Ở NHỮNG NGÃ BA - Trần Thụ Ân

18 Tháng Giêng 20208:38 CH(Xem: 2448)
Ở những ngả ba

Ở những ngã ba 

  

Khi tôi đến Tòa Đại Sứ Paraguay ở Tokyo, mặt trời còn ửng đỏ làm rõ nét thêm những góc cạnh của những building cao ngất ở khu Chiyoda. Những khối vuông chồng chất lên nhau hình như đang di động. Tôi có cảm tưởng đang nhìn vào một bức tranh lập thể của Picasso. Hay chính trong đầu tôi những lập thể đang hình thành, lúc thì rối ren, lúc thì rõ ràng từng nét.

 

Hình như khi rối ren tôi lại muốn xin qua Paraguay sinh sống, có lẽ  ông Đại Sứ thấy rõ ràng sự rối ren đó trên gương mặt và trong lời nói của tôi nên ánh mắt của ông tỏ ra e ngại kèm theo câu nói mở đường dè dặt:

 

- Anh hãy về suy nghĩ kỹ đi, nếu quyết định sang Paraguay thì ngày mai trở lại đây.

 

Tôi được gặp ông Đại Sứ Paraguay do sự giới thiệu của Cha Z., người lo chăm nom anh em tỵ nạn ở trại Osaka và là người đã đưa khoảng 20 người, phân nửa số người ở trại này sang định cư ở Paraguay mấy tháng trước. Những lời quảng cáo của Cha Z. về xứ sở này đã khiến tôi đã bỏ thời giờ, tiền bạc đi shinkansen (bullet train) từ Osaka lên Tokyo, gặp Ông Đại Sứ Paraguay xin đi định cư.

 

Khi ra khỏi Tòa Đại Sứ, có cái gì vô hình nhưng thật mãnh liệt cứ giữ chặt đôi chân khiến tôi đứng lặng thật lâu nhìn buổi chiều đang biến dạng. Màu ráng đỏ óng ánh đẹp đẽ biến sang màu vàng vọt mỏi mệt, rồi trở thành màu xám hiu quạnh đã phản ảnh vào lòng tôi những cảm xúc tương ứng. Tôi ôm lấy buổi chiều hiu quạnh và cất bước đi. Đó là một buổi chiều của tháng 7 năm 1976.

 

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, chính phủ Nhật cũng thay đổi cách đối xử với chúng tôi, những sinh viên Việt Nam đang học tại đây. Họ chỉ cấp visa mỗi tháng, sau đó là nửa năm thay vì là mỗi một năm như hồi trước. Chính phủ Nhật cũng không có một chương trình nào để giúp đỡ chúng tôi. Và có lẽ đó là lý do chính khiến tôi muốn thử di cư sang một xứ xa xôi, lạ hoắc, ở tận Nam Mỹ, một nơi chỉ nói tiếng Tây Ban Nha mà tôi không biết lấy một chữ. Nếu một chiếc thuyền lênh đênh không bến đậu thì nó có trôi dạt về một nơi xa lạ nào đó cũng là chuyện bình thường thôi.

 

Năm trước, dù được visa sang Pháp định cư tôi lại không đi. Họ cho tất cả người Việt Nam sinh trước năm 1954 (Hiệp Định Genève) đi Pháp như là công dân của họ. Tôi rất cảm ơn sự rộng lượng của chính phủ Pháp nhưng đồng thời một nỗi nghẹn ngào cứ dằn vặt trong tôi, nó nặng đến đỗi đã neo tôi lại xứ Nhật.

 

Ở ngã ba giữa Pháp và Nhật tôi đã chọn Nhật.

Và bây giờ thì tôi đang đứng trước ngã ba Paraguay và Nhật.

 

Nỗi hiu quạnh của buổi chiều tàn khi mặt trời dần xa khuất ở trước Tòa Đại Sứ Paraguay đã mang tôi về với những buổi chiều tàn đứng trên sân ga Akashi chờ chiếc xe điện ngừng từng ga, về lại Himeji sau một chuyến lên Tokyo ở chơi với bạn bè. 

Có lẽ vì không còn nhiều khách khi trời chạng vạng mà từ Akashi về Himeji không còn xe lửa tốc hành nữa và thời gian đứng chờ xe thì thật lâu. Có phải sự vắng bóng người trên sân ga đã kéo dài thêm khoảng chờ đợi này? Có phải nỗi cô đơn luôn nhận thời gian làm kẻ đồng hành bất đắc dĩ? Chiếc xe shinkansen đuổi theo mặt trời trên khoảng đường dài gần 500 cây số từ Tokyo đến Akashi cuối cùng cũng đuối sức theo ánh nắng lịm dần của ngày. 

Xe điện ngừng từng ga có làm thời gian đi chậm lại không? Tôi nghĩ là có. Nếu nhìn ra cửa sổ, nhà cửa, cây cối chạy ngược chiều chậm hẳn đi. Thỉnh thoảng nó ngừng lại nghỉ mệt và tôi cũng nghỉ mệt. 

Đứng trên sân ga Akashi, nhìn mặt trời lặn đang từ từ mang đi mất những ngày vui chơi với bạn bè ở Tokyo.

 

Tôi lại phải trở về căn phòng trọ để lại bắt đầu lật biết bao nhiêu trang tự điển chữ Tàu, chữ Nhật và cả chữ Anh chỉ để học một trang sách giáo khoa tiếng Nhật... Tôi lại phải trở về căn phòng trọ, mở điện cái kotatsu (cái bàn thấp đặt trên sàn mà mặt dưới có gắn một lò sưởi điện) thọc hai chân vô đó, cố nuốt vào bụng tô mì gói lần thứ mấy trăm và nhìn ra cửa sổ để cho những cọng tuyết trắng xóa, mong manh cứa đi cứa lại nỗi nhớ nhà quay quắt... Tôi lại phải trở về căn phòng trọ để cố gắng tiếp tục sách đèn từng ngày, từng ngày...

 

tôi trở về đây

như bắt đầu từ hai mươi hai năm trước

tôi nhìn lại căn phòng

hay chính cái bào thai

niềm tin yêu lên cao ngất

tràn lan ra hai cửa sổ nhỏ nhoi

ngút ngàn tâm tư tôi u tối

dù sao chuyến trở về không thấy lẻ loi

hàng cây còn trầm mình trong nắng

rung từng hơi thở theo cơn gió mời gọi

đan từng chiếc lá xanh trên sườn núi xám

lót từng chiếc lá vàng xuống đường phủ cỏ hoang

tôi trở về đây làm cho xong thệ ước đang mang

lời thệ ước từ đâu đến thản nhiên

từ khi tôi biết thở

từ khi tôi biết có tôi

tôi đã trở về thành phố này

tôi đã trở về căn phòng quen thuộc

tôi đã trở về với tôi

của những khuông thước từ bao ngày trước

và chắc là của nhiều ngày sau

tôi đã trở về căn phòng vuông vức đo bằng những chiếc chiếu

như những vuông đời tất cả đều phải có

làm hành trang cho chuyến đi hiển nhiên

làm gia tài cho con cháu

làm thoáng kỷ niệm cho mai sau

 

(“Chuyến trở về”, Trần Thụ Ân, Himeji, mùa Thu 1972)

 

Năm 1971 tôi đã chọn đại học Himeji, ở cách Tokyo gần 700 cây số về phía nam, vì đó là trường công cho đỡ đần học phí, nhưng đổi lại nó ở ngay một ngôi làng hẻo lánh nằm ngay dưới ngọn núi Shosha. Trên ngọn núi cao 371 thước này, ngôi chùa nổi tiếng Engyoji (円教寺, Viên Giáo Tự, được xây cất năm 966 bởi Hòa Thượng Tánh Không) vẫn không làm ngôi làng dưới chân núi phồn thịnh được chút nào. Vẫn những khoảnh ruộng nhỏ vài chục thước vuông làm biên giới giữa những căn nhà xây theo lối cổ, vẫn bóng đêm dầy đặc nuốt chửng mấy ngọn đèn đường leo lét, vẫn con lộ nhỏ mà bề ngang chưa tới 10 thước, nối với thị xã Himeji cách đó 30 phút xe bus, thường vắng bóng xe cộ qua lại.

 

Nơi mà ban đêm thỉnh thoảng vẫn còn tiếng ễnh ương réo gọi khơi dậy niềm nhớ nhà khôn nguôi, mang về bao nhiêu hình ảnh yêu thương của Sài Gòn, bao nhiêu kỷ niệm vui chơi với bè bạn mà bây giờ đang đương đầu với sống chết.

 

đêm nằm nghe ễnh ương kêu

nhớ nhà đốt thuốc buồn khều khói bay

gật gù bấm đốt ngón tay

hai ba năm nữa biết về được không?

chuyện trò với đống album

với chồng thư cũ những dòng mực phai

lấy đà cho ký ức chai

hâm sake nhắm nháp ngày xa xưa

 

Sài Gòn gay gắt nắng chưa?

ta thèm một giấc ngủ trưa đã đời

mưa mùa ray rức không thôi

ngồi trong Thanh Bạch ngó người lấm lem

 

trở về trên chuyến say mèm

chân đi khấp khểnh, mắt lim dim thiền

chạm đôi mắt cô láng giềng

ngoảnh đi chỗ khác mặt liền đỏ gay

cô nàng chắc hẳn nhíu mày

chê: thằng lêu lổng, hay đầy lòng lo?

nụ cười sao chẳng đem cho?

để ta tỉnh rượu giả đò nghiêm trang

 

bạn bè một lũ cơ hàn

bỏ đi lần lượt kẻo tàn chiến chinh

làm quen với nỗi vô tình

bấm cò lẫy đạn mặt in oán hờn

 

rào gai chằng chịt quanh đồn

nhốt mình trong trận, thả hồn ngoài bưng

 

đưa chân dò dẫm vô rừng

địa bàn dẫn tới một thân phận buồn

“Mặt Trời” cho phép dừng quân

gối đầu nón sắt, tâm hồn lõm sâu

 

dựa lưng ngọn núi hỏa châu

cúi tìm chẳng thấy chòm cau quê nhà

lương khô trộn nỗi xót xa

miệng nhai chóp chép, cơm pha ướt lòng

 

đưa tàu lui tới biển Đông

nhìn vào chữ S thấy cong Nam Phần

biết ngày về phép tới gần

bỏ phiên say sóng, lấy lần say men

 

bạn bè một đám lính quèn

đồn, rừng, núi, biển bao phen sống còn

lần hồi rồi cũng lên lon

bông hoa vàng trắng nở tròn hai vai

 

riêng thằng Hưng đã xuôi tay

trên quan tài xám nụ mai héo rồi

nằm trong đất lạnh hỡi ơi

có nghe kèn trổi một hồi quốc ca?

được tin tao bỗng khóc òa

năm lon bia đắng không xoa dịu lòng

tao ngồi chửi đổng hư không

mầy nằm ngủ mãi giữa lòng Việt Nam           

                                     

(“Lại chạm khoảng xa rồi”, Trần Thụ Ân, Himeji, 02/1974)

 

Tôi tự hỏi nếu ở lại Tokyo và vào học ở một đại học nào đó thì bây giờ tôi sẽ ra sao?

Cũng như nếu tôi đã đi Paraguay sinh sống thì bây giờ tôi sẽ ra sao?

Và còn không biết bao nhiêu là ngã ba khác nữa.

 

Nhìn lại cuộc đời mình, do hoàn cảnh đưa đẩy, ở những ngã ba, mình phải quyết định đi về một phía. Động lực nào khiến mình cất bước theo lối này mà không phải là ngõ kia? Có phải do định nghiệp, một con đường riêng biệt đã vạch sẵn cho mỗi người?

 

Trần Thụ Ân

(Santa Ana, tháng Giêng năm 2020)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc