KÝ SỰ TU HỌC TẠI TRUNG HOA - Đạo Nguyên/ Ngọc Bảo dịch

20 Tháng Năm 201712:00 SA(Xem: 7024)



zen_hut-content


Ký sự tu học tại Trung Hoa


Đạo Nguyên

(1200-1253)

 

PHẦN I

 

Trước khi được gặp đại sư Như Tịnh (Ruijing), tôi đã viết thư cho ngài như sau:

 

“Khi còn trẻ con đã khởi ước nguyện muốn được giải thoát và đến viếng thăm những tự viện ở trong nước. Con có chút ít hiểu biết về nguyên lý nhân quả; tuy nhiên con không được sáng tỏ về cỗi rễ thực sự của Phật, Pháp và Tăng. Con chỉ nhìn thấy những hình tướng bên ngoài, những dấu vết và danh hiệu. Sau đó con nhập vào đạo tràng của Vinh Tây, thiền sư Thiên Quang (Senko), và lần đầu tiên đã được nghe giáo pháp của phái thiền Lâm Tế.

 

 Hiện nay con đang được tháp tùng Sư phụ Minh Toàn (Myozen) qua vương quốc Trung Hoa phồn vinh của triều đại Tống. Sau một cuộc hành trình muôn dặm, trong đó con đã phó thác xác thân giả tạm huyễn hóa này cho trùng dương cuồn cuộn sóng, cuối cùng con cũng qua được tới nơi và tìm đến đạo tràng của ngài. Đây quả là một duyên phước con được thừa hưởng từ những căn lành trong quá khứ.

 

Kính bạch Sư Phụ đại từ bi, tuy rằng con chỉ là một kẻ tiện nhân từ một xứ sở xa xôi, nhưng dám mạo muội xin ngài cho con được nhận vào làm học tăng trú ngụ trong chùa, có thể đến vấn đạo tự do và không qua những thủ tục nghi lễ. Vô thường đến nhanh như ánh chớp, sinh tử là đại sự khẩn thiết.

 

Thời gian không dừng lại cho chúng ta. Thời gian qua đi rồi sẽ không bao giờ trở lại, và những gì còn lại chỉ là nuối tiếc. Xin ngài cho con được tham học Đạo Pháp với ngài.”

 


Đại sư Như Tịnh đã viết trả lời như sau: “Được, ngươi có thể đến vấn đạo với ta bất cứ lúc nào, từ giờ trở đi, ngày hay đêm gì cũng được. Đừng lo lắng gì về nghi lễ, ta có thể đối đãi với ngươi như cha với con vậy. “ Và ngài ký tên: “Ông già ở núi Taibo”.


 

Ngày mùng hai tháng bẩy, năm 1225 tôi vào phòng phương trượng hỏi rằng:


“Ngày nay ở nhiều nơi người ta hay nói đến sự truyền đạo vượt ngoài giáo lý (giáo ngoại biệt truyền). Họ gọi đó là tinh yếu của Tổ Đạt Ma đến từ Thiên Trúc. Sư phụ hiểu ra sao về vấn đề này?”


 

Sư nói: “Đại đạo của Phật Tổ không có ngoài, không có trong. Lý do người ta gọi “giáo ngoại biệt truyền” là vì: tuy rằng ngài KashyapaMatanga và những cao tăng khác đã đem giáo pháp Phật truyền đến Trung Hoa trước đây, nhưng chỉ khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua giáo pháp mới được sống động, và ngài đã chỉ phương tiện cho chúng ta tu tập như chiếc bè qua sông. Vì thế người ta gọi là giáo ngoại biệt truyền.

 

Nhưng Pháp Phật không có hai. Trước khi Tổ Đạt Ma tới sự tu học chỉ qua kinh điển lý thuyết, không có vị thầy nào làm cho sống động. Sau khi Tổ Đạt Ma tới Trung Hoa rồi thì giống như một dân tộc đang mất phương hướng bỗng được một minh quân hùng mạnh lên trị vì, đem trật tự đến cho đất nước, dân tộc và tài sản quốc gia. ”


 

Tôi hỏi: “Các bậc thầy hiện tại và quá khứ nói đến tri thức có sẵn tự nhiên; họ ví điều đó như con cá uống nước lập tức biết là nước nóng hay lạnh. Họ nói, sự thấy biết là loại tri thức như vậy, và đó chính là giác ngộ. Con không hiểu điều này. Nếu tri thức có sẵn đã là giác ngộ, vậy thì tất cả chúng sinh hữu tình đều sẽ tự động trở thành Như Lai toàn giác, bởi vì mọi chúng sinh hữu tình đã đều có sẵn tri thức giác ngộ này.

 

Một số người nói đích thực là như vậy, tất cả chúng sinh hữu tình đều vốn là như lai từ vô thủy. Một số người khác nói là không phải tất cả chúng sinh hữu tình đều là như lai, mà chỉ chúng sinh nào nhận biết được tri thức có sẵn của mình mới là như lai, còn những người không nhận biết được thì không phải. Những giả thuyết này có phải chánh pháp hay không?”


 

Đại Sư Như Tịnh trả lời: “Những người nói rằng mọi chúng sinh hữu tình vốn đang thực sự là Phật là họ biểu lộ niềm tin nơi sự giác ngộ tự nhiên. Quan điểm này không khế hợp với chánh pháp. Xem cái “tôi” của mình đồng hóa với Phật là đã nhận lầm cái không đạt là đạt, không ngộ là ngộ.”


 

Tôi hỏi: “Khi học tăng chúng con tu tập, làm sao để luyện tâm mình giữa những sinh hoạt bình thường, trong mọi lúc đi đứng nằm ngồi?”


 

Đại Sư Như Tịnh trả lời: “Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang đây, Pháp Phật đã du nhập vào Trung Hoa cả về phương diện tánh và tướng. Đây là một số điều cần phải chú ý khi còn trong những bước sơ cơ vào Đạo: Đừng nằm trong giường bệnh quá lâu; đừng đi vân du chốn xa xôi; đừng đọc hay tụng kinh nhiều quá; đừng tranh cãi nhiều quá; đừng làm việc quá độ; đừng ăn hành tỏi; đừng ăn thịt; đừng uống quá nhiều sữa hay ăn quá nhiều mật ong;… đừng chú trọng đến vấn đề danh vọng … thay vào đó hãy sống với thiên nhiên, ngắm nhìn phong cảnh sông núi.

 

Hãy soi sáng tâm mình với những giáo lý ngàn xưa và đọc kinh điển có ý nghĩa toàn vẹn rốt ráo. Khi thân và tâm bị nhiễu loạn, hãy đọc tụng phần mở đầu của quyển kinh “giới luật bồ tát đạo”.


 

Tôi hỏi: “Tánh của vạn pháp là tốt, xấu hay trung bình không tốt xấu. Cái nào là đúng với pháp?”


 

Đại sư Như Tịnh nói: “Pháp Phật vượt lên trên ba điều này.”


 

Tôi hỏi: “Đại đạo của Phật Tổ không thể bị giới hạn vào một lãnh vực nhỏ hẹp. Làm sao chúng ta có thể giới hạn pháp vào một trường phái nhỏ hẹp như là “Thiền tông”?



Sư Như Tịnh nói: “Gọi đại đạo rộng lớn của Phật Tổ là Thiền Tông là chuyện vô ý thức. Thiền Tông chỉ là giả danh do tụi trọc đầu ngu si bầy ra, và tất cả những trí giả từ xưa đến nay đều biết điều đó.

 

Học Thiền tức là buông hết cả thân lẫn tâm. Không cần phải dựa vào những phương tiện như đốt hương, lễ lậy, niệm danh Phật, tụng kinh hay sám hối, chỉ dồn hết tâm ý vào một việc là ngồi thiền thôi.”


 

Tôi hỏi: “Thế nào là buông hết cả thân lẫn tâm?”


 

Sư Như Tịnh: “Buông hết cả thân lẫn tâm là tọa thiền. Khi tọa thiền, ta sẽ thoát ly được năm loại ham muốn của trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc hay tài, sắc, danh, thực (ăn), thùy (ngủ)) và năm chướng ngại (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi)”.


 

Tôi hỏi: “Có phải sự thoát ly năm dục và năm chướng ngại này là điều mà các trường phái kinh điển nói đến không? Như vậy có nghĩa là chúng ta phải tu tập hết cả hai pháp môn Đại thừa và Tiểu thừa chăng?”


 

Sư Như Tịnh: “Người học đạo của các vị Tổ không được loại trừ giáo lý của pháp môn nào cả. Nếu người học đạo bỏ qua những giáo lý thiêng liêng của Đức Như Lai thì làm sao họ trở thành hậu duệ của Phật, Tổ được?”


 

 

PHẦN II

 


Nửa đêm tôi đến hỏi đạo:”Trong pháp thoại ngài nói rằng: “Năng lễ sở lễ tánh vốn không. Tâm truyền tâm pháp là điều kỳ diệu không thể nghĩ bàn; tâm ấy thật sâu xa, không thể nào biết đến được. Không có cách nào để nắm bắt được tâm ấy. Sự hoài nghi cũng không đụng đến được tâm ấy. ” Các vị thầy trong trường phái kinh điển cũng nói đến tâm truyền tâm pháp. Điều đó có giống như những lời dạy các vị Tổ để lại không?”


 

Đại sư Như Tịnh: “Ngươi phải biết rõ sự tối quan trọng của tâm truyền tâm pháp. Không có cái đó sẽ không có chư phật xuất hiện, và Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng không đi qua Trung Hoa. Nếu xem giáo lý kinh điển là ở ngoài đạo của các vị tổ là sai lầm. Xem kinh điển Pháp Phật là sai lầm cũng giống như dùng một y áo tròn với một bình bát vuông. Điều đó không thể làm được, phải không? Đừng có cố dùng một y áo tròn với một bình bát vuông. Ngươi phải biết tâm truyền tâm pháp là luôn luôn có thật.

 

Đức Thế Tôn nói rằng nghe và nghĩ về Đạo (văn, tư) giống như là đang ở ngoài cổng, còn tọa thiền là đã trở về nhà và ngồi an tọa ở trong. Vì vậy công đức tọa thiền dù chỉ trong một phút chốc cũng là vô lượng.

 

Trải qua hơn ba mươi năm tu tập ta không bao giờ muốn thối lui, và dù cho nay đã 65 tuổi rồi ta vẫn còn kiên quyết hơn bao giờ hết. Ngươi cũng phải dốc lòng tu tập với nhiệt tình như vậy, như thể là ngươi đã nhận được sự thọ ký từ chính kim khẩu của Đức Phật vậy.

 

Trong khi ngồi thiền đừng có dựa dẫm vào tường, bức mành chắn, hay thành ghế. Ngươi phải ngồi thẳng lưng, theo đúng những quy định của tọa thiền, không bao giờ được vi phạm.

 

Nếu sau khi ngồi thiền muốn đứng dậy đi thiền hành, đừng đi vòng tròn mà đi theo một đường thẳng. Nếu sau hai mươi hoặc ba mươi bước muốn quay lại thì luôn luôn quay qua phải. Bao giờ cũng bắt đầu bằng chân phải trước, rồi đến chân trái.

 

Di tích nơi Đức Phật ngồi thiền và đi thiền hành vẫn còn tồn tại ở vương quốc Udyana bên Ấn Độ. Ngôi nhà của cư sĩ Duy Ma Cật cũng vẫn còn tồn tại tới ngày nay, và những viên đá nền móng của Tịnh Xá Kỳ Viên cũng vẫn còn chưa bị chôn vùi.


Khi người ta đến thăm viếng những nơi linh thiêng này, họ thường cho những con số đo đạc khác nhau: người thì đo dài, người thì đo ngắn, có người thấy mấy viên đá liền nhau, có người lại thấy mấy viên đá cách xa nhau. Những kết quả họ tìm thấy không khế hợp với nhau. Đó chính là sinh khí của chư Tổ trong đạo Phật .

 

Ngươi phải biết rằng y áo và bình bát, cũng như nắm đấm và lỗ mũi của chư Tổ, đã được truyền lại cho chúng ta ở Trung Hoa, thật là vô lượng không thể nào đo lường được. “


 

Tôi hỏi: “Những kinh nghiệm của chư Tổ xưa và nay thật là bảng chỉ đường tối thắng cho sự tu tập của chúng ta. Lúc đầu, khi ta khởi tâm muốn học đạo, dường như thấy có Pháp để đi theo, nhưng về sau khi hiểu đạo rồi lại thấy như không có Pháp nào cả. Mặt khác, khi ta bắt đầu tu tập, có vẻ như chưa giác ngộ được gì cả. Và khi ta thực sự ngộ nhập được pháp rồi, lại thấy như có một tinh túy siêu vượt cả lời nói của chư Tổ. Câu hỏi của con là: giác ngộ là ở đâu? Ở ngay lúc khởi đầu hay là sau này?”


 

Đại sư Như Tịnh trả lời: “Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn cũng đặt câu hỏi này đến Đức Thế Tôn khi ngài còn tại thế. Ở Ấn Độ cũng như Trung Hoa đã có giáo lý chánh pháp được truyền lại về vấn đề này.

 

Một mặt, theo giáo lý thì Pháp không có tăng cũng không có giảm. Nếu vậy, sao lại có sự đạt được giác ngộ? Giáo lý này ngụ ý là chỉ có chư phật mới có giác ngộ, còn hàng bồ tát thì không bao giờ đạt tới được, và điều đó đã đem lại nghi vấn nghiêm trọng cho người tu đạo. 

 

Cũng theo giáo lý, giác ngộ là đồng như nhau trong tâm của người sơ cơ cũng như người đã có nhiều kinh nghiệm tu tập. Nhưng làm sao có điều ấy được? Nếu như vậy, thì ngay sau khi khởi tâm nguyện bồ tát muốn được giác ngộ, ta đã là một vị phật rồi.

 

Mặt khác, nếu tâm người sơ cơ không có sự giác ngộ, làm sao ta có thể tiến bước được đến sự giác ngộ viên mãn? Như vậy, sự giác ngộ viên mãn Phật đạo phải là kết quả kinh nghiệm giác ngộ của người sơ cơ. Và kinh nghiệm giác ngộ của người sơ cơ phải là hạt giống cho sự giác ngộ viên mãn.

 

Để rõ hơn, ta cho một thí dụ để giải thích. Như một ngọn nến với ngọn lửa đang thắp sáng. Khi thắp ngọn nến lên thì có lửa. Trong khi nến cháy thì lửa vẫn y nguyên như vậy. Không có sự khác biệt giữa lúc khởi đầu và lúc cuối cùng của ngọn nến cháy. Lửa ấy chẳng non cũng chẳng già. Nó không phải là vật sở hữu của ngọn nến, cũng không tách lìa khỏi ngọn nến.

 

Ngọn lửa cũng như ánh sáng trong tâm của người sơ cơ. Ngọn nến, khi không có lửa, giống như là sự vô minh của người chưa học đạo. Ngọn lửa trí tuệ của người sơ cơ ngay từ khởi đầu đã là toàn vẹn. Sự giác ngộ viên mãn của chư Tổ là sự hoàn thành của trí tuệ ấy qua thời gian, đốt cháy những mê lầm của vô minh cho đến khi không còn ngọn nến.

 

Ngươi có thấy rằng sự tu tập này là không có khởi đầu, không có chấm dứt, và bây giờ cũng như về sau đều không thực sự khác biệt chăng? Đó là cốt tủy của chánh pháp đã được các vị Tổ trong đạo Phật truyền thừa lại.”


 

Đạo Nguyên

(1226)


Ngọc Bảo phóng dịch



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc