NHƯ THỊ ĐÔN HOÀNG - Ngọc Bảo

15 Tháng Bảy 201712:00 SA(Xem: 14160)



don_hoang_3-content



NHƯ THỊ ĐÔN HOÀNG


 

Tôi được biết về Đôn Hoàng nhờ đọc quyển “Tuyệt Quán Luận” đầu tiên do ông Vũ Thế Ngọc dịch. Tuyệt Quán Luận là một bản văn thiền cổ ý nghĩa rất thâm thúy, có tính cách “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, trong đó mỗi lời trao đổi của hai thầy trò với nhau là mỗi lời khai thị, mà ta phải nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng. Bản văn cổ này được tìm ra khi người ta khám phá trong những hang động ở Đôn Hoàng, một vùng núi hẻo lánh ở biên cương nước Trung Hoa trên con đường tơ lụa, có chứa cả một kho tàng vô giá về văn chương, mỹ thuật, tôn giáo v.v… thời cổ đại.

 

Đôn Hoàng đối với tôi cũng chỉ là một ý niệm mơ hồ, một địa điểm thật xa vời mà chắc cả đời tôi sẽ không bao giờ có dịp thăm viếng. Thế nhưng trong mùa hè năm 2016, bảo tàng viện Getty có một cuộc triển lãm đặc biệt về Đôn Hoàng, và khi biết tin đó, tôi đã tự nhủ rằng không thể nào bỏ qua dịp này.


 

Bảo tàng viện Getty chiếm cả một vùng đồi rộng lớn ở phía Bắc Los Angeles, do ông J Paul Getty, một tỷ phú dầu hỏa lừng danh nhất nước Mỹ đã lập nên như một đóng góp lớn lao đối với đất nước. Bảo tàng này trưng bầy những tác phẩm nghệ thuật do ông Getty thu thập được từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có những bức họa danh tiếng của Van Gogh, Rembrandt, Monet, Renoir v.v… Điểm đặc biệt là người đến thăm không mất một lệ phí nào, chỉ phải trả tiền parking. Từ chỗ đậu xe, người ta vào một trạm xe tram để lên đến đỉnh đồi. Ra khỏi xe tram, phải đi lên những bực thang dài mới đến được tòa nhà bảo tàng viện. Những bảo vật được phân loại trưng bầy trong nhiều khu vực khác nhau, nếu muốn xem thật kỹ phải mất rất nhiều thì giờ, nhưng đến đây mà không ngoạn cảnh khuôn viên ở ngoài thì là cả một sự uổng phí. Vị trí trên đỉnh đồi cho ta thấy được toàn cảnh thành phố Los Angeles phía dưới, trải dài đến tận chân trời. Từ tòa nhà bước ra sân có những con đường nhỏ quanh co dẫn tới khu vườn ngoạn mục phía dưới, với hồ nước ở giữa và đủ mọi thứ kỳ hoa dị thảo chung quanh. Trời xanh, mây trắng, không khí thoáng mát khiến người ta cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, tưởng chừng như đã bỏ lại phía dưới những mối ưu tư vướng bận hàng ngày.

 


Ra khỏi trạm xe tram, đập vào mắt tôi ngay là một bức họa Phật lớn mầu sắc mờ nhạt trên một căn nhà tiền chế dài như hình ống, ở trên có đề chữ “Triển lãm Đôn Hoàng”. Hóa ra cuộc triển lãm không ở trong tòa nhà chính, mà ở trong căn nhà tiền chế trông nhỏ bé khiêm nhường như cái nhà kho, khiến tôi hơi thất vọng. Nhưng hàng người chờ đợi cũng khá đông, và khách vào xem cũng phải giới hạn theo giờ sắp xếp, nửa tiếng mới có được một lượt vào.


 

don_hoang_7-contentKhi tới lượt bước vào trong, mới thấy đây là cả một công trình thật tỉ mỉ công phu, dàn dựng lại một số hang động có nhiều hình ảnh nguyên vẹn nhất của các động Mạc Cốc ở Đôn Hoàng, điển hình là hang động số 275, 285, 320 và 45. Những căn phòng mờ tối có không gian chật hẹp như trong hang động, chung quanh bốn bức tường, và cả trên trần là những hình vẽ Phật, Bồ Tát, thiên nhân, những hoa văn như những bức thảm, có những bức vẽ mang mầu sắc Ấn Độ hay Tây Tạng như trong các mạn đà la, cho thấy ảnh hưởng Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng trong vùng, lúc ấy còn là lãnh địa của Tây Tạng . Một số bức tượng Phật, bồ tát cao hơn người thật, có bộ mặt thật sống động, tỏa ra một uy lực trang nghiêm. Có thể nói, bước vào những hang động này như lạc vào một thế giới huyền ảo tâm linh thật đẹp đẽ và đầy nghệ thuật. Trong một khu vực khác của bảo tàng viện, có những tác phẩm văn hóa được trưng bầy như những bức họa, bức thêu, những bản văn cổ và kinh sách của nhiều tôn giáo với văn tự khác nhau từ các vùng Đông Á cho đến Tây Á và Trung Đông. Một bản kinh Kim Cương được ấn bản từ năm 868 đặc biệt gây chú ý đến người xem, vì đó là quyển kinh đầu tiên có ghi chú thời gian.


 

Truyền thuyết kể rằng, Đôn Hoàng thành phố biên cương hẻo lánh là một ốc đảo ở vùng sa mạc Gobi đã có lịch sử đến hơn 2000 năm, nhưng những hang động nổi tiếng thì mãi sau này mới được thiết lập. Vào khoảng năm 366, có vị hòa thượng hiệu là Lạc Tôn vân du đến núi Tam Nguy phía Nam thành Đôn Hoàng. Lúc ấy trời đã sắp tối, nhưng hòa thượng vẫn chưa tìm được chỗ nghỉ. Thất vọng, ngài dõi mắt nhìn ra xa, bỗng thấy trên đỉnh núi trước mặt ánh sáng như hào quang phát ra rực rỡ. Hòa thượng vui mừng cho đó là điềm chư Phật thị hiện cho biết đó là nơi thánh địa. Từ đó ngài ở lại hóa duyên, quyên số tiền lớn nhờ người khai mở các hang động, lập những ngôi chùa lớn nhỏ ở trong hang núi. Đến đời nhà Đường, Đôn Hoàng đã nổi tiếng là một thánh địa Phật giáo với hơn 1000 thạch khu, cho nên cũng được gọi là Hang Động Ngàn Vị Phật (Thiên Phật Động).

 


don_hoang_4-contentTừ một nơi gió cát xa xôi trong vùng sa mạc hẻo lánh, Đôn Hoàng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ những di sản Phật giáo để lại. Nhưng những cổ vật quý giá khi được khám phá vào đầu thế kỷ thứ 20 đã bị phát tán phần lớn vào tay những nhà sưu tầm đồ cổ Âu Tây, và được trưng bầy trong bảo tàng viện ở Anh và Pháp. Còn lại chơ vơ cùng tuế nguyệt là những bức vẽ trên vách và các bức tượng trong hang động. Trải qua bao nhiêu năm được bảo quản trong những hang động đóng kín, khi được khai mở và tiếp xúc với không khí bên ngoài, với thời tiết khắc nghiệt của vùng sa mạc, cũng như đông đảo người đến chiêm ngưỡng, những di sản quý giá này đã dần dần bị hủy hoại rất nhiều, khiến giới chức thẩm quyền phải tìm phương cách sửa chữa và bảo trì, với sự cộng tác của các chuyên viên bảo tàng viện Getty. Một trong những biện pháp đối phó là đóng cửa một số hang động nổi tiếng, và tạo dựng những hang động giả ở ngoài sao chép lại y nguyên như những hang động thật để cho khách thập phương đến thăm viếng. Những hang động được triển lãm ở bảo tàng viện Getty là những hang động sao chép đó. Tuy là hang động “giả”, nhưng những họa phẩm trên vách được các nghệ nhân vẽ lại thật tỉ mỉ, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời không khác gì bản chính.



don_hoang_2-contentTheo video giới thiệu được trình chiếu trong cuộc triển lãm, đạo Phật không đặt nặng vấn đề phân biệt xuất xứ bản gốc hay bản sao như các tác phẩm khác được trưng bầy trong bảo tàng viện, nên sự tạo lập những hang động “giả” cũng là một cách “tùy duyên bất biến” để truyền đạt lại những nét đặc sắc của hang động thật, khi sự thăm viếng những hang động này không còn khả thi nữa. Có thể đó cũng là một cách biện hộ cho những việc làm tái tạo của một đất nước chuyên môn sản xuất đồ giả, để rồi “lộng giả thành chân”. Tuy nhiên khi vào xem cuộc triển lãm, dù biết đây là những hang động giả, người xem vẫn bị cuốn hút bởi những nét vẽ tinh vi, những mầu sắc và hoa văn hài hòa diễn tả lại các hình ảnh Phật Bồ Tát và thiên nhân, như ở trong một thế giới lung linh huyền ảo, với những bức tượng tuy đổ nát một phần nhưng vẫn tỏa ra đầy uy lực trang nghiêm. Tôi nghĩ đến những nhà sư Tây Tạng khi tạo ra một mạn đà la vẽ phong cảnh cõi giới Phật với những hạt cát đủ mầu là cả một quá trình công phu tu tập, với sự chú ý tập trung nhất mực để phóng ra những hình vẽ chi tiết cảnh giới an lành đẹp đẽ, những nét từ bi tự tại của Phật Bồ Tát. Sự chú tâm nhất mực đó đã đưa nhà sư vào trong cảnh giới Phật, thanh tịnh hóa thân tâm và gợi lên niềm hỷ lạc, như khi đạt đến mức nào đó trong công phu thiền tập. Những nghệ nhân khi trầm mình trong các bức họa nơi hang động để vẽ lại những nét mặt, cử chỉ của Phật Bồ Tát, phải chăng cũng được sự chuyển hóa nơi tâm khi tìm cách chuyển tải lại cái hồn sống động của những bức họa cảnh giới thần tiên ấy của chư Phật. Nếu một bản sao được tạo dựng với biết bao tâm huyết để diễn tả lại trung thực bản chính và gây ấn tượng cho người xem, thì bản sao ấy cũng có khác gì bản chính. Nếu không có tâm hướng Phật, dù đứng ở giữa hang động sa mạc Đôn Hoàng cũng chỉ là để thỏa mãn lòng hiếu kỳ, không để lại ấn tượng gì sâu đậm. Còn đã có tâm hướng Phật thì dù đứng trước hang động nhân tạo cũng vẫn cảm nhận được lòng thành của người xưa. Điều quan trọng là tinh thần được truyền đạt, không phải là hình thể vật chất, hay nói cách khác, ở nơi tâm, không phải nơi tướng.


 

Tất cả những hiện tượng vật chất được tạo nên rồi sẽ bị hoại diệt. Vô thường là lẽ tự nhiên của tất cả mọi pháp. Đó là điều các vị lạt ma Tây Tạng muốn nhấn mạnh, khi các ngài sẵn sàng hủy hoại không một chút thương tiếc công trình mạn đà la đã được hoàn tất. Đức Phật nói: “Mọi hình tướng đều là hư vọng”. Những gì do duyên hợp tạo thành đến một lúc nào đó sẽ phải tan rã với thời gian. Trường đại học Nalanda ngày xưa uy danh là thế, đã từng đào tạo biết bao bậc hiền thánh tăng, ngày nay chỉ còn là cái nền gạch đá. Những bức vẽ và tượng Phật được dựng lên một ngày nào đó rồi cũng hoại diệt. Nhưng Pháp do Đức Phật giảng nói bao giờ cũng như vậy, không suy suyển, không thêm bớt, vì Pháp là chân lý của đời sống, không có khởi đầu không có chấm dứt. Dù ngàn xưa hay ngày nay, sự hiểu biết chân lý của con người cũng là như vậy, không có gì thay đổi. Và một khi đã hiểu rồi, đã sống được với chân lý ấy rồi thì không cần phải chấp vào những hình thức lễ nghi hay lời nói phương tiện nữa. Cho nên Đức Phật nói: “Bốn mươi năm nay ta chưa từng nói Pháp” và “Ngay cả Pháp cũng phải buông, huống gì là không phải Pháp”. Tinh thần phóng khoáng có một không hai ấy đã giúp đạo Phật luôn giữ được bản chất uyên nguyên dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu nơi chốn khác nhau, không bị trói buộc trong những dính mắc của giáo điều như các tôn giáo khác.


 

Chuyến đi thăm cuộc triển lãm Đôn Hoàng này bỗng làm tôi liên tưởng đến khái niệm Như Thị trong đạo Phật. Thế giới sum la vạn tượng này thật là muôn mầu muôn sắc, muôn cảnh muôn vật, nhưng dù mang hình thể hay xuất xứ khác nhau, tất cả đều có một thể tánh Không như nhau, đều ở trong sự chi phối của quy luật tự nhiên Thành Trụ Hoại Không, sinh lão bệnh tử. Sự thấy biết Tánh và Tướng đồng nhất ấy gọi là Như Thị, vượt ra ngoài lý lẽ luận bàn. Người xưa học đạo có câu:


 "Khi chưa biết đạo thì thấy sông là sông, núi là núi.

 Khi bắt đầu học đạo thì thấy sông chẳng phải là sông, núi chẳng phải là núi.

 Khi ngộ đạo rồi thì thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi."



Tôi chợt nhớ đến một ngôi chùa quen, trong khu vườn đầy bóng mát thanh tịnh những hoa giả được gắn vào các cây thật, nhìn xa cứ tưởng là hoa thật. Hỏi đến thì hòa thượng nói là “sắc bất dị không, không bất dị sắc”, hoa thật hay hoa giả gì cũng đều huyễn hóa như nhau, đâu có gì khác biệt. Có lẽ đó cũng là một loại “Như Thị Đôn Hoàng” chăng?


 

Ngọc Bảo


Mùa Hạ 2017



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc