VỌNG TƯỞNG MÙA THU - Ngọc Bảo

12 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 73047)



Vọng tưởng mùa thu 


 

 momiji-content Bóng trăng trắng ngà

 Có cây đa to

 Có thằng cuội già

 Ôm một mối mơ...


 

 Một ngày mùa hè cắm trại bên bờ hồ Yamanaka gần núi Phú Sĩ tôi đã được yêu cầu hát một bài hát trẻ con Việt Nam và dạy lại cho các bạn Nhật. Bài hát “Thằng Cuội” vang lên trong khu rừng thanh vắng, khiến tôi nhớ đến những ngày tháng xa xưa ở quê hương trong ánh trăng rằm tháng tám Trung Thu, với trò chơi rước đèn và những mâm cỗ đầy mầu sắc.


 

  Trung Thu, có lẽ ngoài Tết Nguyên Đán là một ngày lễ cổ truyền rộn rịp nhất trong năm, không chỉ cho trẻ con mà còn cho người lớn nữa. Bắt đầu từ cuối tháng bẩy âm lịch, các tiệm bánh đã trang hoàng rực rỡ, bánh nướng, bánh dẻo tràn ngập trong các tủ kính trông thật hấp dẫn. Nhưng náo nức hơn đối với trẻ con là những đèn lồng bằng giấy bóng kính sặc sỡ đủ mầu, từ đèn ngôi sao cho đến đèn con cá, con gà, máy bay, tầu ngầm v.v... Tôi thường say mê nhìn những đèn kéo quân, trong trí tưởng tượng thơ ngây ngày đó tôi nhìn thấy những đoàn quân với xe ngựa, tướng sĩ đi vòng vòng không thôi. Rồi ngày rằm đến, cỗ bàn bầy la liệt, với những con giống bằng bột xanh đỏ đủ mầu thật xinh xắn hình quả đào, cô tiên v.v... khay trái cây đầy ắp những quả hồng đỏ thắm bên những quả na tươi thơm ngọt... Thông thường vào dịp này gia đình tôi hay ăn món ốc nhồi hấp, một món đặc biệt của người Bắc. Ốc băm nhỏ trộn với giò sống, nấm hương, viên tròn trên chiếc lá gừng nhồi vào trong vỏ ốc rồi đem hấp, hương vị đậm đà thanh tao, tựa như Tết Trung Thu là một cái tết thi vị, thanh nhã, ăn bánh uống trà thưởng trăng, trong tiếng cười vui của con trẻ rước đèn chung quanh nhà, trong ánh nến lung linh dưới ánh trăng rằm chiếu rạng rỡ những gương mặt thơ ngây, đó là những hình ảnh kỷ niệm không bao giờ quên được.


 momiji-content Nói là Trung thu, chứ thật ra ở miền Nam Việt Nam làm gì có mùa thu, quanh năm suốt tháng chỉ là mùa hè với mưa nắng hai mùa. Cho nên đến khi qua Nhật tôi mới thực sự biết mùa thu như thế nào. Và có lẽ đó là mùa tôi thích nhất trong năm, một phần vì khí hậu mát mẻ dễ chịu sau những ngày nóng bức, một phần vì phong cảnh lá vàng, lá đỏ thật hữu tình, thật thơ mộng, khiến tâm hồn trở nên lãng mạn, bâng khuâng như muốn hòa điệu theo những vần thơ chan chứa tình cảm nào đó...



 Trời mùa thu thay đổi như lòng người. Aki no sora, onna no kokoro...



 Bao nhiêu năm đã qua, nhưng mỗi khi nhớ đến mùa thu tôi thường nhớ lại câu nói bất hủ này. Trời mùa thu bên Nhật thay đổi bất thường, như những đám mây chợt đến rồi đi, như lòng người thay đổi không ngờ.


 Mùa thu là mùa của sự thay đổi, là thời kỳ cao điểm của sự biến chuyển và tiến hóa, để kết thúc cái cũ và dọn đường cho cái mới. Khi lá cây đổi mầu như thay một lớp áo mầu vàng, đỏ rực rỡ, dọn mình cho một vận hành khác, ta không khỏi nhớ tới sự vô thường của vạn vật và của thân phận con người. “Thành, trụ, hoại, không”, đó là nguyên lý sinh diệt của mọi hiện tượng trên thế gian này. Con người, một phần tử trong vũ trụ, cũng không thoát khỏi sự chi phối của lực thiên nhiên ấy. Tuy nhiên, từ vô thủy cho tới nay, ta thấy tất cả đều vận hành theo một chu kỳ và cái chung cuộc của một chu kỳ lại là cái khởi đầu của một chu kỳ khác. Và điểm quan trọng nhất của một chu kỳ chính là phần hậu bán của chu kỳ ấy, nói cách khác, hậu bán của một tháng, một năm, hay một đời người cũng vậy. Trong lịch sử nhân loại, những cuộc cách mạng lớn đều xẩy ra trong thời kỳ hậu bán của thế kỷ, như cuộc cách mạng kỹ nghệ Âu Châu hồi thế kỷ 18, cuộc cách mạng Pháp, cách mạng dành độc lập Hoa Kỳ, sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam vào năm 1975 đưa đến cuộc di tản của hàng triệu người Việt Nam trên khắp thế giới, và gần đây nhất là cuộc cách mạng vi tính và tin học của thế giới vào cuối hậu bán thế kỷ 20 này.


 Trong chiếc lá thu vàng đỏ mùa thu là cả một vũ trụ thiên nhiên dung chứa quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ là mùa hè rực rỡ, khi những tia nắng đầy năng lượng bắt đầu nung nấu và chuyển hóa chất diệp lục tố xanh tươi, hiện tại là sự chín muồi tột đỉnh của mầu vàng, mầu đỏ huy hoàng, nhưng trong đó đã hàm sẵn sự tàn phai tương lai nơi những cuống lá mong manh. Nói về con người, khi đến mùa thu của cuộc đời cũng là đến thời kỳ tột đỉnh của sự phát triển, biết “ôn cố tri tân” để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong đời sống, trở thành một con người khôn ngoan hơn với trí tuệ sâu sắc, biết mình biết người, biết con đường mình chọn lựa sẽ đi tới đâu... Có lẽ vì vậy mà có câu “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Mệnh trời thế nào, ai biết được, nhưng trời ở đâu nếu không phải ở ngay trong lòng người. Con người tạo dựng nên thế giới mình sống và cũng con người có thể cải thiện hay hủy diệt thế giới ấy. Thế giới của chúng ta có thể nhỏ bé không ngoài phạm vi gia đình cá nhân, nhưng cũng có thể rộng lớn bao trùm đến toàn trái đất này. Dù nhỏ bé hay rộng lớn đến đâu, những gì chúng ta nghĩ, nói và làm ngoài tác dụng trực tiếp đến bản thân chúng ta còn ảnh hưởng đến những người và môi trường chung quanh, và “trồng cây thì hái quả”, cũng như “gieo gió gặt bão”, nếu ý thức được quy luật nhân quả ấy, mỗi người trong chúng ta sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn trong bất cứ vấn đề gì.


 Nói đến mùa thu ở Mỹ, từ ngày sang đây tôi không sống một nơi nào khác ngoài miền Nam California, nên không được thưởng thức cảnh rừng phong lá vàng thơ mộng như ở vùng miền đông thuộc New England. Cho nên trong tâm tôi chỉ còn ghi dấu hình ảnh mùa thu Nhật Bản, với rừng phong lá đỏ đẹp đẽ, huy hoàng ở Nikko, trong không gian tịch mịch bên mái chùa hiu quạnh... và có lẽ đó là những mùa thu đẹp nhất trong đời, khi mái tóc còn xanh, trong lòng còn đầy hi vọng, thưởng thức cảnh đẹp của lá rụng mùa thu mà không có những nỗi lo, nỗi buồn theo những tàn úa của lá rơi mùa thu.


 J'écoute ce matin un vent prémonitoire

 Annoncer des cheveux sur le point de blanchir

 Des voeux en agonie et des peurs en eveil

 Le jaune qui commence et le vert qui finit


 (Fouad Gabriel Naffah)


 

 Tạm dịch:


 Sáng nay tôi nghe một cơn gió báo hiệu

 Rằng mái tóc xanh nay đã sắp bạc mầu

 Đánh thức những ước mơ trăn trở, những lo sợ vẩn vơ

 Mầu xanh đã hết và mầu vàng đã bắt đầu


 

 Mùa thu ở Mỹ cũng có một ngày lễ cho trẻ con như Việt Nam, nhưng không trong sáng như ánh trăng rằm mà đen tối, ghê rợn với những hình ảnh ma quỷ, quái vật khắp mọi nơi. Lễ Halloween không có rước đèn nhưng có “trick or treat”, một trò chơi không kém thích thú của trẻ con xứ này, và chiếc đèn lồng bí đỏ khắc bộ mặt ma quái thay thế cho những chiếc đèn thủ công bằng giấy bóng kính đủ mầu . Trẻ thơ ở đây tràn ngập những tiện nghi vật chất, những đồ chơi kỹ thuật giả tạo nên không có những thú vui mộc mạc gần gũi với thiên nhiên. Con người càng xa lánh thiên nhiên càng đánh mất chính mình. Có lẽ vì vậy mà ở những xã hội văn minh như bên Mỹ con người càng ngày càng thấy bất an, những bệnh tâm thần càng ngày càng lan tràn, mà những phương thuốc mắc tiền chỉ chữa hời hợt được qua cái ngọn, chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Hiện nay người ta đã có khuynh hướng tìm hiểu và trở về với nền văn hóa cổ truyền của Đông phương, trong đó nếp sống hài hòa với thiên nhiên, với vũ trụ là căn bản: Thiên-Địa-Nhân, con người sống trong trời đất và trời đất cũng ở trong con người, trong sự vận hành của vũ trụ theo âm dương ngũ hành. Và khi trở về được với gốc của mình thì sẽ tìm thấy sự an bình, sống thoải mái không bị cuốn hút theo những cơn lốc của đời sống.


 Mùa thu là nguồn thi hứng chung cho tất cả mọi người, nhưng trong vô số những sáng tác từ các nơi trên thế giới, bài thơ gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi là bài thơ của Basho, chỉ vỏn vẹn có ba câu, nhưng ý nghĩa thật sâu xa:


 Kono michi ya

 Yuki hito nashi ni

 Aki no kure


 

 Tạm dịch:


 Trên con đường này

 Không thấy có bóng người

 Mùa thu tối về.


 

 Bài thơ gợi lên khung cảnh hoang vắng của một con đường không người đi vào buổi tối mùa thu, nhưng mênh mang trong đó là mùa thu của đời người, khi nhìn lại quãng đường đời đã qua không thấy còn có một dấu tích gì để lại. Còn đâu nữa con người tươi trẻ đầy sức sống của thời thanh xuân, còn đâu nữa con người trưởng thành bôn ba kinh nghiệm trường đời, tất cả đều hiện ra rồi mất đi như một giấc mơ huyễn ảo, để cuối cùng không còn thấy một người nào hiện hữu. Nhưng chính khi “không thấy có bóng người” lại là lúc ra khỏi được cái vỏ hình tướng của cái “Tôi” đầy hệ lụy phiền não, để thấy vũ trụ mênh mông với mình là một. Khi không còn thấy mình nữa, cũng chẳng có gì để bận tâm, và như vậy dù buổi tối mùa thu có về cũng vẫn an nhiên tự tại như áng mây trôi bồng bềnh theo thời gian.


 Mùa thu đến trong sự chấm dứt của những ngày xum vầy đoàn tụ, những buổi vui chơi mùa hè. Cái gì hợp rồi cũng tan, nhưng trong trùng trùng duyên khởi, đời sống này là một chuỗi nối tiếp không ngừng của những sinh và diệt, hợp và tan. Chúng ta hãy sống yên vui với hiện tại và chấp nhận mọi sự đến rồi đi trong đời, còn tương lai ra sao , que sera, sera, có nghĩ đến cũng chỉ là những vọng tưởng của mùa thu.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc