ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH - NGUỒN PHÚC VÔ BIÊN CHO NHÂN LOẠI- Như Nhiên Thích Tánh Tuệ

17 Tháng Năm 20197:17 CH(Xem: 6317)

phat dan sanh

Đức Phật đản sinh - 
nguồn Phúc vô biên cho nhân loại

Đức Phật đản sinh là sự kiện lớn của nhân loại và là niềm hân hoan của tất cả người con Phật trong năm châu bốn biển. Bởi từ đây, nhân gian được hấp thụ nguồn Chánh pháp, chân lý được hiển bày và con đường diệt khổ để tìm đến an vui, hạnh phúc được hé lộ. Vì thế, hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh!
 
Ngày Phật Đản này con nên nhớ
Mấy ngàn năm lòng chớ phôi pha!
Nhớ ơn điều ngự Thích Ca
Cử hành đại lễ dâng hoa cúng dường.
 
Phật là từ để chỉ cho đấng giác ngộ. Ngoài ra từ Phật cũng là danh từ chung để chỉ cho sự giác ngộ của tất cả chúng ta. Đứng về góc độ lịch sử thì chúng ta nói hôm này là ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn đứng ở góc độ tư tưởng thì khi nào chúng ta có giác ngộ, có tỉnh thức thì khi đó có “Đức Phật” ra đời. Đức Phật ra đời đồng nghĩa với sự hạnh phúc của tất cả chúng sanh trên đời này bởi khi tâm hồn tăm tối vô minh, không có sự giác ngộ, không có sự tỉnh thức thì đồng nghĩa với sự đau khổ. Khi có Phật đản sinh trong lòng thì khi đó là hạnh phúc
 
Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu
(Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194)
 
Trước khi Đức Phật ra đời, Ngài đã mang một hoài vọng lớn cho cuộc đời này rồi. Cho nên trong Trường Bộ Kinh có ghi: Ta ra đời vì lợi ích, an lạc cho số đông, vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Đây là hoài vọng của chư Phật nói chung hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng.
 
Chúng ta thấy rằng đức Phật đã làm thay đổi lịch sử của Ấn Độ bằng quan điểm Phật tánh bình đẳng.
 
Bình đẳng thứ nhất là bình đẳng về các vai trò khác nhau trong xã hội, đừng để người này phải bóc lột người kia.
 
Bình đẳng thứ hai là bình đẳng trong Phật tánh, đó là bản thể của tất cả chúng sanh.
 
Như vậy Đức Phật đã làm một điều vĩ đại trong lịch sử:
 
1. Ni Đề là kẻ gánh phân, là kẻ thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, vẫn được xuất gia và vẫn được đắc quả.
 
2. Am bà ba li là một kỷ nữ vang danh trong kinh thành Tỳ Xá Ly cũng được Ngài độ để trở thành bậc thánh ni
 
3. Vô Não là kẻ giết người không ghớm tay đức Phật cũng độ được để chứng đắc.
 
Đức Phật đã nói rằng: Giáo pháp của ta cũng như nước. Nước có khả năng rửa tất cả các bụi nhơ, bu bám vào cho dù là vật cao quý hay là vật thấp kém đều có khả năng rửa sạch cả.
 Giáo pháp của Ta cũng như đất có thể dung chứa tất cả những loại cao quý cũng như thấp hèn. Giáo pháp của ta cũng như lửa có thể đốt tất cả những hương liệu thơm tho hoặc hôi dơ khác.
 
Cho nên hạnh phúc nhất của người con Phật chính là học được lời dạy của Đức Phật để mang lại hạnh phúc tốt đẹp cho hôm nay và ngày mai, kịp thời nhận chân được tham, sân, si ở trong lòng mình, để chặn bớt đi những tội ác bằng sự mê lầm trong đầu của chúng ta trước đó.
 
Do đó, hạnh phúc thay khi chúng ta là người con Phật, hấp thụ giáo pháp của Đức Phật. Trên cuộc đời không ai làm được hết lời Phật dạy nhưng cứ nghiên cứu và nghiền ngẫm đi, rồi cũng có lúc chúng ta sẽ thấy nhờ Phật pháp mà cứu đời chúng ta.
 Vì sự thật chúng ta phải tự giác ngộ lấy, không ai giác ngộ cho chúng ta được và cũng không ai gánh những sai lầm mà chúng ta gây ra.
 
Qua bài chia sẻ này , mong rằng trong dịp tạ ơn Đức Phật, ngoài việc lễ lạy, cung kính chúng ta nên làm sao để giáo pháp của Ngài được lan truyền, giới thiệu đạo Phật đến với tất cả mọi người, để xã hội khi thấm nhuần Phật pháp thì sẽ bớt đau thương. Đó là việc làm thiết thực nhất, tạo nên những hoa trái ngọt ngào để chúng ta dâng lên ngày Đức Phật đản sinh.
 
'' Trong ta có một ngôi chùa
Chỉ cần ngó lại.. Bụt vừa Đản sinh.
Quên thì 6 nẻo nổi chìm
Nhớ, trong một niệm thấy hình dáng xưa.. '' 

Như Nhiên -T TTue
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật