GIA TÀI CỦA PHẬT - Ngọc Bảo

21 Tháng Tư 20192:19 CH(Xem: 3335)
an_lac

GIA TÀI CỦA PHẬT
Ngọc Bảo


Thái tử Tất Đạt Đa, hay Đức Thích Ca Mâu Ni, sau khi rời bỏ gia đình và những gì thân thương nhất để đi tìm chân lý, đã chỉ trở về khi chứng đắc thành đạo. Lúc ấy con trai của ngài là La Hầu La đã 7 tuổi, nghe lời mẹ là Da Du Đà La đến níu áo Phật đòi hưởng gia tài:

-         Kính thưa cha, con là hoàng tử, sau khi lên ngôi con sẽ là vị vua cai trị cả vương quốc. Hiện giờ con đang cần gia sản. Kính xin cha trao lại cho con, vì tài sản của cha tức là của con.

 

Đức Phật không trả lời cho đến khi La Hầu La theo về tận nơi ngài lưu trú. Lúc đó Ngài mới làm lễ xuất gia cho La Hầu La và nói rằng: “Con ta hỏi ta có gia tài gì để lại cho nó không. Nhưng của cải vật chất trên thế gian chỉ là phù du, gây ra biết bao nhiêu  phiền não. Gia tài quý giá nhất mà Như Lai sẽ truyền lại cho con là con đường giải thoát khỏi những đau khổ trên thế gian, là chân lý vô thượng mà Như Lai đã chứng đắc được dưới gốc cội Bồ Đề. Gia tài đó sẽ tồn tại mãi mãi, không bao giờ bị hủy diệt.”

 

Gia tài Đức Phật đã trao lại cho La Hầu La, không chỉ cho đứa con thương yêu của ngài, mà tất cả mọi người trên thế gian này đều được thừa hưởng. Ngày nay, dù gần 3000 năm đã trôi qua, những gì Đức Phật truyền bá lại vẫn là cả một kho tàng quý báu vô tận, là chỗ nương tựa vững chắc nhất để chúng ta vượt qua những khúc quanh trắc trở của kiếp nhân sinh, là thần dược chữa trị những tâm bệnh thâm căn nhất trong cõi đời tục lụy chông gai đầy phiền não.

 

Dù nghìn năm trước hay nghìn năm sau, con người vẫn là con người với những tâm tư tình cảm, những nhu cầu căn bản như nhau. Giáo lý Đức Phật đặt trọng tâm nơi con người với những vấn đề thiết yếu phải đối phó trong kiếp nhân sinh, nên siêu vượt thời gian và không gian, thích hợp với nhân loại trong mọi thời đại. Câu hỏi “Ta là ai, từ đâu đến, và đi về đâu?” vẫn là câu hỏi muôn thuở mà con người đã đặt ra đứng trước thân phận mình. Đức Phật Thích Ca đã tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, không phải bằng lý thuyết suông, mà bằng cả một cuộc hành trình với những kinh nghiệm thực chứng.

 

Điều khác biệt lớn nhất giữa Đức Phật với chúng ta là, Đức Phật không coi mình như một con người riêng biệt, mà coi mình đồng nhất với tất cả mọi người, trong khi chúng ta lúc nào cũng xem mình như một cá thể đặc thù riêng biệt với tất cả. Vì vậy, trong chuyến đi ra ngoại thành lịch sử, khi lần đầu chứng kiến những cảnh khổ của sinh lão bệnh tử, Tất Đạt Đa đã không coi đó như những khổ não của ai đó ở ngoài, mà như của chính mình vậy. Điều đó đã làm ngài phải ưu tư trăn trở, nung nấu ý chí quyết tìm con đường giải thoát  ra khỏi vòng sinh tử, để cứu độ cho chính mình và cho tất cả mọi chúng sinh.

 

Cái nhìn bình đẳng đó của Đức Phật là một đặc điểm có một không hai mà không tôn giáo nào trên thế giới có được. Trong một xã hội cổ xưa của Bà La Môn với những phân biệt giai cấp thật nghiệt ngã, Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng xóa bỏ hết những bất công và bất bình đẳng áp đặt giữa người và người. Khi đã thành Phật và trở về thăm gia đình thân quyến sau những năm miệt mài tu tập, Đức Phật đã không ngại ngần ôm bình bát đi khất thực ở những người dân tầm thường ngay trong vương quốc quyền uy xưa kia của ngài.

 

Tâm bình đẳng đó hiển nhiên xuất phát từ sự nhận biết “tánh Không” trong vạn pháp và con người,  một chân lý đặc thù siêu việt mà Đức Thích Ca đã chứng ngộ và truyền lại cho chúng ta. Tánh Không bao la không thể nghĩ bàn, không thể lấy lý lẽ để giải thích, nhưng chính là nền tảng từ đó mọi sự khởi lên và trở về - một nền tảng thường hằng trong những biến dịch vô thường của con người và vạn pháp. Tánh Không đi liền với vô thường, vô ngã, tạo nên  sự kết hợp trùng trùng duyên khởi trong thế giới muôn mầu luôn chuyển biến của chúng ta. Ngày nay khái niệm tánh Không của đạo Phật đã được tìm thấy trùng hợp với những khám phá khoa học, và pháp tu của đạo Phật đã được nghiên cứu như trong khoa học thần kinh (neuroscience), để chứng minh ảnh hưởng lợi lạc của thiền định trên não bộ và toàn thể sức khỏe con người.

 

Gia tài của Phật để lại cho chúng ta là kho tàng mà mỗi người trong chúng ta phải tự khai phá lấy, là con đường chúng ta phải tự bước đi, chứ không cầu xin ai ban cho được. Đối với đại đa số mọi người, dường như đó là con đường riêng biệt dành cho một số người đặc biệt, xa lạ với số đông còn bị cuốn hút theo những thú vui vật chất. Nhưng thực ra, con đường tu Phật không chỉ dành riêng cho những vị tu sĩ ở trong chùa, mà cho tất cả mọi người mọi giới. Đó là con đường trở về với chính mình, dù đang ở đâu, làm gì, và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi vì chính Đức Phật đã nói, Phật và chúng sinh đều cùng một tánh, nên mọi chúng sanh đều có tiềm năng thành Phật. Chỉ cần phát tâm muốn giác ngộ giải thoát, muốn thoát ly khỏi những khổ não trong kiếp luân hồi sinh tử, là những nhân duyên sẽ kết hợp để ta có cơ hội gặp thiện tri thức, dần dần chuyển hóa con người mình. Lời nói của Phật phát sinh từ trí tuệ thấy biết, là chân lý hiển hiện trong mọi lúc, mọi nơi, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, không  phải là những lý lẽ cứng ngắc như giáo điều áp đặt lên niềm tin của con người.

 

“Đời là bể khổ, sinh ra là đã thọ khổ”.. chân lý đầu tiên mà Đức Phật đã nhận ra cũng là chân lý căn bản nhất của Tứ Diệu Đế, từ đó đưa đến sự giải thích nguyên nhân của sự khổ, làm sao để diệt khổ và con đường Bát Chánh Đạo đem lại sự an lạc giải thoát. Điều tưởng như giản dị nhưng dường như không ai biết đến, bởi vì con người lúc nào cũng chạy theo những hiện tượng bên ngoài, bị lôi cuốn theo đó mà không thấy được bản chất của mọi sự. Nói đến khổ không có nghĩa là bi quan, mà là nhận định vấn đề rồi tìm cách giải quyết theo tinh thần khách quan. Phần lớn chúng ta khổ mà không biết tại sao khổ, cũng không biết nhìn lại tận gốc xem nguyên nhân gì đã đưa đến cảnh khổ đó, mà cứ trầm mình trong đó, bị giam giữ trong ngục tù của số phận. Đức Phật đã phân tích nguồn gốc của sự khổ chánh yếu là từ tâm con người đầy những ước muốn của lòng ái dục ái ngã, nên đã bị cuốn hút vào mê lộ, tạo tác những nhân khổ để rồi phải gánh quả khổ. Khổ não cũng bắt nguồn từ sự bám víu, chấp chặt lấy những gì đang có, không nhận ra rằng tất cả những gì do nhân duyên hợp thành đều huyễn ảo, mong manh như chiếc bóng, rồi sẽ không ngừng biến đổi và hoại diệt. Nhưng nếu thấy biết được mọi sự trong thực tướng của chúng, để rồi tập buông xả, chuyển hóa bản thân, sẽ có được sự an nhiên, tự tại trong đời sống.   

 

Ngày nay, thế giới văn minh càng ngày càng phát triển, nâng cao đời sống con người.  Nhưng cùng lúc với những tiện nghi vật chất là những bất an trong cuộc sống nhiều cạnh tranh và áp lực. Những cái tốt được chia xẻ, nhưng những cái xấu cũng tràn lan. Hơn bao giờ hết nhu cầu tâm linh cần đến cho sự hài hòa trong cá nhân cũng như gia đình, xã hội. Nhưng niềm tin tâm linh phải đi liền với tình thương và hòa bình, còn nếu xuất phát từ giáo điều cực đoan, nhân danh tôn giáo để khủng bố và giết chóc, thì chỉ tạo ra những thảm họa cho nhân loại. Đạo Phật không chủ trương niềm tin mù quáng, mà khuyến khích những người tìm đến trước hết nên nghe hay đọc giáo lý, sau đó suy nghĩ và tìm hiểu, và khi chấp nhận rồi thì bắt đầu thực hành. Niềm tin trong đạo Phật kết hợp từ sự hiểu biết giáo lý và sự thực hành, chứng nghiệm trong đời sống. Giáo lý Phật như chiếc bè sang sông, như ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho chúng ta về nơi an lành. Đức Phật đã để lại ngọn đuốc cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta không biết tự thắp đuốc lên mà đi, thì sẽ mãi mãi ở nơi tối tăm không bao giờ thoát ra được.

 

Trong kinh nói, được sanh ra làm người là một phước lớn, một điều khó như con rùa mù lênh đênh trên đại dương gặp được cái bọng cây cũng đang trôi dạt từ phương trời khác đến và lại chui đầu vào được khoảng trống trong bọng cây ấy.”Thân người khó được, Pháp Phật khó nghe”, được sinh ra làm người đã là khó, huống gì lại được tiếp cận với Pháp Phật thì lại càng khó hơn. Nay ta đã được sinh làm người, được sống trong môi trường có Pháp Phật, lẽ nào lại bỏ lỡ cơ hội, tiếp tục sống u mê như đám lục bình trôi dạt không biết đi về đâu. Chúng ta hãy đừng bỏ phí nhân duyên của kiếp này, mạnh dạn nhận lãnh kho báu của Đức Phật để lại, bước theo ánh sáng của ngọn đuốc Như Lai, làm cho đời sống của chính mình và tha nhân đều được lợi ích, như một cách để đền ơn Đức Phật, ơn Tam Bảo và chúng sanh.

 

Ngọc Bảo

Mùa Phật Đản

Tháng 4, 2019 -Phật lịch 2563

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật