ĐỐI DIỆN VÔ THƯỜNG - Diệu Huyền

17 Tháng Bảy 20199:43 CH(Xem: 3057)


chua_xua















ĐỐI DIỆN VÔ THƯỜNG


“Như ảo ảnh, như chiêm bao, như ánh chớp, như hạt sương rơi”...đời người phù du như thế đấy, lời của Kinh Kim Cang còn in sâu trong tâm thức, nhưng khi đối diện vô thường không ai là không chao đảo. Trong tháng sáu vừa rồi, sự ra đi bất ngờ của người thầy thương kính như một cơn địa chấn rung chuyển cuộc sống bình lặng. Những ngày cuối cùng ngài đã thị hiện cho chúng ta điều đáng sợ nhất không ai muốn nghĩ tới, nhưng sớm muộn gì cũng phải đối đầu không thể nào tránh được. Đó là sự hoại diệt của thân tứ đại quen thuộc bao lâu nay đã là cái ta độc nhất vô nhị, trong đó ta đã sống, đã cảm nhận những hỷ nộ ái ố, những kinh nghiệm cuộc đời trong vòng trời đất xoay vần, với cỏ cây hoa lá, thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông. Sự qua đời của một người thân, hơn thế nữa của một người thầy là sự mất mát lớn lao nhất không gì có thể bồi đắp lại được. Làm sao diễn tả được nỗi buồn thấu tận tâm can của sinh ly tử biệt? Sự ra đi của ngài như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho thấy cái chết là một điều gì rất gần gũi, đi liền với đời sống và có thể đến bất cứ lúc nào. Hơn lúc nào hết ta phải trở về nương tựa nơi Pháp Phật để thấy tất cả chỉ là duyên hợp giả tạm, và luyện tập để có được một tâm tỉnh giác, một thái độ vững vàng trong mọi tình huống có thể xẩy ra, không chỉ cho sự sinh tử của chính mình, mà còn cho những người thân thương.

 
Con người ngày nay đã phát triển kiến thức khoa học đến mức thần kỳ, nhưng cái chết vẫn mãi là một bí ẩn không gì có thể kiểm chứng được. Chỉ có đạo Phật với phương pháp tu như Mật tông đã cho con người một cái nhìn thoáng qua về quá trình diễn biến của sự chết, như được nói đến trong “Tử Thư Tây Tạng” hoặc quyển “Sinh và Tử Thư Tây Tạng” (The Tibetan Book of Living and Dying) của đại sư Sogyal Rinpoche. Trong quyển Tử Thư Tây Tạng, danh từ “Bardo” được dùng đến để diễn tả một trạng thái trung gian của tâm thức giữa lúc chết và lúc tái sinh, thường được dịch ra tiếng Việt là “Thân trung ấm”. Tuy nhiên, trong quyển “Sinh và Tử Thư Tây Tạng”, bardo được định nghĩa như trạng thái tâm thức hay linh thức trong mọi giai đoạn của sinh tử, được chia làm bốn loại bardo, hay có thể nói là 4 trạng thái trung gian của thức con người trong quá trình sinh tử.

1- Bardo tự nhiên của đời sống (the “natural” bardo of this life):
 
Bardo tự nhiên trong hiện kiếp của chúng ta kéo dài  từ lúc sống cho đến lúc chết. Tâm thức của chúng ta không chỉ bắt đầu từ lúc mới sinh ra đời, mà là sự  nối tiếp của linh thức trong kiếp trước. Do đó, tuy trạng thái trung gian này là dài nhất, nhưng nếu so với thời gian vô tận của kiếp sống luân hồi, khoảng thời gian trải qua trong hiện kiếp cũng chỉ là một khoảng cách ngắn ngủi. Những gì ta làm trong đời này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sau. Vì vậy, khi còn ở trong hiện kiếp,  ta phải tận dụng tu tập tạo nhân tốt lành, xả bỏ tham sân si và chuyển hóa tâm linh, nhằm đạt đến mục đích  giác ngộ Phật Tánh, thoát ly luân hồi sinh tử.
 
2- Bardo “đau khổ” của cận tử (the “painful” bardo of dying):

Bardo cận tử bắt đầu từ giây phút mang bệnh nan y hay ở trong trạng thái sắp chết tới giây phút tắt thở. Người sắp chết cần một bầu không khí yên tịnh, chan hòa tình thương, và nhất là có sự cầu nguyện để trợ lực. Giây phút cận tử là tối quan trọng vì lúc ấy tâm trí rất yếu đuối và dễ bị cuốn trôi theo những tư tưởng và cảm xúc cuối cùng. “Cận tử nghiệp” nói đến ảnh hưởng quyết định của niệm khởi cuối cùng đối với nghiệp tái sinh, tùy theo trạng thái tâm thức yên ổn hay xao động lúc đó mà sinh về cõi xấu hay tốt, bất kể đến những điều thiện hay điều ác đã làm trong quá khứ. Người sắp chết phải buông bỏ hết tất cả những ràng buộc luyến tiếc, những nỗi xúc cảm khởi lên từ tham sân si.. và nương nhờ nơi sự tiếp dẫn của Phật lực. Trong trạng thái này, có thể cảm thấy sự đau khổ vì chúng ta không biết được điều gì sẽ xẩy ra cho mình. Ngay cả một người có tu tập cũng không thoát được điều đó, vì mất đi thân xác, xa lìa cuộc đời là cả một kinh nghiệm rất khó khăn. Tiến trình cái chết được bắt đầu qua sự ngừng hoạt động của các căn thức, sau đó là sự tan rã của các yếu tố ngũ đại trong thân: Đất, Nước, Gió, Lửa và Hư Không (quan niệm của Tây Tạng cho là ngũ đại, thay vì tứ đại). Đó là một tiến trình  khó khăn, nhưng nếu chúng ta được chỉ dẫn về ý nghĩa của sự chết, ta sẽ biết rằng có rất nhiều hi vọng được giải thoát khi thấy được “Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy” tỏa chiếu xuống trong giai đoạn tiếp theo.

3- Bardo chiếu sáng của Tự tánh  hay Pháp thân (the “luminous” bardo of Dharmata):
 
 Trong giai đoạn này, sau khi những yếu tố vật chất của thân xác đã tan rã, những yếu tố tinh thần còn tồn đọng trong tâm bình thường của chúng ta như những điều yêu ghét, những cảm xúc tiêu cực của tham sân si v.v..cũng bị tiêu tan theo. Cuối cùng không còn lại dấu vết gì để che khuất nền tảng Tự Tánh nguyên thủy mà khi còn sống đã bị chìm lấp trong những lớp vỏ sâu dầy của vọng tưởng vô minh. Lúc ấy hiện ra Tự Tánh nguyên thủy, hay Pháp Thân trong một  “Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy” (Ground Luminosity) trong suốt chói lòa, hiển thị với âm thanh, mầu sắc, và ánh sáng. Đây chính là thời điểm giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, nếu linh thức có thể hòa nhập toàn diện vào Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy không rỗng chói lòa ấy. Nhưng Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy này hiện ra rất chớp nhoáng, hầu hết những người bình thường không nhận ra được, chỉ có những vị đã có kinh nghiệm giác ngộ, từng cảm nghiệm được Tự Tánh nguyên thủy mới có thể thấy được. Điều khó khăn là trong khi Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy chói lòa này chiếu xuống, cũng có những luồng ánh sáng khác êm dịu hơn, quyến rũ hơn với những âm thanh và mầu sắc mờ ảo như mầu xám, vàng, xanh lục, xanh da trời, đỏ và trắng. Những mầu sắc mờ ảo ấy chính là do tập khí trong nghiệp thức đã kết tụ để tạo thành. Mầu xám là địa ngục, do lòng sân tạo ra, mầu vàng là cảnh giới của ngạ quỷ, do lòng tham , mầu xanh lục là cảnh giới của súc sinh, do lòng si mê, mầu xanh da trời là cảnh giới của người, do lòng dục, mầu đỏ là cảnh giới a-tu-la, do lòng ghen tỵ , và mầu trắng là cảnh giới trời, do lòng kiêu ngạo. Khi ở trong Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy, nếu không có đạo lực, ánh sáng chói lòa dễ làm người ta sợ hãi và bị thu hút bởi những ánh sáng êm dịu hơn, và như thế lại tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi lục đạo.
 
4- Bardo theo nghiệp hình thành (the “karmic” bardo of becoming):
 
Khi không nhận ra được Pháp Thân hay Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy, giai đoạn bardo trung gian của ánh sáng Tự Tánh hay Pháp Thân lướt qua rất nhanh, và sau đó linh thức tỉnh dậy trong trạng thái “Bardo theo nghiệp hình thành” của nghiệp lực tái sinh, thường được gọi là Thân Trung Ấm, trạng thái trung gian kéo dài từ lúc chết cho đến giây phút tái sinh. Trong trạng thái này, những yếu tố tinh thần của linh thức sống dậy mạnh mẽ, không còn bị cản trở bởi xác thân vật chất, nên phát triển tự do, rất bén nhậy, nhanh nhẹn và sáng tỏ. Tiến trình tan rã của cái chết nay được đổi ngược lại: Ngũ Đại (Đất Nước Gió Lửa Hư Không) xuất hiện, cùng với đó là những trạng thái tâm thức tồn đọng của tham, sân, si. Và rồi ký ức tạo nghiệp trong quá khứ còn rõ nét đã tạo nên một “thân tinh thần”với những tập khí thói quen cũ .

Thân tinh thần có một số đặc điểm là: đầy đủ căn thức, nhẹ bổng và lưu chuyển không ngừng. Khả năng nhận thức của thân này có thể nói là nhanh gấp bẩy lần hơn lúc còn sống. Ngoài ra nó còn có năng lực tiên tri tự nhiên, khiến cho thân tinh thần có thể đọc được tâm người khác. Thân tinh thần này có hình dạng tương tự như thân trong kiếp vừa qua, nhưng không có một khuyết điểm nào và ở trong một tình trạng đẹp đẽ nhất. Ngay cả trong kiếp vừa qua nếu có  bị tật nguyền hay ốm đau, bạn cũng mang một thân tinh thần thật toàn hảo trong giai đoạn Thân Trung Ấm này.
 
Thân tinh thần vốn do lực của vọng tưởng tạo nên, cũng được gọi là “gió nghiệp”, không thể nào dừng yên lại một chỗ, lúc nào cũng chuyển động không ngừng tùy theo niệm khởi. Và bởi vì không có một thân vật chất, nó có thể đi xuyên qua bất cứ nơi nào, kể cả xuyên tường vượt núi . Và cũng vì có sẵn 5 yếu tố ngũ đại, nên linh thức tưởng chừng như đang ở trong một thân vật chất, và vẫn cảm thấy đói. Giáo lý bardo dạy rằng thân tinh thần sống nhờ hương khói từ những phẩm vật cúng, nhưng chỉ có thể thụ hưởng được những đồ cúng cho chính mình.

Trong trạng thái thân trung ấm, linh thức sống lại tất cả những kinh nghiệm trong kiếp vừa qua, ôn lại những kỷ niệm và về thăm lại những nơi chốn cũ. Mỗi 7 ngày linh thức lại phải trải qua kinh nghiệm chết thêm một lần, với tất cả những cảm giác đã trải qua. Nếu cái chết an bình, trạng thái an bình ấy sẽ được lập lại. Nếu có cái chết đau khổ, cảm giác đau khổ lại đến một lần nữa. Nên nhớ là kinh nghiệm chết được lập lại này trong linh thức có cường độ mạnh gấp 7 lần khi còn sống, và trong khoảng thời gian chớp nhoáng của thân trung ấm tất cả những nghiệp xấu của các tiền kiếp đều trở lại như cơn bão dữ. Nhưng mỗi lần quá trình chết này được lập lại cũng cho một tia hy vọng rất lớn để được giải thoát, khi Nền Ánh Sáng Nguyên Thủy trở lại chiếu sáng cho những người đã tu tập giác ngộ có cơ hội hòa nhập vào nền Pháp Thân nguyên thủy này.
Cuộc hành trình lang thang đầy bất an của linh thức qua cõi giới của thân trung ấm có thể ví như một cơn mộng, và cũng như trong mộng, ta nghĩ rằng ta có một thân vật chất thực sự hiện hữu. Nhưng tất cả những kinh nghiệm trong thân trung ấm này đểu chỉ là hiện tướng của những gì khởi lên từ tâm thức, được tạo nên do nghiệp lực mà thôi. Toàn thể những cảnh giới chung quanh được kết hợp bằng nghiệp lực, cũng như những hình ảnh dễ sợ như ác mộng trong thân trung ấm là do ảo tưởng của chúng ta tạo nên. Một người có đời sống đạo đức tốt đẹp lúc sinh tiền sẽ kinh nghiệm niềm vui hạnh phúc, còn nếu có cuộc đời bất lương xấu ác, sẽ kinh nghiệm sự đau khổ sợ hãi. Tất cả những gì đã làm trong kiếp sống vừa qua đều được phơi bầy, và linh thức sẽ gánh chịu trực tiếp hậu quả khổ đau mình đã gây ra cho người khác.
 
Thời gian của thân trung ấm kéo dài trung bình trong vòng 49 ngày, và nhanh nhất là một tuần. Nhưng thời gian này có thể biến đổi tùy theo nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ. Linh thức phải ở lại trong tình trạng thân trung ấm này cho tới khi có duyên nối kết với cha mẹ tương lai của kiếp sau.

Trong tình trạng thân trung ấm, linh thức rất nhẹ nhàng, năng động và mong manh, nên bất cứ tư tưởng nào khởi lên, xấu hay tốt, cũng đều có mãnh lực và ảnh hưởng rất sâu đậm. Không có thân vật chất để chế ngự, tư tưởng trở thành thực tại. Hãy tưởng tượng nỗi buồn hay cơn giận sẽ nổi lên mạnh mẽ như thế nào khi thấy đám tang được cử hành một cách cẩu thả, những người thân trong họ cãi vã nhau tranh dành tài sản, hay những người bạn thân thương giờ đây nói xấu hay coi thường ta. Những tình huống như thế rất nguy hiểm, vì phản ứng dữ dội trong linh thức có thể đưa đến một sự tái sinh bất hạnh.
 
Như vậy, năng lực áp đảo của tư tưởng là vấn đề chủ chốt trong tình trạng thân trung ấm. Trong thời điểm quan trọng này những tập khí và khuynh hướng huân tập trong quá khứ khởi lên tràn ngập. Nếu trước đây những tập khí và khuynh hướng này không được kiểm soát và ngăn chận, ở trong tình trạng thân trung ấm linh thức sẽ trở thành nạn nhân bất lực, bị xô đẩy theo sự cuốn hút của chúng. Chỉ trong một niệm, năng lực của tư tưởng có thể đưa người ta đến chỗ lành hay chỗ dữ.  Do đó, sự tu tập trong lúc còn sinh tiền là rất quan trọng. Trong trạng thái thân trung ấm, bất cứ lúc nào có sự tỉnh giác trong linh thức, dù chỉ là thoáng qua, hoặc một niệm tập trung hướng về Phật, ta cũng có thể ra khỏi được những cảnh giới không tốt.
 
Tái Sinh:

Trong thân trung ấm, khi thời điểm tái sinh đến gần hơn, linh thức càng ngày càng thèm muốn có được một thân xác vật chất, và đi tìm kiếm cơ hội tái sinh nơi một người nào đó. Những dấu hiệu khác nhau bắt đầu hiện ra báo cho biết cảnh giới có thể tái sinh. Những mầu sắc khác nhau chiếu sáng từ sáu cõi luân hồi, và linh thức có thể bị thu hút vào một cảnh giới tùy theo cảm tính tiêu cực nào đang dâng cao lúc đó. Một khi đã bị cuốn vào một trong những ánh sáng này, rất khó mà quay trở lại được.
 
Thế rồi những hình ảnh bắt đầu hiện ra, liên kết với các cõi giới khác nhau. Có những lý giải khác nhau về những hình ảnh đó, tùy theo giáo lý khác nhau. Ví dụ như có lý giải cho rằng nếu được sinh vào cõi trời, bạn sẽ thấy mình đang đi vào một tòa lâu đài tráng lệ có nhiều từng. Nếu tái sinh vào cõi súc vật, bạn sẽ thấy mình đang ở trong một cái hang, một cái lỗ dưới đất, hoặc một tổ rơm.  Nếu tái sinh vào cõi địa ngục sẽ thấy đang bị kéo đi vào trong một hố đen xuống một con đường đen, một vùng đất ảm đạm với những nhà mầu đen hay đỏ, và tiến về một thành phố sắt.
 
Cũng có những dấu hiệu khác như là cách linh thức nhìn hay cử động như thế nào để đoán biết cảnh giới đang hướng đến. Nếu sẽ được tái sinh nơi cõi trời người, linh thức sẽ nhìn lên; nếu vào cõi súc sinh, sẽ nhìn thẳng như con chim, và nếu vào cõi ngạ quỷ hay địa ngục sẽ nhìn xuống, giống như là đang lao xuống vậy. Nếu bất cứ dấu hiệu nào như vậy hiện ra, phải cẩn thận để không rơi vào những cảnh giới xấu.
 
Cũng có trường hợp là  linh thức có một ước muốn mãnh liệt đến một cảnh giới nào đó, và bị cuốn hút vào đó theo cảm tính. Những lời dạy cảnh cáo rằng ở thời điểm này có nguy cơ rất lớn là trong ước muốn nồng nhiệt được tái sinh, linh thức có thể hấp tấp đi vào bất cứ một cảnh giới nào trông có vẻ an lành, để rồi nếu không được như vậy, cơn giận dữ nổi lên sẽ làm cho linh thức ra khỏi tình trạng thân trung ấm một cách đột ngột và bị lôi cuốn vào sự tái sinh bởi làn sóng xúc cảm tiêu cực ấy.  Như vậy ta thấy tái sinh được quyết định trực tiếp bởi lòng ước muốn (tham), sự giận dữ (sân) và si mê.
 
Cũng có khi linh thức muốn thoát ra khỏi tình trạng thân trung ấm và vội vã đi tìm một nơi trú ngụ nào đó, để rồi trong sự sợ hãi, đành cam chịu tái sinh bất cứ ở đâu. Cũng có khi linh thức trở nên lẫn lộn, tưởng lầm nơi tái sinh tốt là xấu, hay nơi xấu là tốt, hoặc nghe những lời kêu gọi, nghe tiếng hát lôi cuốn, để rồi thấy mình bị dụ dỗ xuống cảnh giới xấu hơn. Phải cẩn thận để không bước vào một trong những cảnh giới không tốt. Nhưng cũng như đang ở trong mộng chợt biết rằng đó là mộng liền ra khỏi mộng, điều tuyệt vời là ngay khi chợt tỉnh trước những gì đang xẩy ra trước mắt,  linh thức sẽ có năng lực chống trả và thay đổi vận mệnh của mình.

Bị cuốn theo cơn gió nghiệp, linh thức sẽ đến được một nơi chốn trong đó cha mẹ tương lai đang giao hợp. Khi thấy họ, linh thức bỗng cảm thấy xúc động, và do những nhân duyên nghiệp quả trong quá khứ, có thể dâng trào cảm giác thương hay ghét. Nhưng nếu để những tình cảm mãnh liệt chi phối, linh thức sẽ bị tái sinh vào nơi cõi giới thấp hơn.
 
Làm thế nào để thoát ly sinh tử hay lựa chọn sự tái sinh của mình?
 
Giáo lý thân trung ấm dạy rằng, có hai cách: một là ngăn chận sự tái sinh, hai là nếu làm điều đó không được, chọn cõi giới tốt để tái sinh.
 
1- Thoát ly sinh tử: cách tốt nhất là buông xả hết những cảm xúc như tham sân si, ghen tỵ v.v.. và nhận ra rằng tất cả những kinh nghiệm thân trung ấm đều không có thực. Nếu có thể làm được như vậy và an trụ tâm nơi tự tánh không rỗng, điều này sẽ ngăn ngừa được sự tái sinh. Tử Thư Tây Tạng viết:

“Than ôi! Nào cha nào mẹ, cơn bão dữ, cơn lốc điên cuồng với những sấm sét, những cảnh tượng đáng sợ hiện ra đều chỉ là huyễn hóa trong bản chất. Dù chúng hiện ra như thế nào đi nữa, cũng đều là không thật. Tất cả mọi hiện tượng trước mắt đều là giả tạo và không thật. Chúng giống như những ảo ảnh, không thường tồn, và không kiên cố. Ham muốn làm gì? Sợ hãi làm gì? Đó chỉ là thấy cái không thật như có thật..”
 
Nếu không làm được điều đó, cách thứ hai để ngăn ngừa sự tái sinh là thấy cha mẹ sắp tới của mình như là Phật hay Bồ Tát. Ít nhất bạn phải cố chống lại những ham muốn dâng trào và nhất tâm quán chiếu về cõi tịnh độ của chư Phật. Điều này có thể như ngăn được sự tái sinh trong luân hồi và đưa đến sự vãng sinh vào một cõi giới Phật.

2- Nếu không thể an trụ tâm để làm được những điều trên, chỉ còn cách là chọn sự tái sinh vào cõi giới tốt. Nếu phải tái sinh, hay muốn được tái sinh để thực hiện một đại nguyện, cõi giới duy nhất để chọn tái sinh là cõi người. Chỉ ở nơi cõi người mới có những nhân duyên thuận lợi cho sự thăng tiến tâm linh. Nếu bạn được tái sinh về cõi người với nhiều thuận lợi, bạn sẽ cảm thấy như đang đến một tòa nhà đẹp lộng lẫy, hay ở trong một thành phố, giữa một đám đông, hay thấy một đôi nam nữ đang làm tình với nhau.
Khi đã vào được tử cung của mẹ, bạn đã đi trọn một vòng luân hồi, ra khỏi thân trung ấm và sẵn sàng cho bardo tự nhiên của đời sống kế tiếp.

Nếu có phải tái sinh vào cõi giới xấu hơn, cũng không còn sự chọn lựa nào khác. Chúng ta bị nghiệp lực cuốn trôi vào cõi giới tái sinh không có cách gì chống trả, như con chim bị lùa vào trong chuồng, như cỏ khô bén lửa, hay như con vật bị lún sâu vào sình lầy.
 
Nhưng theo như lời dạy, niềm hy vọng lúc nào cũng còn đó. Nếu chúng ta biết thiết tha nguyện cầu với một tâm chân thành, dù có phải tái sinh vào một cõi giới nào đó, ước nguyện được giải thoát cũng sẽ đưa đến cơ duyên nhiệm mầu chuyển đổi được vận mệnh sau này.
 
Diệu Huyền
Mùa Vu Lan 2019


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật