PHÁP TU CHÂN CHÍNH/ Trí Nghĩ - Diệu Huyền dịch

25 Tháng Mười 201712:00 SA(Xem: 6584)


zazen-content



PHÁP TU CHÂN CHÍNH


Trí Nghĩ (Trí Khải) Đại Sư

 (538-597)


 

 Nếu muốn học cách tu chân chánh để đạt Định Tuệ (samatha-vipasyana) qua thiền chỉ quán, trước sau bạn phải tập gạn lọc và lược bỏ những hình ảnh vọng tưởng trong tâm.

 

 Có hai pháp tu Thiền: tọa thiền, và thiền chỉ quán trong những hoạt động, tùy theo hoàn cảnh. Pháp tu đầu tiên cho những người muốn đạt định tuệ toàn hảo trong khi ngồi thiền. Tuy rằng có những người muốn tu trong động qua những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, và tuy rằng người ta cũng có thể áp dụng tu chỉ quán trong bốn thế này, tọa thiền vẫn là cách hữu hiệu nhất. Trước hết bạn phải chịu tập ngồi thiền để hiểu được pháp tu chỉ quán. Theo định nghĩa có năm lý do khác nhau để tu thiền chỉ quán: để khắc phục tâm thô tháo xáo trộn của người sơ cơ, để chữa lành tâm đau khổ và xao động, để ổn định tâm khi cần thiết, để thanh lọc (làm cho trống) tâm, và để quân bình sự tập trung nội tại của thiền định với trí tuệ ngoại tại trong pháp tu đạt tới định-tuệ.

 

 Lý do đầu tiên là để khắc phục tâm thô tháo xáo trộn của người sơ cơ. Người bắt đầu tập ngồi thiền tâm trí còn thô tháo và xáo trộn, phải tập tu “Chỉ”, có nghĩa là tập trung hay ngừng lại những khởi niệm miên man trong tâm, để hàng phục chúng. Nếu cách này không có hiệu quả, phải đổi qua cách tu “Quán”.

 

 Thiền sinh được bảo là “muốn hàng phục tâm thô tháo và xáo trộn, phải tập tu “chỉ” và “quán”. Vậy thì, để hiểu “chỉ” và “quán” là gì, bạn phải nhận ra rằng đó là hai ý niệm khác nhau. Trước tiên, bạn phải hiểu cách tu “chỉ” là như thế nào, rồi tập cách tu “quán”.

 


 Tu “Chỉ” hay tu “Định” có nghĩa là dừng những niệm tưởng hiện lên trong tâm trí và những niệm ham muốn khởi lên trong khi thiền. Có ba cách “chỉ”, có nghĩa là ngừng lại và tập trung tư tưởng. Cách đầu tiên là buộc tâm trụ vào một điểm, như là tập trung sự chú ý vào đầu mũi, hoặc nơi huyệt đan điền dưới rốn, không cho tâm lang thang đi khắp nơi.

 

 Kinh nói rằng:

 “Tâm bị buộc không đi lang thang

 Giống như con khỉ bị trói vào cột.”

 

 Cách “chỉ” thứ hai là chế ngự tâm không cho đi lăng xăng mỗi khi có niệm nào khởi lên, có nghĩa là, nếu không cho niệm khởi chạy lan man sẽ dễ chế ngự tâm hơn.


Vậy nên có câu là:


 Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)

 Tất cả là đều do tâm điều khiển

 Thế nên, ta phải canh phòng chúng cẩn thận.

 


 Hai cách “chỉ” ở trên đều có liên quan đến những hiện tượng bên ngoài (những khái niệm và ấn tượng khởi lên trong tâm theo cảm giác dấy lên từ sự tiếp xúc với trần cảnh). Chúng đi liền với nhau, không tách rời.


 

 Cách tu “định” hay tu “chỉ” thứ ba nhằm tập trung tư tưởng vào bản chất chân nguyên của tánh Như Lai, có nghĩa là bản chất Như Thị của tánh Phật. Cách tu này “cho tâm buông xả lướt qua mọi niệm khởi” (tâm vô trụ) – qua sự thấy biết rằng, tất cả mọi pháp, mọi việc đều bắt nguồn trực tiếp từ nhân quả mà ra, không có thực chất thường hằng. Như vậy tâm không thực sự ôm giữ lấy chúng. Nếu tâm không nắm bắt được chúng, thì hãy buông bỏ những khái niệm sai lầm đi. Đó gọi là Định (Chỉ: dừng mọi khái niệm).

 

 Kinh nói rằng:


 Tất cả các pháp

 Và nhân duyên tạo ra chúng

 Đều bản chất là không, không có thực thể

 Hãy yên nghỉ

 Trong nền tảng gốc rễ của tâm

 Vậy mới gọi là

 Sa môn (Sramana)

 


 Là người tu hành, khi bắt đầu tập Thiền, chắc bạn sẽ muốn đạt được sự giác ngộ viên mãn của mười phương chư Phật, Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), và giúp độ cho chúng sinh thăng tiến siêu vượt trên con đường tìm cầu Đạo vô thượng. 

 

 Tâm bạn có thể vững chắc và mạnh mẽ như kim cương, kiên trì và nỗ lực dấn thân hết sức mình, hi sinh cả đời sống và thân mạng, thế nhưng nếu bạn không thực hành rốt ráo tọa thiền chỉ quán, thì dù cho có tinh thông tất cả các Pháp, cuối cùng bạn vẫn không tránh được bánh xe luân hồi, rơi vào con đường sinh tử.

 

 Do đó, nếu bạn muốn ngồi thẳng người tọa thiền, tập trung nhất quán vào tất cả các pháp, đối tượng quán tưởng của bạn sẽ là chân lý thực tại.


 

 “Tất cả các pháp” là gì? Đó là một hợp đồng bạn quy định với tâm để hiểu rõ từng pháp và tất cả các pháp. Đó có nghĩa là bạn hiểu biết rằng mọi pháp xấu cũng như tốt, tất cả các pháp không phân loại, tất cả các pháp đem lại ưu phiền lo lắng, tất cả những gì tồn tại trong ba cõi, sinh và tử, tất cả các pháp nhân quả, tất cả những pháp đó đều từ tâm tạo ra.

 

 Kinh Thập Địa (Dasabhumika) nói rằng:


 Trong ba cõi không có Pháp nào khác

 Ngoài việc đạt đến rốt ráo Tâm Nhất Như.

 


 Nếu người tu nhận ra rằng tâm không có thực thể, vậy làm sao tất cả các pháp (các niệm tưởng trong tâm) là thật được? Nếu tất cả các pháp không thật, chúng chỉ là trống không và huyễn ảo. Nếu bạn biết chúng là trống không và huyễn ảo, chúng cũng là không và không có thực thể. Nếu chúng là không và không có thực thể, bạn sẽ không thực sự nắm giữ lấy chúng được. Buông bỏ những gì không thể nắm giữ, buông bỏ những khái niệm và để tâm yên nghỉ. Nếu bạn buông được và cho tâm yên nghỉ, bạn sẽ an trụ trong trạng thái vô vi (asamskrta), nền tảng gốc rễ của tất cả các pháp. Nếu bạn có thể cho tâm yên nghỉ trong nền tảng gốc rễ (an tâm trong trạng thái nguyên thủy), tâm sẽ không bị cấu uế. Một tâm không cấu uế sẽ được giải thoát khỏi những ràng buộc của sinh tử và những hành động tạo nghiệp. Nếu sinh tử và nghiệp quả dứt trừ, đó là cảnh giới Niết Bàn.



 Vì vậy kinh Phật nói rằng:

 Nếu bạn có một tâm không biết

 Và một tâm không thấy

 Đó là tâm bệnh của vọng tưởng

 Vậy cho nên tâm vô niệm sẽ đưa đến Niết Bàn


 

 Nếu bạn có thể thực sự làm được điều này, tức là đạt đến Chân Tánh rốt ráo qua pháp tu Chỉ, bạn sẽ biết rằng con người có khả năng đạt đến Niết Bàn, gọi là Pháp Môn Đại Sư. Đó là sự giải thích cách đạt đến Chân Tánh rốt ráo qua pháp tu Chỉ. Chân tánh là rỗng không, và chỉ được cảm nhận trong một tâm dừng lại.

 


Trí Nghĩ (538-597)

 

Diệu Huyền trích dịch từ Daily Zen Journal

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc