BÀI KINH TRỪ DỊCH BỆNH - PHÁP HỘ TRÌ NGƯỜI TRÌ PHÁP - Thích Tánh Tuệ

14 Tháng Ba 202011:10 SA(Xem: 6976)


Duc Phat



BÀI KINH TRỪ DỊCH BỆNH - PHÁP HỘ TRÌ NGƯỜI TRÌ PHÁP

Thật sự trong phật giáo Theravada, có một bài kinh rất nổi tiếng để có thể phòng tránh những dịch bệnh nguy hiểm, đó là bản kinh đã được chư Tăng và phật tử sử dụng hộ trì trong suốt 25 thế kỷ vừa qua .. gọi là Parita Ratana Sutta !

ĐIỂN TÍCH BẢN KINH HỘ TRÌ DỊCH BỆNH RATANA

Các Chú giải đều ghi duyên sự bài kinh từ câu chuyện ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu 3 tai ương: nạn đói, ma quỷ quấy phá, và bệnh dịch. Bộ tộc Licchavi cai trị xứ này, gửi một phái đoàn đến thành Vương-Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) của vua Bimbisara (Bình-sa, Tần-bà-sa-la) gặp Đức Phật lúc bấy giờ đang ngự tại Tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana). Họ thỉnh cầu Ngài đến Vesali để giải trừ các tai ương ấy.

Khi Ngài đến nơi cùng với vua trời Đế-thích (Sakka) và chư thiên, phần lớn các loài ma quỷ hoảng sợ bỏ trốn. Trời đổ mưa xối xả rửa sạch thành phố. Đức Phật đọc lên bài kinh Ratana Sutta, bảo ngài Ananda ghi nhớ rồi đi vòng quanh thành phố, vừa đi vừa rải nước chứa trong bình bát và đọc tụng bài kinh nầy. Khi ngài Ananda tuân lời Đức Phật làm theo như thế, những ma quỷ còn lại đều bỏ chạy và bệnh dịch được tiêu trừ.

Sau đó, dường như có một trận mưa lớn nên nhân dân thoát khỏi nạn dịch hoành hành, nhờ mưa lớn nên mùa màng ruộng vườn tránh khỏi cái khô hạn! Hết dịch, hết đói cũng vì thế. Chính nhờ sự mát mẻ, an lành từ oai lực kinh Paritta nên các trạng thái tâm nóng nảy, hung dữ … lắng dịu lại.

Do duyên sự đó, Ratana Sutta ngày nay thường được tụng đọc để xua tan bệnh tật, rủi ro, và ma quỷ.

NỘI DUNG BẢN KINH HỘ TRÌ RATANASUTTA

Bài kệ này được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong một duyên sự đặc biệt. Tôn giả A-Nan-Đa đã vâng lời Đức Phật, học thuộc lòng bài kinh này, đi chung quanh ba vòng thành Vesali, không phải chỉ tụng mà còn đem tâm từ của mình để hoà nhập cảm nhận thế nào là giá trị của Phật, của Pháp, của Tăng qua 16 bài kệ.

Với 16 kệ ngôn, Đức Thế Tôn đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của Phật, Pháp, Tăng. Những khía cạnh đó nói lên những giá trị thâm áo, những giá trị cao cả ,chân thật của Phật Pháp tăng như thế nào.

Sau cùng ba bài kệ cuối nói về một lời mời thỉnh hướng đến những vị Phi nhơn nhất là Chư Thiên có chánh kiến, những vị có oai lực. Xin các Ngài cảm nhận được ân đức của Phật, ân đức của Pháp, ân đức của Tăng. Do sự cảm nhận này xin các ngài hoan hỷ hộ trì cho thế gian này được nhiều sự tốt đẹp, cát tường.

PHÁP HỘ TRÌ NGƯỜI TRÌ PHÁP
(Trích dẫn Kinh Na Tiên)

Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Dù trong động thẳm hang sâu, trong những bảo điện kiên cố với tường sắt vây quanh, giữa hư không bao la, sâu thẳm, giữa đáy đại dương hoặc trong lòng muôn trượng của quả đất – chẳng có nơi nào thoát khỏi lưỡi hái của tử thần!”

Ngài dạy nghiệp quả không thể tránh được, tuy nhiên phải hiểu rõ tự mình độ mình bằng những phương pháp như trong kinh Na Tiên thì chúng ta sẽ hiểu rõ mà không bị mâu thuẫn :


“ Cũng vậy là một người sanh mạng chưa chấm dứt, sự sống vẫn còn, nhưng do tiều tụy héo mòn bởi phiền não, bởi nhiều sự tai hại, não hại mà ảnh hưởng đến thân và tâm. Nếu kẻ ấy không có đức tin, hoàn toàn đổ sụp tinh thần, hoàn toàn tuyệt vọng – thì tử thần có dễ dàng lê bánh xe của thần chết đến để nghiền nát sinh mệnh của người kia không, hở đại vương?

• Chắc chắn là vậy rồi!

• Nhưng trái lại, nếu người ấy có quy y, tinh thần được khởi động để có niềm tin nơi Tam bảo, tin vào oai lực kinh Paritta có thể ngăn ngừa được thần chết, nên không mỏi mệt tụng kinh Paritta – thì thần chết có làm được gì kẻ kia không, nếu thọ mạng và sự sống ông ta hãy còn?
• Lúc ấy thì có thể thoát khỏi lưỡi hái của diêm chúa.
• Thế kinh Paritta lúc ấy có thật sự lợi ích không hở đại vương!

• Thật sự có lợi ích! …”


• Vâng! Nếu có người bệnh, bệnh không nặng lắm – nếu uống đúng thuốc, đúng liều lượng, biết kiêng cử thì bệnh sẽ lành chứ, đại vương?
• Vâng,
• Và khi ấy, thuốc ấy thật sự lợi ích chứ?
• Vâng!
• Một người khi có bệnh chút ít, tuổi thọ chưa chấm dứt, nếu người ấy có quy y Tam bảo, có đức tin vững chắc mà tụng kinh Paritta – thì có ngăn được tử thần không, đại vương?
• Có thể được! Vì có lòng tin nên kinh Paritta sẽ phát sanh năng lực!
• Thế là đại vương đã cùng chấp nhận quan điểm, là tụng kinh Paritta phát sanh năng lực rồi!

HIỂU ĐÚNG TÁC DỤNG CỦA BẢN KINH

Cho nên kinh Paritta có nghĩa là “kinh hộ trì an lành”! Hộ trì nghĩa là bảo vệ, che chở! Bảo vệ và che chở những người có đức tin, những người còn thọ mạng, nên ngăn chặn được tử thần không cho đến sớm! Chứ không phải kinh Paritta có năng lực bảo vệ và che chở những người không có đức tin, những người thọ mạng đã chấm dứt !


Những người có đức tin nơi Tam bảo, có đức tin vào năng lực kinh Paritta, tin về những đức lành của kinh Paritta; dốc lòng trì tụng kinh Paritta thì có thể tiêu trừ tất cả bệnh tật, tai ương, hoạn nạn; lại có công năng hộ trì an lành, ngăn ngừa được lưỡi hái của tử thần là điều chắc thật!

Kinh Paritta có người hộ trì được, có người không. Những người mà kinh Paritta không thể hộ trì được có ba lý do sau:

- Một là, do năng lực nghiệp ác cản trở.

- Hai là, do nhiều phiền não phát sanh ở trong tâm.

- Ba là, do người đọc tụng mà không có đức tin, không trì chí, không quyết tâm, chỉ tụng đọc vẹt nơi miệng!

 

Đây là truyền thống qua hàng ngàn năm của các nước Phật Giáo Nam Truyền, Khi đất nước hoặc một vùng nào đó có biến động như dịch bệnh, đói kém, thì phật tử sẽ thỉnh chư tăng tụng liên tục trong nhiều ngày, hoặc tự mình đọc tụng trong gia đình liên tục, hay mình có thể mở nghe kinh bằng các thiết bị phát thanh để chống lại các nạn thiên tai xảy đến cho mình và gia đình.

 

Theo Tạng Luận Adhidhamma thì khi niềm tin được củng cố, Đại Thiện Tâm sẽ phát triển, khi đó những Ác Nghiệp khó có cơ hội trổ sanh . Nên mới gọi là tự mình độ mình gọi là Pháp Hộ Trì Người Trì Pháp vậy !
 

Namo Buddhaya

__(())__

 

(Như Nhiên biên soạn và tổng hợp)

 

 hoa_sen

Tiểu bộ kinh

tiểu tụng

 Kinh Châu Báu


Phàm ở tại đời này,

Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Mong rằng mọi sanh linh,
Được đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.

Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Đối với thảy mọi loài,
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.

Phàm có tài sản gì,
Đời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai Thiện Thệ,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Đoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu.
Phật Thích-ca Mâu-ni,
Chứng Pháp ấy trong thiền,
Không gì sánh bằng được,
Với Pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Phật, Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thù diệu trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Tám vị bốn đôi này,
Được bậc thiện tán thán.
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gô-ta-ma!
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Như cây trụ cột đá,
Khéo y tựa lòng đất.
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động.
Ta nói bậc Chơn nhân,
Giống như thí dụ này,
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu.
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không chế ngự,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy có ba pháp,
Được hoàn toàn từ bỏ,
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không,
Đối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát.
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Dầu vị ấy có làm,
Điều gì ác đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể,
Che đậy việc làm ấy,
Việc ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Đẹp là những cây rừng,
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng hạ nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Được ví dụ như vậy.
Pháp đưa đến Niết Bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Cao thượng biết cao thượng,
Cho đem lại cao thượng,
Bậc Vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng,
Như vậy nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai,
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng
Bậc trí chứng Niết Bàn,
Ví như ngọn đèn này,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.

Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Đức Phật,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng, với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,;
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ chúng Tăng,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật