PHẬT TRONG HANG ĐỘNG - Ngọc Bảo

17 Tháng Bảy 201810:37 SA(Xem: 3042)

sơn lâm

PHẬT TRONG HANG ĐỘNG



Mùa hè năm nay, trong thế sự xoay vần của các diễn biến khắp nơi trên thế giới,  bỗng có một sự kiện gây chú ý đến tất cả mọi người. Đó là việc giải cứu đa quốc gia cho 12 thiếu niên trong đội bóng túc cầu trẻ em của Thái Lan và huấn luyện viên của họ đang bị kẹt trong lòng một hang động sâu thẳm, với địa thế cực kỳ nguy hiểm.Tính mạng của họ chỉ được tính từng ngày, nếu không được cứu kịp thời. Với mùa mưa đang tới, thời gian giải cứu thật cấp bách, nhưng cũng thật khó khăn, vì hang động này dài tới 10 cây số, ra vào mất rất nhiều thì giờ, và phải đi qua những ngõ ngách quanh co chật hẹp ngập nước trong tình trạng ngột ngạt thiếu dưỡng khí. Việc giải cứu là cả một công trình mạo hiểm táo bạo, một sứ mệnh bất khả thi mà không ai biết trước được hậu quả sẽ  ra sao.

 

            Vào ngày 23 tháng 6 năm 2018,  Ekapol Chanthawong, một huấn luyện viên túc cầu trẻ 25 tuổi, dẫn 12 bé trai từ 11-16 tuổi trong đội bóng nhỏ Heo Rừng vào hang Tham Luang, nơi họ đã từng đi vào thám hiểm rất nhiều lần sau mỗi cuộc tập luyện. Chẳng may hôm ấy trời mưa lớn, nước tràn vào ngập hang bít hết lối ra, khiến họ phải rút vào phía trong tìm nơi trú ẩn. Sự mất tích của 13 người trẻ này khiến gia đình, làng xóm và cả nước Thái Lan lo sợ. Chính phủ Thái kêu gọi những người nhái cao thủ  của thế giới chuyên về thám hiểm hang động đến giúp sức các người nhái Thái Lan để giải cứu. Sau 10 ngày công phu dọ dẫm, nhóm tình nguyện viên đầu tiên người Anh đã tìm thấy đội bóng thiếu niên và huấn luyện viên của họ vẫn còn vô sự.

 

  thai boys meditation          Chuyện kể rằng, khi nhóm người nhái đầu tiên vào sâu được tới hơn 4km,  lúc đó giây cáp đã bắt đầu căng hết rồi mà vẫn chưa thấy dấu tích gì của nhóm cầu thủ nhỏ, John Volathen, một cao thủ người nhái Anh, trồi lên mặt nước để thở và chiếu đèn pin một vòng trước khi quay về, bỗng thấy trên một mỏm đá nhóm cầu thủ nhỏ đang ngồi thiền định. Mặc dầu đang ở trong tình trạng vô cùng khắc nghiệt, trông họ vẫn an nhiên tĩnh lặng, không có chút sợ hãi kêu gào. Các bé trai còn bình tĩnh mỉm cười chắp tay chào khách, gởi lời nhắn về cho gia đình.

 

            Sau hơn một tuần cực kỳ cam go, đội cứu cấp quốc tế đã đem được cả 13 người ra ngoài an toàn. Nhưng trong đội cứu cấp, có một người nhái Thái Lan đã bỏ mạng vì ngộp thở trong khi lặn dưới lòng hang đá. Sứ mệnh bất khả thi đã hoàn thành, điều tưởng không làm được đã làm được mỹ mãn, cho đến nay vẫn được coi như một phép lạ, một kỳ công kỳ tích có một không hai từ trước đến nay. Điều đáng chú ý nhất,  ngoài những nỗ lực giải cứu thần kỳ của những người nhái ưu tú nhất trên thế giới, là thái độ bình tĩnh, can trường của các cầu thủ nhỏ và huấn luyện viên của họ, điều mà những người giải cứu phải công nhận là một yếu tố đưa đến sự thành công.

 

            Vì sao các cậu bé với số tuổi non nớt như vậy lại giữ được sự bình thản trước một hoàn cảnh cực kỳ nguy khốn như vậy? Tất cả là nhờ sự chăm lo hướng dẫn của huấn luyện viên, một người trẻ tuổi đã ở trong chùa tu suốt 10 năm, đã thấm nhuần giáo lý và pháp tu của đạo Phật. Trước tình trạng tuyệt vọng trước mắt, anh đã luyện cho các cầu thủ nhỏ thực tập tọa thiền, vừa hàm dưỡng được năng lượng trong thân, vừa làm cho tâm an định. 

 

Suốt trong 10 ngày bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài, ở trong hang động tối đen trên một mỏm đá chật hẹp, không có đồ ăn thức uống, thiếu dưỡng khí để thở, không biết trong tâm trí của 13 con người đó những gì đã hiện ra? Chắc hẳn là trong sự mong cầu được giải cứu cũng thấp thoáng nỗi sợ hãi cái chết. Những lúc như vậy cầu nguyện vẫn  là cách duy nhất để tìm nơi an trú. Và trong tình huống nguy nan đó, họ đã được cứu độ bằng pháp tu đạo Phật.

 

 Từ ngàn xưa hang động đã là một nơi kỳ bí gợi lên những giao cảm tâm linh mà các bậc tu hành hay tìm đến. Tổ Đạt Ma đã ngồi quay mặt vào vách đá trong động Thiếu Thất suốt 9 năm cho đến khi Huệ Khả đến tìm thầy học đạo. Nhiều bậc đại sư khác đã lìa bỏ hết tất cả, tìm về nơi núi rừng hẻo lánh xa xôi, vào trong hang động để nhập thất, và chỉ rời khỏi đó khi đã đạt được tầm mức giác ngộ như mong muốn. Nổi tiếng nhất là các hang động ở Đôn Hoàng, một kho tàng vô giá đầy những kinh sách, vật phẩm văn hóa và pháp khí cổ xưa, với những bức tranh tuyệt tác khắc trên vách đá trong những hang động đóng kín, đã trở thành một nơi thánh địa với trên 400 ngôi chùa được thiết lập tại chỗ.  Có lẽ, khi nhập thất trong hang động, con người hoàn toàn cách ly với đời sống bên ngoài, đã bắt buộc phải trở về với chính mình, nhận diện con người thực sự của mình. Trong sự tiết giảm đến tối đa những nhu cầu vật chất, buông xả hết tất cả thân lẫn tâm, hành giả bỗng ngộ nhập được tánh Không bao la thường hằng ngay trong những biến dịch luân chuyển của sinh và diệt, sống và  chết. Ở giữa khung cảnh lung linh mờ ảo của hang động, hành giả đã tìm lại được Phật của chính mình.

 

Câu truyện sau đây kể lại kinh nghiệm giác ngộ của một vị đại sư Tây Tạng nổi tiếng, đã nhập thất trong hang động sau khi trải qua một thời kỳ thập tử nhất sinh.

 

            Một buổi sáng vào tháng sáu năm 2011, đại chúng trong tu viện  Tergar ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, khi thức dậy  bỗng không thấy bóng dáng thầy của họ là đại sư Yongey Mingyur Rinpoche ở đâu cả. 

            Đại sư đi  không đem theo hành trang, chỉ để lại một lá thơ ngắn ngủi nhắn với các đệ tử rằng, ông sẽ đi vân du một thời gian không định trước, chỉ để thực hiện ý nguyện từ lâu vẫn canh cánh bên lòng là muốn đi tìm sự giác ngộ viên mãn.  

            Kể từ đó, trong vòng 4 năm rưỡi không ai còn thấy ông nữa.

            Trước khi ra đi trong cuộc hành trình này, đại sư đã là một vị lãnh tụ tâm linh nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Ông đã chủ trì các khóa tu thiền khắp nơi trên thế giới và được công nhận như hóa thân của một đại sư Lạt Ma vào thế kỷ thứ 17. Sứ mệnh của ông, trong tiền kiếp cũng như bây giờ, là phổ biến pháp tu thiền cho đại chúng khắp nơi trong thế giới hiện nay. Sau chuyến hành trình đi xa sống ẩn dật, khi trở về lại nơi tu viện, đại sư nói rằng ông đã trở thành một con người mới.

            Khi còn nhỏ, đại sư rất thích thú theo dõi những cuộc hành trình tìm đạo đơn độc của các bậc thầy tiền bối, kể cả thân phụ của ông. Nhưng khi thời điểm đến cho mình, ông lại thấy khó mà dứt áo ra đi để lại các môn đồ.

            Đại sư biết rằng, nếu nói cho các đệ tử biết, họ sẽ năn nỉ ông ở lại. Vì vậy, ông không nói gì hết, để rồi một ngày lẳng lặng ra đi giữa đêm khuya .

            Tuy đã tu Phật thuần thành suốt cuộc đời, đại sư xuất thân từ một gia đình khá giả ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, nên đã quen với nếp sống tiện nghi. Rời bỏ tu viện sống lang thang khất thực trên đường phố quả là một kinh nghiệm mới lạ thật khó khăn với ông.

            “Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi phải lang thang trên đường phố như vậy,” ông nói, “Tôi không quan tâm đến việc không có giường để nằm, hay là không có phòng để ở. Nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu khi mọi người cứ nhìn chằm chằm vào tôi.”

            Nỗi khó chịu ấy ông đã vượt qua được, nhưng khó hơn cả là nhu cầu nuôi sống thân. Khất thực là cách duy nhất để nuôi thân, nhưng cũng rất khó để trông cậy vào đó được.  Chính pháp tu Thiền quán đã giúp đại sư giữ vững niềm tin là ông sẽ sống sót qua khỏi những cơn khốn khó ấy.

            Đại sư nói, “Tôi cố ngồi thiền, và rồi, sau một lúc, tôi cảm thấy một niềm tin dấy lên trong lòng, tự nhủ mình rằng mọi sự rồi sẽ không sao, hôm nay không có gì ăn, nhưng ngày mai sẽ khác hơn, sẽ có cái để ăn..”

            Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần sống lây lất trên đường phố, đại sư bỗng bị bệnh nặng. Ông bị nhiễm độc thực phẩm thật nghiêm trọng, tưởng chừng không sống sót nổi. Ông mô tả, “Suốt ba ngày tôi nôn mửa và đi tháo dạ không ngừng. Đến ngày thứ tư tôi không còn cử động được nữa, và tôi nghĩ, chắc mình sắp chết rồi.”

            Đại sư biết rằng, chỉ cần một cú điện thoại là ông sẽ được rước ngay về tu viện cứu sống, nhưng ông nhất định không làm điều đó. Bây giờ nghĩ lại quyết định của mình, đại sư cười thật lớn, nói đó chẳng khác gì là  “sứ mệnh đi tự tử” , và thêm rằng lúc đó ông đã sẵn sàng chờ đợi cái chết.

            “Tôi buông xả hết tất cả,” ông nói, “Việc gì xẩy ra cứ cho nó xẩy ra. Kinh nghiệm đến là dịp cho mình học hỏi, cho đến phút cuối cùng. Vì vậy, cái chết là một cuộc phiêu lưu tốt nhất trong đời sống!”

            Lúc ấy, tin tưởng chắc chắn là mình sắp chết, đại sư đi vào một trạng thái gọi là “an trú tâm trong sự tỉnh giác bao la” . Ông không thể thấy, nghe hay cử động, nhưng tâm trí hoàn toàn rỗng lặng, không còn dấu vết của “tâm viên ý mã” đầy những ý nghĩ và âu lo tràn ngập.

            “Như bầu trời xanh không một gợn mây, và mặt trời chiếu sáng khắp nơi,” ông nói. “Không còn ý niệm thời gian nữa. Tâm viên ý mã đã biến mất. Tôi vẫn biết mọi việc, nhưng đó là sự tỉnh giác hoàn toàn,  không có khởi niệm lăng xăng. Kinh nghiệm đó thật là quý giá, thật lâng lâng hỷ lạc. Và tôi dường như đã ở trong trạng thái đó suốt bốn hay năm tiếng đồng hồ.”

            Tới khi mặt trời vừa mọc, một cảm giác mới mẻ tràn ngập đến với đại sư: đây chưa phải thời điểm để chết. Ông phục hồi lại sức khỏe và đi về vùng núi, sống trong hang động, ăn những loại rau dại và nấm mọc trong rừng. Cũng trong thời kỳ này, ông nhận ra rằng kinh nghiệm cận tử vừa rồi đã làm ông thay đổi hoàn toàn.

            “Sống trong hang động đối với tôi cũng tốt lắm,” ông nói, “Sau khi đã có kinh nghiệm cận kề cái chết rồi, mọi sự đều tốt đối với tôi cả. Tôi ở đâu cũng được.” 

            Trước khi có kinh nghiệm này,  tuy rằng đã tu thiền lâu năm, đại sư cũng vẫn còn phải phấn đấu để buông xả mọi thứ, vẫn còn chưa bỏ được sự “chấp trước dính mắc”.

            “Sau khi có kinh nghiệm này rồi, tôi cảm thấy thật hoan lạc”, ông nói, “tôi cảm thấy thật biết ơn, thật trân trọng sự hiện hữu của mình. Sống đơn thuần với tánh thấy biết. Chỉ nhìn. Chỉ nghe. Chỉ kinh nghiệm mọi sự, thế thôi.”

            Bài học về niềm vui của sự hiện hữu đơn thuần đó đã được đại sư cho vào chương trình giảng dạy của mình khắp nơi trên thế giới.

           “Ta có thể tọa thiền ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào”, ông nói. “Bạn có thể ngồi thiền trong sở, trong lúc đi tập thể thao, chỉ cần dăm ba giây thôi cũng được. Bạn không cần có một gối thiền đặc biệt nào cả. Bạn cũng không cần phải có một thế ngồi hoàn hảo. Chỉ cần cảm nhận sự hiện hữu mong manh của mình, buông thả thân và tâm, sống trong giây phút hiện tại. Tâm giác bao giờ cũng có ở đó”.

          “Mọi người phải coi thiền như là một phần trong đời sống hàng này, không phải như một nghi thức huyền bí nào cả,” Đại sư nói. “Chỉ cần một phút trong buổi sáng thôi cũng giúp được cho cả ngày”.

           Trở lại với câu chuyện của nhóm cầu thủ nhỏ và huấn luyện viên tu Phật của họ, sự thực tập tọa thiền trong hang động đã giúp họ vượt qua được những giây phút nguy khốn nhất, và vẫn giữ được sự an định từ đầu cho đến cuối. Thái độ an nhiên tự tại của họ đã làm cả thế giới nể phục. Phải chăng, từ chuyến đi đầy họa phúc này, họ đã trở ra với Phật của mình tìm thấy trong hang động?

          Được biết, sau khi nhóm cầu thủ nhỏ này đã hồi phục và được xuất viện trở về nhà, 11 người trong bọn họ, ngoại trừ một người theo đạo Thiên Chúa, và huấn luyện viên Ekkapol Chantawong, đã quyết định vào chùa thế phát đi tu trong vòng 9 ngày để hồi hướng công đức cho những vị ân nhân đã xả thân cứu mạng họ, nhất là vị anh hùng Thái Lan đã bỏ mình dưới lòng hang sâu trong công cuộc giải cứu.

 

 

Ngọc Bảo

Mùa hè, tháng 7- 2018


Ý kiến bạn đọc
23 Tháng Bảy 20183:10 CH
Khách
Bai Viet rat hay . Ca'm o*n va` chuc mu*`ng chi. Ba?o.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc