AMIENS - Lê Trần

04 Tháng Mười Hai 201712:00 SA(Xem: 7553)


amiens-content



Amiens

 

 

Amiens là thủ đô của miền Haut-de-France, thuộc miền Bắc nước Pháp. Ngày xưa là thủ đô của miền Picardie đất ruộng mênh mông bằng phẳng, thẳng cánh cò bay. Cách Paris chỉ 120 cây số, thành phố này sống hiền hòa trên bờ sông Somme.

 

Mẹ con tôi tới Amiens vào cuối hè năm 1979, từ đảo Pulau Bidong, Mã Lai, sau một tháng ở trung tâm tạm trú cho các dân tị nạn, ở Paris. Lúc bấy giờ hai con lớn của tôi đã may mắn được định cư tại Mỹ với gia đình ông anh chồng, từ cuối năm 1978. Tôi và hai con nhỏ, một đứa 14 tuổi, một đứa mới lên 10, đi tháng ba năm sau. Cuối cùng là chồng tôi đi sau chót và đã tới được Nam Dương. Gia đình sáu người tan tác như hoa rụng bèo trôi , nhưng cuối cùng cũng tới bến, chỉ còn chưa được đoàn tụ.

 

Trung tâm tị nạn Amiens (Foyer des réfugiés) là một tu viện cũ, trên đường Rue des Augustins. Trung tâm này , với sự trợ giúp của chính phủ, được một ông cha Pháp cai quản, đặc biệt giúp đỡ những người vượt biên từ Việt Nam, Lào và Cao Mên . Đa số là người Việt gốc Triều Châu từ Bạc Liêu và Cà Mâu . Một số nhỏ là người Việt sinh sống từ lâu ở Lào, theo đường bộ xuyên rừng qua Cao Miên đến Thái Lan chờ Ủy Hội quốc tế cho phép đi lập nghiệp ở một nước đệ tam.



 Lúc bấy giờ mới là tháng tám, nhưng thời tiết cũng đã chớm lạnh rồi … cái lạnh nhè nhẹ của thu vàng và gió heo may, của bầu trời đầy mây xám, của cây lá bắt đầu đổi mầu, không vàng đỏ huy hoàng như rừng thu bên Mỹ, mà là mầu nâu buồn của thảo mộc đang rũ chết.


Cảnh đã buồn mà lòng lại sẵn bao nhiêu hoang mang lo lắng cho tương lai, nên mẹ con tôi lúc bấy giờ đâu có cái háo hức lần đầu được đặt chân tới Âu Châu , để mà tò mò tìm hiểu cái hay cái đẹp của miền đất này.


Đó là điều mà tôi sau này còn tiếc mãi !



 Lúc đó, dưới mắt mẹ con tôi, Amiens không có gì đặc biệt ngoài mấy nhà thờ xây từ thời Trung Cổ. Từ Paris đi xe hay tầu hỏa tới Amiens, phong cảnh chẳng có gì thơ mộng, chỉ thấy hai bên đường những cánh đồng nối tiếp nhau, đều đều, bằng phẳng đến nhàm chán. Đường phố trong tỉnh vắng ngắt, khép kín lạnh lùng, không có cái không khí rộn ràng cởi mở như ở Paris hay miền Nam nước Pháp mà tôi vẫn hằng mơ ươíc và tưởng tượng. 


Thật ra, sau khi thoát khỏi Việt Nam , lê tấm thân tàn tới miền tạm dung này, sau những ngày nếm mùi ngục tù cộng sản và sự tàn nhẫn của người đối với người trên chuyến tấu vượt biên, tôi chán chường cho tình đời, nên chỉ chú tâm lo sinh tồn, lo dậy cho con đủ chữ Pháp để được đi học, lo nhặt nhạnh đủ áo ấm cho con đủ ấm trong cái lạnh miền Bắc. lo cho con ăn đủ để khỏi bệnh tật. Thế thôi, lòng dạ nào mà còn làm du khách !


 

Khi tới Pháp vào đầu tháng bẩy, tôi đã có cơ hội gặp chị tôi đang sinh sống ở ngoại ô Paris là Champs-sur-Marne, từ 1975. Chị tôi có khuyên tôi nên chờ xin đi Lagny, một trại tị nạn gần Paris, cho chị em gần nhau. Tôi tiếc đã không nghe lời chị, lại nghe lời cô cháu làm assistante sociale, đến đây tạm trú. Ở Paris đầy bà con họ hàng, bạn bè . Mang con đến chỗ xa lạ này, chẳng ai quen biết, thấy cô đơn hụt hẫng và không cảm thấy an toàn. 


Hai tuần đầu, cô cháu thu xếp cho mẹ con tôi một căn phòng khá rộng, biệt lập ở trên lầu, rồi cô về Paris nghỉ hè. Đã tưởng có chỗ yên tĩnh dậy học cho con, ai ngờ mới được hơn một tuần thì Claude, một assistante sociale người Pháp, chuyển mẹ con tôi xuống dưới nhà, vào một căn phòng rộng lớn được chia làm nhiều phòng nhỏ. Gọi là phòng, nhưng thật ra chỉ là một khoảng không gian được quây lại bằng mấy mảnh gỗ thay cho tường, cửa là một bức màn vải hoa. Cái gọi là tường đó chỉ cao hơn đầu người một tí, nên tất cả hỉ nộ ai lạc của những mảnh đời tị nạn đều bốc lên trên trần cao, và tấm màn che cửa mỏng manh đó không đủ che lấp được những tiếng cười tiếng khóc của thân phận con người.


 Thì ra, thừa dịp cô cháu tối vắng mặt, đồng nghiệp của cô dằn mặt cô bằng cách hành gia đình bà thím ! Sau này, khi có dịp đụng chạm với người Pháp trong lúc làm việc với họ, tôi lại càng thấy thấm thía việc này. Hành vi sợ cấp trên, bắt nạt cấp dưới gần như công sở nào cũng có. Cho đến bây giờ, nhiều khi hãy còn ngạc nhiên không ngờ sao có nhiều người lại có thể có tâm địa nhỏ nhen đến thế ! !

 


Hết tháp ngà cung cấm, chúng tôi bắt đầu hòa mình vào trần gian bon chen. Suốt ngày phải nghe , vọng ra từ những cái hộp, những tiếng eo sèo của cuộc sống hằng ngày, vui buồn có, tiếng bấc tiếng chì cũng có. Đặc biệt là những hoạt cảnh ái tình lẩm cẩm. Những màn đuổi bắt nhau, những đối thoại nhát gừng đôi khi không cần thiết. Hình như người Pháp thích của lạ, dù của lạ không có ngôn ngữ để phát biểu ! Mấy cô đầm non, hãy còn đi học, suốt ngày chạy theo mấy anh chàng người Việt gầy gò nhỏ thó. Có anh sợ quá, muốn trốn mà chả biết trốn đi đâu .... “Bác ơi, làm ơn nói hộ với cô ấy là cháu ốm” “Bác ơi, con sợ quá, làm sao đây ?” Đầm non thì thế, đầm già hơn, phần nhiều là trợ tá xã hội làm việc ở đây, thì bám lấy bất cứ người đàn ông nào độc thân, nhất là mấy anh Tầu Triều Châu đẹp trai.

 


Trong cảnh hỗn mang đó, tôi giữ con tôi trong phòng, dậy chúng học tiếng Pháp cho kịp ngày khai trường sắp tới. Chúng tôi sống khép kín. Ngoài những giờ ăn, con tôi phải học từ sáng đến chiều. Ngày chủ nhật, chúng tôi đi bộ tới nhà thờ chánh tòa gần đó để xem lễ. Đây là ngôi nhà thờ nổi tiếng của Amiens, Amiens Cathedral, xây từ thế kỷ thứ mười ba, theo kiểu gothic cổ xưa. Bên trong rất tráng lệ với những ghế ngồi bằng gỗ trạm trổ công phu. Cửa ngoài được điêu khắc tỉ mỉ tượng Đức Giê Su, Đức Mẹ và các Thánh.


Trung tâm tị nạn chúng tôi ở cũng có nhà nguyện, và ngày chủ nhật nào cha giám đốc trung tâm cũng dâng lễ, nhưng chúng tôi rất ít dự lễ ở đó. Không khí trong trung tâm lúc nào cũng ảm đạm, tôi muốn con tôi ra ngoài nhiều hơn, cho thoáng khí, cho bớt tù túng. Khi trời đẹp, mẹ con lại xuống phố. Amiens là một tỉnh lớn của Picardie, nên khu thương mại gồm nhiều đường phố khang trang, với nhiều cửa hàng lớn nhỏ rất đông vui. Đang ở đảo tị nạn sống như thời tiền cổ, tự nhiên được đi dạo ở một đất nước tự do, hàng hóa trưng bầy đầy tủ , thức ăn đầy chợ chẳng thiếu thứ gì, cảm thấy như nắm bắt trong khoảng khắc được một chút hạnh phúc, một thoáng hy vọng cho tương lai còn mong manh. 


 

Lúc bấy giờ nước Pháp đang có cả triệu người thất nghiệp . Sống ở tỉnh nhỏ lại càng khó tìm việc hơn ! Đa số dân tị nạn ở đây ít học, không biết tiếng Pháp. Tương lai của họ sẽ chỉ là những công việc chân tay nặng nhọc trong những điều kiện sinh sống thiếu tiện nghi. Nhiều làng mạc hẻo lánh ở Pháp hãy còn nghèo nàn, nếp sống cổ lỗ. Phần lớn nhà và trang trại không có phòng tắm và nhà vệ sinh bên trong. Mùa đông thiếu sưởi lạnh cóng. Đa số các thanh niên Việt Nam ở trung tâm bị gửi đi làm phu sửa đường, phụ làm công việc đồng áng..... nhiều người chịu không nổi phải trốn về.

 

Đã tưởng sống lặng lẽ khép kín như thế thì được yên thân, nhưng vì biết tiếng Pháp, nên mẹ con tôi bị xếp ngồi ăn cùng bàn với hai thanh niên Pháp.



Ở một nơi chứa toàn người Á Đông tị nạn cộng sản, từ Đông Dương tha hương cầu thực đến đây, tự nhiên lạc loài hai anh chàng Pháp chính cống, kể cũng lạ ! Nhìn cách ăn mặc của họ, áo blouson da mầu đen bóng loáng loại rẻ tiền, quần jean bạc mầu, cách ăn nói không phải là người có học, tôi đoán trung tâm này, trước là một tu viện, có thể một thời đã là trại cải hóa cho các thanh thiếu niên phạm tỗi. Và những người này có thể là những người còn sót lại, chưa được giải quyết.


Patrick là một trong hai người này. 


Hắn rất dễ thương. Mỗi khi mẹ con tôi đi Paris thăm bà chị, hắn xách đồ ra ga cho chúng tôi. Thấy hắn đến thăm luôn, tôi ngại hắn để ý đến đứa con mưới bốn tuổi của tôi, nên rất cẩn thận đề phòng.



Khi các con tôi bắt đầu nhập học tháng 9, ở một trường sơ gần đó, thì mấy bà sơ ở trung tâm bảo tôi : bà biết tiếng Pháp nên tôi đã tìm việc cho bà ở Beauvais. Làm thư ký. Tự nhiên tôi bật khóc như mưa ! Lại bật rễ để đi tới một nơi xa lạ ! Thư ký đã năm cha ba mẹ, mà thư ký lại không biết đánh máy như tôi thì sẽ ra sao ?! Tôi từ chối. Các bà buồn lắm. May thay, mấy hôm sau, tôi nhận được điện thoại của bà thầy cũ ở Couvent des Oiseaux là trường cũ của tôi, bà Jean Marie. 


Bà bảo : mẹ đã tìm được việc cho con rồi đấy, ở Paris 2ème . Con tới điạ chỉ này ....nói là de la part de Mr Deguen. 


Thế là tôi có việc ở Paris. Sở tôi là Caisse nationale des PME (petites et moyennes entreprises). Chỗ tôi làm là một thư viện nhỏ toàn sách về luật và kinh tế.


Tôi xin cho các con tôi nghỉ học, về Paris ở tạm nhà bà chị một thời gian và xin cho con học ở lycée gần đó. Tôi tự cho con tôi lên lớp : con bé lớn vào 5è, bé em vào 8è.

 

 ==============


Et j’ai crié, crié … Aline … Aline …pour qu’elle revienne Et j’ai pleuré, pleuré ….Oh ! J’ai trop de peine…


Tiếng hát vọng lên từ phòng bên cạnh, chỉ cách phòng tôi bằng một cái tường bằng gỗ. Tôi giật mình tỉnh dậy, chạy sang kéo màn cửa , suýt nữa rú lên khi thấy thằng Patrick nằm lù lù trên giường con tôi. Tôi nói như quát : tại sao mày lại nằm đây ? Nó chỉ nhìn tôi buồn rầu …rồi lẳng lặng bỏ đi.


Đêm đó là đêm cuối cùng tôi ngủ lại trung tâm cho những người tị nạn ở Amiens. Tôi về đó, một mình, để lấy nốt một số đồ chưa kịp mang đi. Khi được tin có việc làm ở Paris, tuần trước tôi đẵ đưa hai con và một số hành trang đi trước, gửi nhà bà chị tại Champs-sur-Marne. Tôi về Amiens để thu dọn hai căn phòng mẹ con tôi tạm trú từ hai tháng nay. 



Trưa hôm sau, trời mưa tầm tã. Đang sửa soạn chào tạm biệt thì có tiếng ồn ào ngoài hành lang. Nhìn ra thì là thằng Patrick. Hắn say rượu chạy như điên ra ngoài mưa, miệng lảm nhảm : elle est femme de ministre...elle est femme de ministre...


Tôi chợt hiểu. Cô cháu đã nói gì về thân phận tôi ? Và rùng mình ghê sợ cho sự sống chung đụng với những đam mê phức tạp của con người đủ mọi thành phần, vàng son lẫn lộn ........ 


 

 Vì thế, mỗi khi nghĩ tới những ngày sống ở Amiens, tôi chỉ toàn thấy một mầu đen ảm đạm, mà không biết là ở đó Jules Verne đã sống, ở đó có những đường phố thật thơ mộng trên bờ sông Somme.... và thành phố này là một thành phố lịch sử nổi tiếng về nghề dệt, nhất là dệt thảm . Đặc biệt hơn nữa là những ngôi nhà thờ từ Trung Cổ đã được coi như gia tài của thế giới World Heritage Site

 


Lê Trần

Mclean 12/2017

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc