Đỉnh Bình Yên Trong Thơ Thanh Trí Cao

09 Tháng Chín 20195:43 CH(Xem: 2406)
IMG_5305a

ĐNH BÌNH YÊN TRONG THƠ THANH TRÍ CAO

Thanh Trí Cao, một nhà nghệ thuật, một nhà thơ và cũng là một tăng sĩ tài hoa, một thiền sư với một nội tâm cao vút. Về nghệ thuật thầy đưa ta đi từ thế giới hiện thực đến phi thực, từ phi thực trở về hiện thực, một sự đến đi tuyệt vời trong không cùng vô tận, lưu lại dấu ấn đậm nét trong lòng người thưởng ngoạn, mở ra phương trời mênh mông lắng đọng trùng khắp. Về thi ca thầy dẫn ta đến thế giới muôn màu muôn sắc, bằng tâm cảnh nhẹ nhàng lâng lâng đượm hương vị siêu thoát. Bên cạnh đó thầy chỉ cho ta tìm đến đỉnh bình yên, một thảo am nhỏ an lành trong đời sống, ở đó là cả một khung trời huyền nhiệm ngự tác trên từng hiện hữu, trong sự rộng mở của tâm thức, mang nguyện lực dấn thân đi vào cuộc đời chuyển hóa từ mê đến ngộ. 

Dù đứng ở đâu, nghệ thuật hay thi ca, thì phút giây bừng dậy ở trong thầy chuyên chở cả một không gian vũ trụ tươi đẹp, tất cả được thầy kéo xuống ghi lại với sự linh hiện dâng trào đọng lại trên từng đường nét, khơi dậy trong ta sự đồng cảm tuyệt vời. 

Lời thơ của thầy nhịp bước trên từng lối đi lại của tâm thức, từ trên đỉnh cao đầy ắp tình người tình đạo, thi nhau vọng xuống nhân gian phổ nên bản nhạc giao hưởng không cùng, cho cõi lòng kết nụ nở hoa, cho ý nguyện đượm ngát hương thơm trên từng nẻo đi về. Lối vào Thầy đã bắt nhịp, muốn bước vào đó, đến đó là cả một hành trình ta phải suy tư chiêm nghiệm theo từng gõ nhịp của thầy, để từng lời thơ tác động ngự mãi trong tận cùng tâm khảm. 

Trong số những bài thơ của thầy, người viết chọn ra hai bài gởi đến bạn đọc, như một sự trân trọng đồng cảm với tất cả cõi lòng riêng chung. 

    1, Dòng Sông Thấp Thoáng Con Thuyền 

Giác ngộ rồi người sẽ về đâu

    Cho tôi xin bắt một nhịp cầu

    Dòng sông ấy thiên thu tịch lặng

    Người là ai hằng hữu nghìn sau

 

Giác ngộ rồi người sẽ làm chi

    Cho tôi xin nối kết những gì

    Lý tưởng đẹp cuộc đời dâng hiến

    Đường thênh thang ta mãi cứ đi

 

    Đỉnh núi cao hay tình người cao

    Cánh cửa không ta mở lối vào

    Sở trường ấy chiều dày tuệ giác

    Tâm ấn tâm người đã truyền trao

 

    Sang sông rồi thuyền bỏ lại đây

    Bước ung dung tự tại như mây

    Thảo am nhỏ trăng treo lơ lững

    Dấu ấn thiền hạnh ngộ Đông- Tây

 

Sang sông rồi nguyện lực như nhiên

    Tình yêu thương ứng dụng chân truyền

    Tâm tình đẹp chan hòa sợi nắng

    Dòng sông xưa thấp thoáng con thuyền.

 

Một khi ta thường xuyên quán chiếu thì sẽ tìm thấy phút giây giác ngộ. Đó là sự bùng vỡ của tâm thức về một điều gì, tâm cảnh, cuộc đời, vô thường, sinh tử, giác ngộ, từ tầm thường đến cao siêu. Với một hành giả, nhờ trưởng dưỡng và huân tập trong môi trường tâm linh, khi giác ngộ trỗi dậy họ nhập ngay vào trong tầng cao đó, nên được nhẹ nhàng thanh thoát, nhìn đâu thấy đâu sống đâu cũng được an tịnh. Còn chúng ta phần nhiều tích chứa tâm cảnh nhọc nhằn phiền não, không nâng tầm nhận biết ở bình diện cao, nên khi bùng vỡ chỉ gặt hái sự lẩn quẩn trong đó, khó thoát ra ngoài.  "Giác ngộ rồi" "sang sông rồi", là đến được bờ kia, đáo bỉ ngạn, một trạng thái tuyệt vời ung dung tự tại. Ở đây thi sỹ Thanh Trí Cao không đề cập đến chặng đường đi tìm đi kiếm, vì đó là điều hẳn nhiên ta phải ra công gắng sức để đạt được. Thầy trao cho ta một suy tư khác, một sự chiêm nghiệm quán chiếu vượt ra ngoài mọi biên giới. "Giác ngộ rồi người sẽ về đâu"? Người sẽ về đâu, đi đâu đến đâu làm gì, là cả một triết lý thực nghiệm. Không những chỉ có trong tư tưởng, hành động mà còn chuyển hóa thành tâm lực nguyện lực, thể nhập ngay vào cảnh giới giác ngộ, không còn phải đi qua thứ lớp đợi chờ của thời gian, từ đó mở tung ra hành trình phụng sự cho tha nhân trong tinh thần giác ngộ. Thầy còn hé mở cho ta thấy: "Lý tưởng đẹp cuộc đời dâng hiến, đường thênh thang ta mãi cứ đi". Lý tưởng đẹp và cao cả đó, phải thường xuyên có mặt trong ta, toát ra được sự hoan hỷ tuyệt cùng của thân tâm, cho dù nổi trôi vướng bận hay an nhàn tĩnh lặng đều ngầm chứa cả một sự an lạc linh hiện bao phủ. Chỉ có sự hy sinh không bờ bến, dâng hiến sớt chia không cần đáp trả, đem hết lòng phụng sự không chần chừ so đo tính toán, tất cả được khởi đi trong tinh thần từ bi giải thoát, vì tha nhân và chúng sinh. 

Trong thầy "Cho tôi xin bắt một nhịp cầu". Nhịp cầu ấy mang ý nghĩa gì, tâm cảnh gì trong thế giới thống khổ của hôm nay và ngày mai? Có phải đó là nhịp cầu nối kết tình người và giác ngộ? Ở đó, tình người được thầy nâng cấp lên thành "tâm tình đẹp chan hòa sợi nắng" nó sưởi ấm cõi lòng tái tê của ta trên bến bờ sinh tử, trong cuộc sống với quá nhiều giả dối hệ lụy đang phủ ngập.  Làm sao ta bắt nhịp để giác ngộ có cơ may trở mình thức dậy, để cho tình người có dịp nở hoa? Muốn đạt được giác ngộ, muốn sang sông đến bờ kia, đòi hỏi ta bỏ lại sau lưng những ưu phiền trói buộc, dứt bỏ tham sân si, đoạn trừ vô minh đã từng chôn chặt nhốt kín ta từ vô lượng kiếp. 

"Đỉnh núi cao hay tình người cao". Thầy ghi lại quá khứ của tuổi trẻ khi sống giữa núi rừng cô tịch, nơi Trà Cú linh địa với núi non trùng điệp, với mây chiều lãng đãng bay, mang hương lạ rải lên núi đồi nhân gian cây cỏ.  Thỉnh thoảng có những vị khách tìm tới non cao lên chùa lễ Phật, vượt hơn năm cây số gian nan lên đồi xuống dốc với hành trang cùng một tấm lòng san sẻ sớt chia. Cảnh vật ấy cõi lòng ấy đọng mãi trong thầy mà suốt hành trình lưu lạc nơi xứ người vẫn còn đậm nét không hề nhạt phai. Cũng từ nơi chốn ấy tâm tình ấy, đã un đúc nên một Thanh Trí Cao của ngày nay và cho mai sau. Ở một khía cạnh nào đó thầy vừa so sánh nhưng vừa khẳng định, bởi chỉ cần một phút lắng lòng ta nhận ra ngay, cả hai đều cao vời vợi, một sự trải nghiệm mà chính người trong cuộc mới hết dạ cảm thông. 

“Cánh cửa không ta mở lối vào".Trong cõi vô cùng không tận ấy, làm sao ta mở ra bước vào ngay mới là điều quan trọng. Cũng giống như " giác ngộ rồi " nó vượt qua chặng đường đến đi dọ dẫm, không cho ta có dịp dùng đến yếu tố thời gian để thẩm định để tìm để đi để tới, vì lẽ vô thường sanh tử hiện diện lẫn khuất đâu đây, nếu phụ thuộc vào đó, thì sự níu kéo ngăn ngại khiến ta phải nuối tiếc dở dang. Vì thế, ngay lúc đó, hiện tại nầy ta phải gắng sức ra công đạt được, chỉ cần nhích nhẹ tay là ta mở được cánh cửa không nhiệm mầu ấy. Từ đó liên tục thắp sáng hiện thực, sống trong sự lắng đọng thuần khiết vi diệu của tuệ giác. 

Một khi đến được bờ kia, tất cả đều phải buông bỏ hết, không còn vướng bận âu lo, dù đó là sự vi tế còn sót lại của tâm hay sự biến dạng nào đó của cảnh. "Sang sông rồi thuyền bỏ lại đây. Bước ung dung tự tại như mây" có như thế được như thế, thì sự thanh thoát ung dung mới ngự trị trên từng bước đi với cả cung đàn điệu nhạc đưa tiễn trên mọi lối đi về. 

  2, Anh Đi Tìm 

Anh tìm gì trên đỉnh núi cao

    Gió vi vu tiếng suối thì thào

    Lòng thanh thản bước chân an lạc

    Anh giã từ vì sao vì sao?

 

    Anh tìm gì buông xả tình riêng

    Khoác áo nâu ẩn dật tham thiền

    Nghe chim hói líu lo chúc tụng

    Chẳng cần gì trên đỉnh bình yên

 

    Tâm lắng sâu thở cùng vũ trụ

    Để dòng đời tuôn chảy thênh thang

    Nhìn hư ảo cuối đường ngôn ngữ

    Phật tại tâm chiếu ánh hào quang

 

    Anh tìm gì trên đỉnh hư vô

    Mây về đâu phiêu bạt hải hồ

    Phật ẩn hiện trong từng sự sống

    Sao tình người lưu chuyển ngây ngô.

 

Anh quay về dâng nén tâm hương

    Soi sáng từng biến cố vô thường

    Phát đại nguyện cảm thông chia xẻ

    Đời hiến dâng cất bước lên đường.

 

Anh đi tìm điều gì, cái gì ở cuộc đời nầy? Khi vô thường, sống chết đan xen tiếp nối với nhau, cứ thế thay phiên nhau tước đoạt, có lúc vừa tồn tại lại vừa không tồn tại, tồn tại ở dạng nầy nhưng biến thể ở dạng khác, khi phiền não tử sinh quyết định giành giựt, khi khổ đau phủ ngập lối đi về, khi nhân bản tình người lũ lượt phá sản. Còn có gì quan trọng ở cuộc đời nầy để anh tìm, tôi tìm, chúng ta tìm? Có phải đó, lòng yêu thương rộng lớn, hạnh phúc an lạc thật sự có mặt trùm khắp cõi nhân gian? Nhưng vì mãi buồn mãi vui mãi khổ mãi lạc lối, ta bỏ quên không có dịp trông thấy tìm ra lối về, nên mãi lận đận cùng với buồn vui đếm bước trên từng nỗi niềm thương đau phủ ngập. Nhưng chỉ cần một tấm lòng nhân hậu, một tâm từ rộng mở thì nó sẽ có mặt khắp chốn mọi nơi, mang đến trong anh trong tôi trong tất cả mọi người một sự an lạc không bến bờ. Lòng thanh thản bước chân an lạc. Có phải đó “Phật tại tâm chiếu ánh hào quang”, mở ra tâm lượng vô biên thở cùng nhịp với đất trời cây cỏ,  cho Phật tính trong mỗi người chúng ta bừng dậy ánh hào quang soi sáng nẻo tử sinh. Có phải đó, phát đại nguyện cảm thông chia xẻ, không phải ai trong chúng ta cũng làm được, đòi hỏi một tâm lượng bao la không cùng, một nhịp tim hơi thở đong đầy đại nguyện, một sự khởi đầu nhưng không bao giờ chấm dứt, và là sự vượt thoát trong anh trong tôi, chúng ta cùng dấn bước, hoàn thành sứ mạng phụng sự thiêng liêng cao cả.  Để cho “Tâm lắng sâu thở cùng vũ trụ”, luôn phiên ngự tác trong từng sát na hơi thở, để cho “Phật ẩn hiện trong từng sự sống”, thường xuyên có mặt trong ta từng phút từng giây, mang đến cho ta sự an lạc hạnh phúc thường hằng.  

 Tất cả những điều đó, tâm nguyện đó kết nối với nhau tạo thành nhịp cầu, từ khổ đau đến thường lạc, từ phiền não đến tỉnh thức, được khởi đi và hoàn thành chính từ cõi tâm của ta, nguồn cội của mọi vấn đề.  Sau những tháng năm thầy sống giữa núi rừng tịch lặng, với gió nội mây ngàn trổi lên cùng nhịp thở, nghe chim hót líu lo ca tụng đỉnh bình yên, với tâm thức khơi nguồn dòng tuệ giác, với đất trời trăng sao ẩn hiện. Có lúc “Anh quay về  dâng nén tâm hương. Soi sáng từng biến cố vô thường”. Những tinh hoa kết tụ trong những tháng năm dài ấy đọng vào tâm thức quyện vào đôi tay mở ra phương trời sáng tỏ, từng biến cố với từng soi sáng, từng vô thường với sự nhận biết không vơi.

 Đốt nén tâm hương soi đường dẫn lối, có như thế mới mở ra tâm lượng hải hà, lấy đại nguyện cảm thông chia xẻ làm định hướng, lấy hiến dâng làm hành trang lên đường phụng sự, từng bước đong đầy hoa thơm cỏ lạ, mang từ bi yêu thương trang trãi khắp cõi ta bà. 

Lời thơ cất lên tuôn chảy về nơi vô tận có không, trỗi nhịp trú ngụ trên từng vạn nẻo tử sinh, sâu lắng trong tận cùng tâm thức, vang vọng bao phủ trên từng hiện hữu.

 Cali giữa mùa Thu 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng