
TẾT ĐOAN NGỌ
Thuở nhỏ, khi còn ở Việt Nam, bất chợt một buổi sáng
sớm tinh mơ nào đó, bị mẹ đánh thức dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt thì mẹ đã
giúi vào tay vài cái bánh ú tro, ít trái cây, đặc biệt là một chén nhỏ cơm rượu
nếp. Mẹ bắt ăn cho hết, ăn để giết “sâu bọ” trong người để tránh bịnh tật. Với
mớ thức ăn đó chỉ làm cho tôi ngán ngẩm, tôi biết ngay hôm đó là ngày tết lễ
“giết sâu bọ” mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tôi ghét cái ngày này!
Khi lớn lên, tôi được biết ngày “giết sâu bọ” còn gọi là tết
Đoan Ngọ hay “Tết Nửa Năm”, đây không chỉ là truyền thống văn hóa của dân tộc
mà nó còn là một trong những nét riêng biệt của văn hóa phương Đông. “Đoan Ngọ”
trong đó chữ “Đoan” có nghĩa là “sự mở đầu”, chữ “Ngọ” có nghĩa là “giữa trưa”
từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Đoan
Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với
ngày hạ chí; theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí của trời đất và trong
cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều ở mức độ cao nhất.
Ở
Việt Nam, theo văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Quốc
Mẫu Âu Cơ mà dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Vùng
đồng bằng Nam Bộ Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày
"Vía Bà", thờ Linh
sơn Thánh mẫu
trên núi Bà Đen. Ở các tỉnh miền Tây thuộc
Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày
"nước quay", vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến
nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục vì mang nhiều phù sa và có nhiều xoáy
nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ
hàng năm; dân gian cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều di
trú đi hết nên mới có câu thành ngữ “len lét như rắn mồng năm”.
Trung Hoa và Đại Hàn cũng có ăn tết Đoan Ngọ. Ở Trung Hoa tết
Đoan Ngọ có nhiều tên gọi khác như Đoan Ngũ, Đoan Dương, Đoan tiết, Trùng Ngũ,
Trùng Ngọ, Ngũ nguyệt ngũ, Ngũ nguyệt tiết, Thiên Trung Tiết,… Về nguồn gốc Tết
Đoan Ngọ ở Trung Hoa thì không thể xác thực được, vì tại nhiều địa phương khác
nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Khuất Nguyên,
Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Tào Nga, Trần Lâm… Nhưng nguồn gốc ngày tết Đoan Ngọ được nhiều người Trung
Quốc cho là ngày mất của Khuất Nguyên, là một vị đại thần của nước Sở thời
Chiến Quốc. Ông là vị trung thần, là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung
Quốc. Do can ngăn vua không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo
mình xuống sông Mịch La tự vẫn đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nên mỗi năm đến
ngày này, người dân lại làm bánh, chèo thuyền ra sông và ném bánh xuống cúng
Khuất Nguyên.
Ở Đại Hàn, ngày 5 tháng 5 là ngày lễ Dano hay còn gọi là
Suritnal - có nghĩa là Ngày dài hay ngày của Trời. Ngày này người ta làm bánh
Suritteok và Yaktteok có hình tròn với nguyên liệu cũng từ bột gạo và lá cây ngải
cứu. Phụ nữ thường gội đầu bằng thảo mộc, nam giới quấn rễ cây quanh người để
trừ tà. Tết Đoan Ngọ ở Đại Hàn là để tưởng nhớ một vị tướng tên Gulwon thời vua
Hwe, triều đại Cho Sun thế kỷ 13, bị địch bắt và tuẫn tiết vào ngày mùng 5
tháng 5 để giữ khí tiết trung quân. Như vậy thì tết Đoan Ngọ ở Đại Hàn mãi từ
thế kỷ 13 mới bắt đầu có.
Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ
trước khi xảy ra câu chuyện của Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, hoặc Khuất
Nguyên,… nó xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người
Bách Việt, Lạc Việt tổ tiên của chúng ta, nên không thể cho rằng Tết
Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng
như hiện nay. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Tú
Mỡ từng viết rằng:
“Cái cụ Khuất bên Tàu
Chết từ hồi tam tổ
Có quan hệ gì ta
Mà sao phải ăn giỗ?”
Nguồn gốc của ngày giữa năm tức mồng 5 tháng 5 chính là theo
một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông
nghiệp; theo đó một năm bắt đầu từ tháng Tý là tháng lạnh nhất và đến giữa năm
là tháng Ngọ là tháng nóng nhất. Tháng Tý ứng vào tháng 11 theo âm lịch hiện
nay đang sử dụng. Nhưng nếu tính theo lịch của người Bách Việt xưa thì tháng
này gọi là tháng Một, tháng 12 âm lịch gọi là tháng Chạp, tháng 1 âm lịch gọi
là tháng Giêng. Cách gọi này của người Việt cổ vẫn còn được sử dụng trong dân
gian và theo cách tính này thì ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 là ngày giữa
năm, ngày nóng nhất trong năm. Nếu theo cách tính của âm lịch như Trung Quốc mà
nhiều nước đang dùng hiện nay thì tháng đầu năm là tháng Dần tức tháng 1 âm
lịch. Như vậy đến giữa năm phải là tháng Mùi là tháng 6 âm lịch chứ không phải
là tháng Ngọ như lịch của người Bách Việt.
Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã tiếp nhận đa
phần văn hóa Trung Hoa, do chính quyền đô hộ thực hiện chính sách “đồng hóa”,
một số phong tục, tập quán của người Việt bị bắt phải bỏ hoặc thay đổi cho phù
hợp với văn hóa Hán. Nhà nghiên cứu văn hoá W. Eberhard nhận định rằng: “Đoan
ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a
Southern festival, lucky festival or festival of the living). Hội Dân tộc học
Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tết Đoan Ngọ là cống hiến to lớn của người Bách
Việt đối với văn hóa Trung Hoa”. Do đó nói Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ văn minh
Bách Việt là chính xác. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp
phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Người Hán muốn đồng hoá người Bách Việt
phương nam, nhưng chính người Hán lại tiếp nhận và hưởng ứng tập tục tết Đoan
Ngọ.
Với người Việt xưa, Tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời
tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, cho nên gọi tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu
bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương. Cũng có nơi còn gọi ngày tết Đoan
Ngọ là ngày lễ Hạ Điền hay lễ diệt sâu bọ. Việt Nam vốn là một nước nông
nghiệp, vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, nông dân tổ chức lễ hội ở đình làng cúng tế
cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cũng là ngày lễ diệt sâu
bọ phá hại mùa màng. Nhưng dù là giết “sâu bọ” trong người hay diệt sâu bọ cho
mùa màng đều là tập tục hay của người Việt.
Dịp Tết Đoan
Ngọ, người Việt có tục lệ kiêng ăn món nóng. Ngoài trái cây như mận, những thực
phẩm có tính hàn rất được ưa chuộng như thịt vịt. Nhưng do tính âm hàn quá
nhiều nên món vịt dễ khiến người tiêu hóa kém bị lạnh bụng, khó tiêu và vì thế
mà gừng là loại gia vị nhất định phải đi kèm. Món ăn đơn giản và phổ biến nhất
trong những mâm cơm cúng Đoan Ngọ là con vịt luộc cùng chén nước mắm gừng cay,
làm cho món ăn thêm nồng nàn.
Các món làm từ nếp như xôi, cơm rượu, rượu nếp, chè đậu xanh, chè kê cũng
không thế thiếu trong ngày này. Theo Đông y xưa, nếp, kê hay đậu xanh đều là
những thực phẩm ngon ngọt, lành tính. Ăn xôi là cách để bồi bổ sức lực, còn kê
được xem như chất trợ lực cho tiêu hóa, trong khi đậu xanh lại giúp giải nhiệt
cơ thể hữu hiệu.
Cơm rượu nếp được bán rất nhiều trong ngày Tết Đoan Ngọ. Chỉ
cần ngửi mùi cơm rượu thôi cũng đã đủ lâng lâng, ngây ngất bởi cái mùi thơm
nồng, bởi mùi men cay khiến ta phải mê mẩn. Cơm nếp dễ nấu nhưng để biến hóa nó
thành thứ cơm rượu vừa ngon lại vừa “giết sâu bọ” được cần phải có một loại men
rượu đặc biệt. Nếu chọn phải loại men không ngon, không đủ ngày chắc chắn cơm
rượu sẽ bị sượng, không ngấm và sẽ chẳng có vị vừa thơm ngọt, cay tê đầu lưỡi
khi thưởng thức.
Bánh ú tro nhỏ xíu, trong vắt, vàng óng như mật là món
ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một
số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú, bánh
gio, bánh âm tuỳ theo địa phương. Sở dĩ có tên gọi là bánh tro vì nước để ngâm gạo làm
bánh và nấu bánh đều được lắng từ nước tro đốt cây mùa hè. Bánh
tro mang hình chóp tam giác, có cả loại có nhân ngọt hoặc nhân mặn hoặc không
nhân, khi ăn với đường mật, dù một lần, cũng sẽ khiến mọi người phải nhớ mãi
thứ bánh dân dã này. Bánh tro được bán nhiều trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ông cha
ta từ xưa luôn tin rằng khi ăn bánh tro, hoa quả và rượu nếp vào mùa hè oi bức,
bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Mỗi món ăn trong ngày tết
Đoan Ngọ không những được lựa chọn qua nhiều kinh nghiệm sống, mà nó còn ẩn
chứa một triết lý âm - dương sâu sắc.
(hoang nam son)