ĐI TÌM HẠNH PHÚC - Lama Surya Das

17 Tháng Hai 201712:00 SA(Xem: 10378)



trang_sen



ĐI TÌM HẠNH PHÚC


Lama Surya Das


 

Trong dẫy núi Hi Mã Lạp Sơn ở Nepal, nhiều thập niên trước đây, một vị lạt ma già đã kể cho tôi nghe câu truyện của Tây Tạng về một kẻ bất lương, một ngày nọ đã gặp được một vị đạo sư trên con đường mòn hẻo lánh ở trên núi như thế nào.

 


Hắn ta nhìn bộ mặt tươi cười của vị thầy, bỗng thấy một niềm an lạc dấy lên trong lòng– và rồi hắn muốn có được những gì vị thầy đang có. Hắn đòi vị thầy: “Tôi muốn có những gì thầy đang có. Thầy có châu báu nào quý giá nhất, hãy đưa cho tôi ngay!” Vị thầy vui vẻ đưa tất cả những châu báu được cúng dường trong giỏ cho tên vô lại này, nói rằng: :”Những châu báu sáng chói lộng lẫy này cũng có ích lợi đấy, nhưng cái ngươi muốn có thực sự là ở ngay trong nội tâm ngươi chứ có phải đâu xa. Và cái đó thì không ai có thể cho ngươi được đâu.”

 


Vài tháng trôi qua, tất cả châu báu đều bị tên vô lại bán hết sạch. Tên trộm bắt đầu đi tìm kiếm khắp nơi, hi vọng sẽ bắt gặp trở lại vị thầy hiền lành vui vẻ này. Cuối cùng, khi gặp được ngài rồi, hắn cúi đầu đảnh lễ và nói rằng: “Bạch thầy, bây giờ con mới hiểu những gì thầy nói: rằng không phải những của cải vật chất hay châu báu là đem lại hạnh phúc. Con xin thầy cho con cái thầy đang có đây – là sự an bình trong tâm và trí tuệ. Cầu mong thầy cho dạy cho con điều ấy!” Vị thầy bèn dạy cho hắn pháp tu tọa thiền để có sự an bình và tỉnh giác, thoát ra khỏi những tư tưởng sai lầm và những ảo tưởng. Chỉ trong vòng vài năm, hắn đã được giác ngộ; và tên trộm ngày trước, nay đã cải tà quy chánh, đã giúp đỡ cho cả làng với những lời giảng và sự cứu độ đầy trí tuệ và lòng vị tha.

 


Tôi nghĩ là mỗi người trong chúng ta đều sẽ tìm được con đường an vui thực sự và hạnh phúc lâu dài nếu chúng ta làm điều gì cho thế giới này, điều gì vừa giúp người khác vừa giúp cho bản thân chúng ta, tự lợi và lợi tha.

 


Hơn 2500 năm trước ở Ấn Độ có vị đạo sư nổi tiếng là Đức Phật Đại Bi đã được giác ngộ qua sự tu tập thiền định, với lòng từ bi trải đến khắp chúng sanh mọi loài. Ngài khuyến khích các tín đồ mỗi năm trồng một cây để vun xới nguồn sống cho đất đai. Trải qua bao nhiêu thời đại, giáo lý của ngài đã giúp cho hàng triệu người bước theo con đường của ngài tìm được hạnh phúc bền lâu, sự hòa hợp, thành tựu và chân lý. Bạn thấy không, mỗi người chúng ta đều có nơi tự thân mình cái gọi là “Phật tánh” – chúng ta được sinh ra với Phật tánh có sẵn - thể hiện bằng lòng tốt tự nhiên biết lo cho người khác, bằng tình thương cho chính mình và cho mọi người, dẫn đến hạnh phúc, sự điều hòa, an định và quân bình trong đời sống chúng ta. Đức Phật dạy chúng ta có bốn Tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả, giúp cuộc sống chúng ta có sự hài hòa và an bình. Ngài dạy rằng hạnh phúc thực sự và sự an bình trong tâm chỉ có được khi bớt nghĩ đến chính mình và những gì mình có, mà nghĩ đến người khác nhiều hơn, và đến những cách nào để có thể giúp đỡ và chia xẻ với họ nhiều hơn.

 


Những câu chuyện đạo ở Tây Tạng đã được truyền khẩu lại qua hàng bao nhiêu thế kỷ. Những lời giảng không được ghi chép lại mãi cho đến thời gian gần đây, nhưng đã được các đại sư hay các vị thầy truyền lại cho các đệ tử trẻ. Tôi nghĩ đây là một câu chuyện đạo hay, giúp chúng ta suy nghĩ và quán tưởng sâu xa hơn về vấn đề tâm linh và vật chất. Người ta không thể chỉ sống với quần áo, vóc dáng bên ngoài, tiền bạc, ăn uống ngủ nghỉ. Bạn hãy tin tôi đi, tôi đã từng làm như vậy rồi đó!



Mỗi người chúng ta đều có một món quà trời cho trong tinh thần để cống hiến cho người khác trong thế giới chung quanh; việc mỗi người chúng ta cần làm là tìm ra kho báu có sẵn trong chính mình và chia xẻ với người khác. Món quà đó có thể là tài năng sáng tạo trong nghệ thuật hay âm nhạc, khả năng lực sĩ, lòng tử tế giúp người, hay lắng nghe người khác; có biết bao món quà đủ loại chúng ta có đang chờ đợi để được chia xẻ với người khác! Đừng bỏ qua những kho báu này. Cũng giống như hơi thở ra thở vào, ta càng cho nhiều lại càng nhận được nhiều, như cách ngôn thường nói. Những gì có đi sẽ có lại; đây chỉ là quy luật chung của nghiệp báo, nhân quả.



Trong khi đang viết bài này tôi nghĩ về cô bạn Beth, người mới 12 tuổi đã đọc hết về tình trạng phá rừng phát quang, sự mất mát những cây gỗ quý trong rừng như gỗ hồng mộc và gỗ gụ. Điều đó đã gây ấn tượng mạnh cho cô bé, và khi cô đi cùng với cha mẹ mua đồ đạc trưng bầy trong phòng khách, cô đã thuyết phục họ đừng mua cái bàn gỗ gụ tuyệt đẹp họ đã chọn và giải thích lý do tại sao. Tôi nghĩ đến cô bạn Nina, từ năm lên 10 tuổi đã nhận ra rằng cô không muốn ăn thịt. Bản tính cô bé thật hiền dịu, cô luôn luôn tử tế đến những côn trùng, và tất cả các thú vật. Cho đến ngày nay, đã sáu năm qua rồi, Nina cũng chỉ đi những đôi giầy làm bằng vật liệu nhân tạo chứ không đi giầy da, và vẫn tiếp tục ăn chay. (Là người có tinh thần trách nhiệm, cô cũng đã đến tham khảo với bác sĩ để chắc chắn rằng các món ăn bằng đậu hũ vẫn nuôi cô lớn lên tốt đẹp về thể chất ). Mỗi người trong chúng ta đều có thể tìm những cách nào đó để đem lại một điều gì khác trên thế giới này – tìm một thế quân bình giữa tinh thần và vật chất - bằng cách để ý đến điều mà tôi cho là vị thầy ở bên trong chúng ta - đó là trí tuệ và tấm lòng cao quý - nhờ đó ta sẽ có được một đời sống tràn đầy đẹp đẽ sáng ngời. Chúng ta có thể tự hỏi cái gì là trí tuệ? Trí tuệ chỉ là một ý thức công minh, biết thế nào là phải là trái, và một có cảm nhận đúng đắn về cuộc sống đời thường, giúp ta nhận ra rằng tất cả mọi thứ đều có liên hệ đến chúng ta. 



Lama Surya Das


Diệu Huyền dịch



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật