ĐỂ HIỂU THẤU HÀNH ĐÚNG PHÁP HỘ NIỆM - Cư sĩ Diệu Âm

03 Tháng Giêng 20207:21 CH(Xem: 3592)

Tam_the_Phat_1

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 91)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Xin chư vị mở trang 38, câu trả lời (w): Người có kiến thức thế gian rộng thường vướng nạn thế trí biện thông, ít tin Phật pháp, rất khó vãng sanh.

 

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy!... Trên thế gian này tìm ra một người học cao mà biết tu hành khó lắm đấy. Nhưng nếu một người học cao, kiến thức rộng, trình độ tiến sĩ mà biết học Phật có lẽ là những người khá đặc biệt. Còn thông thường, những người có bằng cấp cao một chút, có kiến thức thế gian rộng thì cái duyên Phật pháp khá yếu. Những vị này mà khuyên họ tin tưởng niệm Phật vãng sanh thì vô cùng khó khăn. Họ cứ nghĩ rằng chết là hết, không tin tưởng vào một sự giải thoát nào khác, vô tình vì kiến thức thế gian rộng mà thường vướng phải cái nạn “Thế TBiện Thông”, đành phải kẹt mãi trong cảnh vô thường vậy thôi.

 

Thực tế là trên thế gian này có những người bị ma nhập. Ma là ai vậy? Ma chính là những người khi chết vì mê mờ bị kẹt vào cảnh giới “Thân Trung Ấm” mà thành “Ma”. Lạc vào đó rồi thì chịu cảnh lang thang, lạnh lẽo, sầu khổ... Sống mãi trong cảnh phũ phàng tủi thân, nên mới lợi dụng một duyên thuận lợi nào đó mà tìm cách nhập vào thân xác của người còn sống để nương nhờ phước đức, để thố lộ tâm tư hay làm gì đó…., tạo ra sự bất an cho người đang sống đó.

 

Hãy đến thăm những bệnh viện tâm thần thì chúng ta có thể thấy được nhiều trường hợp chứng minh rằng người sống bị những thế lực vô hình, gọi chung là “Ma” kềm chế. Vậy thì, rõ ràng người khi chết đi thực sự không hết, cái thân của họ thì tan hoại lâu rồi, nhưng linh hồn của họ hoặc là được siêu thoát rồi, hoặc là đầu thai chuyển thế, hoặc là bị nhiều ách nạn vô cùng khổ đau. 

 

Chúng ta đang sống đây, thì thời gian này thần thức của chúng ta, thế gian gọi là linh hồn, đang nấp trong thân xác tứ đại này mà điều khiển mọi hoạt động như: ăn uống, ngủ nghỉ, lái xe, làm việc, v.v... Khi chết, có nghĩa là cái thần thức này rời khỏi xác thịt để sinh hoạt ở trong một hoàn cảnh khác. Nói cách khác, cái xác thân thì chết đi, nhưng chính họ vẫn còn sống mà phải đi tìm chỗ khác để sống, thế thôi. Ở đó có nơi sướng hơn, có nơi chỗ khổ...

 

Xin hỏi, sau khi xả bỏ báo thân này, mình sẽ đi tới nơi nào đây? Cảnh ngộ sướng hơn hay khổ hơn? Phải nhớ rằng, trước sau gì vẫn là chính mình đấy, chứ không phải ai khác đâu. Xin đừng sơ ý mà tự rước lấy ách nạn vô cùng đau khổ!...

 

Con người thường chỉ dựa vào cái kiến giải của thế gian cho cõi đời này là thực, cứ bám lấy cảnh vô thường giả tạm cho là trường tồn vĩnh cửu, không hề biết đến một khoảng thời gian vằng vặc phía sau có thể bị rơi vào cảnh khổ nạn, nên không để tâm tìm đường giải thoát. Vì không biết đường giải thoát nên những người chỉ chú trọng vào khoa học có ai chết đi lưu lại được thân tướng tốt đẹp đâu? Thân xác cứng đơ, sắc tướng u ám là ác tướng hiện ra, đây hiện tượng bị rơi vào ba đường ác rồi. Khổ đau lắm đấy chư vị ơi!...

 

Cho nên, chỉ chú tâm đến một đời vỏn vẹn vài mươi năm trên thế gian này, mà không để tâm lo đến vạn đời vạn kiếp sau này thật là một điều sơ suất, quá sơ suất!... Hiểu được như vậy chúng ta mới cố gắng hết sức tìm phương khai mở cho được cái trí huệ chân thật của mình, phải hiểu cho được sự thật của vũ trụ nhân sinh này mà quyết tìm đường giải thoát vậy.

 

Phật dạy, thời mạt pháp này chỉ còn niệm Phật mới có khả năng thành tựu đạo quả. Vậy thì, những người đang thành tâm niệm Phật quyết lòng một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, có lẽ vô tình họ trở thành người trí huệ chân thật chăng? Nếu niệm Phật khai mở được trí huệ chân thật, thì xin chư vị nhất định phải bám cho chắc cơ hội này, phải về cho tới Tây-Phương Cực-Lạc nhé. Nếu sơ ý sẽ chịu lấy những cảnh đau khổ lắm, vô cùng đau khổ đấy.

 

(x): Những người tánh tình hiền hậu, biết niệm phật, tha thiết nguyện vãng sanh, lại được hộ niệm nữa thì rất dễ được vãng sanh.

 

Đúng không chư vị? – (Đúng). Thế gian thường nói câu: “Đắc thất nan truy họa phước”, (được hay mất khó biết được đâu là họa đâu là phước). “Họa phước vô môn duy nhân tự triệu”, (Họa hay phước không phải tự nhiên mà có, chỉ do chính con người mời đến mà thôi). Một người được gọi là đắc, thì đắc được gì đây? Người thế gian thì đắc được danh tiếng thế gian, tưởng đó là sự thành tựu tốt đẹp, nhưng không ngờ vì cái đắc này mà mất con đường giải thoát. Một bà Cụ hiền lành chất phát không đắc được gì về chuyện thế gian, nhưng lại đắc được tâm tính hiền lành, biết tin Phật niệm Phật mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hai cái đắc này, hình như cái đắc sau tuyệt vời hơn cái đắc trước. Đúng không chư vị? Như vậy, một người tâm tánh hiền lành, biết niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh phải chăng là người có được một cái đắc tốt đẹp viên mãn nhất vậy.

 

Xin thưa với chư vị, trước nay cũng có rất nhiều người tâm tánh hiền lành phát tâm tu hành niệm Phật, nhưng lại lơ là hoặc không hay biết về tầm quan trọng của lời nguyện vãng sanh, đưa đến hậu quả có niệm Phật mà không được vãng sanh. Hôm nay nhờ Pháp Hộ-Niệm này mà chúng ta mới trực nhận ra lời nguyện vãng sanh vô cùng quan trọng, nên mới tìm cách nhắc nhở nhau nhớ tha thiết cầu xin vãng sanh, nhắc nhở mãi để không quên tâm nguyện vãng sanh. Người hiền lành chí thành niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh, rồi được hộ niệm cẩn thận nữa thì đường vãng sanh càng thêm vững vàng, càng thêm an toàn.

 

Khi hộ niệm, nhìn thấy được người vãng sanh rồi, chúng ta mới thật sự trân quí cái Pháp Hộ-Niệm này. Cái cảm giác lần đầu tiên Diệu Âm tận mắt nhìn thấy người vãng sanh mà có sự cảm xúc dâng tràn đến nỗi cứ đứng nhìn trân trân không nói được một lời. Vừa ngỡ ngàng, vừa tỉnh ngộ, vừa vui mừng mà tuôn rơi nước mắt!... Trải qua 50 tuổi đầu, cũng có đi chùa, cũng có nghe pháp khá nhiều mà thực sự chưa từng nghe qua một lời nhắc nhở đến chuyện vãng sanh một cách sâu sắc, mặc dầu nhiều lúc tới chùa cũng có đọc câu: “Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung...” nhưng miệng đọc mà tâm thì hình như trống rổng, thấy người đọc mình cũng đọc theo, chứ hoàn toàn không có một ý thức nào rõ rệt về sự vãng sanh cả. Đây là sự thực!...

 

Chính nhờ cái cơ hội nhìn thấy sự vãng sanh vô cùng quí báu này mà giựt mình tỉnh ngộ, đã thúc đẩy Diệu Âm mạnh dạn nói lên một sự thật về sự sơ suất quá lớn của những người tu học Phật như chúng ta trong thời mạt pháp này.

 

Chư vị hãy suy nghĩ thử, tại sao có người tu hành nhiều năm mà sau cùng ra đi lưu lại thân tướng chẳng có gì tốt lành vậy? Nhất định phải có sự sơ suất nào lớn lắm đây. Phải chăng nghiệp chướng đã làm chủ tất cả rồi chăng? Một đời tu hành khó khăn nhưng sau cùng cũng đành chấp nhận làm kẻ bại tướng của nghiệp chướng, đành lầm lũi để cho nghiệp chướng còng tay lôi vào con đường khổ nạn. Trong khi đó, nhiều người niệm Phật, được hộ niệm cẩn thận, thường ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Xin nhận thức sâu sắc về hiện tượng này nhé mới được.

 

Nhiều người lý luận rằng, thân xác thuộc về vật chất. Vật chất tứ đại phải trả về cho cát bụi, đâu có ảnh hưởng gì đến tâm linh. Chỉ có cái tâm này mới là quan trọng. Lý luận này quá hời hợt, đâu có thể che khuất được sự thất bại của việc tu hành!...

 

Tâm hồn và hoàn cảnh ảnh hưởng trực tiếp với nhau. Tâm hồn thanh tịnh hiện ra nét mặt an vui trong sáng. Tâm hồn sầu khổ hiện ra khuôn mặt u buồn ảm đạm. Tâm lý ảnh hưởng tới vật chất. Vật chất chịu ảnh hưởng đến tình trạng của tâm hồn. Một người ra đi với một tâm trạng hãi kinh, đau khổ, buồn lo, phiền não... nhất định để lại một thân tướng xấu xa. Một người ra đi với cái tâm an tịnh, bình thản, vui tươi... luôn luôn để lại thân tướng tốt đẹp. Sự đau khổ trong tâm hiện ra nét đau đớn trên khuôn mặt, nỗi kinh hoàng trong tâm hiện ra sắc tướng khủng bố tái xanh, sự sợ hãi trong tâm làm cho toàn thân co rút cứng đơ, v.v... Trạng thái của tâm thức ảnh hưởng trực tiếp đến từng tế bào trong cơ thể, làm thay đổi sắc diện trên thân thể của một người. Điều này khá đơn giản mà nhiều người không để ý tới.

 

Trong kinh Phật dạy, người được chiếu xúc quang minh của A-Di-Đà Phật thì thân ý nhu nhuyến. Tâm nhu nhuyến là tâm hồn an tịnh đi theo Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thân nhu nhuyến là thân xác mềm mại tươi hồng. Đây chính tướng lành, một sự thể hiện cảnh giới an lành lúc xả bỏ báo thân. Hiện tượng ra đi lưu lại tướng lành đến nay không còn là điều hiếm thấy đối với các ban hộ niệm khắp nơi, chứng minh cho sự vi diệu của Pháp Niệm Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh. Một người ra đi lưu lại được tướng lành như vậy, chí ít đi nữa họ cũng được sanh về các cõi lành, thoát khỏi ba đường ác. Hiện tượng này trước đây đâu phải dễ dàng tìm thấy.

 

Cho nên, hôm nay chúng ta gặp được Pháp Hộ-Niệm thật là một đại may mắn, đại phước duyên, quý hóa vô cùng đó chư vị. Hãy nắm bắt lấy cơ hội này để đi vãng sanh. Đừng nên sơ ý mà đành chịu thất bại chua cay, tương lai khó còn một cơ hội nào khác để vượt qua ách nạn của sanh tử đọa lạc mà vô lượng kiếp qua chúng ta chưa từng thoát được.

 

Người thế gian thường yêu chuộng về kiến giải, nhưng không ngờ chính kiến giải này thường trở thành một thứ “Thế TBiện Thông, cản ngăn con đường giải thoát. Chúng ta muốn thành tựu đạo nghiệp hãy chọn làm người hiền lành chất phát thì hay hơn đường tri kiến thế gian. Những người hiền lành chất phác, chí thành niệm Phật, thực sự muốn vãng sanh, khi biết đến Pháp Hộ-Niệm họ rất mừng vui, họ bám chặt vào đây mà đi vãng sanh thành đạo. Nhất định chúng ta phải đi theo con đường giải thoát, chứ cớ chi lại chọn con đường khổ nạn. Đúng không chư vị?

 

Hãy nhìn xem, những người tánh tình hiền hậu biết niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh lại được hộ niệm nữa, họ ra đi thường dễ dàng lưu lại thân tướng lành bất khả tư nghì. Những vị này hầu hết đã được vãng sanh rồi. Vì sao vậy? Vì chính lòng chân thành chí thiết mà vô tình họ đã thực hiện đầy đủ tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh của Pháp Niệm Phật. Họ không hẳn là người tu giỏi, không phải là người nói hay, nhưng chính nhờ lòng chân thành mà được tương ứng với đại nguyện của Phật A-Di-Đà, họ vãng sanh theo đại nguyện mười niệm tất sanh. Trong kinh Quán Vô-Lượng-Thọ nói, một người dẫu cho tội chướng sâu nặng, nhưng cuối đời gặp thiện tri thức chỉ đạo, dẫn dắt, họ phát khởi niềm tin, quyết lòng niệm Phật, với cái lòng chí thành chí thiết niệm Phật, mà một câu Phật hiệu niệm ra phá tan nghiệp chướng trọng tội đã tạo trong 80 ức kiếp. Chính vì thế, chỉ cần một câu niệm Phật trước khi họ xả bỏ báo thân đã được cảm ứng, A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc một đời bất thối thành đạo. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có những huyền ký về hộ niệm bất khả tư nghì. Ví dụ, hoàng hậu Vi-Đề-Hy, mẹ của ngài A-Xà-Thế đã được Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật hộ niệm. Phật dùng thần lực đem tất cả quốc độ trên pháp giới hiển hiện ra trước mặt để bà Vi-Đề-Hy chọn lựa. Hoàng hậu đã chọn thế giới Tây-Phương Cực-Lạc, Phật khen ngợi là bà đã chọn đúng nơi và Phật liền khai thị hướng dẫn cho hoàng hậu phương cách vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đây thực sự là một cuộc hộ niệm vãng sanh. Trong kinh có nhiều huyền nghĩa về hộ niệm lắm, chỉ vì chúng ta không để ý mà không biết đó thôi.

 

 Bây giờ chúng ta là phàm phu, nghe theo lời Phật dạy đi hộ niệm cho nhau. Hãy quyết lòng y giáo phụng hành. Đến khi chính ta nằm xuống, người hộ niệm đến bên cạnh dặn rằng:

- Bác ơi!... Niệm Phật nhé

 

Ta hãy niệm Phật ngay. Hãy thành tâm cảm ơn cháu, cảm ơn cô, cảm ơn người nhắc nhở, chứ đừng nên nằm đó mà lý luận lòng vòng nhé. Chỉ đơn giản như vậy thôi mà chư vị sẽ là người được cảm ứng đạo giao, vãng sanh bất khả tư nghì. Một cơ hội này ta đi thành đạo.

 

(y): Được vãng sanh là do mạng số định sẵn, chứ đâu phải muốn vãng sanh mà được.

 

Đúng không chư vị? – (Sai). Sai vô cùng!... Cái “Thân Mạng” này có thể nó theo mệnh số, còn cái “Huệ Mạng này hãy tự chủ đi về đất Phật để thành Phật. Thân phận phàm phu thì cái “Thân Nghiệp này phải bị nghiệp lực chi phối là chuyện thường tình, còn cái “Chơn-Tâm của chúng ta có tự tánh thì hãy tự tìm con đường giải thoát thành đạo. Phàm phu mê mờ theo nghiệp mà sinh ra thì thân xác này đành phải theo nghiệp trả nợ. Nếu số phần của ta phải trả nợ 70 năm, thì 70 năm ta trả trên cái thân nghiệp này. Chúng ta chưa phải là Bồ-Tát, thì chưa hoàn toàn tự chủ trên cái thân nghiệp này đâu, nhưng cái tâm này chúng ta có thể giành lấy quyền tự chủ được. Nói về “Tâm thì phải nói là “Mê” hay “Ngộ”. Nếu mê thì mất tự chủ, chấp nhận làm nô lệ cho vật chất vô thường. Nếu ngộ thì được quyền tự chọn con đường giải thoát cho tương lai. Xin nhớ cho kỹ điểm này.

 

Vậy thì, đừng nên tiêu cực mà gởi huệ mệnh của mình theo định số nữa. Định số chỉ được quyền chi phối đến phần thân xác vật chất vô thường này thôi. Chúng ta chưa chứng quả, chưa đắc đạo thì không thể định đoạt được mạng số. Nghĩa là, không dễ gì muốn đi thì đi muốn ở thì ở. Nhưng ta có quyền xem nhẹ sự tử sanh để có được tâm hồn tự tại.

 

Như vậy, người phàm phu được tự tại trước sanh tử, không có nghĩa là thân xác ta không chết, mà chính là ta không lo sợ lúc cái thân xác này chết. Hãy tập xem nhẹ ngày thân xác này ra đi. Hãy ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh nhé chư vị. Thọ mạng của thân xác này 79 tuổi thì cứ để 79 năm ra đi, chứ không phải muốn sớm được vãng sanh mà tìm cách tự tử nhé. Xin an nhiên thuận theo định số của thân mạng, chứ không phải nôn nóng, bừa bãi làm điều sai lầm. Chúng ta hãy chí thành niệm Phật tha thiết cầu khi mãn báo thân này A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn mình vãng sanh là được.

 

Xin nhắc lại, cái “Tâm này không thể nào xuôi theo định số được. Tâm này phải biết tự chủ, phải có định lực. Tâm lực phải mạnh, phải quyết thắng nghiệp lực để thực hiện con đường giải thoát, chứ không thể chấp nhận làm nô lệ cho nghiệp lực cam đành chịu đọa lạc khổ đau.

 

Cụ thể, tâm nguyện của chúng ta là quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, thì phải thực hiện cho kỳ được, không thể thoái chí. Ngày cuối đời chư vị thương con nhớ cháu, thương nhà nhớ cửa, chập chờn suy đi nghĩ lại thì bị thoái chuyển rồi!... Gặp người bàn ra tán vào mà phân vân do dự, thì tâm lực quá yếu kém rồi!... Gặp cơn bệnh nặng thì tâm trí hoang mang lo lắng, thì chủ định quá bạc nhược rồi!... Tâm lực yếu, nghiệp lực sẽ bùng lên làm chủ, đó là tự ta muốn ngoan ngoãn xin làm kẻ nô lệ trung thành của nghiệp lực để chịu đọa lạc vậy thôi.

 

 Cho nên, Pháp Môn Niệm Phật là pháp tùng nguyện vãng sanh. Người niệm Phật là người theo nguyện vãng sanh, nhờ thế mà vượt qua được tất cả ách nạn của nghiệp chướng đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo, dẫu rằng trong vô lượng kiếp qua họ đã tạo ra không ít tội chướng. Người niệm Phật vãng sanh nhất định không được theo những cái “Nhân Quả Vô Thường”, mà quyết theo cái “Nhân Quả Thành Phật”. Niệm Phật là Nhân, cầu nguyện vãng sanh là Duyên, Nhân Duyên hợp lại để đưa ta về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật là Quả. Niệm Phật Thành Phật.

 

Xin chư vị nhớ cho, Phật dạy: “Tất cả do tâm tạo”, chứ Phật không dạy tất cả do nghiệp tạo. Phật dạy: “Tất cả do tâm định”, chứ Phật không dạy, tất cả do nghiệp định. Hàng phàm phu như chúng ta đã mê mờ tạo ra nghiệp chướng quá lớn rồi, nghiệp lực đã quá mạnh rồi, mà bây giờ lại ương ngạnh dùng cái năng lực cỏn con để chống chọi với nghiệp chướng thì chúng ta sẽ là người chiến bại. Hoặc giả, tiêu cực nhắm mắt chạy theo nghiệp chướng, thì ta tự muốn trở thành kẻ nô lệ trung thành cho nghiệp chướng mà cam đành chịu nạn.

 

Vậy thì, người hiểu đạo, thấu lý, thấu cơ, chúng ta phải thành tâm chí thiết nghe lời Phật dạy, quyết lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, nhất định bám chặt ý nguyện cầu sanh để hợp với đại nguyện độ sanh của Phật mà một đời ta về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Tất cả đều lấy cái tâm này mà quyết định tương lai.

 

Tâm nguyện quyết chí theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, chư vị sẽ vãng sanh thành đạo Vô-Thượng vậy.

 

 Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật