BỘ LY TÁCH UỐNG TRÀ - LIÊN TƯỞNG VỀ MẸ/ LƯU AN

18 Tháng Tám 20203:13 CH(Xem: 1942)
bo tach tra
Bộ ly tách uống trà

&

Những liên tưởng về mẹ

(tùy bút Lưu An)

 

 

Bộ mặt gỉả tạo với vẻ thanh bình, giầu có của Sàigòn, thủ đô miền Nam VN đang thời chiến tranh vào những ngày sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 gần như biến mất hoàn toàn. Thay vào đó là những khuôn mặt lo lắng của người dân, vẫn còn bàng hoàng vì những sự kiện đang xẩy ra ngay trung tâm thủ đô và vùng sát biên. Những chốn ăn chơi, sầm uất về đêm không còn nữa. Những ngôi chợ hàng ngày đầy ắp thực phẩm cũng trở nên tiêu điều. Nhất là cây trái, rau cỏ từ xưa vẫn được cung cấp từ Đà lạt và các tỉnh ngoại biên Sài gòn, hiện nay chỉ còn lai rai từ các vùng tạm gọi là an ninh mang đến.  Giá cả mắc gấp nhiều lần nhưng phẩm chất lại kém hơn.

                       

            Mẹ tôi bán chuối lẻ ở lề đường, mỗi ngày chỉ vài chục nải cũng chẳng có để bán, vì nguồn cung cấp từ Long Khánh vẫn còn đình trệ vì khói lửa. Trong tình trạng ở không, vô tích sự đó, gia đình thì vẫn cần tiền để sinh nhai. Tôi bàn với mẹ, đi xuống những vùng quê ở xa thành phố mua rau về bán. Dù biết là liều lĩnh, khi mà mọi con đường dẫn tới Sàigòn vẫn còn vang động tiếng súng. Những đám cháy vì bom đạn vẫn chưa tắt lửa hoàn toàn. Nhưng vì kế sinh nhai, không muốn bỏ lỡ dịp kiếm nhiều lời dù nguy hiểm, cũng phải làm mà thôi. 

 

            Ngay ngày hôm sau với chiếc xe Suzuki cũ kỹ kèm theo những bao tải, sọt, bị, dây nhợ ... hai mẹ con theo quốc lộ 1, nhắm hướng Hóc Môn, đi sâu vào các vùng quê, đến những ruộng rau muống hỏi mua . Để rút ngắn thời gian, tránh ở những nơi bất an ninh, vẫn còn nguy hiểm vì súng đạn. Mẹ con chúng tôi cũng phải nhẩy xuống ruộng cùng với gia đình người chủ cắt và bó rau cho nhanh, rồi chất lên xe chạy về thành phố trước hoàng hôn.

 

            Rồi cứ thế, suốt cả tháng trời sau biến cố Mậu thân, khỏang 2 hay 3 ngày chúng tôi lại chạy xe xuống mua rau về bán. Một lần vào buổi chiều khi vừa về đến gần ngã ba Ông Tạ thì bánh xe bị bể. Chẳng làm sao hơn tôi đành phải dẫn xe vào chỗ vá xe bên đường. Trong lúc chờ đợi sửa xe, tôi và mẹ bâng quơ ghé mắt vào những tiệm ở chung quanh, gần chỗ sửa xe. Đến một tiệm khá khang trang bán đồ gia dụng như chén bát, nồi niêu, bình thủy..v..v.. nhưng cao cấp hơn so với những tiệm bình dân thường thấy trong chợ. Tôi chợt thấy mẹ tôi ngẩn ngơ, im lặng đứng ngắm nghía một bộ tách uống trà bằng men sứ khá đẹp bên kia tấm kính hiệu buôn . Chiếc bình trà và 6 chiếc tách xinh xắn với hình đôi chim phượng nhiều mầu in trên nền men trắng đục, xếp gọn ghẽ trong một hộp bằng carton.

 

            Với tôi tất cả những vật dụng trong tiệm chẳng có gì đặc biệt, vì nó hoàn toàn ra ngoài sở thích của thằng con trai không biết gì về bếp núc. Nhưng tôi có cảm giác ánh mắt nhìn của mẹ tôi có cái gì ẩn dấu vẻ ước mơ khi nhìn bộ ly tách . Quay sang mẹ, tôi nói bâng quơ :

              -  Bộ tách uống trà đẹp lắm mẹ nhỉ ?

 

            Ra vẻ ngập ngừng tí chút, nhưng ánh mắt vẫn không rời chiếc hộp, mẹ tôi nói nhỏ với tôi nhưng cũng cho chính mẹ nghe :

            -  Ừ bộ ly tách đẹp thật. Chẳng biết bao giờ nhà mình có tiền sắm một bộ như thế này để tiếp khách ?

 

            Nghe mẹ nói, trong đầu tôi hiện ngay ra cái ấm nấu trà bằng nhôm mà hàng ngày gia đình tôi vẫn dùng để nấu trà tươi. Khách đến nhà vẫn được tiếp đãi bằng những chiếc ly thuỷ tinh nghèo nàn, trà được rót trực tiếp từ cái ấm nhôm cũ kỹ đó. Đưa mắt nhìn thật kỹ bộ ly tách trong khung kính, trong tưởng tượng của tôi hiện ra một ước mơ. Bộ ly tách đẹp đẽ kia sẽ được đặt trên mặt bàn với những câu trầm trồ khen tặng từ những người khách của gia đình và trong ánh mắt tự hào, hạnh phúc của mẹ tôi.  Chỉ với tưởng tượng đó đã làm tôi sung sướng. Nhưng khi nhìn đến tấm giấy nho nhỏ đề giá 450 đồng trước chiếc hộp mang đến cho tôi cảm giác thất vọng, vì quá mắc, vượt khỏi tầm tay với của nếp sống còn nghèo nàn của gia đình tôi.

           

Cũng trong nỗi thất vọng đó, tôi đưa mắt nhìn về chiếc xe Suzuki bạc rạc của mình. Người thợ sửa xe đã vá xong, đang cúi mình gò nắn lại bánh xe. Nhìn rất kỹ vào vào những bó rau muống lờm xờm được cột chặt hay đeo vào những khúc gỗ dọc theo thân xe. Tôi tự hỏi với khỏang hơn một trăm bó rau muống đó. Nếu may mắn bán được với gía rất hời của những ngày Saigòn trong máu lửa. Sau khi trừ tiền vốn , tiền xăng ( và có lẽ tiền vá xe hôm nay nữa ) có lẽ khá lắm mẹ con tôi kiếm được khỏang 60 đồng tiền lời,  làm sao mà đòi mua bộ ly tách giá 450 đồng ? Tôi lại nghĩ đến đồng lương èo ọt của  bố tôi, người lao động thấp kém trong một công ty, phải cưu mang 7 anh em chúng tôi đang tuổi ăn học,  còn thêm vào ông nội tôi luôn luôn bệnh tật ... Sáu mươi đồng tiền lời bán rau muống chẳng là gì so với xã hội nhưng chắc chắn là một đóng góp không thể thiếu được cho cuộc sinh sống của gia đình. Món tiền 450 đồng phải là một vấn đề rất khắt khe nếu phải nhịn tất cả để mua một bộ ly tách uống trà, tiếp khách. Nghĩ như vậy tôi đã hiểu rất kỹ ý nghĩa và lời ước mơ của mẹ.

           

Nhưng cũng chính lúc có cảm giác buồn thấm thía kiếp nghèo khó của gia đình, thì trí nhớ loé lên, cho tôi một niềm vui. Tuần tới tôi sẽ có 400 đồng tiền lương dậy kèm cho 2 đứa bé con một gia đình khá gỉa trong cư xá Chí Hoà. Tại sao tôi không nhín tiền cà phê, dẹp chuyện mua sách vở, quần áo... như mọi lần để dành món tiền đó mua được giấc mơ cho mẹ tôi thành sự thật nhỉ ? Nghĩ như vậy, ánh mắt tôi sáng lên. Kín đáo tôi hỏi mẹ:          

            -  Giá họ để thế mà thôi, ai cấm mình trả gía mẹ nhỉ ?

 

Vẫn không rời ánh mắt ra khỏi chiếc hộp, với âm thanh bâng quơ và có tí chút thất vọng, mẹ nói nhẹ :          

            -  Dù có trả giá, quá lắm họ cũng chỉ bớt được vài ba chục mà thôi .

 

*

 

            Đúng như dự tính, ngay sau khi dậy học xong. Nhận chiếc phong bì đựng đúng 4 tờ giấy bạc 100 đồng, tiền công cho một tháng trời. Mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ dậy kèm, từ tay bà mẹ hai đứa bé . Tôi đến ngay tiệm bán hàng gia dụng. Sau khi dựng xe, trước khi bước vào tiệm, tôi còn đứng lại trước khung cửa kính, nhìn rất kỹ bộ tách ly một lần nữa như để kiểm xét xem quyết định của mình đã chín chắn chưa ?

           

Người bán hàng là một cặp vợ chồng khá đứng tuổi, bà vợ đon đả với vẻ vui mừng bước ra đón tiếp tôi ngay sau ngưỡng cửa. Với nụ cười rất tươi, săn đón của người bán hàng, bà ta hỏi :          

            -  Cậu muốn mua gì vậy, tôi lấy cho cậu xem ?

 

Tôi đưa tay lên gãi đầu ( có lẽ đây là hành động ngượng ngùng hay thiếu tự tin của cố hữu của tôi thì phải ?) ngần ngừ tí chút tôi nói rất khẽ :

 -  Cháu muốn mua bộ ly tách uống trà. Xin hai bác lấy cho cháu xem.

 

Người đàn bà bước đến chiếc tủ, cầm chiếc hộp, đưa tay phủi lấy lệ vài hạt bụi, thận trọng đưa cho tôi :

-  Hàng sứ mác Đài Loan, loại rất tốt và đẹp lắm. Cậu cứ thoải mái xem thật kỹ rồi hãy mua.

 

Tôi để hộp ly tách lên chiếc bàn, trước mặt người đàn ông. Chậm rãi lấy từng chiếc ly, cái đĩa và chiếc bình ra xem,  chắc chắn không có một vết nứt hay vết bể nào trước khi xếp chúng ngay ngắn trở lại vào chiếc hộp. Ngước mắt nhìn khuôn mặt đang chờ đợi của hai vợ chồng người bán hàng tôi trả giá :

-  Hai bác có thể bớt cho cháu được không? 450 đồng đắt quá.

 

Người vợ vui vẻ, nhanh nhẩu trả lời :

 -  Tôi để đúng giá đó, nhưng nếu cậu muốn mua tôi bớt cho cậu 10 đồng làm quen mà thôi.

 

Chẳng cần đợi tôi trả lời bà ta nói tiếp :

 -  Cậu đừng sợ mua hớ, tôi không muốn mang tiếng bán cho đàn ông con trai mà nói thách đâu.

 

Nghe bà ta nói, lời đoán giá của mẹ tôi lại hiện ra trong trí nhớ, cho tôi cảm giác người bán hàng không phải là người nói dối. Nhưng tôi nghĩ, dù có kèn cựa xuống giá thêm ở mức 430 hay 420 đồng, vẫn là con số cao hơn chiếc phong bì mà tôi đang có trong túi áo. Ngần ngại một tí, móc chiếc phong bì ra để lên trên chiếc hộp, trước mặt người đàn ông. Tôi nhìn vào khuôn mặt khá phúc hậu của ông ta và nói rõ ràng :

-  Cháu nói thật với hai bác, mấy hôm trước mẹ cháu nhìn thấy hộp ly tách này rất thích. Cháu vừa lãnh lương dậy kèm được đúng 400 đồng, nếu hai bác vui lòng bán với gía 400 đồng thì cháu mua còn hơn cháu thành thật không có .

 

Người đàn ông có vẻ  ngạc nhiên, hình như xúc động vì sự thật thà đến nỗi khó tin của tôi. Ông hướng mắt về phía  người vợ như có ý dò hỏi. Người vợ nhìn trở lại ông ta rồi quay sang tôi bà ta nói:

-  Cậu không còn một vài chục nào nữa hay sao? Nếu thế cậu cứ lấy đi, còn thiếu vài chục khi nào cậu có tiền mang đến trả cho tôi cũng được. Với giá 400 đồng, thành thật là gía vốn của tôi đó.

 

Chẳng biết sao, vừa nghe người đàn bà nói xong, tôi không một tí ngần ngại trả lời bà ta :

 

-  Thôi! Cháu chẳng muốn thiếu nợ hai bác đâu. Nếu hai bác thấy giúp được, bán cho cháu, còn nếu không cháu đành chờ dịp khác vậy. Tiền lương cả tháng trời dậy học cho một bộ ly tách chỉ mong làm vui lòng mẹ cháu, cháu không thể nào cố gắng hơn được nữa .

 

Nghe tôi nói, người chồng nhìn người vợ có ý dò hỏi, hình như ông ta động lòng với lời phân trần rất thật của tôi. Ông ta nhìn vẻ thất vọng hiện trên khuôn mặt tôi khi tôi sửa soạn quay bước. Chẳng cần chú ý đến ánh mắt còn lưỡng lự của bà vợ. Ông ta cầm cái hộp đưa tận tay tôi và nói :

 

-  Cậu đã nói vậy thì tôi chẳng còn gì để chối từ nữa. Thật như vậy, chúng tôi bán vốn, làm quà cho cậu đó.

 

Trong khi tôi cũng ngẩn ngơ vì không ngờ kết quả tốt như vậy. Bà vợ hơi cau mày nhìn người chồng ra vẻ không vui rồi miễn cưỡng, im lặng bỏ chiếc hộp vào bịch giấy đưa cho tôi và nói bâng quơ:

 

-  Ông nhà tôi vẫn thế. Bán buôn mà không có lời thì làm sao mà sống?

 

Tôi im lặng, nhìn ông chồng với ánh mắt biết ơn, nói vài câu cám ơn rất chân tình rồi cầm chiếc hộp bước ra khỏi tiệm. Khi tôi đang cột cẩn thận chiếc bịch giấy đựng chiếc hộp vào đằng sau xe, sửa sọan dẫn xe xuống đường thì hai vợ chồng ông chủ tiệm đi ra, đến gần tôi. Bà vợ không còn vẻ khó chịu như lúc đưa chiếc hộp cho tôi nữa, miệng mỉm cười, bà ta bước hơi thụt lại phiá sau người chồng. Ông chồng đến gần tôi, thân thiện vỗ nhẹ lên vai tôi, ông ta nói:

 

-  Có thật cậu mua bộ tách ly này tặng mẹ cậu không và có thật đây là 400 đồng cả tháng tiền dậy kèm của cậu không?

Ngạc nhiên vì thái độ kỳ lạ của họ, ngước mắt ngẩn ngơ nhìn cả hai vợ chồng tôi trả lời :

-  Thật như vậy đó hai bác ạ.  Không lẽ cháu lừa đảo hai bác sao ?

 

Người đàn ông rút trong túi ra tờ giấy bạc 20 đồng đưa tận tay tôi và nói :

 

-  Chúng tôi tặng cậu thêm 20 đồng nữa, coi như tí tình cảm qúi mến con người chân thành, tình nghĩa của cậu đó.

 

Tôi cau mày nhìn vợ chồng người bán tiệm, xác nhận thái độ qúa tốt mà họ đã dành cho tôi đúng là sự thật, rồi tôi lắc đầu lia liạ nói với họ:

 

-  Thôi ! thôi ! cám ơn hai bác. Hai bác bán rẻ cho cháu đã là tốt lắm rồi. Cháu không dám nhận đâu.

 

Người chồng cầm đồng bạc nhét vào túi áo tôi, nở nụ cười ra vẻ đùa cợt, nhìn tôi ông nói:

 

-  Cậu cứ cầm lấy đi, tôi đoán sau này cậu sẽ thành công. Khi đó cậu làm ông này ông nọ, nhớ đến chúng tôi là được rồi. Biết đâu cậu lại có dịp giúp đỡ lại chúng tôi. Đừng ngại ngần gì cả.

 

Nói xong ông ta thân thiện vỗ nhẹ vài cái lên vai tôi rồi nắm tay người vợ đi vào tiệm.

 

Nhiều năm sau đó bất cứ khi nào có dịp đi qua căn nhà của họ, trên đường Lê Văn Duyệt, khu ngã ba Ông Tạ, tôi đều nhìn vào cửa tiệm. Tôi nhớ đến họ, hai vợ chồng người bán tiệm đã cho tôi một ân tình không lớn lắm nhưng lại đóng góp vào ý nghĩa món quà đầu tiên của tôi cho mẹ. Món qùa đã một lần nhờ nó mà tôi đã làm đầy ắp được ước mơ qúa đơn gỉan trong tim của mẹ tôi.

 

*

 

Thời gian trầm lặng trôi. Sự khôn lớn và vững chãi kèm theo tí chút thành công trong cuộc sống. Tôi cũng lớn dần theo năm tháng, theo sự hy sinh to lớn của mẹ cha và của cả những cố gắng của chính tôi. Nhờ tài năng chuyên môn và xoay sở của tôi, gia đình đã khá gỉa hơn, có cơ sở chăn nuôi nho nhỏ ở Bà Quẹo. Mẹ tôi không còn phải cực nhọc ngồi lề đường bán chuối, bán rau nữa. Bà ở nhà chăm sóc đàn heo, đàn gà theo sự hướng dẫn kỹ thuật và tính toán kinh tế cũa tôi. Những đứa em cũng chẳng phải nhọc nhằn với lao lực, chúng được ăn học đầy đủ, có đứa em đi du học tự túc... Mức sống gia đình tôi đã êm nhẹ bước vào giới trung lưu trong xã hội, nơi đó vẫn còn mù khỏi lửa chiến tranh!

 

Nhiều năm sau đó, tôi tốt nghiệp đại học, sửa soạn rời xa gia đình xuống Cần Thơ làm việc. Bộ ly tách uống trà, món quà của tôi cho mẹ, vẫn hiện diện trên bàn mỗi khi có khách đến chơi. Mặc dù với thời gian 6 chiếc tách và đĩa của bộ tách không còn lành lặn như thời mới mua. Vài cái ly đã sứt mẻ, chiếc bình pha trà vẫn còn quai nhưng miệng vòi đã bị bể một góc, lộ ra lớp sành bị ố nâu bởi mầu trà. Nhưng với tôi (và có lẽ mẹ tôi nữa) dù cũ nhưng nó vẫn là một di tích của kỷ niệm, dấu vết ước mơ của mẹ con tôi vào lúc nghèo túng của gia đình.

 

Gia cảnh của anh em tôi đã đổi thay. Sự nghèo túng xa xưa đã vào dĩ vãng nhưng bộ ly tách kỷ niệm đó vẫn hiện diện cùng với vài món quà khác của tôi mua cho mẹ, cho gia đình. Những món qùa tôi mang về cho gia đình khi mà tôi đã lớn khôn, giầu có hơn, dĩ nhiên cũng giá trị hơn.  Chiếc máy may hiệu Mitsubishi của Nhật, bộ salon bằng gỗ lim đen bóng. Ngay cả căn nhà khang trang với vườn cây, chuồng trại chăn nuôi ... Tất cả những di vật đó hoàn toàn do tôi tạo ra cho gia đình, nó như những ghi dấu sự khôn ngoạn tính toán trong sự trưởng thành của một đứa trưởng nam trong gia đình.

 

Từ Cần Thơ, thỉnh thoảng tôi vẫn tạt về Sàigòn thăm gia đình và chăm sóc việc chăn nuôi. Bộ ly tách càng ngày càng sứt mẻ, cập kễnh, èo ọt theo với thời gian. Nhưng nó vẫn hiện diện cho đến đầu năm 1974 khi tôi rời xa VN đi tu nghiệp dài hạn ở Nhật bản. Có lẽ tôi là một trong số rất ít người cùng trang lứa có được đặc ân của vị thần may mắn khi rời xa đất nước vẫn còn mịt mùa bom đạn, tang thương và chết chóc.

 

Nhưng chỉ hơn một năm sau ngày tôi đến Nhật bản, cuộc đổi dời tháng 4 năm 1975 xẩy đến. Chiến tranh chấm dứt đã đưa hầu hết người VN dính dấp đến miền Nam VN ở ngoại quốc hay trong nước vào một giai đoạn mới khốn khó hơn. Gia đình tôi và ngay cá nhân tôi cũng chẳng phải là trường hợp ngoại trừ.

 

Biết bao nhiêu cực nhọc lại đến với tôi vì việc học hành chưa xong, vì phải tìm sống với những công việc lao lực, thấp hèn ở xứ người. Tôi lại còn phải kiếm tiền gửi về cưu mang gia đình đang khó khăn trong thời buổi giao thời sau cuộc chiến .

 

Mãi đến năm 1979 tôi mới có dịp quyết định rời xa Nhật bản đi định cư tại Thụy sĩ, khởi đầu một giai đoạn sống thoải mái hơn vì công việc hợp với chuyên môn của tôi. Nhưng chỉ khỏang một năm sau cái khởi đầu may mắn đó tôi nhận được tin buồn từ quê nhà báo tin mẹ tôi mất! Mẹ tôi mất khi đất nước vẫn còn đang ngụp lặn với thiếu thốn khó khăn, khi vợ tôi mang thai đứa con đầu lòng mà mẹ tôi vẫn mong ước biết tên đứa cháu đầu tiên, dù trai hay gái! Mẹ tôi mất khi những ước mơ báo hiếu của tôi vẫn còn khiếm khuyết dở dang để rồi, cả đời, tôi luôn luôn mang cảm giác ân hận.

 

Năm 1984 tôi dẫn vợ con về thăm quê nhà lần đầu tiên. Căn nhà rộng rãi ngày xưa của gia đình trống không và cũ kỹ...Vẻ nghèo túng hiện ra như hoà đồng với những khó khăn  chung của đất nước sau cuộc chiến tranh qúa dài. Tôi đã ngẩn ngơ, lòng buốt đau khi nhìn thấy cô em gái vô tình đem chiếc bình pha trà ngày xưa rót cho vợ chồng tôi ly trà nóng.

 

Nhìn chiếc bình ngày xưa với mấy cái ly tạp nhạp, đủ dạng thức để trên bàn. Tôi làm sao quên được bộ ly tách của 17, 18 năm về trước mà tôi đã mua bằng trọn tháng lương dậy kèm 400 đồng để tặng mẹ ? Chiếc nắp bình trà đã sứt mẻ nhiều góc và biến ra mầu nâu đen . Vòi chiếc ấm có lẽ đã bị bể nhiều lần, chỉ còn là cái vòi cụt ngủn, thô kệch như cái ống thò ra khỏi thân ấm. Trên bàn chỉ còn lại duy nhất một cái tách của bộ ly tách ngày xưa , xếp cùng vài chiếc tách khác loại cũng sứt mẻ lem nhem. Quai chiếc tách đã cụt lủn như núm đinh gắn vào thân tách. Miệng chiếc tách thì có 5, 6 vết mẻ cũng hoá đen vì mầu trà đóng lại. Những chiếc đĩa nho nhỏ, xinh xắn đựng tách ngày xưa đã hoàn toàn biến mất.

 

Trong cái nghèo nàn đó, hình ảnh người mẹ quá cố với những hy sinh tột cùng cho gia đình trở lại với tôi. Cuốn phim dĩ vãng thời cực nhọc nghèo túng của gia đình một lần nữa được quay lại trong ký ức.

 

Tôi không thể nào quên được những ngày tháng cùng với mẹ lên chợ Cầu Ông Lãnh mua chuối. Hai mẹ con cũng phải gò mình phụ người phu xe ba gác khuân những buồng chuối nặng trên 10kg từ vựa chuối xếp lên xe ba gác. Quần áo lem luốc với mồ hôi và nhựa chuối. Nhiều khi công việc dồn dập vì chuối từ Long Khánh về muộn, không đúng lúc, phải làm vội cho kịp mang chuối về nhà cắt rời từng nải đem ủ khí đá nội trong ngày ... Nhiều khi  phải đợi hàng đến gần tối, quá bữa cơm, bụng thì đói, miệng thì khát nhưng vẫn chẳng dám ăn uống vì tốn kém. Có khi thương tôi đói, mẹ kêu cho tôi đĩa cơm tấm, cơm sườn ... nhưng mẹ không ăn mà chỉ ngồi nhìn. Có lần tôi hỏi sao mẹ không ăn, mẹ trả lời:

 

-  Con ăn đi, mẹ không đói, hơn nữa về nhà ăn cơm ngon hơn.

 

Về sau, khi lớn khôn, tôi nghĩ lại mà ân hận vì đã không hiểu được mẹ. Đĩa cơm dù chỉ giá 5, 10 đồng nhưng không phải là bé nhỏ với cái vốn của người bán buôn bên lề đường. Mẹ không ăn chỉ vì muốn tiết kiệm, hy sinh cho gia đình đó mà thôi.    

 

Sau khi chất đầy chuối lên chiếc xe ba gác, tôi và mẹ phải cong lưng đẩy phụ người phu xe cho xe có đà lăn bánh, rồi hai mẹ con chạy xe gắn máy chầm chậm theo sau. Đến mỗi ngã đường có đèn giao thông, nếu xe ba gác phải dừng lại, tôi lại phải dừng xe bên lề đường, hai mẹ con cùng ra sức đẩy phụ người phu ba gác cho chiếc xe có trớn lúc khởi đầu .

 

Tôi còn nhớ có một lần.  Không biết vì lần đó mua chuối qúa nhiều hay vì chiếc xe ba gác lọc cọc, trục bánh xe không trơn hay cũng có thể vì gặp phải người ba gác gìa nua, yếu đuối, ông ta không đủ sức để đẩy xe nhanh hơn? Chiếc xe dừng lại ở góc ngã tư Lê Văn Duyệt - Hồng Thập Tự. Ba người còng lưng đẩy chiếc xe lấy trớn nhưng nó vẫn ỳ ạch, chậm chạp lăn bánh chưa khỏi phần giữa đường, khi mà đèn xanh đã đổi mầu. Chẳng biết làm sao hơn, chúng tôi vẫn gò lưng giúp người phu xe đẩy cho mau hơn. Lúc đó từ đường Hồng Thật Tự một chiếc xe ô tô du lịch muốn quẹo trái nhưng phải dừng lại giữa đường vì chiếc xe ba gác cản lối. Trên xe ô tô, tay lái là người đàn ông trung niên, bên cạnh có lẽ là người vợ trẻ hơn, dáng dấp sang trọng. Dù bận đẩy xe nhưng tôi cũng nhìn thấy nét mặt bực bội, không vui của hai người vì chúng tôi làm cản trở không cho xe họ quẹo, họ phải chờ đợi.

 

Khi đuôi chiếc xe ba gác vừa đi qua đầu chiếc xe ô tô, người chồng lách nhẹ tay lái để băng qua bên kia đường.  Xe của họ chưa kịp vượt qua giữa đường, người đàn bà quay mặt ra khỏi khung cửa sổ, với vẻ bực tức bà ta chửi lớn:

 

-   Cả lũ mù hay sao mà không trông thấy đèn đỏ !

 

Lời chửi bới của bà ta đã làm tôi khựng lại, ngước mắt nhìn mẹ và người phu ba gác. Tôi ngạc nhiên, vì cảm giác như hai người không nghe, bình thản, chẳng có gì tỏ ra bực tức với lời chửi xỗ xàng của người đàn bà trên xe ô tô. Tôi nhìn mẹ và hỏi :

 

-  Mẹ không nghe thấy người ta chửi mình mù sao ?

 

Mẹ tôi quay sang tôi, chẳng có tí giận tức, nói với tôi :

 

-  Tại sao con chú ý đến cái chuyện nhỏ nhặt đó làm gì cho tội vào thân? mau lên! trở lại lấy xe đi, mẹ chờ con bên kia đường.

 

Trên đường về, nghĩ đến sự bình thản của mẹ, nhớ đến nét mặt bực bội của hai vợ chồng người lái ô tô. Tôi tự hỏi ai là người khổ sở, mẹ tôi hay vợ chồng người lái xe khi gặp một chuyện chẳng có gì cần thiết để phải bực bội, chửi mắng nhau ? Đó cũng là bài học rất nhỏ nhoi mà đã làm tôi nhiều lần suy nghĩ trong đời vậy.

 

Rồi cuốn phim ký ức lại kéo tôi về với cực nhọc, liều lĩnh trong những lần chở mẹ vượt khói bom sau ngày tết Mậu Thân 1968, về miền quê mua rau muống bán kiếm lời. Tôi nhớ đến hai vợ chồng người bán tiệm tốt bụng đã cảm thương tôi. Đã bán cho tôi bộ ly tách uống trà với gía vốn 400 đồng, đúng một tháng lương dậy học của tôi. Họ đã cho tôi có thêm một lần trong đời trả nghĩa sinh thành, trả công dưỡng dục cho mẹ tôi ! Đã vậy, lúc rời xa, họ lại còn hào phóng tặng cho tôi thêm 20 đồng để ghi đậm thêm dấu ấn cảm tình cùng lời chúc cho tương lai của tôi, làm ông này, ông nọ nhưng đừng bao giờ quên họ. Bóng hình hai vợ chồng người chủ tiệm tốt lòng đó hiện lên trong trí nhớ tôi. Tôi tự hỏi những cơn giông của thời cuộc đã mang họ đi đâu? họ về đâu ? họ còn sống hay đã bất hạnh trở về với cát bụi trần gian ?

 

Thời gian đã qua đi rất lâu rồi. Hôm nay tôi trở lại VN với vợ và con trong một hoàn cảnh khác, hoàn toàn khác xa xưa của đất nước. Tôi trở về với âm thanh mừng vui trong lòng kẻ tha phương được nhìn lại quê nhà, tạm quên đi nỗi buồn viễn xứ. Tôi trở về với những giọt lệ buồn đau khi nhớ đến mẹ, người mẹ tuyệt vời, cả đời chỉ biết hy sinh cho chồng con, bây giờ không còn nữa. Bộ ly tách uống trà ngày xưa đã vỡ bể gần như toàn vẹn. Ngày nay bộ ly tách không còn tí gì cái sang trọng của nó xa xưa, dù chỉ một tí bóng bẩy lúc nó còn mới, trong hộp. Nhờ cái bóng bẩy đó mà mẹ tôi thường tự hào đem ra tiếp khách mấy mươi năm về trước.

 

Cũng trong cuốn phim dĩ vãng đó. Tôi nhìn thấy tôi trong những lần tôi theo phái đòan Thụy Sĩ công tác ở vài quốc gia nghèo khổ đang bị nạn chết đói tung hoành ở Phi Châu. Một buổi sáng tôi và người bạn Thụy Sĩ bước vào một căn lều trong trại tỵ nạn. Chúng tôi thấy một bà mẹ đã chết từ lâu, thân thể bà ta đã co cứng. Nằm bên cạnh bà ta là đứa con còm cõi giơ xương, nửa ngủ nửa thức vẫn còn ngậm vú mẹ, cặp vú lép xẹp chẩy dài như một chiếc bí tất nhăn nheo.

 

Rồi một lần khác, ngồi trên chiếc xe ô tô trên đường đi đến trại tỵ nạn, qua một đường làng bên cánh rừng thưa. Chúng tôi phải dừng lại vì thóang thấy một người nằm chết trong con rạch bên đường. Khi đến gần chúng tôi thấy một bà mẹ da đen khác cũng đã chết từ lâu. Trong vòng tay bà ta, một đứa bé gái khỏang 2 tuổi, thân hình lở loét, còm giơ xương vẫn còn say ngủ. Nhìn dạng thức người đàn bà co quắp, tất cả chúng tôi đều có cảm giác trước khi chết bà ta vẫn cố gắng ôm đứa con vào trong lòng như muốn chuyền cho nó hơi ấm cuối cùng từ tấm thân gầy guộc của bà ta. Hay ít ra bà ta muốn lấy thân mình che chở cho đứa con với những đe doạ của thú rừng, rắn rết...

 

Tôi cũng nhớ đến một lần xem phim tài liệu chiếu về sự tàn phá kinh hoàng của trái bom nguyên tử ở Hiroshima Nhật bản. Một bà mẹ bị phỏng, cháy nám đứng bên lề đường, trước căn nhà của chính mình la hét, cầu cứu tha nhân giúp đỡ để cứu cô con gái nhỏ 5 tuổi của bà. Con bé đang hét lên những tiếng thét kinh hoàng mong mẹ cứu vì bị kẹt trong căn nhà xập đổ đang cháy. Nhưng chung quanh bà ta toàn là thây người chết, nếu có vài người còn sống sót thì họ cũng chỉ đủ sức lê bước như thây ma, làm sao họ còn sức lực để cứu giúp người khác được!? Trong trạng huống kinh hoàng đó, những lời cầu cứu vô vọng đau đớn của đứa bé trong ngọn lửa vẫn vang lên:

 

-  Mẹ ơi con nóng quá! mẹ ơi cứu con!

 

Bên ngoài đường, người mẹ vẫn la hét đau thương trong vô vọng :

 

-  Con ơi, tha lỗi cho mẹ! mẹ không làm sao để cứu con được!... Con ơi, mẹ là người mẹ khốn nạn, đáng nguyền rủa. Mẹ nhìn thấy con đang chết, mẹ cảm nhận được cái đau rát, khốn khổ của con trong làn lửa đỏ ... Nhưng mẹ làm gì cho con được đây khi mẹ cũng đang chết đến nơi rồi. Con ơi! đứa con yêu thương mà chính mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng, hãy tha thứ cho mẹ. 

 

Bà mẹ khóc than, la hét cho đến khi bà ta gục ngã, ngất đi dù tiếng cầu cứu của đứa con đã tắt ngấm từ lâu trong làn lửa đỏ.

 

Tất cả hình ảnh đó đến với tôi, hiện ra trong trí não tôi. Cho tôi thêm một lần nữa hiểu rằng tình mẹ thương con là một loại tình cảm vĩ đại đáng tôn thờ. Dù người mẹ là người da đen, da trắng hay da vàng cũng vậy mà thôi. Mãi mãi là một dạng tình cảm tự nhiên, cao cả mà người mẹ nào cũng có. Nhưng chỉ khác, ở những xã hội, những nơi mà cuộc sống bấp bênh, nghèo đói vì thiên tai vì chiến tranh, những nơi gần gũi với bất hạnh chết chóc...Lòng mẹ thương con lại càng được thể hiện rõ ràng và đau xót hơn.

 

Với tôi câu nói: “Nơi trú ẩn an toàn nhất là lòng mẹ , nơi đáng phục vụ và yêu thương nhất là tổ quốc, đó là nơi mà người ta đã sinh ra, lớn lên với những kỷ niệm “ . Lời nói đó, ý nghĩa đó luôn luôn là chân lý.  

                                                

Hết

 
Switzerland, Zuerich

       ( Lưu An)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc