HOA ƯU ĐÀM - Huỳnh Hữu Cửu

01 Tháng Tư 201712:00 SA(Xem: 16546)



Hoa Ưu Đàm


Huỳnh Hữu Cửu


 

 ficus_racemosa-content Trước khi nói về hoa Ưu Đàm là một loài hoa lạ, tôi xin kể lại một kỷ niệm lúc nhỏ tôi đi hái một thứ trái tuy có tên rất nôm na, thông thường nhưng xem kỹ cũng có nhiều đặc biệt: trái sung.

 

 Tôi vẫn còn nhớ rõ chỗ tôi hái những trái sung ấy. Đó là trên con đường từ Tân Bình ra Rạch Gòi, quãng đường chỉ có ba cây số, dọc theo một con rạch nhỏ. Bữa đó tôi đi chơi với vài đứa bạn, hình như là vào khoảng trước Tết hay sau Tết chi đó, tiết trời mát mẻ, khô ráo. Chúng tôi đi chơi dọc đường ghé lại nhà một người quen rồi bước ra sau nhà hái trái sung chơi ở một cây sung ngay bờ sông, có những nhánh chìa ra trên mặt nước. Cây sung ấy khá lớn, thân cây cỡ bằng cây chuối nhưng hơi cong queo, vỏ cây xám xịt, sần sùi. Có điều rất đặc biệt là tôi thấy trái sung mọc từng chùm từ thân cây mọc ra và phần lớn là ở ngay gần sát dưới gốc, vì vậy tôi và mấy đứa bạn có thể đứng dưới đất hái dễ dàng.

 

 Trong mỗi chùm sung đều có mấy trái chín, hình tròn, lớn bằng ngón chân cái, mầu hơi đỏ bầm. Một điều rất lạ đối với tôi và làm tôi giật mình lúc ấy, là khi tôi bẻ trái sung cho nứt ra làm hai thì có hai, ba con ong nhỏ từ trong ruột bay ra. Thật là lạ quá, tôi không hiểu tại sao trong ruột trái sung lại có những con ong sống trong đó. Chúng tôi hái mấy trái khác coi thì cũng thấy vài trái có ong bay ra như vậy. Tôi quên không nói là ruột trái sung bộng như trái đu đủ, phía trong có hàng trăm sợi xơ nhỏ như lông bài chải, đầu mỗi sợi xơ cong lại thành hình tròn như đầu một cây kim ghim bạc, mầu hơi vàng. Thịt trái sung mềm, vị ngọt, ăn có mùi thơm nhè nhẹ.

 

 Nhưng trái sung có liên hệ gì với hoa Ưu Đàm, và hoa Ưu Đàm là hoa gì?


 

 Hoa Ưu Đàm là một thứ hoa quý, rất hiếm, thường được nói trong kinh sách Phật giáo. Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly Thế Gian, trang 250, Bồ Tát Phổ Hiền nói: “Chư Phật Như Lai như hoa Ưu Đàm khó gặp được, trong vô lượng kiếp chẳng được thấy một lần…” Theo từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn thì hoa Ưu Đàm tên tiếng Phạn là Udumbara. Hoa Ưu Đàm có một tên khác nữa là Linh thụy vì hoa này chỉ nở để báo điềm lành như khi có một vị Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện nơi thế gian. Trong sách Phật có chép khi Đức Phật Thích Ca đản sanh thì cây Ưu Đàm ở xứ Thiên Trúc (Ấn Độ) đều trổ hoa, và từ lúc Đức Phật nhập diệt trở đi thì người ta không thấy cây Ưu Đàm ra hoa nữa.

 

 Hoa Ưu Đàm còn có một tên khác nữa là Ưu bát la, tên tiếng Phạn là Utpala. Kinh Vô Lượng Thọ, trang 100, có nhắc tới hoa Ưu bát la cùng các loại hoa khác trên cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà:


 Hoa Ưu bát la

 Hoa Bát đàm ma

 Hoa Câu vật đầu

 Hoa Phần Đà Lợi

 Mầu sắc rực rỡ

 Ánh sáng tươi đẹp

 Che trên mặt nước…

 


 Hoa Ưu Đàm linh hiển, hiếm quý như vậy nên cái tên Hoa Ưu Đàm hay Ưu bát la đối với tôi rất là huyền bí, nên thơ, làm tôi mơ mộng, tưởng tượng đến một đóa hoa trời tuyệt đẹp, hương thơm ngào ngạt, thanh khiết, đồng thời tôi cũng tò mò muốn biết cây Ưu Đàm là cây gì, có tên khoa học hay không, tại sao hoa Ưu Đàm chỉ nở vào những thời kỳ hết sức là hiếm hoi như vậy. Tôi cứ tìm kiếm mãi, cho đến một hôm, may quá, tình cờ đọc trong bộ Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ, bản dịch chữ Pháp của E. Lamotte (quyển 1, trang 304), thấy có ghi tên khoa học tiếng Latin của hoa Ưu Đàm: Ficus glomerata. Tôi mừng quá! Ficus! Ficus tức là cây sung! Cây Ưu Đàm là cây Ficus glomerata, một loại sung! Tự nhiên tôi nhớ đến cây sung và trái sung lúc nhỏ đã hái chơi ở Tân Bình. Tôi nghĩ trái sung là một thứ trái lạ, trong ruột có nhiều xơ, bộng, những con ong có thể sống trong đó, như vậy trái sung với hoa Ưu Đàm có một liên hệ gì đây. Tôi bèn dở quyển sách Bách Khoa Tự Điển World Book xem về trái sung thì thấy nói rõ cái phát hoa kín, tức là một chùm hoa hàng trăm cái nhỏ li ti cụp lại như những ngón tay nắm lại trong lòng bàn tay, bên ngoài bao bọc bởi một lớp thịt. Mỗi “trái” sung như vậy có một lỗ nhỏ phía trên để cho những con ong nhỏ bay vào hút mật và truyền phấn hoa từ hoa này đến hoa khác. Tóm lại, chính vì cách cấu tạo đặc biệt của hoa sung như vậy nên người ta tưởng lầm cây sung không bao giờ trổ hoa. Sách “Dược Tính Chỉ Nam” của cụ Nguyễn văn Minh có ghi trái sung là “Vô Hoa Quả”. Và có lẽ cũng vì vậy nên trong sách Phật nói hoa Ưu Đàm tức là hoa sung cả ngàn cả vạn năm mới thấy trổ một lần.

 


 Thế là hoa Ưu Đàm chính là một trái sung, trái của cây Ficus glomerata! Nhưng chưa hết! Bây giờ là giai đoạn tìm hiểu xem cây Ficus glomerata có ở Việt Nam hay không, và nếu có thì cây sung tôi thấy lúc nhỏ có phải đúng là cây Ưu Đàm hay không. Muốn vậy chỉ có cách là đi mượn bộ sách “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ về tham khảo. Lại đi mượn! Sách của GS Phạm Hoàng Hộ thật là hiếm, mỗi lần cần xem đều đi mượn, muốn mua cũng không thấy đâu có bán, có thể nói là hiếm gần như hoa Ưu Đàm tôi đang tra cứu đây vậy! Sau khi mượn về xem kỹ, tôi thất vọng vì trong sách tuy nói đến 67 loại sung mà không có cây nào tên là Ficus glomerata cả. Tại sao như vậy? Có lẽ nào ở Việt Nam có nhiều loại sung như vậy mà không có loại nào tên là Ficus glomerata? Buồn quá, một hôm tôi gọi điện thoại qua Paris đánh liều làm rộn GS Phạm Hoàng Hộ hỏi xem ra sao. Ở đầu dây bên kia cách cả chục ngàn dặm, GS Hộ nghe tôi hỏi liền cất tiếng cười sang sảng như vừa tìm ra được điều gì lý thú, cho biết là tên cây Ficus glomerata đã đổi thành một tên đúng hơn là Ficus racemosa rồi, vì vậy tôi không tìm được là phải! Tuy nhiên GS Hộ khuyên tôi đọc kỹ lại đoạn nói về cây Ficus racemosa sẽ thấy cũng còn ghi tên cũ là Ficus glomerata, nhưng có điều là ghi rất nhỏ, lại để ở tận cùng nên khó thấy. Nhân tiện tôi có hỏi GS Hộ chừng nào cho tái bản bộ “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” thì GS cho biết hiện bộ sách ấy đã được bổ túc đầy đủ hơn nhiều, và sẽ in lại trong một tương lai gần với tựa đề là “Cây Cỏ Việt Nam”, bao gồm những loại cây cỏ từ Nam chí Bắc.

 

 Nghe GS Hộ nói xong tôi thở phào, vui mừng biết chắc ở Việt Nam cũng có cây Ưu Đàm, và tôi lại tin tưởng rằng những trái sung tôi hái lúc nhỏ thuộc loại Ưu Đàm chứ không phải loại sung nào khác, vì giống hệt hình vẽ trong sách của GS Phạm Hoàng Hộ!


 

 Nhưng nói đến đây, có một người bạn phàn nàn với tôi rằng: “Hoa Ưu Đàm là một loại hoa quý, thiêng liêng. Cái tên Ưu Đàm nghe hay vô cùng, nay nói nó chỉ là một trái sung nghe phàm tục quá, mất hết cả thi vị!”

 

 Với người bạn ấy, xin trả lời như sau, xin quý vị xem coi có đồng ý không nhé:


 Đành rằng trái sung là một trái thông thường, nhưng nếu biết cách cấu tạo đặc biệt của nó, và cũng nhờ đó mà biết được tại sao người ta thường lầm, cho nó là một loại trái chứ không ngờ đó là một loại hoa, thì sự hiểu biết ấy thiết tưởng cũng là một điều thú vị. Hơn nữa, nếu chúng ta biết hoa Ưu Đàm vì tính chất thiêng liêng, huyền bí của nó mà lại còn biết trong thực tế đó là loại hoa gì thì cái biết của chúng ta mới đầy đủ cả hai phương diện, như thế chẳng phải là lý tưởng hơn hay sao? Vả lại, dù thế nào đi nữa, hoa Ưu Đàm đối với chúng ta vẫn còn đầy vẻ bí ẩn. Vì sao? Vì có ai trong chúng ta đây thấy được một đóa hoa Ưu Đàm nở xòe ra ngoài trên một cây Ưu Đàm đâu. Hoa Ưu Đàm cả ngàn năm, cả vạn năm mới nở một lần, và nếu nói là hoa Ưu Đàm chỉ nở khi có một vị Phật ra đời thì phải đợi khoảng tám triệu năm nữa, khi Đức Phật Di Lặc xuất hiện mới có hoa Ưu Đàm nở! Hiện giờ chỉ có cách là chúng ta cầu xin khi chết sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì mới thấy được hoa Ưu Đàm nở trên đó thôi. Và nếu được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chúng ta sẽ thấy những bông hoa Ưu Đàm còn lạ kỳ huyền diệu hơn nữa. Hoa Ưu Đàm ở cõi Cực Lạc lớn bằng cái bánh xe, mỗi ngày sáu thời từ trên các từng trời rơi xuống như mưa, mỗi cái hoa đều có hàng ngàn hàng vạn tia hào quang tỏa ra, trong mỗi tia có một vị Phật đang ngồi tòa sen thuyết pháp. Như vậy có phải là hoa Ưu Đàm, tuy vốn là những trái sung, vẫn còn linh diệu, nên thơ và đầy chất quyến rũ đối với chúng ta hay sao?

 

(trích từ quyển Sông Mỹ Sông Việt của BS Huỳnh Hữu Cửu)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc