức sử quan thuộc bộ lễ trong triều đình. Có lẽ nếu nội tổ ngươi và phu quân ta còn sống thì năm nay cùng 97 tuổi. Phu quân ta lập gia đình sớm nên có 3 người con, hai trai, một gái. Trai trưởng cũng lập gia đình sớm, sinh cho ta 2 đứa cháu nội. Đứa cháu lớn, cũng là cháu đích tôn là Tần Chính Văn này đó (bà lão đưa ngón tay chỉ Chính Văn ). Nội tổ ngươi lập gia đình hơi trễ, đã vậy hai người vợ đầu tiên không có con lại mất sớm cho nên phụ thân ngươi nhỏ hơn các con của ta khỏang 10 tuổi là thế. Nếu ta không sai thì phụ thân ngươi hiện nay khỏang trên 60 tuổi mà thôi.

 

Ngưng lại một chút như muốn đè nến cảm xúc, lão bà thở dài nói tiếp:

 

-  Môt lần vào mùa hè, gia đình ta thuê thuyền đi du lịch phương Nam, không may gặp bão, cả gia đình bị chết đuối. Xuống âm phủ không bao lâu phu quân ta cùng gia đình được đi đầu thai kiếp khác để trở lại trần gian. Còn ta vì có tài văn chương, chữ viết rất đẹp, nên Diêm vương tuyển chọn ta vào chức quan hành kiểm trong Diêm cung. Đến nay đã hơn 20 năm, ta đã thăng tiến lên chức quan tả phù của Diêm cung. Nhiệm vụ của ta là thanh tra, kiểm soát danh sách những linh hồn sau khi chết xuống âm giới để đưa đi đầu thai hay đem đến khu vực hình vụ của Diêm phủ để thẩm xét công tội. Ta sợ tịch mịch cho nên xin Diêm vương cho Chính Văn ở lại với ta, đến khi nào hết nhiệm vụ ta sẽ cùng với nó đi đầu thai.

 

Nghe xong lời phân trần của lão bà, Hoá biết mình đang ở cõi âm, đang đối diện với hồn ma. Đưa mắt nhìn sang Chính Văn, dưới hình dáng một thiếu niên nhỏ hơn mình cả 10 tuổi, nhưng thật sự vai vế ngang với phụ thân và còn nhiều tuổi hơn phụ thân mình nữa. Chính Văn nhìn lại Hoá, mỉm cười và nói :

 

-  Bây giờ chắc Lâm huynh đã hết thắc mắc về gia cảnh của đệ rồi? Khác biệt âm dương giữa đệ và huynh chỉ là hình thức. Chúng ta vẫn làm bạn tâm giao với nhau được. Xin đừng lấy đó làm ngăn cách. Ý niệm về thời gian, trẻ gìa chỉ có ở trần gian, dương giới mà thôi. Ở âm giới hay thiên giới không có. Chính vì thế đệ vẫn là thiếu niên 16 tuổi, nội tổ mẫu vẫn ở tuổi 60 đúng như lúc chết. Huynh đừng suy tính theo trần thế mà làm đảo điên luật lệ của âm giới này.

 

            Lão bà chợt xen vào:

 

            -  Tiểu tôn ta nói đúng đó. Không biết sau ngày toàn gia đình ta bị chết đuối họ Lâm nhà ngươi có gì thay đổi không?  

 

            Hoá kể rõ hoàn cảnh đang suy kiệt về hậu duệ của họ Lâm, đang là điều trăn trở lo lắng nhất của phụ thân Hoá và cả giòng họ. Sau cùng Hoá thưa:

 

            -  Cha con tiểu bối đã dùng đủ mọi cách, từ thuốc thang, tẩm bổ đến cầu tự thần linh nhưng vẫn chẳng đến đâu. Vãn bối chưa bước khỏi tuổi thanh niên mà đã hai đời vợ, nhưng không con nối dõi tông đường, vẫn mang tội bất hiếu với tổ tiên.

 

            Lão bà gọi con bé hầu đỡ bà ngồi dựa vào thành giường, rồi bà nói với Hoá :

 

            -  Ngươi ngồi đây chờ ta một lúc. Ta đến Diêm phủ kiểm xét lại hồ sơ, mệnh số của họ Lâm nhà ngươi ra sao đã.

 

            Nói xong lão bà nhắm mắt, im lặng như người đang mê man trong giấc ngủ. Khỏang thời gian chưa đủ uống hết chén trà, lão bà tỉnh dậy. Với vẻ buồn bã bà nói:

 

            -  Đúng là giòng họ Lâm nhà ngươi đã cạn kiệt phúc đức của tổ tiên rồi. Đến đời ngươi là giòng họ Lâm chấm dứt. Phụ thân ngươi không sống được quá 2 năm nữa. Còn ngươi cũng chỉ khoảng 5 năm nữa mà thôi. Đó cũng là cái lỗi lầm lớn của cha con ngươi mà ra. Cha con ngươi chỉ biết thụ hưởng phúc đức của đời trước để lại mà không biết làm ra phúc đức để tích lũy, vun trồng cho con cháu.

 

            Hoá nghe lão bà nói, có phần khó hiểu mà rằng:

 

            -  Cha con tiểu bối chẳng có làm điều gì thất đức cả. Gần 50 năm qua cha con tiểu bối chỉ lo việc chữa trị bệnh tật cho kẻ ốm đau, đúng vai trò, tác nghiệp của người làm y đức, Không lẽ đó là việc vô đạo đức hay sao?  Theo thiển nghĩ của vãn bối, xét đoán của Diêm vương phủ có gì không công bằng, sai lệch chăng?

 

            Lão bà lắc đầu mà giải thích:

 

            -  Ngươi có bao giờ tự hỏi cha con nhà ngươi chữa bệnh, chăm sóc cho ai mà không lấy thù lao chưa? Những kẻ giầu có, thế lực được cha con ngươi chữa trị, họ trả tiền cho cha con ngươi ra sao? Có nhiều hơn công sức của cha con ngươi bỏ ra không? Nếu thế thì chỉ là mua bán, trong đó cha con ngươi có lời nhiều hơn. Ngươi cũng tự hỏi nếu một bệnh nhân nghèo khổ không có tiền, có ai có dám bén mảng bước vào dưỡng đường của cha con ngươi không? Và nếu họ vào đó với cái túi trống không của kẻ nghèo hèn cha con ngươi có chữa bệnh cho họ vô thù lao không? Đã thế cha con ngươi nhờ quen biết, giầu có, thế lực đã thu gom các lương y, thầy thuốc tài năng trong thiên hạ về làm cho mình, mục đích chỉ để làm giầu. Cha con ngươi làm vậy chỉ kiếm tiền nhiều hơn, phục vụ cho số ít người lắm tiền nhiều của mà thôi còn những người nghèo tìm đâu ra lương y tài giỏi để chữa trị cho họ. Tóm lại ngươi hãy chỉ cho ta biết làm việc của cha con ngươi phúc đức ở chỗ nào? Đã thế suốt đời cha con ngươi sống trong dạnh vọng, quyền qúi giữa thế gian nghèo khổ, không phải là do từ cái qũy phúc đức của tiền nhân để lại hay sao?

 

            Nghe bà lão nói, Hóa nhìn thấy vấn đề, tỏ vẻ ăn năn mà thưa rằng:

 

            -  Thưa lão nhân gia, nếu từ nay cha con tiểu bối đem tiền bạc, tài năng ra làm việc phúc đức thì số mệnh của cha con tiểu bối có thay đổi được không?

 

            Lão bà trả lời:

 

            -  Số mệnh của cha con ngươi đã được xét đoán và xác định rồi, không dễ đổi thay được nữa. Tuy nhiên nếu cha con ngươi làm việc phúc đức, cũng chẳng phải là điều vô ích. Phúc đức đó sẽ được tích lũy cho kiếp sau của cha con ngươi.

 

            Nghe lão bà nói, Hoá có phần nào thất vọng, buồn rầu mà thưa rằng:

 

            -  Xin lão nhân gia vì nghĩa tri giao với nội tổ của vãn bối ngày xưa mà chỉ dẫn cho vãn bối phương cách để cải đổi được định mệnh cho giòng họ Lâm không phải tuyệt tự.

 

            Hình như nhìn thấy vẻ đau buồn của Hoá, lão bà có vẻ mủi lòng:

 

            -  Ngươi tuổi gì?

 

            Đáp:

 

            -  Vãn bối sinh năm ất dậu, năm nay đúng 25 tuổi.

 

            Bà lão đưa bàn tay lên tính toán rồi nói:

 

            -  Với phụ thân của ngươi thì chắc chắn không thay đổi được vì thời gian quá ngắn. Với ngươi còn trẻ, còn thời gian, nếu gặp được duyên cơ cũng có thể đổi thay được ít hay nhiều. Muốn thế ngươi cần có rất nhiều nỗ lực kèm theo may mắn mới hy vọng mà thôi. Tuy nhiên ta nghĩ không dẽ dàng lắm đâu.

 

            Mừng rỡ Hoá thưa rằng :

 

            -  Xin lão nương cho biết. Vãn bối nguyện sẽ lấy tất cả cố gắng để đổi thay định mệnh cho họ Lâm.

 

            Ngần ngừ một chút, lão bà trả lời:

 

            -  Vì nghĩa tình với nội tổ của ngươi, cũng muốn trả lại lòng tốt mà ngươi đã trị bệnh cho ta vừa rồi. Ta chỉ hé mở một chút thiên cơ mong giúp ngươi có chút manh mối để gặp được vận may. Với tuổi dậu ngươi nên rời khỏi nơi đây trước trời sáng, cứ nhắm hướng Đông Nam mà đi. Đây là hướng và thời điểm phù hợp với tuổi của ngươi nhất. Trên đường đi ngươi hãy hoà nhập vào xã hội, cố gắng làm những việc tốt. Cứ để tự nhiên xoay vần, không nên miễn cưỡng hoặc tính toán lợi hại. Nói rất dễ hiểu ngươi nên tránh xử dụng sự khôn ngoan trong lãnh vực thương mại mà cha con ngươi đã nhờ nó mà giầu có như ngày nay. Nếu ngươi làm được điều này ta nghĩ rằng ngươi có nhiều hy vọng gặp được kỳ tích để duy trì sự thịnh vượng cho họ Lâm nhà ngươi. Ta chỉ có bấy nhiêu lời chỉ dẫn cho ngươi, còn việc gặp được hay không vẫn là số phận của ngươi vậy. Thôi ngươi hãy đi đi cho kịp ngày giờ hoàng đạo!

 

            Nói xong, lão bà quay sang Chính Văn, nói:

 

            -  Tiểu tôn hãy lo hành trang cho công tử.

 

            Chính Văn vâng lời, đi ra chỉ khoảng khắc trở vào nói với Hoá:

 

            -  Tiểu đệ đã sửa soạn xong mọi thứ cho Lâm huynh rồi. Đệ sẽ báo tin cho gia đình huynh biết sự vắng mặt của huynh, xin huynh đừng lo lắng, cứ yên tâm mà tìm kỳ duyên. Đệ chúc huynh thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn.

 

            Noí xong Chính Văn đưa tay đẩy Hoá một cái mạnh. Hoá không cưỡng lại được, ngã đập đầu xuống nền nhà giật mình thức dậy thấy mình đang nằm ngủ dưới gốc cây cổ thụ trong rừng. Ngay bên cạnh là một gói lương khô, một túi nhỏ đựng ít tiền vàng. Hoá biết là mình vừa ra khỏi một giấc mơ nhưng cũng là thật. Hoá quỳ xuống lậy tạ rồi đứng dậy nhắm hướng Đông Nam đi theo lời dặn.

 

            Thoáng chốc đã hơn 3 tháng trời, Hoá đã đi qua bao nhiêu địa phương, như một kẻ lãng du, không mục đích. Trên đường khi gặp ai bệnh họan hay nghèo khổ, Hoá đều tìm cách giúp đỡ, chữa bệnh cho họ rồi lại ra đi. Một hôm Hoá đến một địa phương vừa trải qua trận lũ lụt tàn phá. Dân cư phiêu bạt, đói khát. nhà cửa xiêu vẹo hoang phế, ruộng vườn xơ xác vẫn còn lẹp nhẹp bùn đất. Bầu trời lại mù mờ, đêm đã gần xuống, trời mưa vẫn rả rích càng làm gia tăng vẻ tiêu điều. Hoá cố tìm một một lữ quán để nghỉ qua đêm, nhưng xem tình hình lũ lụt như vậy chắc chẳng còn cơ sở kinh doang nào hoạt động nữa. Bóng đêm càng lúc càng gần Hoá đang định tìm một chỗ cao ráo nào để nghỉ qua đêm thì nhìn thấy xa xa, lấp sau lùm cây bên cạnh đường một ngôi đền mái ngói rêu phong. Bùn đất của trận lũ lụt vẫn còn vương loang lổ trên vách đền.

 

            Bước lên khỏi bậc tam cấp qua khỏang cách nhỏ là ngưỡng cửa bằng gỗ chắn ngang nối với phần trong của đền. Giữa đền là một chiếc bàn bằng gỗ cũ kỹ lem luốc bụi đất bọc một lớp dầy trên mặt bàn. Một lư hương bằng sứ thô thiển sứt mẻ cắm đầy chân nhang đã cháy dở dang. Giữa bàn sát với tường phía sau đền là bức tượng thần hoàng. Đầu thần đội chiếc khăn như khăn Khổng Minh nhưng lại có hai cánh chuồn. Nhìn qua tượng như một quan viên chứ không phải một vị thần hoàng thường thấy ở các điạ phương khác. Hai bên cạnh thần hoàng là hai lính hầu vác kích đứng gác nhưng khuôn mặt lại non nớt, giống như hai tiểu đồng. Thần hoàng ngồi oai nghi trên chiếc ghế bành bằng gỗ sơn son thiếp vàng nhưng đã loang lổ với thời gian. Hai tay thần để tựa trên hai thành ghế, cánh tay bên trái của bức tượng không biết vì lý do gì mà bị gẫy gần nát nhưng vẫn còn treo lủng lẳng trên thành chiếc ghế nhờ vài sợi dây vải của chiếc áo.

 

            Hoá nhìn cánh tay gẫy của bức tượng quá thảo não, làm mất vẻ uy nghi của bức tượng, tự nhiên thấy có chút bức rức. Để gói hành trang xuống dưới góc chân bàn thờ rồi Hoá trở ra ngoài đền tìm chỗ khô ráo moi lấy một cục đất sét, trở vào đền dùng bàn tay khéo léo của một thầy thuốc, Hoá sửa lại cánh tay gẫy. Xong đâu đấy Hoá để cánh tay lại đúng vị trí trên thành ghế. Hoàn thiện hơn Hoá mở túi xách lấy bút mực, phẩm mầu cẩn thận tô phết lại khắp bức tượng. Sau đó giở lương khô ra để trên bàn thờ, tìm vài chân hương chưa cháy hết, thắp lên rồi đứng trước bàn thờ kính cẩn mà khấn:

 

            -  Vãn sinh lỡ lộ đường không tìm được lữ quán, lỡ chân mà vào đây xin thần vui lòng cho tá túc qua đêm. Vãn sinh vì méo mó y nghiệp mà sửa chữa, sơn phết lại thân thể của ngài, nếu có điều gì bất ý xin coi như lòng thành của bản nhân mà tha thứ hộ. 

 

            Chờ cho nén hương cháy hết, Hoá mới lấy lương khô xuống ăn rồi lăn ra nền, gối đầu lên bao hành trang mà ngủ. Không biết ngủ được bao lâu, Hoá nghe như tiếng người gọi mà thức giấc. Mở mắt ra thấy một người trang phục y hệt tượng thần đang đứng bên cạnh nhìn mình, mỉm cười dễ dãi mà nói:

 

            -  Tiên sinh đã thức rồi. Bản mỗ là thần hoàng của phủ Tân Kỳ này đây, xin đa tạ lòng kính ái của tiên sinh. 

 

Hoá ngạc nhiên nghĩ mình đang nằm mơ, đưa tay cấu nhẹ vào đùi thấy đau mới biết là thật. Vội vàng đứng dậy sửa lại y trang gập mình xuống vái mà thưa rằng:

 

-  Xin Thần rộng lòng tha lỗi. Vãn bối không biết oai linh mà làm chuyện sai quấy đụng chạm đến ngài.

 

Đáp:

 

-  Sao tiên sinh lại nói lời trái ngược như vậy? Không lẽ thần mỗ lại dám trách mắng người đã bỏ công sức, tài năng ra chữa trị cánh tay tàn tật của mỗ, lại còn quảng đại mà sơn phết làm đẹp đẽ dung nhan cho mỗ nữa sao?

 

Chẳng để cho Hoá trả lời, Thần thân thiện nắm lấy tay Hoá kéo sang bên phải điện thờ, nơi đó không biết từ đâu, đã có chiếc bàn vuông vức với hai chiếc ghế gỗ đánh vẹc- ni đen bóng. Trên bàn một mâm cơm có đủ rượu thịt, thức ăn còn bốc khói nghi ngút. Thần Hoàng rót rượu ra ly đưa tận tay Hoá, ân cần mời:

 

-  Tiên sinh uống với bản mỗ vài ly rượu nhạt coi như bữa tiệc nhỏ để cám ơn kẻ tri giao. Xin cho biết danh tự, quê quán để dễ phần tâm sự.

 

Hoá lễ độ thưa:

 

-  Vãn sinh họ Lâm tên Vân Hoá, nguyên quán Kinh Bắc, có vài điều lo phiền cho hậu vận mà phải lưu lạc đến đây.  

 

Thần ngước mắt nhìn kỹ Hoá một lúc lâu rồi ra chiều đắn đo nói:

 

-  Thần mỗ xem qua khí sắc tiên sinh có phần không tốt lắm. Nhân trung quá ngắn so với chiếc miệng rộng mà vành môi qúa mỏng lại nhợt nhạt như thiếu máu. Đã thế đuôi chân mày thưa, có vài sợi lông mọc ngược chiều. Theo tướng pháp mà đoán thì tiên sinh đang lo lắng liên quan đến tử vong và tuyệt tự phải không?  Nếu không có gì khó nói, tiên sinh có thể cho thần mỗ rõ, biết đâu thần mỗ lại có gì giúp đỡ cho tiên sinh chăng?

 

Hoá cúi đầu lậy tạ, đem tất cả những băn khoăn, lo lắng cùng câu chuyện gặp gỡ hồn ma của bà cháu họ Tần ra kể cho thần nghe. Nghe xong thần đưa tay vuốt trán ra vẻ suy nghĩ rồi nói:

 

-  Qua lời chỉ điểm của Tần lão bà thì tiên sinh phải làm sao cải được mệnh số, kéo dài mạng sống để tích lũy phúc đức thì mới đổi thay được vận mệnh của mình. Theo mỗ cách hay nhất là tiên sinh kết nghĩa phu thê với một nữ nhân, nữ nhân đó được thừa hưởng rất nhiều phúc đức của tổ tiên để lại. Khi đã là phu thê thì sẽ san xẻ phúc đức cho nhau.

 

Hoá buồn rầu phân trần:

 

-  Phụ thân tiểu bối đã cưới 4 đời vợ nhưng chỉ có một mình tiểu bối là con. Còn tiểu bối mới 25 tuổi đầu mà đã hai đời vợ nhưng vẫn là đứa con bất hiếu với tiên tổ vì không con nối dõi tông đường. Lời khuyên của ngài nghe ra có lý nhưng không dễ thực hiện lắm sao? 

 

Thần bưng bình rượu rót thêm vào ly cho Hoá mà nói:

 

-  Vì lòng tốt của tiên sinh, thần mỗ đành thố lộ thiên cơ một chút, mong tiên sinh ghi nhớ và kín đáo cho để khỏi sinh ra rắc rối cho mỗ. Trong lãnh địa của thần mỗ có một nữ nhân vẫn còn giường đơn, gối chiếc. Nữ nhân này được ân hưởng phúc đức từ 6 đời tiên tổ chuyên làm việc phúc đức để lại, đang sống với bà nội đã hơn 80 tuổi. Theo định số thì bà nội của nữ nhân mệnh đã hết, sẽ chết hôm nay hay muộn lắm là ngày mai. Thần mỗ sẽ đóng vai kẻ mai mối giúp tiên sinh quen biết với nữ nhân. Tuy nhiên việc quen biết không có nghĩa đã là phu thê, muốn thành vợ chồng phải có nợ nần tơ duyên mới được coi là hợp cách .

 

Thần bưng chén rượu uống rồi tiếp:

 

-Ngay sáng ngày mai tiên sinh cứ theo hướng Đông Nam mà đi. Đến một làng quê có tên là Sơn Trà thuộc phủ Tân Kỳ của mỗ. Làng này chỉ có khỏang vài chục căn nhà, nhưng có môt căn nhà tranh, sát chân núi được bao quanh bởi một vườn cây ăn trái. Đó nơi bà cháu của nữ nhân đó sinh sống. Thần mỗ sẽ báo tin cho họ biết trước để tiếp đãi tiên sinh. Tiên sinh đến đó làm thân với họ, giúp đỡ nữ nhân săn sóc, lo hậu sự cho bà lão khi bà ấy mệnh chung. Sau đó tiên sinh cùng với nữ nhân đúng ngày rằm trăng tròn tháng này mang theo một bình rượu thật ngon, hai cái chén uống rượu, một ít bánh ngọt và một ấm trà càng thơm ngon càng tốt. Tiên sinh mang tất cả thứ đó lên đỉnh ngọn núi ở sau nhà của nữ nhân trước khi trời tối rồi tìm chỗ kín đáo ẩn thân mà đợi chờ chuyện lạ.  

 

Vào đầu giờ tí mỗi năm, đúng ngày rằm là quần tiên đại hội. Các tiên ông, tiên bà từ thượng giới tụ đến. Tiên sinh hãy chú ý xem chữ viết trên ngực áo của các tiên để biết rõ nhiệm vụ của họ. Trong đó có một cặp tiên, tiên ông mặc áo hồng có chữ TƠ trên ngực áo, sau lưng đeo một cái túi đựng một bó tơ hồng. Tiên bà mặc áo đỏ có chữ NGUYỆT, bên hông giắt cuốn sổ mầu tím. Cặp tiên này luôn luôn đi với nhau, cả hai rất thích uống trà, ăn bánh ngọt, họ lo về chuyện vợ chồng của nhân gian. Tiên sinh hãy tìm cách dâng trà bánh cho họ sau đó khéo léo nhờ họ kết nối tào khang cho tiên sinh và nữ nhân.

 

Xong rồi, tiên sinh và nữ lang tìm gặp hai tiên ông khác cũng luôn luôn đi vơí nhau. Mỗi tiên giắt sau lưng một cuốn sổ. Tiên ông áo đen, mặt dữ dằn có chữ TỬtrên ngực. Tiên ông kia mặc áo xanh,mặt vui tươi, hiền lành mang chữ SINH trên áo. Đó là hai vị tiên lo việc Tử Sinh của nhân gian. Hai tiên ông này rất thích rượu và đánh cờ. Tiên sinh tìm cách dâng rượu cho họ rồi xin họ thay đổi thọ mạng cho tiên sinh. Khi đạt được mục đích rồi phải nhanh chóng xuống núi trước khi mặt trời mọc, nếu không sẽ mất linh nghiệm mà còn mang hoạ vào thân nữa . Thần mỗ nói đã hết, còn được việc hay không là tùy vào duyên may của tiên sinh vậy.

 

Sáng sớm hôm sau, Hoá thức dậy thấy mình nằm ngủ bên chân bàn thờ thần. Nhìn ra bên ngoài trời đã sáng rõ, Hoá lại kiếm vài nén hương dở dang đốt lên bàn thờ, quỳ xuống mà khấn rằng:

 

-  Hôm nay vãn sinh chỉ biết dùng lời lẽ xuông để tạ ơn thần ngài mà thôi. Mai hậu nếu may mắn thoát được kiếp nạn, vãn sinh hứa sẽ trùng tu ngôi đền thờ ngài khang trang hơn để tỏ lòng kính ơn ngài đã vun đắp.

 

Khấn xong đúng như như lời thần dặn mà đi đến căn nhà tranh sát chân núi thuộc làng Sơn Trà. Hoá vừa đến cổng nhà, chưa kịp gọi thì một cô gái tuổi chừng đôi tám, quần áo đơn sơ nhưng cũng không dấu được vẻ đẹp mịn màng đang tuổi trăng tròn. Cô gái mừng rỡ mở cổng cho Hoá mà thưa rằng:

 

-  Công tử có phải họ Lâm tên Vân Hoá chăng? Thiếp chờ đợi đã lâu để tiếp đón công tử đây.

 

Dẫn Hoá vào nhà, cô gái vừa rót trà đãi khách vừa tự giới thiệu:

 

-  Thiếp họ Vương, tên gọi Thanh Miên, chính quán Hà Nam nhưng đã nhiều đời lập nghiệp tại phủ Tân Kỳ này mà đã thành dân địa phương. Hai năm trước, trong lần cứu dân làng bị lũ lụt, song thân thiếp đã bị nước lũ cuốn trôi mà chết. Thiếp đang sống với bà nội, bà của thiếp đang bị bệnh, mong chờ tài lương y của chàng lắm đó.

 

Ngạc nhiên không hiểu vì sao mà cô gái lại biết rõ tên họ, nghề nghiêp mình, Hóa hỏi:

 

-  Sao nàng lại biết rõ về ta như thế?

 

            Cô gái e thẹn mà đáp:

 

-  Tối hôm qua thiếp nằm mơ thấy Thần Hoàng đến báo tin nội nhật hôm nay công tử sẽ đến chơi, dặn dò thiếp phải chân tình mà tiếp đãi công tử. Thần cho biết cả tên họ, tài năng của công tử, lại còn nói giữa công tử và thiếp có duyên phận phu thê nữa. Chẳng biết đúng hay sai, nhưng xin chàng hãy dời chân vào trong phòng thăm bệnh cho bà của thiếp được chăng?

 

Hoá theo cô gái vào căn phòng bên cạnh thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ đang nằm trên chiếc giường tre đơn giản. Cô gái vỗ nhẹ vào tay bệnh nhân, cất tiếng gọi :

 

-  Bà ơi, dậy đi có Lâm công tử đến chữa bệnh cho bà đây.

 

Bà lão vẫn nằm yên, không có dấu hiệu gì thức giấc, Hoá đến gần cầm lấy tay bà lão thăm mạch một lúc rồi quay sang cô gái buồn rầu mà nói:

 

-  Vương Lão vừa tuyệt khí rồi!

 

Cô gái ôm lấy xác bà lão khóc lóc thảm thiết. Hoá chỉ biết im lặng như tôn trọng nỗi đau của cô gái. Một lúc sau khi cô gái có chút nguôi ngoai, Hoá kéo cô ta gần nói vài lời an ủi rồi kể cho cô ta biết tất cả những gì xẩy ra tối hôm qua ở ngôi miếu thờ Thần Hoàng. Nghe xong cô gái quỳ xuống mà nói với Hoá:

 

-  Thôi từ nay thân thiếp xin gửi gấm cho chàng. Xin chàng đừng lấy sự sang hèn mà xuồng xã thiếp.

 

Hóa nâng Thanh Miên dậy mà đáp:

 

            -  Nếu không vì lỡ độ đường mà vào miếu thờ Thần Hoàng trú chân thì làm sao ta biết đường đến đây để gặp nàng được? Đó không phải là một kỳ duyên hội ngộ mà Thần Hoàng đã kết nối giữa ta và nàng sao? Nàng hãy đứng dậy, ta sẽ vì nàng mà lo toan việc ma chay cho Vương lão đâu ra đó, xin nàng đừng lo. Ta chẳng phải là người vô tình, tham phú qúy đâu mà nàng phải nghĩ đến chữ sang hèn.

 

            Mấy ngày sau đó Hoá giúp đỡ Thanh Miên lo chu đáo việc ma chay cho Vương Lão, vừa xong thì cũng đến ngày phải sửa soạn bánh trái rượu trà mang lên đỉnh núi cho kịp quần tiên đại hội.

 

            Hai người lên đỉnh núi trước hoàng hôn, dẽ dàng tìm được một chỗ ẩn nấp có thể quan sát khắp nơi. Đỉnh núi là một khỏang không gian khá bằng phẳng có những cây rừng cổ thụ mọc xen lẫn những khối đá to nhỏ xếp gần nhau thành từng nhóm như những chiếc bàn, chiếc ghế thiên nhiên. Khi mặt trời hoàn toàn biến mất cũng là lúc bóng trăng tròn lồ lộ trên đỉnh đầu. Bầu trời với muôn nghìn vì sao lấp lánh hoà cùng với ánh trăng chiếu xuống làm cho đỉnh núi sáng rực như ban ngày. Từ bốn phương, tám hướng như những đàn chim muôn mầu sắc các vị tiên ông, tiên bà từ trên không nhẹ nhàng đáp xuống. Họ có thể đến riêng lẻ từng tiên nhưng có khi với từng nhóm 2,3 người kéo theo những tiểu đồng, tiểu nữ xách khăn gói theo hầu. Quần áo của các tiên thì trăm mầu trăm vẻ. Có tiên chỉ thuần một mầu sắc, có tiên lại khoe sắc với đủ mầu sặc sỡ coi như gã làm tuồng trên sàn hát. Trên ngực áo mỗi tiên đều ghi những chữ nói lên vai trò, công việc của họ trong quần tiên. Đặc biệt dù đông nhưng rất im lặng, các tiên nói chuyện với nhau rất khẽ.

 

            Hoá, Miên không khó khăn tìm thấy cặp tiên ông tiên bà lo việc duyên vợ chồng của nhân gian. Hai tiên ngồi đối diện nhau trên một phiến đá bằng phẳng, không biết họ đang nói chuyện gì nhưng ra vẻ rất tâm đắc. Hóa và Miên im lặng xếp đĩa bánh cùng với ấm trà nóng khói lên nghi ngút trước mặt song tiên. Hơi thơm của trà bánh bốc lên quyện vào mũi làm cho song tiên vừa nói chuyện vừa hít hà ra chiều thèm lắm. Rồi như thói quen cả hai tiên đưa tay cầm bánh ăn và uống trà chẳng thèm thắc mắc hỏi han gì cả.

 

Hoá, Miên đứng hầu bên cạnh, thỉnh thỏang rót thêm trà vào tách hay bóc bánh đưa tận tay cho song tiên. Đến một lúc hình như ăn uống no nê rồi, song tiên đưa mắt nhìn thấy Hoá và Miên, giật mình, ngạc nhiên mà hỏi:

 

            -  Hai ngươi từ đâu đến đây? Mà tại sao lại mang trà bánh đãi đằng hai ta vậy?

 

            Hoá, Miên quỳ sát bên nhau trước mặt song tiên mà thưa rằng :

 

            -  Vãn sinh và tình nhân yêu thương nhau nhưng không có duyên phận phu thê nên mạn phép lên đây xin song tiên vì hạnh phúc của hai kẻ trần gian nặng tình này mà kết hợp hộ!

 

            Song tiên đưa mắt nhìn nhau, hơi chau mày, kín đáo nói rất khẽ với nhau, rồi tiên bà Nguyệt lão lấy cuốn sổ mầu tím bên hông ra, hỏi tên họ Hóa, Miên rồi hý hoáy viết vào cuốn sổ. Đồng thời tiên ông Tơ lão rút ra một sợi chỉ hồng từ chiếc bao sau lưng, vẩy tay môt cái sợi tơ cuộn lấy Hoá, Miên rồi biến mất vào thân thể hai người. Làm xong tiên ông nhìn hai người nói :

 

            -  Hai chúng ta đã vì ấm trà thơm, vài miếng bánh ngon mà kết hợp cho hai ngươi rồi đó, các ngươi mau xuống núi mà lo chuyện cưới hỏi cho đúng phép trần gian đi.

 

Hóa, Miên quỳ lậy song tiên rồi từ gĩa mà lẫn vào đám đông. Không khó khăn lắm Hoá, Miên tìm thấy cặp tiên Sinh Tử đang ngồi đánh cờ. Đúng như Thần Hoàng mô tả. Sinh tiên mặc áo xanh, mặt đỏ như thoa phấn, rất hiền từ, râu ria nhẵn nhụi, miệng luôn luôn cười vui.  Ngược lại Tử tiên mặc áo đen, râu quai nón dựng đứng như Trương Phi, đã thế khuôn mặt cau có, dữ dằn coi như lúc nào cũng muốn ăn tươi, nuốt sống kẻ đối diện. Thanh Miên qúa sợ chân muốn không bước nổi, Hoá cũng chẳng hơn gì nhưng nghĩ mình là nam tử, hơn nữa chẳng còn đường nào khác, đành lập cập cầm chai rượu rót ra hai cái ly, im lặng để ngay bên cạnh bàn cờ. Rượu ngon, lại được hấp nóng, thêm gío núi thổi nhẹ làm mùi rượu bốc lên ngào ngạt. Song tiên mắt dán vào bàn cờ nhưng mũi phồng lên, phồng xuống như cố hít lấy mùi rượu thơm lởn vởn trong gío. Cũng như song tiên Tơ Nguyệt, song tiên Sinh Tử đưa tay cầm lấy chén rượu uống rất tự nhiên. Cứ vậy, chén không lại được Hoá, Miên rót đầy. Đến một lúc bàn cờ đã chấm dứt, lúc đó song tiên mới nhìn thấy Hoá, Miên đang ngoan ngoãn phục vụ. Sinh tiên hình như không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhìn sang Tử tiên vui vẻ mà nói:

 

            -  Có người sợ chết sớm mà nhờ vả ngươi rồi đó!

 

            Tử tiên cau mày ra vẻ bực bội nhìn Hoá, Miên gắt gỏng:

 

            -  Ai chỉ cho chúng mày lên đây mà làm phiền ta?

 

            Sinh tiên chẳng để cho Hoá Miên mở lời, cười thành tiếng mà nói với Tử tiên:

 

            -  Thôi, chúng ta đã uống rượu ngon của người ta rồi thì cũng chẳng nên làm kẻ vô ơn nữa!

 

            Rồi quay sang Hoá, Miên nói tiếp:

 

            -  Hai ngươi muốn gì nói ra đi.

 

            Thanh Miên thấy Sinh tiên có vẻ hoà ái nên chỉ tay vào Hoá, mạnh bạo thưa rằng:

 

            -  Lang quân của tiện nữ mạng số quá ngắn ngủi, xin tiên ông thương xót, rộng lượng mà thay đổi hộ.

 

            Tử tiên ra vẻ không vui nhưng đã lỡ uống rượu vào bụng rồi nên đành nhín nhịn, sẵng giọng gắt:

 

            -  Tên họ thằng mặt trắng chết non kia là gì? Nói mau! Ngươi về nói với kẻ nào lắm miệng mà lộ thiên cơ nên đóng miệng lại kẻo ta biết thì nó phải chết đi, chết lại mười lần đó.

 

            Sau khi nghe Hoá nói rõ tên họ, Tử tiên lấy sổ ra ghi ghi, chép chép, nhưng vẫn còn bực bội nhìn Hoá, Miên mà nói :

 

            -  Bản mỗ uống của hai đứa bay 6 chén rượu, ta trả cho thằng mặt trắng thêm 60 năm tuổi thọ nữa thế là hời lắm rồi! Thôi hai chúng mày bước đi cho khuất mắt chúng ta!

 

            Hoá, Miên sợ đến nỗi không dám mở lời cám ơn, chỉ qùy lậy song tiên rồi lủi nhanh vào đám đông và tìm đường xuống núi.

 

            Trở lại Kinh Bắc, Phụ thân Hoá cho biết sau khi Hoá đi được hai ngày thì ông nằm mộng thấy một thiếu niên xinh đẹp, quần áo rất sang trọng đến cho biết Hoá vì bận việc mà không về xin gia đình an tâm. Nghe phụ thân mô tả thì đúng là Chính Văn. Hoá kể cho phụ thân nghe tất cả những kỳ ngộ mà mình đã gặp trong hơn 6 tháng vừa qua. Phụ thân nghe xong, cho biết ngày còn trẻ vẫn sang chơi nhà nhà họ Tần nên có quen biết hầu hết người trong gia đình họ Tần. Nhưng từ khi nghe tin toàn gia họ Tần gặp thủy nạn mà mất nên không còn liên hệ nữa.

 

            Sau đó Hoá nhắm hướng dẫn phụ thân đến căn nhà cổ xưa, nơi mà mình gặp Chính Văn, nhưng đến đó chẳng có căn nhà nào cả mà có một quần mộ táng. Trên tấm bảng của quần mộ chỉ ghi đơn giản vài chữ “Mộ táng họ Tần “. Hỏi ra mới biết sau khi toàn gia gặp thủy nạn chết, họ hàng họ Tần đem toàn gia đến chôn ở đó.

 

            Rồi Phụ thân Hoá làm lễ thành hôn cho Hoá, Miên. Sau khi đã đâu vào đó vợ chồng Hoá sửa sang lại mộ cho gia đình Vân Chính, hàng năm cúng tế coi như thân thuộc. Hóa cũng không quên dẫn vợ xuống phủ Tần kỳ lậy tạ Thần Hoàng, giữ đúng lời khấn mà sửa sang điện thờ lại rất khang trang, hàng năm sai người cúng tế rất chu đáo.

 

            Đúng như định số, khỏang hơn một năm sau phụ thân Hoá bệnh mà mất. Trước khi mất phụ thân Hoá sung sướng vì nhìn thấy hai đứa cháu trai đẹp đẽ, thông minh do Thanh Miên song sinh ra. Hoá thay cha điều hành cơ sở thương mại càng lúc càng thịnh vượng hơn. Vợ chồng Hoá lấy tiền lời đem xây nhiều nhà dưỡng lão, trại nuôi trẻ mồ côi trên toàn quốc. Họ Lâm từ đời Hoá trở đi lại con đàn cháu đống. Người thì kế nghiệp cha làm lương y, cứu người. Người thì theo đường khoa bảng, văn hay chữ tốt mà thành quan to, tước trọng trong triều đình... Tất cả đều là theo lời dặn của tổ tiên làm việc đạo đức, phụ mẫu chi dân, luôn luôn lấy thuyết Thiên Lương ( lương tâm, lương năng, lương tri ) của nho giáo làm nền tảng sống. Đúng là một giòng họ danh gia hiếm có trong xã hội.    

 

Hết

 

Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn

   (Zuerich, Thụỵ Sĩ )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc